ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10/CT-UBND |
Ninh Thuận, ngày 02 tháng 07 năm 2019 |
CHỈ THỊ
TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN
Thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh đã từng bước được kiện toàn về tổ chức, nâng cao chất lượng từ tỉnh đến cơ sở, góp phần quan trọng để chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước thực sự đi vào cuộc sống, đi vào ý thức, hành động của từng chủ thể trong xã hội. Tuy nhiên, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại những hạn chế như: một số cơ quan, đơn vị và địa phương trong chỉ đạo, tham mưu và triển khai tổ chức thực hiện còn hình thức, chưa quyết liệt, thường xuyên, liên tục; chưa quan tâm bố trí cán bộ, công chức có năng lực, trình độ chuyên môn phù hợp để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác; chất lượng triển khai văn bản pháp luật của đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh và cấp huyện còn thấp; nhận thức và ý thức tự giác tìm hiểu, chấp hành pháp luật của một bộ phận cán bộ và nhân dân còn hạn chế; nội dung, hình thức, phương pháp, kỹ năng tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa thực sự thu hút, thiếu sáng tạo và khó khăn về kinh phí trong quá trình triển khai các Chương trình, Đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật đã ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả của công tác này.
Để tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, đảm bảo triển khai có hiệu quả Luật phổ biến, giáo dục pháp luật và hoàn thành Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021 (ban hành kèm theo Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ), gắn với tiếp tục triển khai đồng bộ, có hiệu quả Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:
1. Các Sở, Ban, ngành, Hội, đoàn thể tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố (viết tắt là cơ quan, đơn vị, địa phương):
a) Tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các huyện, thành phố trong chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các Chương trình, Kế hoạch, Đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật tại cơ quan, đơn vị và địa phương, nhất là các Đề án theo Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021, ban hành kèm theo Quyết định số 705/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục chỉ đạo triển khai, quán triệt Luật phổ biến, giáo dục pháp luật và các văn bản có liên quan nhằm nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp về ý nghĩa, vai trò của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; hình thành thói quen chủ động học tập, tự giác tuân thủ, chấp hành pháp luật trong cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Chú trọng nghiên cứu đổi mới hình thức, cách thức, phương pháp, nội dung tuyên truyền, phổ biến bảo đảm phù hợp với từng nhóm đối tượng và tình hình thực tế, đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, có kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm; tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật tại các địa bàn thường xuyên xảy ra tranh chấp, vi phạm pháp luật, khiếu nại, tố cáo, nhất là khiếu nại, tố cáo phức tạp, đông người, kéo dài. Tích cực nghiên cứu, khai thác triệt để ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; đẩy mạnh hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng. Kết hợp chặt chẽ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, bảo đảm chính sách, pháp luật của Nhà nước được tổ chức thực thi nghiêm túc, hiệu quả, nhất là trong các lĩnh vực quản lý đất đai, tài nguyên và môi trường, giải quyết khiếu nại tố cáo.
b) Bố trí, sắp xếp hợp lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm phù hợp về trình độ và vị trí công tác; tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của Báo cáo viên pháp luật tỉnh và cấp huyện.
c) Duy trì nghiêm túc và tiếp tục nâng cao chất lượng mô hình sinh hoạt Ngày Pháp luật tại cơ quan, đơn vị, địa phương; chủ động lựa chọn nội dung phổ biến pháp luật trong sinh hoạt Ngày Pháp luật, chú trọng giới thiệu các văn bản pháp luật mới được ban hành, các văn bản có liên quan trực tiếp đến phạm vi, lĩnh vực quản lý nhà nước của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương. Sinh hoạt Ngày Pháp luật được tổ chức định kỳ mỗi tháng một lần vào sáng thứ 2 tuần đầu tiên của tháng với thời lượng từ 30 đến 45 phút; trường hợp không thể tổ chức sinh hoạt Ngày Pháp luật vào sáng thứ 2 tuần đầu tiên của tháng thì tổ chức vào một buổi khác trong tháng, đảm bảo mỗi tháng phải tổ chức được một buổi sinh hoạt Ngày Pháp luật tại cơ quan, đơn vị, địa phương. Chủ động nghiên cứu và tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật hàng năm theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 28/2013/NĐ-CP ngày 04/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật phổ biến, giáo dục pháp luật và tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị, địa phương nhưng phải đảm bảo có hoạt động, thiết thực, hiệu quả, tránh qua loa, hình thức, làm để đối phó. Khuyến khích cơ quan, đơn vị, địa phương có cách làm sáng tạo trong triển khai sinh hoạt Ngày Pháp luật và tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật (ngày 09 tháng 11).
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm chỉ đạo và kết quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, phòng ban trực thuộc và Ủy ban nhân dân cấp xã trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý cũng như duy trì nghiêm túc và triển khai thực hiện có hiệu quả các mô hình sinh hoạt Ngày Pháp luật và tổ chức các hoạt động thiết thực để hưởng ứng Ngày Pháp luật hàng năm.
2. Sở Tư pháp
a) Thường xuyên rà soát, kịp thời tham mưu củng cố, kiện toàn Hội đồng Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) tỉnh và đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh; theo dõi, hướng dẫn cấp huyện trong việc củng cố, kiện toàn Hội đồng PBGDPL cấp huyện, đội ngũ Báo cáo viên pháp luật cấp huyện, nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ hòa giải, đội ngũ hòa giải viên và lực lượng tuyên truyền viên pháp luật, bảo đảm đúng tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu về chất lượng và hiệu quả công tác.
b) Hàng năm, chủ động tham mưu Hội đồng PBGDPL tỉnh trong việc định hướng, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật; theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, tổng hợp và đánh giá khách quan, đúng thực trạng về kết quả triển khai thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch về phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh. Kịp thời, khách quan trong việc tổng hợp, phát hiện và đề xuất biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, có cách làm sáng tạo đem lại hiệu quả cao trong thực hiện các nhiệm vụ về phổ biến, giáo dục pháp luật.
c) Tiếp tục nghiên cứu, tập trung tham mưu triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hướng về cơ sở; đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý, nhất là trợ giúp pháp lý lưu động ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, trợ giúp pháp lý cho người nghèo, người có công và các đối tượng chính sách khác theo quy định của pháp luật. Tham mưu triển khai có hiệu quả Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật; Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2019-2021” trên địa bàn tỉnh. Tập trung hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc các huyện, thành phố trong việc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đảm bảo quy trình và tiến độ theo Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 08/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
d) Tiếp tục theo dõi, hướng dẫn việc thực hiện nội dung sinh hoạt Ngày Pháp luật định kỳ; nghiên cứu, đề xuất tham mưu triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật (09/11) hàng năm trên địa bàn tỉnh đảm bảo thiết thực, hiệu quả, sinh động, đa dạng và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Kịp thời phát hiện và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh chấn chỉnh đối với cơ quan, đơn vị, địa phương chưa chấp hành nghiêm việc tổ chức sinh hoạt Ngày Pháp luật và các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật theo quy định. Chú trọng tham mưu tổ chức bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, hòa giải viên, tuyên truyền viên pháp luật, để nâng cao hiệu quả và đáp ứng yêu cầu trong thực hiện nhiệm vụ.
3. Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai; trong đó, tập trung vào các nội dung liên quan đến công tác thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; tổ chức đối thoại với người dân tại cơ sở, địa bàn có dự án để tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật về đất đai, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn.
4. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Thuận chủ động xây dựng, làm mới các chương trình, chuyên trang, chuyên mục về phổ biến, giáo dục pháp luật trên phương tiện thông tin đại chúng, trên Cổng/Trang Thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị, địa phương.
5. Sở Tài chính căn cứ quy định pháp luật hiện hành và điều kiện thực tế của tỉnh, chủ động tham mưu phân bổ kinh phí cho ngân sách các cấp để đảm bảo hoạt động cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
6. Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh, Công an tỉnh và các cơ quan trực thuộc Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh chỉ đạo hệ thống các cơ quan trực thuộc, cán bộ, công chức, viên chức căn cứ chỉ đạo của cơ quan cấp trên và Chỉ thị này, tổ chức các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật hưởng ứng Ngày Pháp luật phù hợp, hiệu quả.
7. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân; thực hiện tốt công tác vận động tổ chức, cá nhân và nhân dân địa phương tôn trọng, chấp hành pháp luật, tham gia và hỗ trợ hoạt động tuyên truyền, hoạt động tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý.
8. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố (đồng thời là Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các huyện, thành phố):
a) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở, các loại hình tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý; hoạt động xét xử, phong trào phát động, văn hóa, văn nghệ, Hội thi tìm hiểu pháp luật, sinh hoạt các câu lạc bộ; thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn rà soát, củng cố, kiện toàn và tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ Báo cáo viên pháp luật, các Tổ hòa giải, đội ngũ hòa giải viên cơ sở và lực lượng tuyên truyền viên pháp luật; chú trọng hướng dẫn địa phương về hòa giải ở cơ sở, kịp thời giải quyết tốt các mâu thuẫn, tranh chấp, khiếu kiện trong nội bộ nhân dân.
b) Tập trung triển khai và tổ chức thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; chịu trách nhiệm chỉ đạo và thực hiện đảm bảo quy trình, tiến độ cũng như kết quả đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý theo Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 08/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 07/2017/TT-BTP ngày 28/7/2017 của Bộ Tư pháp, quy định về điểm số, hướng dẫn cách tính điểm các chỉ tiêu tiếp cận pháp luật, Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật và một số nội dung về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
c) Phân bổ hợp lý và đảm bảo kinh phí phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là đối với cấp xã; sử dụng có hiệu quả kinh phí cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên cơ sở nguồn kinh phí được giao; nghiên cứu, đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; lồng ghép sử dụng kinh phí tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong quá trình triển khai thực hiện các Chương trình, Đề án khác đảm bảo phù hợp, đúng quy định.
d) Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện để kịp thời chấn chỉnh, rút kinh nghiệm và đề ra các giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương; chú trọng phát hiện và kịp thời khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, điển hình trong thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
9. Định kỳ 06 tháng, hàng năm, các cơ quan, đơn vị, địa phương báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị này lồng ghép trong Báo cáo công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và gửi về Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Tư pháp) để theo dõi, chỉ đạo.
Chỉ thị này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành và thay thế Chỉ thị số 26/CT-UBND ngày 22/11/2016 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Trong quá trình thực hiện, trường hợp có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời phản ánh về Sở Tư pháp để theo dõi, tổng hợp, báo cáo và đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo giải quyết./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN |
Chỉ thị 10/CT-UBND năm 2019 về tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận
Số hiệu: | 10/CT-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Tỉnh Ninh Thuận |
Người ký: | Lê Văn Bình |
Ngày ban hành: | 02/07/2019 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Chỉ thị 10/CT-UBND năm 2019 về tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận
Chưa có Video