ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/CT-UBND |
Cần Thơ, ngày 26 tháng 9 năm 2022 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC
Thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 29 tháng 12 năm 2021 của Thành ủy Cần Thơ về “Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ giai đoạn 2020 - 2025”; Chương trình số 07/CTr-UBND ngày 01 tháng 4 năm 2022 của Ủy ban nhân dân thành phố về hành động thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Cần Thơ và thực hiện khâu đột phá phát triển nguồn nhân lực theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025; thời gian qua, công tác quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức (viết tắt là CBCCVC) của thành phố đã có những chuyển biến tích cực. Qua đó góp phần hoàn thiện, nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất, trách nhiệm của đội ngũ CBCCVC, đáp ứng nhu cầu trong xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội của thành phố.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực vẫn còn một số bất cập, tình hình quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng (viết tắt là ĐTBD) ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn thiếu tính chặt chẽ, vẫn còn hiện tượng đào tạo mang tính tự phát, việc cử đào tạo, bồi dưỡng chưa theo sát vị trí việc làm (viết tắt là VTVL) gây lãng phí thời gian, kinh phí và hiệu quả sử dụng sau khi đào tạo, thậm chí ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương mất cân đối giữa ngành, lĩnh vực chuyên môn được đào đạo, dẫn đến tình trạng vừa thừa, vừa thiếu nhân lực có trình độ chuyên môn cao đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác quy hoạch ĐTBD CBCCVC của thành phố, phát huy hiệu quả công tác quản lý ĐTBD gắn với VTVL, sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí ĐTBD và nhân lực sau khi được ĐTBD; tạo tính đột phá phát triển nguồn nhân lực thành phố trong thời gian tới; đồng thời, phát huy mặt mạnh, khắc phục các mặt hạn chế trong thời gian vừa qua, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu:
1. Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:
a) Tổ chức quán triệt và phổ biến Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Cần Thơ; Chương trình số 07/CTr-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố đến CBCCVC và người lao động thuộc thẩm quyền, tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức trong cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, các cấp về yêu cầu nhiệm vụ của công tác ĐTBD và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố Cần Thơ;
b) Khẩn trương khắc phục tồn tại, hạn chế để tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác quy hoạch, quản lý ĐTBD CBCCVC; không để phát sinh trường hợp đào tạo tự phát, không phù hợp VTVL; căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, các cơ quan, đơn vị và địa phương thực hiện tốt công tác quy hoạch, xây dựng kế hoạch ĐTBD đội ngũ CBCCVC gắn với kết quả đánh giá cán bộ, bảo đảm tính dân chủ, công khai, minh bạch, hiệu quả trong quy hoạch ĐTBD CBCCVC và sự thống nhất của cấp ủy cơ quan, đơn vị; quy hoạch ĐTBD phải đảm bảo trọng tâm, trọng điểm, trên cơ sở điều kiện tiêu chuẩn cán bộ, tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức, VTVL và nguồn cán bộ quy hoạch... nhằm góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thành phố đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ theo tinh thần Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Cần Thơ;
c) Trên cơ sở định hướng ngành, nghề và lĩnh vực phát triển của thành phố; chú trọng đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, đào tạo chuyên sâu những ngành, lĩnh vực phù hợp định hướng phát triển thành phố; quy hoạch ĐTBD gắn với quy hoạch VTVL và chức danh lãnh đạo quản lý; khi cử CBCCVC đi ĐTBD phải căn cứ theo nhu cầu chức năng, nhiệm vụ và nhu cầu xây dựng, phát triển nguồn nhân lực của cơ quan, đơn vị; đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn của đối tượng được cử đi ĐTBD theo quy định của pháp luật (thời gian công tác, độ tuổi, khả năng quy hoạch phát triển, cam kết thời gian phục vụ sau khi được đào tạo,...); chuyên ngành đào tạo phải phù hợp với VTVL hoặc dự kiến định hướng quy hoạch vị trí, chức danh cán bộ và được cơ quan có thẩm quyền thống nhất chuyên ngành đào tạo trước khi tham dự tuyển sinh (đối với trường hợp cử đào tạo trong giờ hành chính);
Luân phiên, phân kỳ họp lý số lượng CBCCVC cử đi ĐTBD hàng năm/biên chế/số lượng người làm việc, tạo sự cân đối, hợp lý trong việc bố trí CBCCVC thực hiện nhiệm vụ cơ quan và thực hiện nhiệm vụ nâng cao trình độ, ưu tiên cử CBCCVC là nữ, người dân tộc thiểu số; tránh trùng lặp việc cử tham gia các khoá ĐTBD/cùng thời gian; đảm bảo gắn liền công tác quy hoạch với sử dụng, phân công, bố trí sau đào tạo.
d) Công tác quản lý, cử CBCCVC đi học:
- Cơ quan, đơn vị có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để CBCCVC tham gia tốt khóa học. CBCCVC đi học tập trung, dài hạn phải bàn giao nhiệm vụ trước khi cử đi học;
- Việc chọn cử CBCCVC đi học phải đúng đối tượng, theo từng tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức và yêu cầu cụ thể của từng loại lớp học để tạo điều kiện cho CBCCVC luân phiên nhau được cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực chuyên môn của CBCCVC thuộc phạm vi quản lý. Tăng cường thực hiện xã hội hoá trong ĐTBD CBCCVC, góp phần xây dựng đội ngũ CBCCVC có đủ trình độ, kỹ năng, đáp ứng nhu cầu thực thi nhiệm vụ thời kỳ hội nhập quốc tế và phát triển vững bền của thành phố;
- Đối với trường hợp đã được quy hoạch đào tạo, nhưng không tham dự tuyển sinh mà không có lý do chính đáng, cơ quan, đơn vị không quy hoạch ĐTBD ở năm liền kề. Kết quả ĐTBD là cơ sở cho việc tham vấn, xem xét mức độ hoàn thành nhiệm vụ để đánh giá CBCCVC, xét thi đua hàng năm, nâng bậc lương trước hạn, bổ nhiệm (nếu có). Trong cùng một thời điểm, cơ quan, đơn vị chỉ được cử CBCCVC tham gia một lớp ĐTBD;
- Trường hợp CBCCVC không thuộc diện quy hoạch đào tạo của cơ quan, nhưng có nguyện vọng học chuyên ngành phù hợp với công việc đang làm, tùy tình hình nhân lực của cơ quan, đơn vị để xem xét quyết định cho đi học, kinh phí tự túc;
- Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách đối với CBCCVC đi học.
đ) Quản lý và sử dụng CBCCVC sau đào tạo:
- Sau khi hết thời gian được cử đào tạo, CBCCVC báo cáo kết quả học tập cho Thủ trưởng cơ quan, đơn vị được biết để bố trí công tác sau đào tạo;
- Căn cứ ngành, nghề được đào tạo và nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có trách nhiệm bố trí công việc phù hợp với nhiệm vụ chuyên môn ngành nghề được đào tạo, để phát huy hiệu quả đào tạo; tránh bố trí nhiệm vụ không phù hợp gây lãng phí thời gian và kinh phí đào tạo;
- Hàng năm, cơ quan, đơn vị theo dõi, nhận xét CBCCVC sau đào tạo để phối hợp với Sở Nội vụ đánh giá tính hiệu quả CBCCVC sau ĐTBD.
2. Đối với cán bộ, công chức, viên chức
a) Mỗi CBCCVC căn cứ vào nhu cầu, khả năng, điều kiện, hoàn cảnh thực tế để lựa chọn đúng các hình thức, cách thức, phương pháp học tập phù hợp; ngoài việc học tập ở trường, ở lớp, khuyến khích CBCCVC thường xuyên tự học trên sách báo, tạp chí chuyên ngành, học trực tuyến trên các nền tảng kỹ thuật số, học tập ngay trong lao động, học tập những tổ chức, những đơn vị tiên tiến, những tấm gương người tốt, việc tốt, người tử tế, việc tử tế. Học lẫn nhau trong từng gia đình, cơ quan, đơn vị, tổ chức... để tiếp thu mặt tốt, tích cực, tiến bộ, đồng thời phòng, chống những mặt xấu, tiêu cực;
b) Khuyến khích CBCCVC nâng cao “trách nhiệm học” và “học có trách nhiệm” để nâng cao kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ, phương pháp làm việc, kinh nghiệm điều hành và xử lý công việc hiệu quả theo VTVL;
c) CBCCVC được cử đi ĐTBD phải chấp hành tốt nội quy, quy chế và chịu sự quản lý của các cơ sở đào tạo trong thời gian tham gia khóa học và phải đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ học tập theo thời gian quy định của khoá học;
d) Trong thời gian được cử đi dự các khóa ĐTBD, CBCCVC được hưởng các chế độ theo quy định; được tính thời gian ĐTBD vào thời gian công tác liên tục;
đ) Sau khi kết thúc khóa học, CBCCVC có nhiệm vụ báo cáo với Thủ trưởng cơ quan, đơn vị về kết quả học tập để thủ trưởng cơ quan, đơn vị được biết và bố trí công tác sau đào tạo;
e) CBCCVC không hoàn thành nhiệm vụ học tập hoặc vi phạm cam kết về thời gian thực hiện nhiệm vụ công vụ và hoạt động nghề nghiệp, thực hiện đền bù chi phí đào tạo và các chi phí khác theo quy định pháp luật.
3. Sở Nội vụ có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện việc quản lý, quy hoạch cử CBCCVC đi học; thống nhất chuyên ngành đào tạo trước khi CBCCVC dự tuyển sinh. Đồng thời, tham mưu trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành kế hoạch ĐTBD CBCCVC hàng năm.
4. Sở Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện tốt các chế độ quản lý kinh phí ĐTBD theo quy định.
Chỉ thị này thay thế Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 16 tháng 8 năm 2013 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc tăng cường công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Yêu cầu Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan ban, ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức triển khai và chỉ đạo đơn vị thuộc phạm vi quản lý thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN |
Chỉ thị 06/CT-UBND năm 2022 về tăng cường công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức do thành phố Cần Thơ ban hành
Số hiệu: | 06/CT-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Thành phố Cần Thơ |
Người ký: | Trần Việt Trường |
Ngày ban hành: | 26/09/2022 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Chỉ thị 06/CT-UBND năm 2022 về tăng cường công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức do thành phố Cần Thơ ban hành
Chưa có Video