ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/CT-UBND |
Gia Lai, ngày 04 tháng 02 năm 2016 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ, SỬ DỤNG BIÊN CHẾ, SỐ LƯỢNG NGƯỜI LÀM VIỆC TRONG CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH, ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP VÀ CÁC TỔ CHỨC HỘI
Trong những năm qua, các Sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh; các huyện, thị xã, thành phố; các đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh và các tổ chức Hội được giao biên chế (sau đây gọi tắt là các cơ quan, đơn vị, tổ chức) đã cơ bản thực hiện tốt các quy định của cấp trên về quản lý, sử dụng biên chế, số lượng người làm việc và chỉ tiêu hợp đồng lao động, theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP được cấp thẩm quyền giao (sau đây gọi chung là biên chế, số lượng người làm việc). Tuy nhiên, công tác quản lý, sử dụng biên chế, số lượng người làm việc tại một số cơ quan, đơn vị, tổ chức chưa thật sự hiệu quả, từ đó, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp, chưa cải thiện rõ chất lượng và năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh.
Để công tác quản lý, sử dụng biên chế, số lượng người làm việc trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức đảm bảo đúng các quy định của Trung ương về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với xác định danh mục vị trí việc làm, cải cách chế độ công vụ công chức; Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:
1. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức phải nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong nghiên cứu, quán triệt, chấp hành, phổ biến, chỉ đạo cấp dưới thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng, quy định của Chính phủ về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với xác định vị trí việc làm và đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức tại Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị, Kế hoạch số 2218/QĐ-TTg ngày 10/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ, các Nghị định của Chính phủ (số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014, số 21/2010/NĐ-CP ngày 08/3/2010, số 41/2012/NĐ-CP ngày 08/5/2012, số 36/2013/NĐ-CP ngày 22/4/2013)... và các văn bản chỉ đạo liên quan khác. Trong đó, phải lưu ý quán triệt thực hiện nghiêm một số nội dung trọng tâm sau:
- Không được tuyển dụng, sử dụng hoặc đề xuất cấp thẩm quyền tuyển dụng, sử dụng công chức, viên chức vượt quá chỉ tiêu biên chế được cấp thẩm quyền giao cho từng cơ quan, đơn vị.
- Thực hiện tuyển dụng, bố trí sử dụng, điều động, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng và các chế độ chính sách khác cho cán bộ, công chức, viên chức phải xuất phát từ nhu cầu công việc, đúng vị trí việc làm được cấp thẩm quyền phê duyệt, đạt tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ và chức danh nghề nghiệp, phù hợp cơ cấu công chức, viên chức, cơ cấu chức danh, cơ cấu cán bộ nữ, cơ cấu cán bộ người dân tộc thiểu số;
- Hằng năm tổ chức thực hiện đánh giá, phân loại đối với cán bộ, công chức, viên chức theo đúng quy định của Nghị định số 56/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ; đề cao nguyên tắc: mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu không được cao hơn mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
- Hồ sơ, Đề án trình cấp có thẩm quyền xem xét, thành lập tổ chức mới và phê duyệt Đề án vị trí việc làm phải đảm bảo xây dựng đúng, phù hợp các quy định về quy hoạch, điều kiện và sự cần thiết do yêu cầu của thực tiễn.
- Đảm bảo đúng số lượng và tỷ lệ tinh giản biên chế theo Đề án và lộ trình tinh giản biên chế đã được cấp thẩm quyền phê duyệt; chủ động điều tiết theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp thẩm quyền điều tiết lại biên chế trong các cơ quan, tổ chức trực thuộc (kể cả trong trường hợp thành lập tổ chức mới; tăng quy mô trường, lớp, giường bệnh...) để sử dụng thật sự hiệu quả biên chế được giao.
- Thực hiện nghiêm quy định về sử dụng lại biên chế (sau khi đã có quyết định giải quyết chính sách tinh giản hoặc cho nghỉ hưu đúng tuổi, thôi việc và văn bản thông báo của cơ quan thẩm quyền) theo nguyên tắc số cán bộ, công chức, viên chức tuyển dụng mới không quá 50% số biên chế đã giảm; công chức, viên chức được tuyển dụng mới từ biên chế tinh giản phải có chất lượng tốt hơn so với trước khi tinh giản.
2. Giám đốc Sở Nội vụ chịu trách nhiệm:
- Giúp UBND tỉnh thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng biên chế, số lượng người làm việc trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức và việc triển khai thực hiện các chỉ đạo cụ thể nêu trên của UBND tỉnh; chủ động có văn bản uốn nắn, chấn chỉnh và kịp thời đề xuất UBND tỉnh xử lý trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức không thực hiện nghiêm và để xảy ra sai phạm.
- Thẩm định chặt chẽ và khẩn trương trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án vị trí việc và cơ cấu công chức, cơ cấu chức danh nghề nghiệp và Đề án tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021 của tỉnh để các cơ quan, đơn vị, tổ chức có cơ sở triển khai thực hiện.
- Thẩm định chặt chẽ và nêu chính kiến rõ ràng để cấp thẩm quyền xem xét, quyết định đối với các hồ sơ thành lập tổ chức mới, hồ sơ điều chỉnh vị trí việc làm.
- Triển khai mô tả vị trí việc làm, khối lượng công việc để xác định biên chế, số lượng người làm việc phù hợp chức năng, nhiệm vụ và quy mô của từng cơ quan, đơn vị, tổ chức.
- Kiểm soát, tham mưu, đề xuất đúng quy định về số lượng cấp phó trong các tổ chức; đề xuất việc giảm số lượng công chức, viên chức nhóm hỗ trợ, phục vụ (nhân viên văn phòng, kế toán, văn thư lưu trữ, thủ quỹ, lái xe...) gắn với sắp xếp bộ máy, giảm đầu mối bên trong của các cơ quan, đơn vị, tổ chức.
- Kịp thời đề xuất UBND tỉnh giao biên chế được phép sử dụng lại hằng năm sau khi đã tinh giản biên chế; đồng thời, kiểm soát chặt chẽ việc xác định nhu cầu tuyển dụng, sử dụng biên chế, số lượng người làm việc được giao; chú ý bố trí biên chế hợp lý và đề xuất hình thức phù hợp để tuyển dụng công chức, viên chức có chất lượng cao hơn trước khi tinh giản; tuyển dụng đủ cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số theo cơ cấu do Trung ương quy định.
- Phối hợp với Sở Tài chính kiểm soát kỹ việc giữ ổn định biên chế, kinh phí được cấp trong các tổ chức hội đến hết năm 2016. Từ năm 2017, đề xuất cấp thẩm quyền thực hiện khoán hoặc hỗ trợ kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ được Đảng và nhà nước giao cho các tổ chức hội.
- Tổ chức kiểm tra, thanh tra theo thẩm quyền việc thực hiện Đề án tinh giản biên chế của cơ quan, đơn vị, tổ chức và định kỳ hàng năm tổng hợp kết quả, đánh giá tình hình thực hiện báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính theo quy định.
3. Giám đốc Sở Tài chính có trách nhiệm:
Chủ trì phối hợp với Sở Nội vụ rà soát, phân loại các đơn vị sự nghiệp công lập theo mức độ tự chủ, mức độ được sử dụng ngân sách nhà nước, đề xuất định mức kinh tế kỹ thuật trong cung ứng dịch vụ công, cơ chế đặt hàng, đấu thầu thay thế dần hình thức giao kinh phí theo biên chế, chậm nhất trong quý II/2016.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp và người đứng đầu các tổ chức hội chủ động thực hiện nghiêm các yêu cầu, nhiệm vụ được giao trong Chỉ thị này và thực hiện đầy đủ công tác báo cáo, thống kê theo quy định và hướng dẫn của Sở Nội vụ.
Giao Sở Nội vụ có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện Chỉ thị, định kỳ báo cáo kết quả về Ủy ban nhân dân tỉnh để theo dõi, chỉ đạo. Quá trình triển khai thực hiện có khó khăn, vướng mắc hoặc có kiến nghị, đề xuât sửa đổi, bổ sung; yêu cầu các cơ quan, đơn chức kịp thời báo cáo về UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ) để tổng hợp, xem xét./.
|
CHỦ
TỊCH |
Chỉ thị 02/CT-UBND năm 2016 về tăng cường công tác quản lý, sử dụng biên chế, số lượng người làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và các tổ chức hội do tỉnh Gia Lai ban hành
Số hiệu: | 02/CT-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Tỉnh Gia Lai |
Người ký: | Võ Ngọc Thành |
Ngày ban hành: | 04/02/2016 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Chỉ thị 02/CT-UBND năm 2016 về tăng cường công tác quản lý, sử dụng biên chế, số lượng người làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và các tổ chức hội do tỉnh Gia Lai ban hành
Chưa có Video