BỘ
CÔNG AN
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
09/CT-BCA-V28
|
Hà
Nội, ngày 01 tháng 11
năm 2016
|
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC DÂN VẬN CỦA LỰC LƯỢNG CÔNG AN NHÂN DÂN TRONG
TÌNH HÌNH MỚI
Qua 15 năm triển khai, thực hiện Chỉ
thị số 13/2001/CT-BCA ngày 11/10/2001 của Bộ trưởng Bộ Công an về “Tăng cường
công tác dân vận của lực lượng Công an nhân dân”, công tác dân vận của lực lượng
Công an nhân dân đã đạt được những kết quả quan trọng: Nhận thức, tinh thần
trách nhiệm của cán bộ, chiến sỹ về công tác dân vận được nâng cao hơn trước; việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, công tác cải cách hành
chính, thanh tra, kiểm tra được tăng cường và từng bước đổi mới; phong trào thi
đua “Dân vận khéo” trong lực lượng Công an nhân dân ngày càng phát triển, nhiều
mô hình, điển hình tiên tiến được biểu dương và nhân rộng; công tác phối hợp với
các bộ, ban, ngành, đoàn thể được đẩy mạnh; công tác xã hội, từ thiện được duy trì với nhiều hình thức phong phú, đa dạng,...
góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, công tác dân vận của lực
lượng Công an nhân dân vẫn còn một số tồn tại; hạn chế: Việc
triển khai, thực hiện công tác dân vận ở một số nơi còn mang tính hình thức; nội
dung, hình thức tuyên truyền vận động quần chúng chưa phù hợp, hiệu quả chưa
cao; việc kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện chưa thường
xuyên, kịp thời; việc phối hợp giữa lực lượng Công an nhân
dân với các bộ, ban, ngành, đoàn thể có nơi, có lúc còn thiếu thống nhất; công
tác nắm tình hình, giải quyết các vụ việc phức tạp tại chỗ còn hạn chế, một số
tâm tư, nguyện vọng, bức xúc của nhân dân chưa được giải
quyết kịp thời, dứt điểm; việc xây dựng và nhân rộng điển hình “Dân vận khéo”
còn hạn chế; lực lượng chuyên trách còn thiếu và yếu đã ảnh hưởng đến chất lượng
công tác dân vận của lực lượng Công an nhân dân. Nguyên nhân chủ yếu của những
tồn tại hạn chế trên là do cấp ủy, thủ trưởng Công an một số đơn vị, địa phương
chưa quan tâm đúng mức đến công tác dân vận, một số cán bộ chiến sỹ chưa nhận thức đầy đủ vị trí, nội dung của công tác này.
Để thực hiện Nghị quyết Đại hội đại
biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 16/5/2016 của
Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan
hành chính Nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới”,
Bộ trưởng Bộ Công an yêu cầu Công an
các đơn vị, địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:
1. Tiếp tục quán triệt,
thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của
Nhà nước về công tác dân vận, trọng tâm là: Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày
03-6-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới
sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; Chỉ thị số
46-CT/TW, ngày 22-6-2015 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo
của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới”; Kết luận
số 120-KL/TW, ngày 07-01-2016 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao
chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”; Chỉ
thị số 09-CT/TW, ngày 01-12-2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về
“Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ
quốc trong tình hình mới” và Nghị định số 06/2014/NĐ-CP, ngày 21/01/2014 của
Chính phủ về biện pháp vận động quần chúng bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật
tự, an toàn xã hội.
Tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ
trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận thành
những quy định cụ thể về trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân
dân của cán bộ, chiến sỹ Công an để nhân dân biết, giám
sát việc thực hiện.
2. Cấp ủy, lãnh đạo,
chỉ huy Công an các cấp tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận,
coi đây là nền tảng cho mọi công tác của lực lượng Công an nhân dân. Tiếp tục
giáo dục, bồi dưỡng nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sỹ về vị trí, vai trò,
mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ của công tác dân vận và làm tốt công tác này
trong công tác, chiến đấu và sinh hoạt. Tiếp tục nghiên cứu, quán triệt quan điểm
“Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; nhân dân là chủ,
nhân dân làm chủ”, xây dựng và thực hiện phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu
dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân
tin” trong Công an nhân dân. Khi đề ra chủ trương, biện pháp công tác phải lấy
mục tiêu phục vụ nhân dân, hợp lòng dân, bảo vệ lợi ích hợp pháp của nhân dân,
tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia nhiều hơn, tốt hơn, trực tiếp, hiệu
quả hơn vào nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng Công an nhân
dân.
3. Đẩy mạnh phong
trào thi đua “Dân vận khéo” trong lực lượng Công an nhân dân gắn với thực hiện
Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và
làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, các cuộc vận động, các
phong trào thi đua yêu nước khác. Làm tốt công tác phối hợp với các bộ, ban,
ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện công tác dân vận;
coi trọng công tác sơ kết, tổng kết, thi đua, khen thưởng, biểu dương và nhân rộng
các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trong lực lượng Công ân nhân dân;
4. Tăng cường và đổi
mới việc thực hiện các quy định về thực hiện dân chủ, công khai,; minh bạch
trong quản lý, điều hành ở các cấp Công an; tiếp tục thực hiện cải cách hành
chính, tập trung cải tiến quy trình công tác, lề lối làm việc, bảo đảm mọi công
việc đều được tiếp nhận và giải quyết nhanh chóng, đúng quy định của pháp luật
và theo hướng phục vụ ngày càng tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo; tổ chức
hiệu quả diễn đàn “Công an lắng nghe ý kiến nhân dân”; phát hiện kịp thời và xử
lý nghiêm những cán bộ; chiến sĩ có hành vi cửa quyền, tham nhũng, lãng phí,
gây phiền hà cho nhân dân, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.
5. Tiếp tục đổi mới
nội dung, hình thức, phương pháp công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ
an ninh Tổ quốc bảo đảm thiết thực, phù hợp với từng lĩnh vực, địa bàn, đối tượng.
Tập trung vận động, tập hợp nhân dân tích cực tham gia phòng, chống tội phạm,
phòng, chống ma túy, phòng, chống mua bán người; cung cấp tin báo, tố giác tội
phạm; giao nộp vũ khí, vật liệu nổ; chấp hành, giữ gìn trật tự, an toàn giao
thông, phòng cháy và chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; quản lý, giáo dục, cảm hóa người
vi phạm pháp luật tại cộng đồng dân cư, người chấp hành xong án phạt tù tái hòa
nhập cộng đồng; vận động đối tượng phạm tội tự thú, khai báo. Xây dựng và phát
triển các cơ chế tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải trong cộng đồng dân
cư; xây dựng khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường
đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự”; lựa chọn; xây dựng, nhân rộng những
mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Gắn kết phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc với các cuộc vận động, các
phong trào cách mạng: “Xây dựng, chỉnh đốn Đảng”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng
nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”,
“Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”,...
6. Thực hiện nghiêm
túc, hiệu quả chủ trương tăng cường lực lượng trực tiếp chiến đấu, hướng về cơ
sở; chủ động phối hợp giải quyết kịp thời những mâu thuẫn, bức xúc của nhân dân
liên quan đến an ninh, trật tự ngay tại cơ sở. Bố trí ổn định lực lượng chuyên
trách làm công tác dân vận, bảo đảm đủ số lượng, có kiến thức, trình độ, năng lực
làm công tác dân vận, nắm vững pháp luật, phong cách làm việc gần dân, trọng
dân, có văn hóa ứng xử đúng mực và luôn có tinh thần trách nhiệm vì nhân dân phục
vụ. Quan tâm và chăm lo hoạt động của các đoàn thể quần chúng trong Công an
nhân dân. Các Trường Công an nhân dân nghiên cứu, bổ sung chương trình, nội
dung giảng dạy, bồi dưỡng chuyên đề công tác dân vận cho phù hợp với từng bậc học.
7. Các cơ quan thông
tin tuyên truyền trong Công an nhân dân tăng cường công tác tuyên truyền, biểu
dương gương người tốt việc tốt, việc tốt, những mô hình, điển hình tiên tiến về
công tác dân vận. Chú trọng thực hiện công tác từ thiện với hình thức phong
phú, đa dạng, thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”,
góp phần tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa lực lượng Công an với nhân dân.
8. Thủ trưởng Công
an các đơn vị, địa phương chỉ đạo tổ chức triển khai, thực hiện nghiêm Chỉ thị
này, thường xuyên báo cáo kết quả thực hiện công tác dân vận về Bộ; 6 tháng và
01 năm báo cáo chuyên đề thực hiện công tác dân vận gửi qua Tổng cục Chính trị
và V28 để tổng hợp báo cáo lãnh đạo Bộ.
Giao Cục V28 chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan giúp lãnh đạo
Bộ Công an hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc Công an các đơn
vị, địa phương thực hiện và định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm
việc thực hiện Chỉ thị này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng
(để báo cáo);
- Ban Dân vận Trung ương (để báo cáo);
- Văn phòng Chính phủ (để báo cáo);
- Các đồng chí Thứ trưởng (để chỉ đạo);
- Công an các đơn vị, địa phương (để thực hiện);
- Lưu: VT, V28.
|
BỘ TRƯỞNG
Thượng tướng Tô Lâm
|