BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1734/BC-BNN-VP |
Hà Nội, ngày 03 tháng 6 năm 2014 |
CÔNG TÁC THÁNG 5 NĂM 2014 VÀ NHIỆM VỤ CÔNG TÁC THÁNG 6 NĂM 20141
I. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH CỦA BỘ
Trong tháng 5 năm 2014, các đơn vị trong Bộ đã tiếp tục có nhiều cố gắng thực hiện công việc được giao; các lĩnh vực sản xuất của ngành duy trì tốc độ tăng trưởng khá tốt, nhất là trồng trọt, thủy sản và lâm nghiệp; chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đẩy mạnh.... Tuy nhiên, tăng trưởng toàn ngành còn thấp; việc triển khai tái cơ cấu ở các lĩnh vực còn chậm; thị trường một số mặt hàng nông sản khó khăn, xuất khẩu giảm; dịch bệnh trên thủy sản tăng, tiến độ xây dựng văn bản QPPL còn chậm.
- Theo dõi tình hình hạn hán, chủ động phối hợp với Tập đoàn điện lực Việt Nam hướng dẫn cụ thể các địa phương về việc sử dụng, điều tiết nước tưới, đảm bảo tưới nước tiết kiệm, có hiệu quả. Tiếp tục tổ chức các đoàn kiểm tra công tác quản lý, đảm bảo an toàn hồ chứa nước trước mùa mưa lũ.
- Tổ chức 12 Hội nghị, Hội thảo quan trọng trên nhiều lĩnh vực như: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Sơ kết 01 năm Tái cơ cấu ngành và Phát động phong trào thi đua, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài...
- Chỉ đạo các đơn vị trong tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm sau: Tăng cường công tác quản lý vật tư nông nghiệp, hướng dẫn việc chuyển đổi cơ cấu cây trong trên đất lúa, đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển sản xuất chăn nuôi, tìm đầu ra thị trường cho một số mặt hàng nông sản; tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong việc giải ngân các công trình cơ bản bằng nguồn vốn ODA...
- Chỉ đạo các đơn vị trong Bộ khẩn trương xây dựng, hoàn thành các đề án, Văn bản quy phạm pháp luật chưa hoàn thành và các văn bản phải ban hành trong tháng 5/2014.
- Chuẩn bị nội dung phục vụ kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII.
II. KẾT QUẢ SẢN XUẤT THÁNG 5 VÀ 5 THÁNG ĐẦU NĂM
Trong tháng 5, Bộ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt triển khai Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao GTGT và phát triển bền vững” trên tất cả các tiểu ngành, lĩnh vực và Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 02/01/2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014 và Kế hoạch hành động của Bộ thực hiện Nghị quyết.
Vì vậy, 5 tháng đầu năm, sản xuất vẫn tiếp tục tăng trưởng, xuất khẩu tăng cao (+10,4%), dịch bệnh đã được khống chế, các giải pháp về thủy lợi (xả nước, chống hạn,..) phục vụ sản xuất được thực hiện tốt...Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới tiếp tục được quan tâm chỉ đạo theo hướng bền vững hơn.
1. Về tình hình thực hiện Đề án Tái cơ cấu trong tháng 5
Trong tháng 5/2014, Bộ đã phê duyệt và ban hành thêm 2 Đề án và Kế hoạch hành động tái cơ cấu lĩnh vực chăn nuôi, chế biến thương mại. Đến nay đã có 5 Đề án tái cơ cấu lĩnh vực được ban hành (riêng lĩnh vực trồng trọt đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược). Đối với 6 chuyên đề phục vụ tái cơ cấu ngành, Bộ đã ban hành 2 kế hoạch chuyên đề, gồm: Đổi mới tổ chức sản xuất; Thúc đẩy nghiên cứu và chuyển giao khoa học và công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành. Các chuyên đề còn lại (Đổi mới cơ chế chính sách; Đổi mới đầu tư công; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và Kiện toàn hệ thống quản lý ngành) đang được hoàn thiện để ban hành trong tháng 6.
Ngày 17/5/2014, Bộ đã tổ chức thành công Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành. Đây là Hội nghị quan trọng để Bộ phổ biến, tuyên truyền sâu hơn về chủ trương nội dung tái cơ cấu ngành, đánh giá tình hình triển khai thực hiện 1 năm qua và xác định những nhiệm vụ trọng tâm cần phải tập trung thực hiện trong năm 2014-2015.
Hiện nay, nhiệm vụ của các đơn vị được phân công trong Kế hoạch hành động của Bộ cơ bản đã và đang được triển khai thực hiện theo tiến độ. Đề án của một số lĩnh vực như Lâm nghiệp, Thủy sản, Thủy lợi đang được triển khai phổ biến ở các địa phương.
Đối với các địa phương, trong tháng 5 đã có thêm 2 tỉnh Hà Tĩnh và Tiền Giang ban hành kế hoạch hành động thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp. Như vậy, đến nay, đã có 24/63 tỉnh, thành phố đã ban hành đề án/kế hoạch hành động thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp tại địa phương2.
2. Về kết quả sản xuất, kinh doanh
2.1. Trồng trọt
* Miền Bắc: Tính đến ngày 15/5, diện tích gieo trồng lúa Đông xuân đạt 1,16 triệu ha, tương đương cùng kỳ năm 2013, đã thu hoạch được gần 200 ngàn ha, ước sản lượng đạt khoảng 7,2 triệu tấn, tăng nhẹ so với năm 2013.
* Miền Nam: có 1.915 ngàn ha lúa đông xuân đã được thu hoạch, bằng 98,1% diện tích xuống giống; năng suất bình quân xấp xỉ 70 tạ/ha (tăng 3,4 tạ/ha); sản lượng đạt hơn 13,3 triệu tấn. Riêng vùng ĐBSCL đạt 1,56 triệu ha, năng suất bình quân đạt khoảng 71,6 tạ/ha, sản lượng đạt gần 11,2 triệu tấn, tăng hơn vụ trước khoảng 200 ngàn tấn.
Ngoài ra, các tỉnh cũng xuống giống lúa hè thu đạt 1.352 ngàn ha, bằng 97,4% so với cùng kì năm trước, trong đó vùng ĐBSCL đạt 1.245 ngàn ha, bằng 98,1%.
* Cây rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày
- Vụ đông: Tổng diện tích gieo trồng cả vụ đạt 394,8 ngàn ha, cao hơn vụ trước hơn 6.100 ha; trong đó: ngô đạt 125,5 ngàn ha (tăng 650 ha), sản lượng gần 512,7 ngàn tấn; đậu tương đạt 37,4 ngàn ha (giảm gần 3.000 ha), sản lượng đạt 53,8 ngàn tấn; rau đậu các loại đạt 185,1 ngàn ha (tăng gần 11,5 ngàn ha), năng suất đạt 171 tạ/ha, tăng 7 tạ/ha; sản lượng đạt hơn 3,1 triệu tấn; sản lượng khoai lang đạt 318,5 ngàn tấn, giảm 25,8 ngàn tấn.
- Vụ hè thu, mùa: tổng diện tích gieo trồng các cây hoa màu trên cả nước đạt 1.113,6 ngàn ha, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: diện tích ngô tăng khá, đạt 742 ngàn ha, tăng 7%; khoai lang đạt 97,7 ngàn ha, tăng 3,3%; sắn đạt 255 ngàn ha, bằng 88,4% so với cùng kỳ năm trước.
- Cây công nghiệp ngắn ngày: tổng diện tích đạt 416 ngàn ha, bằng 96,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lạc đạt 165,6 ngàn ha, bằng 97%; đậu tương đạt 71,3 ngàn ha, bằng 94,3%; mía đạt 126 ngàn ha, bằng 96%; thuốc lá, thuốc lào đạt 27,6 ngàn ha, tăng 8,2%. Diện tích gieo trồng rau, đậu các loại đạt 577,6 ngàn ha, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước.
* Tình hình sâu bệnh:
Một số loại bệnh tăng so với cùng kỳ: Bệnh đạo ôn lá gây hại diện rộng trên cả nước với tổng diện tích hơn 60,4 ngàn ha, tăng 16,4 ngàn ha, nhiễm nặng gần 5.000 ha; sâu cuốn lá nhỏ gây hại hơn 198 ngàn ha, tăng 27,4 ngàn ha; diện tích nhiễm nặng 105,4 ngàn ha, chủ yếu tại Đồng bằng Bắc Bộ; diện tích bị nhiễm rầy các loại khoảng 84,8 ngàn ha, tăng gần 36 ngàn ha; nhiễm nặng 5,47 ngàn ha, chủ yếu tập trung tại các tỉnh miền Bắc; sâu đục thân gây hại 2.053 ha, tăng nhẹ; bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá gây hại gần 617 ha.
Một số loại bệnh giảm so với cùng kỳ năm trước: diện tích bị nhiễm bệnh đạo cổ bông là 2.612 ha, nhiễm nặng 136 ha; chuột gây hại 12.836 ha, nhiễm nặng 433 ha; bệnh khô vằn gây hại 148,8 ngàn ha, nhiễm nặng 11,3 ngàn ha; diện tích bị hại do ốc bươu vàng là 12.615 ha, hại nặng 1.025 ha.
2.2. Chăn nuôi
Bộ đã phối hợp với các địa phương quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch và khống chế sự lây lan ở nơi có ổ dịch nên dịch bệnh đã được kiểm soát; tập trung triển khai đề án Tái cơ cấu đến các địa phương. Từ tháng 4, thị trường giá cả các sản phẩm chăn nuôi tăng thuận lợi cho sản xuất nhưng thời tiết 2 tuần qua lại quá nóng, thay đổi thất thường làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của vật nuôi và có nguy cơ bùng phát lại dịch bệnh nên nhìn chung hiệu quả sản xuất chưa tăng.
Theo kết quả điều tra sơ bộ tại thời điểm 1/4/2014 của Tổng cục Thống kê: cả nước có 2,58 triệu con trâu, bằng 99,4% so với cùng kỳ năm 2013; đàn bò đạt 5,18 triệu con (bằng 100,7%), riêng đàn bò sữa đạt 200,4 nghìn con, tăng 26 nghìn con (+14%) so cùng kỳ, 26,39 triệu con lợn, bằng 100,3%; và 314,4 triệu con gia cầm, tương đương cùng kỳ năm 2013.
* Về thị trường nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi thành phẩm so với tháng 4/2014.
- Hầu hết các nguyên liệu có chiều hướng tăng nhẹ: ngô 6.615 đ/kg (tăng 3,3%), khô dầu đậu tương 14.385 đ/kg (tăng 2,2%), sắn lát 5.460 đ/kg (tăng 2,0%), cám gạo 6.510 đ/kg (tăng 1,6%). Giá Methionine 89.250 đ/kg (tăng 9,0%), Lysine 36.750 đ/kg (tăng 13,1%); giá bột cá giảm 4,3% (23.625 đ/kg).
- Giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm không đổi: thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho gà Broiler 11.602,5 đ/kg; thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh lợn thịt giai đoạn từ 60kg đến xuất chuồng 10.489,5 đ/kg.
* Tình hình dịch bệnh: Theo báo cáo của Cục Thú Y, tính đến ngày 23/5/2014 cả nước không còn tỉnh nào có dịch cúm gia cầm và dịch tai xanh. Riêng dịch lở mồm long móng tại tỉnh Yên Bái và Kon Tum có ổ dịch chưa qua 21 ngày.
2.3. Lâm nghiệp
a. Công tác lâm sinh:
Kết quả trồng rừng cao hơn so cùng kỳ năm 2013. Diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 42,6 nghìn ha, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước; rừng trồng được chăm sóc đạt 276 ngàn ha, tăng 11,4%; trồng phân tán đạt 92,9 nghìn cây, giảm 2,1%; rừng được khoanh nuôi tái sinh đạt 608,5 ngàn ha, giảm 0,1%; rừng được giao khoán bảo vệ đạt 4.093,8 ngàn ha, tăng 57%; sản lượng gỗ khai thác đạt 2.118 nghìn m3, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước.
b. Công tác kiểm lâm
Trong tháng 5, trên toàn quốc xảy ra 1.646 vụ vi phạm các quy định của Nhà nước về bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, giảm 29% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có 121 vụ phá rừng trái phép; 159 vụ khai thác rừng trái phép; 30 vụ vi phạm quy định về PCCCR; 25 vụ vi phạm về quản lý bảo vệ động vật hoang dã; 819 vụ vận chuyển, buôn bán trái pháp luật gỗ và lâm sản; 24 vụ vi phạm về chế biến gỗ và lâm sản; 468 vụ vi phạm khác. Tổng số vụ vi phạm đã được xử lý là 1.504 vụ, trong đó xử phạt hành chính 1.496 vụ; xử lý hình sự 08 vụ. Tịch thu 1.160 m3 gỗ các loại, bao gồm 360 m3 gỗ tròn và 800 m3 gỗ xẻ. Thu nộp ngân sách hơn 17 tỷ đồng.
Tổng diện tích rừng bị thiệt hại trong tháng là 118,74 ha (so với cùng kỳ năm trước tăng 28%). Lũy kế, 5 tháng diện tích rừng bị thiệt hại là 820,7 ha (giảm 26,5% so với cùng kỳ năm 2013).
2.4. Thủy sản
Ước sản lượng thủy sản tháng 5 đạt 554 nghìn tấn; lũy kế 5 tháng đạt gần 2.160 nghìn tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2013.
a. Khai thác thủy sản
Trước việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong khu vực vùng biển Việt Nam và có những hành động nhằm uy hiếp, ngăn cản các tàu cá hoạt động trên biển, lực lượng Kiểm ngư Việt Nam đã kịp thời triển khai các hoạt động: 1) chủ động phối hợp chặt chẽ với các lực lượng cảnh sát biển, điều động lực lượng tham gia bảo vệ chủ quyền; 2) tổ chức trực ban 24/24 giờ; 3) thành lập Đoàn công tác ra hiện trường trực tiếp chỉ đạo công tác điều động tàu Kiểm ngư tham gia làm nhiệm vụ; 4) cung cấp thông tin hàng ngày cho các cơ quan thông tấn, báo chí để kịp thời thông tin đến người dân cả nước; góp phần quan trọng vào bảo vệ an ninh, chủ quyền biển đảo và hỗ trợ tích cực cho hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân.
Trong tháng, thời tiết trên các ngư trường thuận lợi cho hoạt động khai thác hải sản; các đối tượng cá nổi xuất hiện nhiều như cá nục, cá cơm, cá ngừ, cá trích, cá chuồn... kích thích ngư dân bám biển sản xuất.
Sản lượng khai thác đạt 244 nghìn tấn. Lũy kế 5 tháng đầu năm, sản lượng khai thác đạt 1.161 ngàn tấn, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: ước khai thác biển đạt 1.097 ngàn tấn, tăng 5,1% so với cùng kỳ.
b. Nuôi trồng thủy sản
Thời tiết tại các tỉnh Nam bộ đang diễn biến bất lợi, môi trường ao nuôi thay đổi đột ngột dẫn đến gây sốc và làm giảm sức đề kháng của tôm nhưng chưa ảnh hưởng ngay đến sản lượng trong tháng.
Sản lượng nuôi trồng thủy sản tháng 5 ước đạt 310 ngàn tấn, tăng 4,3% so với cùng kì năm trước, đưa tổng sản lượng nuôi trồng 5 tháng đạt 999 ngàn tấn, tăng 1,46% so với cùng kì năm trước. Tình hình sản xuất một số loài cụ thể như sau:
+ Cá tra: Diện tích nuôi tại ĐBSCL ước đạt 5.500 ha, sản lượng 335 ngàn tấn; giá thu mua cá tra nguyên liệu trong tháng tăng nhẹ, dao động từ 25.000-25.500 đ/kg, ổn định hơn so với tháng trước, người nuôi có lãi từ 2.000 - 3.000 đ/kg.
+ Tôm sú: Diện tích thả nuôi tôm đến nay là 558.019 ha (tăng 7,9% so với cùng kỳ) trong đó tôm sú là 521.627 ha, tôm chân trắng là 36.392 ha. Sản lượng thu hoạch là 116.640 tấn (bằng 275,3% so với cùng kỳ) trong đó sản lượng tôm sú là 69.868 tấn, tôm chân trắng là 46.772 tấn.
c. Dịch bệnh: Trong tháng 5, bệnh đốm trắng xảy ra tại 89 xã thuộc 12 tỉnh/thành phố3 với diện tích là 2.205,32 ha, bệnh xảy ra trên cả tôm thẻ và tôm sú; bệnh hoại tử gan tụy cấp xảy ra tại 74 xã thuộc 10 tỉnh4 với diện tích là 379,58 ha, chủ yếu trên tôm thẻ chân trắng; 199,20 ha nuôi tôm tại Sóc Trăng bị bệnh Hoại tử gan tụy do vi rút (HPV); diện tích bị bệnh chưa xác định được tác nhân hoặc không rõ tác nhân là 51,78 ha nuôi tôm tại 6 tỉnh5.
2.5. Sản xuất muối
Tính đến ngày 20/5, diện tích sản xuất muối cả nước ước đạt 14.792 ha, tăng 550 ha so với cùng kỳ 2013; sản lượng đạt khoảng 678.563 tấn, tăng 4,3%. Trong đó, muối thủ công đạt 504.985 tấn, tăng 2,6%; muối công nghiệp đạt 173.578 tấn, tăng 9,8% so với cùng kỳ 2013. Lượng muối tồn trong diêm dân và một số doanh nghiệp sản xuất khoảng 276.079 tấn.
2.6. Xuất, nhập khẩu
a. Xuất khẩu
Sang tháng 5, mặc dù một số sản phẩm vẫn còn giảm cả về giá trị và lượng (cao su, chè, sắn và gạo) nhưng do có sự tăng mạnh về khối lượng xuất khẩu và giá trị của các mặt hàng cà phê, tiêu, điều nên xuất khẩu nông sản tiếp tục tăng. Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính đạt 1,13 tỷ USD, đưa giá trị xuất khẩu 5 tháng đầu năm lên 5,94 tỷ USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2013.
Thêm vào đó, giá trị xuất khẩu thủy sản, lâm sản và đồ gỗ đều tăng mạnh, lần lượt là 2,83 tỷ USD, tăng 25% và 2,46 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2013. Vì vậy, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành 5 tháng đầu năm đạt 12,1 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2013. Thặng dư thương mại đạt 3,5 tỷ USD, bằng 93% so với cùng kỳ năm ngoái. (chi tiết tại phụ lục 8)
b. Nhập khẩu
Giá trị nhập khẩu nông, lâm, thủy sản, muối và vật tư nông nghiệp trong 5 tháng ước đạt 8,56 tỷ USD, tăng 20,1% so với năm cùng kỳ năm 2013. Trong đó, nhập khẩu một số mặt hàng chính đạt 6,72 tỷ USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm trước. (Chi tiết tại phụ lục 8)
3.1. Thủy lợi
Chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình thời tiết, mưa, lũ, bão để chỉ đạo ứng phó nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra; xây dựng phương án phòng tránh lũ quét tại các tỉnh miền núi phía Bắc; chuẩn bị cho diễn tập Phòng chống lụt bão năm 2014 tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
Triển khai thực hiện kế hoạch tu bổ đê điều thường xuyên; kế hoạch duy tu bảo dưỡng đê điều đảm bảo đúng kế hoạch, tiến độ để đưa vào phòng chống lũ, bão.
Ban hành phân cấp đê ở 12 tỉnh6 và kiểm tra hồ sơ phân cấp đê Bắc Giang, Bến Tre, An Giang, Vĩnh Long; tổng hợp báo cáo của địa phương đánh giá hiện trạng đê điều, xác định trọng điểm và xây dựng phương án bảo vệ trọng điểm trước lũ 2014.
Đề án Tái cơ cấu lĩnh vực thủy lợi đã được Bộ trưởng phê duyệt và đang tổ chức triển khai thực hiện đến các địa phương.
3.2. Đầu tư XDCB
a. Vốn ngân sách tập trung do Bộ quản lý
Ngày 11/4/2014, Thủ tướng Chính phủ có quyết định số 511/QĐ-TTg bổ sung 200 tỷ đồng cho Bộ từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2014.
Vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2014 của Bộ thuộc nguồn ngân sách tập trung được giao trong năm là 4.660,18 tỷ đồng, bao gồm 2.960,18 tỷ đồng vốn trong nước và 1.700 tỷ đồng vốn nước ngoài.
Khối lượng thực hiện 5 tháng ước đạt 2.487,4 tỷ đồng, đạt gần 53,4% kế hoạch TTCP giao (bao gồm cả khối lượng thu hồi ứng trước) và 31,2% kế hoạch Bộ giao. Trong đó: vốn ngoài nước đạt 1.545,7 tỷ đồng (bằng 90,39% kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ giao và 30,9% kế hoạch Bộ giao); vốn trong nước đạt gần 941,7 tỷ đồng, bằng 31,8% kế hoạch.
- Vốn thực hiện dự án đạt 2.350 tỷ đồng bằng 57,02% kế hoạch năm, gồm:
+ Khối Thủy lợi: Ước đạt 1.411,8 tỷ đồng, gần 54,9% kế hoạch;
+ Khối Nông nghiệp: Ước đạt 423,5 tỷ đồng, bằng 72,7% kế hoạch;
+ Khối Lâm nghiệp: Ước đạt 285,8 tỷ đồng, bằng 109,23% kế hoạch;
+ Khối Thủy sản: Ước đạt 124,3 tỷ đồng, bằng 48,6% kế hoạch;
+ Khối Giáo dục - Đào tạo: Ước đạt 61 tỷ đồng, bằng 30% KH;
+ Các ngành khác: Ước đạt 30 tỷ đồng, bằng 30,5% kế hoạch năm;
- Vốn thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể: Ước đạt 129,2 tỷ đồng, 27,3% KH.
- Vốn chuẩn bị đầu tư: Ước đạt 6 tỷ đồng, bằng gần 65,2% KH năm;
b. Vốn trái phiếu Chính phủ
Kế hoạch vốn được giao là 6.600 tỷ đồng, 5 tháng thực hiện ước đạt 2.360 tỷ đồng, tương đương 35,8% so với KH.
C. Các dự án vốn ODA
Kế hoạch vốn các dự án ODA năm 2014 được Thủ tướng Chính phủ giao là 2.687 tỷ đồng (trong đó vốn đối ứng 987 tỷ đồng, vốn nước ngoài 1700 tỷ đồng); Kế hoạch Bộ trưởng giao là 5.997 tỷ đồng (bao gồm 140 tỷ hoàn ứng). Các dự án ODA giải ngân đạt 24% kế hoạch, trong đó vốn đối ứng mới đạt 20%, vốn nước ngoài đạt 25%.
4. Phát triển nông thôn và xây dựng nông thôn mới
4.1. Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới
Đã tổ chức thành công Hội nghị sơ kết 03 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới; phối hợp với các cơ quan, thông tin truyền thông tuyên truyền những kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém cần khắc phục và phương hướng chỉ đạo trong những năm tiếp theo nhằm thúc đẩy phong trào, khích lệ người dân tham gia chương trình; triển khai thực hiện Quyết định số 651/QĐ-TTg ngày 07/5/2014 về bổ sung, kiện toàn BCĐ Trung ương Chương trình MTQG xây dựng NTM;
Hoàn thiện Kế hoạch triển khai mô hình phát triển sản xuất và bảo vệ môi trường trong xây dựng NTM; phối hợp triển khai các thủ tục thực hiện Đề án “Một số mô hình thí điểm xử lý rác thải nông thôn”; tiếp tục hoàn thiện dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện xét công nhận và công bố địa phương đạt chuẩn nông thôn mới.
4.2. Phát triển nông thôn
Lên kế hoạch xây dựng Hợp tác xã chuyên sản xuất theo từng lĩnh vực như sản xuất chè, tổ đội sản xuất trên biển; ban hành Thông tư số 15/2014/TT-BNNPTNT ngày 29/4/2014 hướng dẫn thực hiện một số điều trong Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của TTCP; tiếp tục hoàn thiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại;
Triển khai kế hoạch phát triển các hình thức tổ chức kinh tế tập thể trong nông nghiệp trên địa bàn toàn quốc đã được Bộ trưởng phê duyệt; xây dựng đề án phát triển kinh tế xã hội miền núi phía bắc.
Rà soát chính sách đồng bào dân tộc thiểu số, dân di cư tự do góp phần ổn định dân cư vùng Tây Bắc, Tây Nguyên; chỉ đạo các tỉnh biên giới Việt Trung báo cáo tình hình thực hiện Quyết định 570/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch bố trí ổn định dân cư các xã biên giới Việt - Trung.
Lũy kế đến ngày 30/4/2014, Dự án di dân, tái định cư Thủy điện Sơn La đã giải ngân được 18.524,26/20.188 triệu đồng đạt 91,80% KH vốn giao; Dự án di dân, tái định cư Thủy điện Lai Châu giải ngân vốn bồi thường, hỗ trợ tái định cư đạt 1726,922 triệu đồng.
5.1. Tổ chức bộ máy: Thực hiện các nhiệm vụ chuyển giao Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội về Bộ và ban hành Quyết định số 1026/BNN-QĐ-TCCB ngày 13/5/2014 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Nông nghiệp Việt Nam; Chỉ thị của Bộ trưởng chỉ đạo các địa phương triển khai đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn; hoàn chỉnh các danh mục nghề, chương trình dạy nghề và chuẩn kỹ năng nghề trong đào tạo nghề nông nghiệp; tiếp tục xây dựng dự thảo Đề án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành NN & PTNT giai đoạn 2014 - 2020.
5.2. Công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp: Triển khai công tác giải thể các doanh nghiệp thuộc khối Viện trường và xử lý về nhà, đất theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho các doanh nghiệp chuẩn bị CPH.
Hoàn thành quyết toán tiền lương năm 2013 của các doanh nghiệp thuộc Bộ; xây dựng kế hoạch triển khai giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp theo Nghị định 61/2013/NĐ-CP ngày 25/6/2013 của Chính phủ.
Ban hành Quyết định số 916/QĐ-BNN-QLDN ngày 05/5/2014 về kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 15/NĐ-CP ngày 6/3/2014 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Quyết định 1059/QĐ-BNN-QLDN triển khai thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.
5.3. Hợp tác quốc tế:
Tích cực thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế hỗ trợ cho xuất khẩu nông sản, thu hút đầu tư và đàm phán thương mại.
Tiếp tục rà soát về tài liệu làm việc Nhóm Cairns; thu thập tài liệu phục vụ cho phiên đàm phán NN - WTO; gửi Thông báo số G/SPS/N/VNM/53 cho tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về dự thảo danh mục hàng thực vật thuộc diện kiểm dịch và đánh giá nguy cơ dịch hại thay thế Thông tư số 40/2012/TT-BNNPTNT ngày 15/8/2012 và Thông tư số 39/2012/TT-BNNPTNT ngày 13/8/2012.
1. Triển khai mạnh Tái cơ cấu ngành
Toàn ngành tiếp tục tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành theo Kết luận của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải tại Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện tái cơ cấu ngành (Thông báo số 208/TB-VPCP ngày 21/5/2014 của Văn phòng Chính phủ) và 10 nhiệm vụ trọng tâm đã được đề ra trong chương trình của Bộ.
Các Cục, Vụ, Viện được giao nhiệm vụ khẩn trương hoàn thành 4 báo cáo chuyên đề về: Đổi mới cơ chế chính sách; Đổi mới cơ cấu, cơ chế đầu tư công; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và Kiện toàn hệ thống quản lý ngành để ban hành trong tháng 6/2014.
Tiếp tục hướng dẫn các địa phương triển khai, thực hiện tái cơ cấu trên các lĩnh vực nhằm tạo được sự chuyển biến rõ rệt trong thực tế.
2.1. Trồng trọt, BVTV
Tiếp tục theo dõi tình hình thời tiết ảnh hưởng đến sản xuất lúa và cây rau màu vụ để có biện pháp chỉ đạo kịp thời theo mùa vụ, phù hợp định hướng tái cơ cấu và nhu cầu thị trường.
Tiếp tục chỉ đạo sản xuất theo chuỗi sản phẩm đảm bảo năng suất, chất lượng và cho hiệu quả kinh tế cao; tổ chức thực hiện tốt chính sách hỗ trợ chuyển đổi trồng lúa sang trồng rau màu ở Đồng bằng sông Cửu Long theo Quyết định 580/QĐ-TTg ngày 22/4/2014. Theo dõi tình hình sử dụng và cơ cấu giống từng vùng, tiến độ sản xuất lúa và các cây trồng ngắn ngày khác để chỉ đạo hỗ trợ kịp thời việc tăng cường sử dụng các giống tốt, giống xác nhận.
Tăng cường kiểm tra, theo dõi sát tình hình, chủ động dự báo, hướng dẫn phòng trừ kịp thời dịch hại cây trồng: rầy nâu-rầy lưng trắng, sâu đục thân 2 chấm, chuột, bệnh khô vằn, bạc lá, đen lép hạt ở phía Bắc; theo dõi và chuẩn bị xuống giống “né rầy” ở các địa phương chưa xuống giống và bệnh đạo ôn tại các tỉnh Nam Bộ.
Đánh giá tình hình chế biến mủ cao su của Tập đoàn cao su và cao su tiểu điền tại tỉnh Bình Dương; sản xuất mía đường tại tỉnh Tây Ninh, cây ăn trái vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông cửu long để có các giải pháp chỉ đạo kịp thời, hiệu quả và theo dõi tình hình sản xuất cây dược liệu.
Tiếp tục thực hiện các Quy hoạch chuyển đổi đất lúa, quy hoạch tái canh cà phê, tái canh điều.
Tiếp tục hoàn thiện Chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030; Đề án phát triển cà phê bền vững, Đề án phát triển điều... và tiếp tục hoàn thiện Thông tư Quy định về công nhận cho áp dụng các tiêu chuẩn Thực hành nông nghiệp tốt khác và tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ khác trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; Nghị định thay thế Nghị định số 42/2012/NĐ-CP ngày 11/5/2012 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa; Thông tư hướng dẫn Nghị định số 202/NĐ-CP của chính phủ về quản lý phân bón;...
2.2. Chăn nuôi, thú y
Chỉ đạo, giám sát chặt chẽ tình hình phòng, chống dịch bệnh ở các địa phương; triển khai chương trình ViepGAP trong chăn nuôi tại một số địa phương. Đồng thời đôn đốc các địa phương đẩy mạnh công tác thực hiện nhiệm vụ quy hoạch chăn nuôi thực hiện Đề án Tái cơ cấu chăn nuôi trên địa bàn;
Tiếp tục chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp và các cơ sở giống có giải pháp tăng cường hoạt động sản xuất, cung ứng đủ nhu cầu giống cho sản xuất và kiểm soát giá giống vật nuôi, đảm bảo bình ổn thị trường và phục vụ tái đàn, đẩy mạnh sản xuất chăn nuôi.
Thực hiện chương trình hỗ trợ con giống cho các tỉnh miền núi phía Bắc và các địa phương trên cả nước; kiểm tra, đánh giá tình hình nhập lậu các sản phẩm chăn nuôi tại qua biên giới, kiểm tra khâu phân phối, lưu thông các sản phẩm chăn nuôi trên thị trường.
Phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý các vi phạm về chất lượng và an toàn thực phẩm trong thức ăn chăn nuôi; thanh tra về công tác quản lý TĂCN tại một số tổ chức được Cục chỉ định kiểm tra chất lượng.
Hoàn thiện Chính sách đổi mới chăn nuôi nông hộ; Đề án “Nâng cao năng lực sản xuất giống gia cầm tại các tỉnh miền núi biên giới phía Bắc”, tiếp tục xây dựng Thông tư quản lý giống vật nuôi; Thông tư ban hành "Danh mục bổ sung giống vật nuôi được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam"; rà soát, tổng hợp Danh mục tạm thời thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm sản xuất trong nước và nhập khẩu,...
2.3. Lâm nghiệp
Tiếp tục thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng năm 2014; đôn đốc, chỉ đạo quyết liệt việc trồng bù rừng theo kế hoạch Bộ giao. Thường trực, chỉ đạo kịp thời công tác PCCCR đối với các địa phương đang trong thời kỳ nắng nóng, hanh khô (Tây Bắc, Miền trung và Nam trung Bộ).
Tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ 04 nhiệm vụ trọng tâm7 đã được phê duyệt để tạo chuyển biến rõ nét trên thực tiễn đối với việc thực hiện tái cơ cấu ngành lâm nghiệp.
Tiếp tục thực hiện Dự án Tổng điều tra, kiểm kê rừng theo kế hoạch. Đồng thời tổng hợp số liệu diễn biến tài nguyên rừng năm 2013 của các địa phương; thực hiện các nội dung đối với nước thành viên của Tổ chức Gỗ nhiệt đới quốc tế (ITTO).
Tiếp tục thực hiện việc xây dựng dự thảo/hoàn thành thủ tục để trình ban hành các văn bản QPPL, các đề án theo kế hoạch năm 2014.
2.4. Thủy sản
Tiếp tục chỉ đạo và động viên lực lượng kiểm ngư thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền yêu cầu phía Trung Quốc rút toàn bộ tàu và giàn khoan ra khỏi khu vực chủ quyền của Việt Nam; trực ban 24/24h tại Trung tâm Thông tin Kiểm ngư; nắm chắc số lượng tàu cá hoạt động khai thác hải sản tại vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa để có giải pháp ứng phó kịp thời;
Tăng cường tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn cho ngư dân về các quy định của luật pháp, các biện pháp phòng tránh rủi ro trên biển để ngư dân yên tâm sản xuất; khuyến khích, hướng dẫn ngư dân khai thác theo mô hình sản xuất tổ, đội để hỗ trợ nhau trên biển khi gặp sự cố; thành lập mạng lưới dịch vụ hỗ trợ chuyển sản phẩm từ tàu về bờ, tăng thời gian bám biển, tiết kiệm chi phí di chuyển ngư trường nâng cao hiệu quả khai thác biển;
Tổ chức rà soát, kiểm tra việc đăng ký, đăng kiểm tàu cá; các trang thiết bị thông tin liên lạc, trang thiết bị đảm bảo an toàn cho người và tàu cá các khu neo đậu tránh trú bão và các cảng cá cho tàu cá.
Theo dõi chặt chẽ tình hình nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là diễn biến dịch bệnh để kịp thời có biện pháp xử lý; kiểm tra tình hình sản xuất giống và chất lượng giống tôm; tình hình nuôi và dịch bệnh trên tôm nuôi; triển khai Thông tư 26/2013/TT-BNNPTNT về quản lý giống thủy sản.
Tiếp tục phối hợp với chuyên gia Nhật Bản nghiên cứu, đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng theo chuỗi đối với sản phẩm cá ngừ đại dương.
Tổ chức hướng dẫn và triển khai thực hiện Nghị định 36/2014/NĐ-CP ngày 29/4/2014 về nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra; phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thành Nghị định về Chính sách phát triển thủy sản và chuẩn bị tổ chức thực hiện khi Chính phủ phê duyệt.
2.5. Chế biến, thương mại
Triển khai Kế hoạch hành động thực hiện Đề án "Nâng cao giá trị gia tăng hàng nông, lâm, thủy sản trong chế biến và giảm tổn thất sau thu hoạch”; tổ chức Hội nghị sơ kết công tác thu mua tạm trữ lúa gạo tại vùng ĐBSCL.
Phối hợp với Hiệp hội ngành hàng, các Tập đoàn, Tổng Công ty theo dõi sát tình hình sản xuất, tiêu thụ các mặt hàng nông lâm thủy sản chủ lực; nghiên cứu đề xuất giải pháp, cơ chế chính sách mở rộng thị trường, tháo gỡ khó khăn, bảo đảm tiêu thụ nông sản kịp thời, hiệu quả cho doanh nghiệp và người sản xuất;
Tổ chức nghiên cứu, phân tích tình hình, dự báo tác động để xây dựng phương án ứng phó từng tình huống cụ thể đối với thị trường Trung Quốc.
Tổ chức Hội nghị giao ban Quý II với các Hiệp hội ngành hàng; tổng hợp tình hình sản xuất, tiêu thụ rau quả; kết quả thực hiện gói thầu xuất khẩu 800 ngàn tấn gạo sang Philippine; đôn đốc các đơn vị thực hiện nhiệm vụ theo đúng kế hoạch; tiếp tục quảng bá về sản phẩm nông, lâm, thủy sản; chuẩn bị tổ chức đoàn XTTM và XTĐT tại thị trường Pháp, Liên bang Nga.
Tổ chức triển khai thực hiện Thông tư 08/2014/TT-BNNPTNT ngày 20/3/2014 hướng dẫn thực hiện Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; Thông tư số 13/2014/TTLT-BNN&PTNT-BKH&ĐT-BTC ngày 28/4/2014 hướng dẫn thực hiện Quyết định số 11/2011/QĐ-TTg ngày 18/02/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển ngành mây tre.
Tiếp tục hoàn thiện Đề án “Cơ giới hóa nông nghiệp đến 2020, tầm nhìn 2030”; xây dựng Nghị định về sản xuất và kinh doanh mía đường; Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế;
2.6. Quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm
Tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng và vệ sinh ATTP hàng nông, lâm, thủy sản và muối. Tổng hợp nhu cầu của các đơn vị đăng ký tham gia chương trình thí điểm việc công khai kết quả xếp loại A, B, C tại cơ sở sản xuất, kinh doanh và thí điểm cấp giấy chứng nhận sản phẩm được sản xuất, kinh doanh theo chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn.
Duy trì lấy mẫu giám sát theo kế hoạch kết hợp với thông tin vi phạm ATTP từ các nguồn khác nhau làm cơ sở đánh giá nguy cơ, xác định sản phẩm, công đoạn, địa bàn nguy cơ cao và tổ chức thanh tra, điều tra nguyên nhân, xử lý vi phạm (kể cả thu hồi sản phẩm không an toàn);
Tiếp tục thẩm tra hồ sơ đăng ký nhập khẩu hàng hóa có nguồn gốc động vật, thực vật của các nước nhập khẩu vào Việt Nam theo Thông tư 25, Thông tư 13; xử lý các vướng mắc trong xuất khẩu nông lâm thủy sản vào các thị trường: Liên minh Châu Âu, Châu Á (Hàn Quốc, Nhật Bản) và Liên Bang Nga; phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai các hoạt động ngăn chặn tạp chất có hiệu quả.
Tổ chức đánh giá các phòng kiểm nghiệm và thẩm định, trình ban hành các quy trình phân tích chuẩn theo kế hoạch. Hoàn thiện Thông tư sửa đổi các biểu mẫu kiểm tra, đánh giá các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản còn bất cập theo Thông tư 14/2011/TT-BNNPTNT; dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 13/2011/TT-BNNPTNT hướng dẫn việc kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhập khẩu.
2.7. Thủy lợi, đê điều, XDCB
Trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ kinh phí sửa chữa các hồ chứa nước cấp bách năm 2014; hướng dẫn đánh giá công nhận đạt tiêu chí thủy lợi trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Đôn đốc các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện công tác đảm bảo an toàn công trình, thủy lợi; kế hoạch tu bổ đê điều thường xuyên; kế hoạch duy tu bảo dưỡng đê điều đảm bảo đúng kế hoạch, tiến độ bảo đảm an toàn trước mùa mưa bão.
Tiếp tục hoàn thiện thủ tục phê duyệt quy hoạch lưu vực sông Cà Lồ; sông Trà Bồng-Trà Khúc; vùng lòng hồ Dầu Tiếng và khu đầu mối phục vụ quản lý khai thác đa mục tiêu; quy hoạch thủy lợi vùng kẹp giữa hai sông Vàm Cỏ; vùng Đông Nam Bộ trong điều kiện biến đổi khí hậu;
Tiếp tục đôn đốc các Chủ đầu tư, ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đảm bảo chất lượng và an toàn công trình; Đôn đốc, kiểm tra một số dự án đang thực hiện và đẩy nhanh tiến độ các dự án WB3, ADB5, WB5, RETA; xây dựng Tiêu chuẩn về an toàn đập, định mức kiểm định an toàn đập.
Xây dựng dự thảo Luật Thủy lợi; ban hành Thông tư liên tịch Hướng dẫn triển khai Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 02/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và quản lý, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn; xây dựng Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng chống thiên tai; Nghị định quy định về thành lập và quản lý quỹ phòng, chống thiên tai; dự thảo Quyết định của Thủ tướng về chỉnh sửa, bổ sung Quy chế xử lý sạt lở.
3. Phát triển nông thôn và xây dựng nông thôn mới
Tiếp tục tổ chức thực hiện Nghị quyết 26/TW theo Kết luận của Bộ Chính trị kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới; triển khai mô hình thí điểm bảo vệ môi trường và mô hình chỉ đạo sản xuất; mô hình huyện nông thôn mới và chỉ đạo xây dựng NTM tại xã trắng tiêu chí và xã bãi ngang; kiểm tra tình hình triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tại một số địa phương; tiếp tục xây dựng Thông tư hướng dẫn thực hiện Quy trình xét công nhận và công bố địa phương đạt chuẩn nông thôn mới.
Khảo sát triển khai kế hoạch Đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp; xây dựng khung hợp tác xã sản xuất chè và tổ đội sản xuất trên biển; tiếp tục dự thảo Quyết định về chính sách phát triển kinh tế trang trại; phổ biến Thông tư 15/2014/TT-BNNPTNT ngày 29/4/2014 hướng dẫn thực hiện Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg tại các tỉnh miền Trung và miền Bắc;
Triển khai xây dựng và nhân rộng mô hình giảm nghèo năm 2014; đề án phát triển nông nghiệp nông thôn miền núi phía Bắc; tổng hợp nhu cầu bổ sung vốn thực hiện các dự án di dời dân vùng thiên tai của các địa phương; kiểm tra tình hình thực hiện bố trí dân cư tại các địa phương.
Tiếp tục hoàn thiện chính sách hỗ trợ tái định cư các dự án thủy điện; chính sách ổn định đời sống và sản xuất cho các hộ sau tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện. Đôn đốc UBND các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư Dự án thủy điện Sơn La, thủy điện Lai Châu đáp ứng tiến độ chung của toàn Dự án.
Phối hợp với Ủy ban Dân tộc thực hiện chuyên đề rà soát đánh giá kết quả tổ chức thực hiện chính sách dân tộc vùng Tây Nguyên; tổ chức tuyên truyền tháng hành động về phòng chống ma túy; hoàn thành báo cáo tổng kết thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011-2014 thuộc lĩnh vực của Bộ.
* Tổ chức bộ máy: Tiếp tục triển khai Nghị quyết Ban Cán sự Đảng Bộ trong công tác cán bộ; rà soát chức năng nhiệm vụ, kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy của một số đơn vị thuộc Bộ; thực hiện chương trình đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức; các chương trình đào tạo phục vụ Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp; Chương trình sơ cấp nghề phục vụ đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2014.
* Công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp: Tiếp tục phê duyệt, công bố giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa Tổng công ty: Rau quả Nông sản, Chè Việt Nam; chỉ đạo TCty Thủy sản Việt Nam xây dựng và trình Bộ thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa.
Hướng dẫn các đơn vị triển khai thực hiện việc trích lập, quản lý quỹ tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với Kiểm soát viên và người đại diện vốn nhà nước theo quy định Nghị định số 51/2013/NĐ-CP ngày 14/05/2013 của Chính phủ; Quy chế giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính đối với doanh nghiệp do nhà nước làm chủ sở hữu và doanh nghiệp có vốn nhà nước.
* Khoa học công nghệ: tổ chức thực hiện kế hoạch khoa học công nghệ phục vụ Tái cơ cấu; rà soát đánh giá lại danh mục quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện có để hướng dẫn, chỉ đạo xây dựng mới và bổ sung quy chuẩn, tiêu chuẩn.
* Kế hoạch, tài chính: Theo dõi, đôn đốc các đơn vị thuộc Bộ triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu của ngành và chuyên ngành, Chương trình hành động của Bộ triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 02/01/2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán NSNN năm 2014. Chuẩn bị hướng dẫn các đơn vị xây dựng Kế hoạch ngành nông nghiệp năm 2015.
Triển khai thẩm định và tổng hợp quyết toán niên độ 2013 của các đơn vị; duyệt quyết toán 2013 và giao dự toán đợt 3 năm 2014 cho các đơn vị dự toán trực thuộc Bộ; tổng hợp và đề nghị Bộ Tài chính phân bổ nốt dự toán NSNN năm 2014 (bao gồm cả kinh phí Chương trình MTQG, vốn ngoài nước);.
* Hợp tác quốc tế: Tổ chức cuộc gặp song phương giữa 2 Bộ trưởng Nông nghiệp Việt Nam và Hà Lan nhân dịp Thủ tướng Hà Lan sang thăm Việt Nam; hoàn thiện dự thảo Bản ghi nhớ với Bộ Nông nghiệp, Chăn nuôi, Phát triển nông thôn và Thực phẩm Mexico trong lĩnh vực kiểm dịch thực vật.
Tiếp tục xây dựng các phương án chuẩn bị các phiên đàm phán tiếp theo của TPP, Việt Nam - EU, Việt Nam với liên minh Hải quan, Việt Nam - EFTA, Việt nam - Hàn Quốc, RCEPT và các FTA khác. Lập kế hoạch về việc tổ chức Hội nghị Hồ tiêu quốc tế lần thứ 42; thành lập nhóm công tác SPS trong thực thi FTA ASEAN Trung quốc.
* Các công tác khác: xúc tiến đầu tư, khoa học công nghệ, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, hoạt động cải cách hành chính, công tác tổ chức sắp xếp và đào tạo cán bộ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, thực hiện nghiêm túc Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG |
1 Nội dung đăng trên www.omard.gov.vn
2 Lào Cai, Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum, TP.HCM, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau
3 Bạc Liêu, Bến Tre, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Sóc Trăng, Thừa Thiên-Huế, Tiền Giang, Tp. Hải Phòng, Tp. Hồ Chí Minh và Trà Vinh.
4 Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Nghệ An, Phú Yên, Quảng Trị, Sóc Trăng, Tiền Giang, Tp. Hồ Chí Minh và Trà Vinh
5 Bạc Liêu, Cà Mau, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Ngãi và Thừa Thiên Huế
6 Hải Dương, Ninh Bình, Hà Nội, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Thái Bình, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Tuyên Quang, Quảng Bình
7 Kế hoạch hành động nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng sản xuất giai đoạn 2014-2020;
Kế hoạch hành động Nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ qua chế biến giai đoạn 2014 - 2020;
Kế hoạch hành động phát triển thị trường gỗ và sản phẩm gỗ giai đoạn 2014-2020
Kế hoạch phát triển kinh tế hợp tác và liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm trong lâm nghiệp giai đoạn 2014-2020
Báo cáo 1734/BC-BNN-VP công tác tháng 5 và nhiệm vụ công tác tháng 6 năm 2014 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam ban hành
Số hiệu: | 1734/BC-BNN-VP |
---|---|
Loại văn bản: | Báo cáo |
Nơi ban hành: | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Người ký: | Vũ Văn Tám |
Ngày ban hành: | 03/06/2014 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Báo cáo 1734/BC-BNN-VP công tác tháng 5 và nhiệm vụ công tác tháng 6 năm 2014 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam ban hành
Chưa có Video