BỘ TƯ PHÁP |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 170/BC-BTP |
Hà Nội, ngày 26 tháng 7 năm 2018 |
Sáu tháng đầu năm 2018, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến và đạt được những kết quả tích cực. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, tăng trưởng cao hơn cùng kỳ; đời sống người dân tiếp tục được cải thiện; công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, quốc phòng, an ninh, đối ngoại đạt nhiều kết quả, tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân. Tuy vậy, tình hình kinh tế - xã hội trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức. Năng suất lao động và sức cạnh tranh còn thấp; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước chưa cao; kỷ cương, kỷ luật nhiều nơi chưa nghiêm. Tình hình quốc tế có nhiều thay đổi, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, khó lường.
Đối với công tác Tư pháp, với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ và cấp uỷ, chính quyền địa phương các cấp, toàn Ngành đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ, nhất là 08 nhóm nhiệm vụ trọng tâm được nêu tại Báo cáo số 01/BC-BTP ngày 02/01/2018 của Bộ Tư pháp1 và 09 nhóm nhiệm vụ chủ yếu theo Chương trình hành động của Ngành Tư pháp2 thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2018 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018. Trên cơ sở tổng hợp báo cáo từ các Bộ, ngành và địa phương, Báo cáo này tập trung đánh giá việc triển khai các nhiệm vụ trọng tâm và các kết quả nổi bật của công tác tư pháp trong 6 tháng đầu năm; xác định những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân để từ đó đề xuất nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu công tác 6 tháng cuối năm 2018.
TÌNH HÌNH CÔNG TÁC TƯ PHÁP 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2018
I. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH
Công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ, ngành Tư pháp tiếp tục đổi mới theo phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” của Chính phủ, bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các địa phương; ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tư pháp tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2018 với nội dung trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện thể chế, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, tạo động lực, điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, đổi mới sáng tạo.
- Bộ, ngành Tư pháp đã sớm ban hành các chương trình, kế hoạch hành động để thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, qua đó cụ thể hoá các nhiệm vụ thực hiện trước mắt và lâu dài, gắn với chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp, như: Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 18- NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII; Chương trình hành động của Bộ Tư pháp thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP; Kế hoạch hành động của Bộ Tư pháp thực hiện Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP của Chính phủ... Các Bộ, ngành, địa phương cũng đã kịp thời ban hành các chương trình, kế hoạch công tác để cụ thể hoá các nhiệm vụ về công tác tư pháp, pháp chế.
- Trên cơ sở các chương trình, kế hoạch công tác, toàn Ngành đã chỉ đạo tập trung triển khai thực hiện; thường xuyên rà soát, theo dõi, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ. Bộ Tư pháp đã đưa vào ứng dụng hiệu quả Phần mềm theo dõi thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Lãnh đạo Bộ giao; được Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao trong việc chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ. Sáu tháng đầu năm, Bộ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện 161 nhiệm vụ, đã hoàn thành 116 nhiệm vụ, đang tiếp tục thực hiện 45 nhiệm vụ, không có nhiệm vụ quá hạn. Bộ và các cơ quan tư pháp địa phương đã tích cực, chủ động tham mưu cho Chính phủ, chính quyền địa phương giải quyết những vấn đề pháp lý phát sinh trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ Tư pháp đã quyết liệt chỉ đạo việc rà soát, đề xuất cắt giảm nhiều điều kiện kinh doanh. Trên cơ sở đó, ngày 08/6/2018, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 1319/QĐ-BTP phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp, với tổng số 49/94 điều kiện kinh doanh dự kiến sẽ được cắt giảm, tỷ lệ 52,13%.
- Việc trả lời các kiến nghị liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành, công tác chuyên môn được ngành Tư pháp chú trọng. Tại Bộ Tư pháp, các đơn vị đã tham mưu trả lời 49 kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ 4 và hiện đang tiếp tục trả lời 59 kiến nghị gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV; tiếp nhận, trả lời 396 kiến nghị, đề nghị hướng dẫn nghiệp vụ của các Bộ, ngành, địa phương; 26 phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp gửi qua Hệ thống theo dõi của Văn phòng Chính phủ. Đặc biệt, tại Phiên họp thứ 22 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (tháng 3/2018), Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội3. Sau chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về Phiên chất vấn để kịp thời chỉ đạo triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả trong các lĩnh vực công tác xây dựng, phổ biến và tổ chức thi hành pháp luật.
- Thực hiện Chương trình của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãnh phí năm 2018, Bộ Tư pháp đã ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018 của Bộ Tư pháp (Quyết định số 641/QĐ-BTP ngày 06/4/2018). Trong đó, đã đề ra các nhiệm vụ để tiếp tục đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong mọi lĩnh vực, nhất là trong việc sử dụng ngân sách nhà nước, góp phần dành nguồn đầu tư cho phát triển và nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả tổ chức các hội nghị, hội thảo, các đợt thanh tra, kiểm tra và các chuyến công tác địa phương, Bộ Tư pháp đã rà soát tổng thể và ban hành Kế hoạch chung, thống nhất tổ chức Hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tập huấn và các đoàn thanh tra, kiểm tra, khảo sát của Bộ Tư pháp năm 2018 (Quyết định số 797/QĐ-BTP ngày 20/4/2018), trong đó, thực hiện cắt giảm và lồng ghép nhiều hoạt động dự kiến được tổ chức trong năm 20184.
- Bộ Tư pháp đã cùng với các Bộ, ngành, địa phương tăng cường phối hợp triển khai các nhiệm vụ, qua đó kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn và thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả phối hợp công tác. Sáu tháng đầu năm, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị công tác pháp chế với các Bộ, ngành; tổ chức các buổi làm việc với Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn luật sư Việt Nam để thúc đẩy và tháo gỡ khó khăn cho công tác tư pháp ở cả trung ương và địa phương; tổ chức làm việc với cấp uỷ, chính quyền nhiều địa phương5 về công tác tư pháp, thi hành án dân sự (THADS).
- Thông tin, truyền thông về hoạt động của Bộ, Ngành tiếp tục được chú trọng. Bộ Tư pháp, Hệ thống THADS và các cơ quan tư pháp địa phương đã chủ động tổ chức hoặc tham gia tích cực các cuộc họp báo, ban hành Thông cáo báo chí và cung cấp thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về hoạt động của Ngành, về các vấn đề được dư luận quan tâm hoặc để kịp thời định hướng dư luận6. Bên cạnh đó, Bộ, ngành Tư pháp cũng chủ động nắm bắt thông tin qua phản ánh của các cá nhân, tổ chức và thông tin phản ánh từ báo chí để có hướng giải quyết kịp thời.
- Về công tác THADS, Bộ Tư pháp chỉ đạo Hệ thống THADS tăng cường phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương, nhất là tại các địa bàn trọng điểm và một số địa phương có kết quả THADS về tiền đạt thấp; tăng cường việc kiểm tra trong công tác THADS; định kỳ hoặc đột xuất họp giao ban trực tuyến trong Hệ thống THADS để kịp thời nắm bắt khó khăn, hướng dẫn, chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ. Tại địa phương, Cục THADS đã thường xuyên hướng dẫn chuyên môn đối với các Chi cục; chủ động tổ chức họp liên ngành với các sở, ban, ngành địa phương hoặc kịp thời báo cáo, xin ý kiến Ban Chỉ đạo THADS tìm hướng giải quyết đối với các vụ việc phức tạp.
- Bên cạnh đó, Bộ, ngành Tư pháp chú trọng công tác cải cách hành chính, đổi mới lề lối làm việc, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính và đã đạt nhiều kết quả tích cực. Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) của Bộ Tư pháp tăng 02 bậc, xếp thứ 4/19 Bộ, ngành được đánh giá, trong đó Bộ Tư pháp được đánh giá là một trong các Bộ thực hiện tốt nhất việc chỉ đạo điều hành về cải cách hành chính.
- Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành các lĩnh vực công tác tiếp tục được ngành Tư pháp quan tâm thực hiện. Bộ và các Sở Tư pháp đã chỉ đạo tích cực sử dụng các phần mềm trong các lĩnh vực chuyên ngành và trong theo dõi việc thực hiện các nhiệm vụ được giao; sử dụng văn bản điện tử, chữ ký số... mang lại hiệu quả cao. Theo công bố của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp xếp thứ 3/19 Bộ, ngành về mức độ ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ điện tử (ICT Index).
II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC NHIỆM VỤ CÔNG TÁC
Trong 6 tháng đầu năm, Bộ, ngành Tư pháp đã triển khai đồng bộ, toàn diện các lĩnh vực công tác, trong đó tập trung vào 08 nhóm nhiệm vụ trọng tâm được xác định từ đầu năm. Kết quả cụ thể như sau:
1. Công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật
- Thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành đã tích cực xây dựng, hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018; thông qua 07 luật7 và cho ý kiến 8 dự án luật khác8, trong đó có nhiều dự án để cụ thể hoá các Nghị quyết của Đảng tại Hội nghị lần thứ 5, thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khoá XII, cũng như nhằm tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, như: Luật Cạnh tranh; Luật sửa đổi các luật liên quan đến quy hoạch; Luật Công an nhân dân (sửa đổi).
Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ trong việc đôn đốc các Bộ, ngành xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã ban hành được 98 văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh, số lượng văn bản “nợ đọng” còn 11 văn bản, giảm 04 văn bản so với cùng kỳ 2017, trong đó Bộ Tư pháp không để nợ văn bản nào.
Sáu tháng đầu năm, các Bộ, ngành đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 449 VBQPPL (giảm 74 văn bản so với cùng kỳ 2017); các địa phương ban hành 1.272 VBQPPL cấp tỉnh (giảm 16,3%), 923 VBQPPL cấp huyện (giảm 50%) và 5.694 VBQPPL cấp xã (giảm gần 60%). Như vậy, so với cùng kỳ 2017, số lượng VBQPPL được ban hành giảm nhẹ ở cấp Trung ương và tiếp tục giảm mạnh ở địa phương, phù hợp với tinh thần, quy định của Luật ban hành VBQPPL năm 2015 và chủ trương tập trung cao vào công tác tổ chức thi hành pháp luật.
- Các Bộ, ngành đã nghiêm túc, kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo VBQPPL. Chất lượng công tác thẩm định VBQPPL từng bước được nâng cao; cơ quan thẩm định đã thể hiện rõ quan điểm về điều kiện trình các dự án, dự thảo VBQPPL. Sáu tháng đầu năm, Bộ Tư pháp, các Sở Tư pháp đã tổ chức thẩm định 187 đề nghị xây dựng VBQPPL9. Toàn Ngành đã thẩm định 3.529 dự thảo VBQPPL (giảm 32% so với cùng kỳ 2017), trong đó Bộ Tư pháp đã thẩm định 141 dự thảo; Tổ chức Pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ thẩm định 380 dự thảo và 3.008 dự thảo do các Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp thẩm định.
- Đối với công tác kiểm tra VBQPPL, các Bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra theo thẩm quyền 7.873 VBQPPL (giảm 60% so với cùng kỳ năm 2017); qua kiểm tra, bước đầu phát hiện 205 văn bản có dấu hiệu trái nội dung, thẩm quyền (giảm 166 văn bản so với cùng kỳ năm 2017). Tại Bộ Tư pháp, đã kiểm tra theo thẩm quyền 1.571 văn bản (gồm 331 văn bản của các Bộ, cơ quan ngang bộ; 1.240 văn bản của địa phương); qua kiểm tra đã phát hiện, ra Kết luận kiểm tra, kiến nghị xử lý đối với 39 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền (gồm 23 văn bản của các Bộ, 16 văn bản của địa phương)10; đến nay, có 16/39 văn bản đã được cơ quan ban hành xử lý.
Thực hiện Quyết định số 126/QĐ-TTg ngày 25/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hệ thống hóa VBQPPL thống nhất trong cả nước kỳ 2014-2018, Bộ Tư pháp đã tổ chức các Hội nghị triển khai Kế hoạch, kết hợp với việc tập huấn rà soát, hệ thống hóa cho các tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ; Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước và công chức làm công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản của các Sở Tư pháp. Trên có sở đó, các Bộ, ngành và địa phương đã xây dựng kế hoạch, tích cực triển khai thực hiện để đảm bảo đúng yêu cầu đề ra.
Trong công tác pháp điển hệ thống QPPL, các Bộ, ngành và các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp thực hiện pháp điển và thẩm định xong 26 đề mục; trình Chính phủ thông qua kết quả pháp điển các chủ đề: Tương trợ tư pháp; Văn thư, lưu trữ và 28 đề mục; cập nhật QPPL mới ban hành vào 07 đề mục11 của Bộ pháp điển. Bộ Tư pháp đã phối hợp tổ chức Hội nghị giới thiệu, tuyên truyền công tác pháp điển tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
2. Công tác tổ chức thi hành pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; tiếp cận pháp luật
- Việc triển khai các luật do Quốc hội mới ban hành được các Bộ, ngành, địa phương quan tâm. Các luật do Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng (Luật Tiếp cận thông tin, Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước) được chủ động triển khai, trong đó đã tập trung tập huấn chuyên sâu những nội dung cơ bản của các luật; tổ chức rà soát, xây dựng đầy đủ các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành để bảo đảm có hiệu lực cùng thời điểm với các luật.
Bộ Tư pháp đã phối hợp cùng các Bộ, ngành hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện “Đề án Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật” giai đoạn năm 2018 - 2022 (Quyết định số 242/QĐ-TTg ngày 26/02/2018). Cùng với việc triển khai Đề án, các Bộ, ngành, địa phương đã tập trung vào việc tổ chức theo dõi thi hành pháp luật trong các lĩnh vực trọng tâm, liên ngành năm 2018 là điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường; y tế; lao động - thương binh và xã hội và các lĩnh vực khác (như: Bộ Xây dựng tập trung theo dõi thi hành pháp luật về cấp phép xây dựng, xử lý VPHC trong lĩnh vực xây dựng; Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung vào lĩnh vực bảo vệ môi trường, địa chất - khoáng sản và tài nguyên nước; Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chú trọng lĩnh vực quyền tác giả chương trình máy tính, quản lý và tổ chức hoạt động lễ hội...). Qua công tác theo dõi thi hành pháp luật, các Bộ, ngành, địa phương đã có phản ứng chính sách kịp thời hơn, nhất là với những vấn đề trực tiếp liên quan đến người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đã tiến hành kiểm tra công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật tại Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Dân tộc; tổ chức Hội nghị tập huấn chuyên sâu về theo dõi tình hình thi hành pháp luật cho các đối tượng có liên quan trên địa bàn các tỉnh Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ.
- Tiếp tục triển khai Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), Chương trình PBGDPL giai đoạn 2017-2021 và các Kế hoạch, Đề án PBGDPL khác, toàn Ngành đã tập trung phổ biến các VBQPPL gắn với từng lĩnh vực trọng tâm, phù hợp với các lĩnh vực, địa bàn, đối tượng đặc thù và các VBQPPL mới được thông qua, những vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội. Nhiều Bộ, ngành, địa phương đã chú trọng nghiên cứu, đổi mới các hình thức PBGDPL, đẩy mạnh xã hội hoá, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL (như: Bộ Tư pháp, Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp thực hiện Chương trình truyền hình “Sức nước ngàn năm”; Lào Cai với mô hình “tuyên vận”; An Giang tổ chức thi sáng tác kịch bản tiểu phẩm tuyên truyền pháp luật về các quyền dân sự, chính trị; Cần Thơ tổ chức các Tủ sách pháp luật tại 110 điểm “Quán cà phê pháp luật”; Đồng Nai tổ chức cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật năm 2018”...)
Sáu tháng đầu năm, các Bộ, ngành, địa phương đã tổ chức 614.902 cuộc tuyên truyền pháp luật cho 41,4 triệu lượt người; phát miễn phí gần 24 triệu tài liệu tuyên truyền, PBGDPL.
- Bộ Tư pháp và các địa phương chú trọng củng cố, kiện toàn mạng lưới tổ hòa giải ở cơ sở và đội ngũ hòa giải viên; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở. Trong 6 tháng đầu năm, cả nước tiếp nhận 78.788 vụ việc hòa giải (giảm gần 14% so với cùng kỳ năm 2017), trung bình tỷ lệ hòa giải thành đạt 76,53% (tăng 0,75% so với cùng kỳ năm 2017). Một số địa phương có tỷ lệ hoà giải thành rất cao (như Bến Tre - 91%, Long An - 90,2%, Vĩnh Long - 86,4%, An Giang - 86%).
- Nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật bước đầu đã được quan tâm triển khai thực hiện, một số địa phương có tỷ lệ cao về số xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2017 như: Hà Tĩnh (262/262 đơn vị); Bắc Ninh (120/126 đơn vị), Đà Nẵng (49/51 đơn vị), Đồng Tháp (133/144 đơn vị), Phú Thọ (255/277 đơn vị), Tuyên Quang (133/138 đơn vị) Thừa Thiên - Huế (111/152 đơn vị), Tiền Giang (161/173 đơn vị), Vĩnh Long (102/109 đơn vị)…
3. Công tác thi hành án dân sự
Công tác THADS, thi hành án hành chính, nhất là trong việc xử lý các vụ việc phức tạp, kéo dài được chú trọng. Công tác phối hợp với các ngành Tòa án, Kiểm sát, Nội chính, Công an, Ngân hàng, Bảo hiểm xã hội trong hoạt động THADS tiếp tục được triển khai hiệu quả, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thi hành án. Ban chỉ đạo THADS các cấp thường xuyên được rà soát, kiện toàn, hoạt động có hiệu quả, góp phần giải quyết nhiều vụ việc phức tạp.
- Kết quả THADS 8 tháng đầu năm 2018 (từ ngày 01/10/2017 đến hết tháng 5/2018):
Về việc: Tổng số phải thi hành là 778.434 việc, trong đó: Số có điều kiện thi hành là 601.170 việc; đã thi hành xong 389.293 việc, đạt tỉ lệ 64,76% (tăng 1,01%so với cùng kỳ năm 2017). Một số địa phương đạt kết quả cao về việc như: Lai Châu (90,47%), Bắc Kạn (89,41%), Điện Biên (87,43%), Tuyên Quang (86,48%), Cao Bằng (86,11%).
Về tiền: Tổng số phải thi hành là 171.711 tỷ 190 triệu 560 nghìn đồng, trong đó: Số có điều kiện thi hành là 101.534 tỷ 270 triệu 652 nghìn đồng,; đã thi hành xong 19.878 tỷ 145 triệu 009 nghìn đồng, đạt tỉ lệ 19,58% (giảm 6,98% so với cùng kỳ năm 2017). Một số địa phương đạt kết quả cao về tiền như: Lai Châu (61,21%), Cao Bằng (53,30%), Điện Biên (50,64%), Hà Giang (46,12%), Quảng Trị (45,85%).
- Kết quả theo dõi thi hành án hành chính: Trong 6 tháng đầu năm, Tòa án nhân dân đã chuyển giao cho cơ quan THADS 927 bản án, quyết định, trong đó có 247 bản án, quyết định có nội dung theo dõi12. Đến nay, đã thi hành xong 145 việc, còn 102 việc đang tiếp tục thi hành13.
- Công tác quy hoạch, luân chuyển, đào tạo bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ, công chức THADS đạt được những kết quả quan trọng. Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS đã tổ chức 03 lớp Bồi dưỡng ngạch thư ký thi hành án cho 222 học viên, 03 lớp Bồi dưỡng nghiệp vụ Chấp hành viên trung cấp cho 338 học viên; 03 Lớp bồi dưỡng ngạch Thẩm tra viên cho 156 học viên; 01 lớp Bồi dưỡng ngạch Chấp hành viên cao cấp cho 35 học viên; tổ chức lớp bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo quản lý cho 215 Chi cục trưởng.
- Với mục tiêu nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong Hệ thống THADS, Bộ đã triển khai tập huấn Phần mềm quản lý THADS và bước đầu thực hiện thí điểm có hiệu quả Phần mềm tại 15 địa phương từ ngày 01/4/2018; các cơ quan THADS đã vận hành Cổng, Trang thông tin điện tử THADS, tiếp tục thực hiện cơ chế một cửa, hỗ trợ nộp đơn trực tuyến thi hành án, rà soát, công bố thủ tục hành chính, tăng cường sử dụng văn bản điện tử.
4. Công tác xây dựng Ngành
Tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp đang được kiện toàn phù hợp với yêu cầu cải cách, tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị BCH Trung ương lần thứ 6 khoá XII, Bộ Tư pháp đã ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch triển khai các nghị quyết (Quyết định số 949/QĐ-BTP ngày 26/4/2018), trong đó chú trọng xây dựng và thực hiện Quy hoạch mạng lưới đơn vị sự nghiệp và Danh mục dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước của Bộ Tư pháp. Thực hiện Nghị định số 96/2017/NĐ-CP, Bộ đã cơ bản hoàn thành việc ban hành quyết định mới quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị trực thuộc. Để tạo cơ sở thống nhất trong công tác cán bộ, Bộ đã ban hành mới Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm, điều động, biệt phái của Bộ Tư pháp (Quyết định số 328/QĐ-BTP Ngày 01/3/2018) và Quy chế đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức của Bộ Tư pháp (Quyết định số 273/QĐ-BTP ngày 12/02/2018).
Bên cạnh đó, Bộ cũng đã có những tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phân công nhiệm vụ hợp lý hơn, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Bộ, Ngành (như tham mưu chuyển nhiệm vụ quản lý nhà nước về hương ước, quy ước cho Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch).
- Việc rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý được các cơ quan tư pháp quan tâm thực hiện. Đến nay, toàn Ngành đã cơ bản hoàn thành rà soát, bổ sung quy hoạch cho giai đoạn 2017-2021 và giai đoạn 2021-2026. Bộ Tư pháp đã rà soát, đánh giá biên chế của các đơn vị gắn với yêu cầu vị trí việc làm và khối lượng công việc của từng đơn vị, bảo đảm sử dụng có hiệu quả số lượng biên chế được giao. Trong toàn Ngành, đội ngũ làm công tác tư pháp tương đối ổn định14. Các cơ quan tư pháp đã kiện toàn hoặc đề xuất kiện toàn nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó chú trọng về chất lượng của đội ngũ này. Riêng tại Bộ Tư pháp, 6 tháng đầu năm đã bổ nhiệm, bổ nhiệm lại đối với 18 lãnh đạo cấp Vụ, 10 lãnh đạo cấp Phòng của các đơn vị thuộc Bộ.
Đối với đội ngũ làm công tác pháp chế, số lượng cán bộ pháp chế chuyên trách ở các địa phương hiện có 593 người. Đặc biệt, các cơ quan ở Trung ương đã quan tâm bổ sung, kiện toàn cán bộ pháp chế chuyên trách (các Bộ, ngành hiện có 1.455 người làm công tác pháp chế chuyên trách, tăng 125 người so với cùng kỳ 2017).
- Công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho công chức, viên chức của Ngành được chú trọng. Tại Bộ Tư pháp, đã cử 355 công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài nước. Công tác tuyển sinh, đào tạo của các cơ sở đào tạo thuộc Bộ được triển khai thực hiện đúng kế hoạch (Trường Đại học luật Hà Nội đã cơ bản hoàn thành công tác tuyển sinh đại học chính quy năm 2018, đã tuyển 433 sinh viên văn bằng 2, công nhận tốt nghiệp cho 2.134 sinh viên các hệ đào tạo; Học viện Tư pháp đã tuyển sinh được 2.171 học viên, đạt 73% chỉ tiêu đào tạo cả năm; các trường trung cấp luật, bên cạnh tuyển sinh học viên trung cấp, đã chú trọng công tác liên thông, liên kết đào tạo đại học văn bằng 2, đào tạo các chức danh tư pháp, bồi dưỡng chuyên viên, chuyên viên chính...). Hiện nay, Bộ đang tập trung xây dựng, hoàn thiện các đề án phát triển các trường trung cấp luật trong tình hình mới.
5. Công tác hành chính tư pháp
Toàn Ngành đã tập trung nâng cao chất lượng và giải quyết được khối lượng lớn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trong các lĩnh vực hành chính tư pháp, trong đó quan tâm thực hiện việc đơn giản hoá thủ tục hành chính, từng bước hiện đại hoá, tạo thuận lợi cho người dân cũng như đáp ứng tốt hơn yêu cầu quản lý của cơ quan nhà nước.
- Đối với công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực: Bộ, ngành Tư pháp tiếp tục chú trọng thực hiện Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký, thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2024 gắn với thực hiện Luật Hộ tịch. Việc triển khai thực hiện Đề án xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc tiếp tục đạt kết quả tích cực. Bộ Tư pháp đã mở rộng triển khai Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch tại 28 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương15; đã đào tạo, tập huấn để mở rộng áp dụng Phần mềm cho các tỉnh: Bắc Kạn, Bình Định, Bình Thuận, Cà Mau, Gia Lai. Cùng với đó, các vấn đề về hộ tịch, quốc tịch liên quan đến người di cư tự do từ các nước có chung đường biên giới về nước được Bộ và các địa phương quan tâm giải quyết thông qua các hoạt động cụ thể triển khai thực hiện “Thỏa thuận giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào về việc giải quyết vấn đề di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước” và Tiểu Đề án “Giải quyết các vấn đề về quốc tịch, hộ tịch, hộ khẩu và các giấy tờ tùy thân khác cho người dân di cư tự do từ Campuchia về nước”.
+ Công tác đăng ký hộ tịch ở các địa phương được thực hiện đúng quy định, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân. Sáu tháng đầu năm, đã thực hiện đăng ký khai sinh mới cho 1.009.726 trường hợp (tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2017), đăng ký khai sinh lại cho 494.162 trường hợp (tăng 35%); khai tử cho 299.974 trường hợp (tăng 6,7%), đăng ký kết hôn cho 403.576 cặp (tăng 4%), trong đó có 10.336 trường hợp có yếu tố nước ngoài (tăng 6,9%). Số liệu trên tiếp tục cho thấy yêu cầu đăng ký hộ tịch có xu hướng tăng khá cao, đặc biệt là yêu cầu đăng ký lại khai sinh, do liên quan đến quá trình thu thập dữ liệu phục vụ xây dựng CSDLQG về dân cư.
+ Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ để trình Chủ tịch nước giải quyết 2.487 hồ sơ quốc tịch (trong đó có 2.467 hồ sơ xin thôi, 14 hồ sơ xin nhập, 06 hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam); trả lời 860 trường hợp tra cứu, xác minh quốc tịch Việt Nam theo đề nghị của các cơ quan, tăng gần 66% so với 6 tháng đầu năm 2017.
+ Trong công tác chứng thực, trên toàn quốc đã chứng thực được 63.595.582 bản sao (tăng gần 23% so với cùng kỳ năm 2017); thực hiện được 4.002.847 việc chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch (tăng hơn 10%). Nhằm hạn chế tình trạng lạm dụng bản sao có chứng thực, một số địa phương đã có các biện pháp chỉ đạo quyết liệt (như thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các sở, ban, ngành và lãnh đạo 24 quận, huyện tiếp tục chấn chỉnh tình trạng cán bộ lạm dụng yêu cầu nộp bản sao có chứng thực đối với giấy tờ, văn bản khi thực hiện thủ tục hành chính).
- Về công tác nuôi con nuôi, Bộ Tư pháp đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và triển khai Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 19/01/2018 về tăng cường công tác nuôi con nuôi trong tình hình mới. Trong 6 tháng đầu năm, các địa phương đã giải quyết 1.320 trường hợp nuôi con nuôi trong nước (tăng 74 trường hợp so với cùng kỳ năm 2017); các cơ quan có thẩm quyền giải quyết 220 trường hợp nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài (giảm 06 trường hợp so với cùng kỳ năm 2017).
- Bộ Tư pháp đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức tổng kết 03 năm thực hiện Đề án thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp (LLTP) qua dịch vụ bưu chính, đăng ký cấp Phiếu LLTP trực tuyến và đang đề xuất thực hiện chính thức phương thức này trong cấp Phiếu LLTP. Bộ Tư pháp (Trung tâm LLTP quốc gia) cũng đã phối hợp với Bộ Công an (Cục Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát - C53) ký Quy chế phối hợp triển khai giải pháp ứng dụng công nghệ trong công tác tra cứu, xác minh thông tin để hỗ trợ các Sở Tư pháp cấp Phiếu LLTP.
Công tác xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP tiếp tục đạt nhiều kết quả tốt. Riêng tại Bộ Tư pháp, đã tiếp nhận, kiểm tra, phân loại được được 105.423 thông tin; cập nhật 66.000 bản LLTP, tăng tới 90% so với cùng kỳ 2017; phối hợp với C53, Bộ Công an hỗ trợ 44 Sở Tư pháp tra cứu, xác minh thông tin án tích cho 53.852 hồ sơ, tăng 45% so với 6 tháng đầu năm 2017. Các Sở Tư pháp đã cấp được 263.122 phiếu LLTP16, tăng tới 28,3% so với cùng kỳ 2017; Trung tâm LLTP quốc gia cấp 1.668 Phiếu LLTP17, 100% số Phiếu được cấp đúng hoặc sớm hơn thời hạn theo quy định.
- Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 08/2018/TT-BTP ngày 20/6/2018 hướng dẫn một số vấn đề về đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, hợp đồng và trao đổi thông tin về đăng ký biện pháp bảo đảm tại các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp. Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 về đăng ký và cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng động sản được duy trì và đẩy mạnh.
Trong 6 tháng đầu năm, các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản đã giải quyết 444.966 đơn yêu cầu đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm và văn bản thông báo về việc thế chấp phương tiện giao thông (tăng 10% so với cùng kỳ năm 2017), trong đó, tỷ lệ đăng ký trực tuyến đạt 66,2% (tăng khoảng 13% so với cùng kỳ năm 2017). Các địa phương đã giải quyết 1.373.123 đơn yêu cầu đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tương đương với cùng kỳ 2017.
- Trong công tác bồi thường nhà nước, các Bộ, ngành, địa phương đã chủ động tổ chức triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017. Bộ Tư pháp đã xây dựng, trình ban hành và ban hành đầy đủ các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật18; phối hợp với một số UBND cấp tỉnh tổ chức các Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành Luật19. Sáu tháng đầu năm, các cơ quan có trách nhiệm bồi thường trên cả nước đã thụ lý, giải quyết 78 vụ việc, trong đó có 18 vụ việc thụ lý mới (giảm 16 vụ việc so với cùng kỳ năm 2017), đã giải quyết xong 12/78 vụ việc, đạt tỉ lệ 15,38% (giảm 19,8% so với cùng kỳ năm 2017). Số tiền Nhà nước phải bồi thường trong các quyết định giải quyết bồi thường, bản án, quyết định về giải quyết bồi thường đã có hiệu lực pháp luật là trên 12,6 tỷ đồng (giảm gần 11 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2017). Bộ Tài chính đã tiếp nhận và thực hiện cấp phát kinh phí chi trả tiền bồi thường đối với 08 hồ sơ với tổng số tiền cấp phát là gần 8,7 tỷ đồng.
6. Công tác bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
Bộ, ngành Tư pháp chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ công trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp cùng với việc kịp thời chấn chỉnh, khắc phục sai sót trong hoạt động; tiếp tục thực hiện lộ trình xã hội hoá các dịch vụ công trong lĩnh vực này, bảo đảm phát triển bền vững; đồng thời chuẩn hoá quy trình, thủ tục cấp phép.
- Thể chế lĩnh vực bổ trợ tư pháp tiếp tục được tập trung hoàn thiện. Bộ Tư pháp đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 01 Đề án, ban hành theo thẩm quyền 01 Thông tư, 01 Quy chế phối hợp liên ngành về giám định tư pháp20 và hiện đang phối hợp với Văn phòng Chính phủ hoàn thiện 02 dự thảo Nghị định đã trình21.
+ Trong công tác luật sư, Bộ Tư pháp đã tổ chức buổi làm việc với Ban thường vụ Liên đoàn luật sư Việt Nam về tăng cường hoạt động quản lý nhà nước đối với hoạt động của luật sư, chỉ đạo các Đoàn luật sư chuẩn bị tốt cho công tác tổ chức đại hội. Các địa phương (Hà Nội, Nghệ An, Cà Mau...) cũng đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương đối với hoạt động luật sư. Sáu tháng đầu năm, các luật sư đã tham gia 109.766 việc (tăng gần 3,5% so với cùng kỳ 2017), nộp thuế gần 118 tỷ đồng.
+ Trong công tác công chứng, Bộ đã phối hợp với các cơ quan trình Quốc hội thông qua nội dung sửa đổi, bổ sung Luật công chứng liên quan đến quy hoạch trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số luật có quy định liên quan đến quy hoạch; theo đó, không tiếp tục quy định về quy hoạch công chứng. Việc chuyển đổi Phòng công chứng thành Văn phòng công chứng được các địa phương thực hiện chặt chẽ, thận trọng hơn, bảo đảm vai trò và vị trí dẫn dắt của các tổ chức sự nghiệp của nhà nước trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, triển khai thực hiện Đề án thành lập Hiệp hội công chứng viên Việt Nam, đến nay, trên cả nước đã có 43 Hội công chứng viên của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được thành lập, đi vào hoạt động; Bộ Tư pháp đang tích cực phối hợp với Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan thực hiện các nhiệm vụ chuẩn bị tổ chức Đại hội thành lập Hội công chứng viên Việt Nam.
Sáu tháng đầu năm, các tổ chức hành nghề công chứng đã công chứng được 3.268.269 hợp đồng, giao dịch (tăng hơn 35% so với cùng kỳ năm 2017), đóng góp cho Ngân sách nhà nước hoặc nộp thuế hơn 167,7 tỷ đồng.
+ Trong công tác đấu giá tài sản, các tổ chức bán đấu giá ở các địa phương đã tổ chức đấu giá thành 12.007 cuộc (tăng 22,4% so với cùng kỳ 2017), nộp ngân sách hơn 446 tỷ đồng.
+ Bộ Tư pháp đã rà soát, xây dựng và từng bước thực thi phương án cắt giảm điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp. Theo đó, quy trình cấp phép trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp đang dần được chuẩn hoá, đơn giản hoá thủ tục. Trong 6 tháng đầu năm 2018, Bộ Tư pháp đã cấp 445 Chứng chỉ hành nghề luật sư, thu hồi 04 trường hợp; bổ nhiệm công chứng viên đối với 72 trường hợp, miễn nhiệm công chứng viên đối với 18 trường hợp; cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá 62 trường hợp, thu hồi chứng chỉ hành nghề đấu giá viên đối với 08 trường hợp; cấp Chứng chỉ hành nghề quản tài viên đối với 57 trường hợp; bổ nhiệm thừa phát lại đối với 45 trường hợp.
- Trong công tác trợ giúp pháp lý (TGPL): Bộ Tư pháp đã tiếp tục hoàn thiện thể chế để triển khai có hiệu quả Luật TGPL22; hầu hết các địa phương đã ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật TGPL và phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức các Hội nghị quán triệt, tập huấn chuyên sâu các nội dung của Luật và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật. Sáu tháng đầu năm, các Trung tâm TGPL đã thực hiện 20.125 vụ việc TGPL (giảm 37,4% so với cùng kỳ 2017) cho 25.702 lượt người (giảm 27% so với cùng kỳ 2017). Số vụ việc và số lượt người được trợ giúp giảm mạnh do các địa phương tiếp tục chú trọng thực hiện trợ giúp đối với vụ việc tham gia tố tụng theo đúng tinh thần của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và Đề án đổi mới công tác TGPL (sáu tháng đầu năm, số vụ việc tham gia tố tụng là 4.394, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2017); nhiều địa phương có số vụ việc tham gia tố tụng tăng mạnh so với cùng kỳ 2017 ((như Vĩnh Phúc tăng 190%; Đắk Lắk tăng 92%; Quảng Nam tăng 57%, Trà Vinh tăng 54%).
- Nhằm hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, Bộ Tư pháp đang tích cực phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Nhiều Bộ, ngành, địa phương cũng đã ban hành và thực hiện Quy chế phối hợp trong triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Sáu tháng đầu năm, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các địa phương và các cơ quan, tổ chức 01 Hội nghị đối thoại và 9 lớp bồi dưỡng pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp, thu hút gần 1.000 lượt đại diện doanh nghiệp tham dự; phối hợp xây dựng và phát sóng 17 Chương trình Kinh doanh và Pháp luật trên Đài truyền hình Việt Nam và 87 Chương trình trên Đài tiếng nói Việt Nam.
7. Công tác pháp luật quốc tế, hợp tác quốc tế về pháp luật
- Bộ Tư pháp tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ giúp Chính phủ xử lý các vấn đề pháp lý phát sinh trong hội nhập quốc tế; đàm phán, ký kết, thực hiện điều ước, thỏa thuận, cam kết quốc tế. Sáu tháng đầu năm, Bộ đã thẩm định 19 điều ước quốc tế; góp ý 126 điều ước quốc tế, thoả thuận quốc tế; chất lượng thẩm định, góp ý được các Bộ, ngành, cơ quan đánh giá cao. Bộ Tư pháp đã tiếp nhận, chuyển giao và trả kết quả 2.239 yêu cầu uỷ thác tư pháp; đàm phán và cấp 08 ý kiến pháp lý cho các hiệp định vay nước ngoài. Bên cạnh đó, Bộ tham gia đàm phán các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương quan trọng như: Hiệp định CPTPP, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU, Hiệp định Đối tác tự nguyện VPA/FLEGT giữa Việt Nam - EU, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản, Hiệp định thương mại dịch vụ ASEAN, Hiệp định thương mại biên giới Việt Nam - Campuchia, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Israel...
Trong giải quyết các tranh chấp đầu tư quốc tế, Bộ Tư pháp tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ “đại diện pháp lý” cho Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với các Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công thương và các địa phương liên quan giải quyết 02 vụ tranh chấp nhà đầu tư nước ngoài kiện Chính phủ. Ngoài ra, Bộ cũng đang phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương (thành phố Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh, Quảng Bình) nghiên cứu hồ sơ để giúp Chính phủ giải quyết đối với 04 vụ nhà đầu tư đã gửi Thông báo ý định khởi kiện.
Cùng với đó, Bộ Tư pháp đang phối hợp với các Bộ, ngành tích cực chuẩn bị các phương án bảo vệ Báo cáo quốc gia thực hiện Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (ICCPR).
- Hợp tác quốc tế về pháp luật tiếp tục đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả hơn, nhất là với các nước láng giềng, phù hợp với Đề án định hướng phát triển quan hệ hợp tác quốc tế của Bộ Tư pháp giai đoạn 2017-2020. Quản lý nhà nước đối với hợp tác quốc tế về pháp luật tiếp tục được tăng cường. Sáu tháng đầu năm, Bộ Tư pháp đã xây dựng, đàm phán và ký kết 13 Thỏa thuận hợp tác, chương trình, kế hoạch hợp tác và thực hiện những nội dung đã thống nhất tại 20 bản Thỏa thuận hợp tác đã ký với các đối tác song phương; tích cực tham gia và phối hợp tổ chức thành công Hội nghị tư pháp các tỉnh có chung đường biên Việt - Lào. Bộ đã tổ chức thực hiện các đoàn ra đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả; tổ chức đón tổng số 45 đoàn và lượt khách quốc tế, trong đó có 08 Đoàn/lượt khách cấp Thứ trưởng, trưởng các tổ chức quốc tế hoặc cơ quan đại diện tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng thực hiện đàm phán mới 05 dự án, phi dự án với các đối tác quan trọng như UNICEF, UNWomen, UNDP, UNHCR; tiếp tục đàm phán với EU để hoàn thiện Văn kiện Dự án “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” (Dự án EU JULE) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; quản lý, điều phối thực hiện 04 chương trình, dự án hợp tác về pháp luật.
8. Công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo
Được xác định là nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2018, Bộ Tư pháp và các địa phương đã chú trọng ban hành và triển khai các kế hoạch công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, nhất là công tác thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, qua đó kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý những vi phạm. Bộ Tư pháp đã triển khai 39 cuộc thanh tra, kiểm tra, xác minh giải quyết khiếu nại, tố cáo (trong đó có 11 cuộc trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, 05 cuộc trong lĩnh vực hộ tịch), qua đó đã phát hiện, kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước hơn 315 triệu đồng, xử phạt vi phạm hành chính 269 triệu đồng. Nhiều Sở Tư pháp đã chỉ đạo quyết liệt công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm (như: Hà Nội đã tạm đình chỉ hoạt động đối với 01 Văn phòng công chứng, xử phạt vi phạm hành chính đối với 02 Văn phòng công chứng và 05 công chứng viên; thành phố Hồ Chí Minh tổ chức thanh tra chuyên ngành đối với 06 tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, ban hành 07 Quyết định xử phạt VPHC trong lĩnh vực luật sư, bán đấu giá tài sản; Vĩnh Phúc tổ chức thanh tra 07 Văn phòng công chứng; Đồng Nai thanh tra 07 tổ chức hành nghề luật sư, kiểm tra 03 Văn phòng công chứng, 05 Văn phòng Thừa phát lại...).
Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được Bộ và các Sở Tư pháp thực hiện đúng quy định của pháp luật và tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiếp công dân, tập trung giải quyết các vụ việc phức tạp, kéo dài. Riêng tại Bộ Tư pháp, Lãnh đạo Bộ và các đơn vị đã tiếp 114 lượt công dân; tiếp nhận, xử lý 275 đơn khiếu nại, 29 đơn tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết (giảm khoảng 50% so với cùng kỳ 2017). Nội dung đơn khiếu nại, tố cáo chủ yếu liên quan đến việc kê biên tài sản thi hành án sai đối tượng, thời hiệu thi hành án; đình chỉ, tạm đình chỉ thi hành án; quyết định cưỡng chế thi hành án; việc bảo quản tài sản kê biên; khiếu nại, tố cáo về công chứng viên vi phạm pháp luật, luật sư vi phạm đạo đức hành nghề...
9. Một số kết quả công tác khác
- Nhằm khắc phục những vướng mắc, khó khăn trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC), Bộ Tư pháp đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổng kết, đánh giá kết quả thi hành Luật XLVPHC và hiện đang tập trung chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng chính sách Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC. Đồng thời, Bộ Tư pháp cũng đã phối hợp với các Bộ, ngành kiểm tra công tác thi hành pháp luật về XLVPHC tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Quốc phòng và Ngân hàng nhà nước Việt Nam. Các địa phương chú trọng tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu; rà soát, kiểm tra, hướng dẫn việc thi hành pháp luật về XLVPHC và việc chấp hành các quyết định xử phạt23.
- Công tác nghiên cứu khoa học pháp lý tiếp tục thể hiện được vị trí, vai trò trong tham mưu, tư vấn về những định hướng chính sách lớn, then chốt trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp; gắn với việc giải quyết các vấn đề pháp lý phát sinh từ thực tiễn. Bộ Tư pháp triển khai 27 đề tài, đề án khoa học cấp Bộ (gồm 12 đề tài, đề án chuyển tiếp từ các năm trước; 13 đề tài, đề án được giao mới trong năm 2018; 02 Chương trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ độc lập) và nhiều đề tài khoa học cấp cơ sở khác, trong đó đang chú trọng nghiên cứu, đánh giá tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với hệ thống pháp luật, các khía cạnh pháp lý của tiền ảo, tài sản ảo... Công tác nghiên cứu khoa học ở các cơ sở đào tạo của Bộ tiếp tục được chú trọng, bảo đảm gắn kết giữa nghiên cứu và đào tạo (như Đại học luật Hà Nội thực hiện nghiên cứu 07 đề tài cấp Bộ; Học viện Tư pháp thực hiện 02 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở; trường Trung cấp luật Thái Nguyên thực hiện 02 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở; trường Trung cấp luật Buôn Ma Thuột thực hiện 08 đề tài khoa học, sáng kiến kinh nghiệm cấp Trường...).
- Công tác xuất bản, báo chí tiếp tục được đổi mới về nội dung, hình thức phong phú; kịp thời thông tin, tuyên truyền về các sự kiện chính trị - pháp lý của đất nước, các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, Ngành. Các xuất bản phẩm bám sát chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phục vụ tốt yêu cầu quản lý nhà nước của Bộ, ngành Tư pháp.
- Công tác quản lý ngân sách, tài sản được thực hiện đúng quy định. Trong quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, Bộ đã hoàn thành việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu của 05 dự án24 và đang tích cực thẩm định các dự án khác. Công tác thống kê trong Ngành tiếp tục được thực hiện nhanh chóng, giảm thiểu sai sót; Bộ đang tích cực triển khai thí điểm Phần mềm thống kê Ngành Tư pháp đến một số cơ quan tư pháp ở trung ương và địa phương.
- Trong ông tác thi đua, khen thưởng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành 02 Thông tư25; tiếp tục ban hành sớm các Bảng tiêu chí chấm điểm thi đua, xếp hạng, tạo thuận lợi cho các Sở Tư pháp, Cục THADS. Các phong trào thi đua được phát động, tổ chức thực hiện tương đối bài bản, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn, bám sát các nhiệm vụ trọng tâm, phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tiễn của Bộ, Ngành, của cơ quan, đơn vị. Công tác khen thưởng được thực hiện công khai, minh bạch, kịp thời; trong 6 tháng đầu năm, Bộ trưởng đã tặng Bằng khen cho 24 tập thể, 80 cá nhân có thành tích xuất sắc đột xuất, thành tích xuất sắc theo chuyên đề trong các lĩnh vực công tác; Bộ cũng đã rà soát, thẩm định hồ sơ đề nghị khen thưởng cấp Nhà nước cho 12 tập thể, 67 cá nhân khối các đơn vị thuộc Bộ và các cơ quan THADS địa phương.
III. MỘT SỐ TỒN TẠI, HẠN CHẾ VÀ NGUYÊN NHÂN
1. Một số tồn tại, hạn chế
- Việc triển khai nhiệm vụ ở một số đơn vị, địa phương còn chậm, thiếu chủ động. Trả lời kiến nghị, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ đối với các cơ quan tư pháp địa phương chưa kịp thời, một số nội dung trả lời chưa giúp tháo gỡ được thực tiễn vướng mắc ở địa phương; còn nhiều kiến nghị có nội dung trùng lặp qua nhiều năm.
- Vẫn còn tình trạng xin lùi thời gian trình dự án luật 26; chất lượng hồ sơ, dự thảo một số dự án chưa bảo đảm yêu cầu, phải rút ra khỏi Chương trình27; việc đánh giá tác động của đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo còn mang tính hình thức. Số lượng các dự án đăng ký đưa vào Chương trình quá nhiều, trong khi nguồn lực còn rất hạn chế. Việc định hướng dư luận trong công tác xây dựng một số dự án luật chưa tốt. Chưa chấm dứt được tình trạng “nợ đọng” văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh (sáu tháng đầu năm còn “nợ” 11 văn bản).
- Hiệu quả công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, PBGDPL chưa cao; việc thực hiện PBGDPL còn dàn trải trong khi nguồn lực còn rất hạn chế. Một số địa phương có tỷ lệ hoà giải thành thấp (Trà Vinh - 66,3%; Lâm Đồng - 68%).
Bên cạnh đó, dù được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2018, nhưng việc nâng cao hiệu quả hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vẫn chưa đạt nhiều kết quả nổi bật.
- Trong công tác THADS, tỷ lệ thi hành xong về tiền đạt thấp hơn so với cùng kỳ 2017 (giảm 6,98%). Số việc có điều kiện nhưng chưa thi hành xong chuyển sang kỳ sau tăng 0,87%, số tiền chuyển kỳ sau mới giảm 1,64% so với cùng kỳ năm 2017, trong khi mục tiêu đề ra là giảm 03% cả về việc và về tiền. Một số địa phương có kết quả thi hành án đạt thấp28. Còn tình trạng vi phạm, sai sót của Chấp hành viên, công chức thi hành án trong thực hiện trình tự, thủ tục thi hành án29. Vẫn còn 52 bản án, quyết định đã có hiệu lực của toà án về vụ án hành chính từ năm 2017 trở về trước chưa được thi hành xong.
- Việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy các cơ quan tư pháp địa phương còn lúng túng, thiếu thống nhất (như số lượng, tên, việc ghép các lĩnh vực công việc vào các phòng thuộc Sở Tư pháp chưa thống nhất; có địa phương giải thể một số đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở trong khi đơn vị này còn đang hoạt động tốt và có khả năng tự chủ; có địa phương thực hiện sáp nhập Phòng Tư pháp vào các đơn vị khác). Đội ngũ làm công tác pháp chế chuyên trách ở địa phương giảm mạnh (các địa phương hiện có 593 cán bộ pháp chế chuyên trách, giảm 116 người, tương đương giảm 16,4%, so với cùng kỳ 2017).
- Việc triển khai Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch chưa đồng bộ, thiếu sự quyết liệt, sáng tạo, nhất là ở cấp địa phương. Hệ quả là mới chỉ có 28/63 tỉnh/thành phố vận hành Phần mềm này, trong khi đó thời gian từ nay đến thời điểm phải hoàn thiện Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc chỉ còn hơn 01 năm. Việc đăng ký hộ tịch ở một số địa phương vẫn còn xảy ra những sai sót30. Việc giải quyết vướng mắc liên quan đến một số trường hợp xin nhập quốc tịch Việt Nam và xin giữ quốc tịch nước ngoài còn chưa hiệu quả, thiếu bài bản. Tình trạng lạm dụng bản sao chứng thực tiếp tục tăng cao (tăng gần 23%). Công tác nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài tiềm ẩn một số vấn đề phức tạp; còn một số địa phương vẫn chưa chỉ định cơ sở nuôi dưỡng được giải quyết cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài, không thực hiện biện pháp tìm gia đình thay thế cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn, tạo nên “điểm nghẽn” trong công tác này.
Tình trạng tồn đọng khá nhiều thông tin LLTP chưa được xử lý, cập nhật vào cơ sở dữ liệu đang là thách thức lớn, cần những giải pháp đột phá. Việc triển khai cấp Phiếu LLTP qua mạng trực tuyến đáp ứng mức độ 3 và 4 dịch vụ công trực tuyến chưa thực hiện được.
- Vi phạm trong hoạt động hành nghề luật sư, công chứng, nhất là trong đấu giá tài sản còn nhiều; có sự cạnh tranh không lành mạnh giữa một số tổ chức hành nghề công chứng, đấu giá tài sản. Triển khai hoạt động Thừa phát lại vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Còn lúng túng trong việc ban hành văn bản hướng dẫn về tiêu chí xác định vụ việc phức tạp, điển hình trong công tác TGPL.
2. Nguyên nhân
- Khối lượng công việc của Bộ, ngành Tư pháp ngày càng tăng, nhiều việc phức tạp, đột xuất, yêu cầu về chất lượng, tiến độ ngày càng cao, trong khi đội ngũ công chức, viên chức chưa đáp ứng cả số lượng, chất lượng.
- Thể chế pháp luật một số lĩnh vực có vướng mắc đang trong quá trình sửa đổi, hoàn thiện; một số văn bản chưa ban hành kịp thời để có cơ sở pháp lý cho địa phương thực hiện thống nhất, như: Pháp luật về quốc tịch liên quan đến trường hợp xin nhập quốc tịch Việt Nam và xin giữ quốc tịch nước ngoài; cơ sở pháp lý để cung cấp dịch vụ công mức độ 3, 4 trong cấp phiếu LLTP vẫn chưa được hoàn thiện (chờ sửa đổi Luật LLTP); Nghị định mới của Chính phủ về hoạt động Thừa phát lại chưa được ban hành; việc kiện toàn cơ quan tư pháp ở địa phương còn phải chờ quy định của Nghị định thay thế Nghị định số 24/2014/NĐ- CP của Chính phủ và hướng dẫn của Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV ngày 22/12/2014 của Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ.
- Vai trò tham mưu của một số đơn vị, tổ chức pháp chế, cơ quan tư pháp địa phương chưa được phát huy đầy đủ, nhất là trong công tác soạn thảo, thẩm định VBQPPL, chuẩn bị hồ sơ dự án, dự thảo VBQPPL trình cơ quan có thẩm quyền và khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản.
- Kinh phí, điều kiện bảo đảm triển khai công việc trong một số lĩnh vực còn hạn chế, nhất là trong công tác xây dựng pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; tổ chức thi hành pháp luật; mở rộng áp dụng Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch.
- Mặc dù đã có chuyển biến nhưng công tác phối hợp giữa các Bộ, Sở, ngành với nhau, giữa Trung ương và địa phương, trong một số trường hợp, chưa được thực hiện đầy đủ, chưa hiệu quả tiếp tục là nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ công việc, nhất là trong xây dựng, góp ý văn bản; theo dõi thi hành pháp luật; quản lý nuôi con nuôi, luật sư, công chứng...
- Công tác kiểm tra, thanh tra chưa được một số Sở Tư pháp chú trọng, không kịp thời phát hiện sai sót để chấn chỉnh, xử lý, nhất là trong các lĩnh vực công chứng, đấu giá tài sản, hộ tịch, chứng thực.
- Trong công tác THADS, bên cạnh các nguyên nhân như đã nêu trên, còn có nguyên nhân từ số việc và tiền thụ lý tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm trước (tăng 50.440 việc và gần 16 nghìn tỷ đồng); các vụ án liên quan đến tín dụng, ngân hàng, tham nhũng có giá trị phải thi hành rất lớn (chiếm khoảng 60% tổng số tiền phải thi hành), trong khi việc kê biên, phong tỏa tài sản, truy tìm tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử chưa được quan tâm kịp thời, gây khó khăn trong quá trình THADS.
Ngay từ đầu năm, Bộ, ngành Tư pháp đã khẩn trương xác định các nhiệm vụ trọng tâm công tác và sớm xây dựng Chương trình hành động của Ngành thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ để triển khai toàn diện các lĩnh vực công tác. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đã luôn bám sát Chương trình, Kế hoạch công tác, các Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhiệm vụ chính trị của từng địa phương. Công tác chỉ đạo điều hành tiếp tục được thực hiện quyết liệt, có nhiều đổi mới, ngày càng đi vào chiều sâu, sát với khả năng, điều kiện thực tế để triển khai công việc. Toàn Ngành thực hiện bảo đảm chất lượng, tiến độ các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch đã đề ra từ đầu năm (đã hoàn thành 47/48 nhiệm vụ có thời hạn 6 tháng đầu năm, đạt 97,92%)31 và hoàn thành bảo đảm chất lượng, tiến độ nhiều nhiệm vụ phát sinh thêm, nhất là các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong Ngành được đẩy mạnh, các chỉ số xếp hạng về cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin của Bộ tiếp tục được cải thiện. Việc triển khai các nhóm nhiệm vụ trọng tâm đạt nhiều kết quả, nổi bật là: Việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh ngày càng nghiêm túc hơn, nợ đọng văn bản quy định chi tiết giảm so với cùng kỳ; công tác PBGDPL từng bước được đổi mới, xuất hiện một số mô hình hay, hiệu quả; kết quả THADS về tiền đạt cao; giải quyết được số lượng lớn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực hành chính tư pháp, nhất là trong cấp phiếu LLTP, chứng thực, đăng ký giao dịch bảo đảm, gắn với việc hiện đại hoá, đơn giản hoá thủ tục hành chính; việc xã hội hoá các nghề tư pháp được thực hiện thận trọng, hiệu quả hơn, chất lượng hành nghề được cải thiện, quy trình cấp phép dần được chuẩn hoá; các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước trong công tác kiện toàn tổ chức, bộ máy được thực hiện bài bản; việc phòng ngừa và giải quyết tranh chấp đầu tư được chú trọng và đạt nhiều kết quả cụ thể; một số lĩnh vực công việc khác cũng được triển khai hiệu quả, bám sát chương trình, kế hoạch đã đề ra.
Bên cạnh các kết quả đạt được, công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2018 còn có những một số tồn tại, hạn chế như đã nêu trên, cần có các giải pháp khắc phục ngay để bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ trong năm 2018 và những năm tiếp theo.
NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THỰC HIỆN CÔNG TÁC TƯ PHÁP 6 THÁNG CUỐI NĂM 2018
Trên cơ sở sơ kết những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong thực hiện công tác tư pháp 6 tháng đầu năm; bám sát các văn bản chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Chính phủ với địa phương 6 tháng đầu năm 2018, Bộ, ngành Tư pháp xác định các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp công tác tư pháp 6 tháng cuối năm 2018 như sau:
Bên cạnh các nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp năm 2018 được xác định tại Báo cáo số 01/BC-BTP ngày 02/01/2018 của Bộ Tư pháp tổng kết công tác tư pháp năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp công tác năm 2018 cần tiếp tục được quan tâm thực hiện, trong thời gian 6 tháng cuối năm 2018 cần tập trung vào một số nhiệm vụ sau:
1. Tiếp tục tham mưu, giúp Chính phủ tổ chức thực hiện tốt công tác xây dựng pháp luật, đặc biệt là việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018. Xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết và lập đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình năm 2019 bảo đảm chất lượng, tiến độ theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 22; trong đó, lưu ý đối với các dự án Luật do Bộ Tư pháp chủ trì lập đề nghị, soạn thảo như Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật giám định tư pháp, Luật lý lịch tư pháp, Luật xử lý vi phạm hành chính. Trong quá trình soạn thảo, cơ quan chủ trì chủ động thông tin tuyên truyền, tham vấn, lấy ý kiến rộng rãi của các đối tượng chịu tác động của chính sách để tạo đồng thuận.
Chuẩn bị kỹ nội dung, bảo đảm đúng hạn các báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội khóa XIV tại Kỳ họp thứ 6 mà Bộ Tư pháp được giao chủ trì soạn thảo.
2. Tập trung nguồn lực để thực hiện tốt công tác tổ chức thi hành pháp luật, triển khai kịp thời, hiệu quả các luật, nghị quyết của Quốc hội mới ban hành, có hiệu lực, nhất là trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành Tư pháp như Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước; tổ chức thực hiện tốt Đề án đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật giai đoạn năm 2018-2022 ban hành Quyết định số 242/QĐ-TTg ngày 26/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ và Đề án Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật sau khi được Thủ tướng Chính phủ ban hành.
3. Tập trung xây dựng, ban hành Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV ngày 22/12/2014 của Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp, tổ chức pháp chế, nhất là ở các địa phương theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả bảo đảm đúng tinh thần theo đúng các Nghị quyết số 18- NQ/TW, số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và yêu cầu thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao.
4. Tiếp tục mở rộng và triển khai đồng bộ, hiệu quả Phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch, phấn đấu có thêm ít nhất 10 tỉnh/thành phố áp dụng Phần mềm; giải quyết dứt điểm các trường hợp xin nhập quốc tịch Việt Nam và giữ quốc tịch nước ngoài còn tồn đọng; khắc phục tình trạng tồn đọng thông tin chưa xử lý, cập nhật vào cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp; thực hiện hiệu quả các giải pháp để tháo gỡ các “điểm nghẽn” trong lĩnh vực con nuôi.
5. Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực bổ trợ tư pháp, trong đó tập trung nghiên cứu đề xuất các giải pháp để quản lý tốt và phát triển các tổ chức hành nghề công chứng trong điều kiện không tiếp tục quy định về quy hoạch tổ chức hành nghề công chứng; nghiên cứu xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản để thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh cho các địa phương, nhất là trong lĩnh vực công chứng, đấu giá, thừa phát lại.
6. Tập trung xử lý tốt các vụ khiếu kiện quốc tế, đảm bảo tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của Chính phủ; tham mưu, đề xuất với Chính phủ các giải pháp phòng ngừa khiếu kiện, tranh chấp đầu tư quốc tế; tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao vai trò và năng lực của cán bộ tư pháp địa phương trong xử lý các vấn đề pháp lý liên quan đến đầu tư nước ngoài.
7. Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu thi hành án dân sự; từng bước tháo gỡ, giải quyết dứt điểm các vụ việc thi hành án dân sự phức tạp kéo dài đã thống nhất về chủ trương. Bảo đảm 100% bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án về vụ án hành chính được theo dõi thi hành theo quy định của Luật tố tụng hành chính; xây dựng trình Chính phủ ban hành Đề án giải quyết việc thi hành án chưa có điều kiện thi hành, đã tồn đọng nhiều năm.
1. Tiếp tục cụ thể hoá và tổ chức thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Trong đó, ưu tiên thực hiện những nhiệm vụ thể chế hoá các nghị quyết Hội nghị lần thứ năm, thứ sáu, thứ bảy khoá XII của Ban Chấp hành Trung ương; các nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 theo Nghị quyết số 48/2017/QH14 của Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP của Chính phủ.
2. Tiếp tục đổi mới phương thức chỉ đạo điều hành; lề lối, kỷ cương, kỷ luật công việc; chú trọng khâu tổ chức thực hiện, nói đi đôi với làm. Gắn việc chỉ đạo triển khai với việc phát huy hiệu quả các công cụ quản lý kiểm tra; thanh tra, nhất là thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp; xử lý vi phạm. Thực hiện công tác thi đua, khen thưởng bảo đảm kịp thời, chính xác, tạo cơ chế cho các Sở Tư pháp có ý kiến trao đổi, cung cấp thông tin đầy đủ trước khi quyết định.
3. Thực hiện các giải pháp để tiếp tục kiện toàn đội ngũ cán bộ; chú trọng tự đào tạo, mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực thực hiện nhiệm vụ và đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn Ngành. Thực hiện đánh giá cán bộ, công chức, viên chức thực chất, phản ánh đúng năng lực, kết quả công tác. Quan tâm giải quyết chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
4. Tiếp tục phát huy hiệu quả công tác phối hợp giữa Bộ với các cơ quan và cấp ủy, chính quyền các cấp trong chỉ đạo, điều hành công tác tư pháp từ Trung ương đến địa phương; kịp thời phát hiện, xử lý hoặc báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên để tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
5. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo, điều hành và giải quyết công việc chuyên môn, nghiệp vụ; mở rộng việc tiếp nhận, xử lý văn bản trên môi trường mạng; tăng cường sử dụng các phần mềm hỗ trợ công việc trong các lĩnh vực chuyên ngành./.
|
BỘ TRƯỞNG |
1 Báo cáo tổng kết công tác tư pháp năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp công tác năm 2018.
2 Với 86 nhiệm vụ của Bộ Tư pháp, 32 nhiệm vụ của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
3 Đối với các nhóm vấn đề về giải pháp đảm bảo tiến độ, chất lượng và hồ sơ thủ tục các đề án, dự án Chính phủ trình Quốc hội; giải pháp khắc phục tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật.
4 Các đơn vị đề xuất tổ chức 691 hoạt động; sau khi rà soát, Bộ đã lồng ghép, giảm xuống còn 458 hoạt động.
5 Như Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Hưng Yên, Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kon Tum, Gia Lai, Quảng Nam...
6 Như: Tại Bộ Tư pháp, đã ban hành 08 Thông cáo báo chí về hoạt động của Bộ, Ngành và về VBQPPL do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành.
7 (1) Luật Quốc phòng; (2) Luật An ninh mạng; (3) Luật Tố cáo; (4) Luật Cạnh tranh; (5) Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao; (6) Luật Đo đạc và Bản đồ; và (7) Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Luật An toàn thực phẩm, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Luật Điện lực, Luật Hóa chất, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Khoa học và công nghệ, Luật Trẻ em, Luật Công chứng, Luật Đầu tư và Luật Đầu tư công.
8 (1) Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); (2) Luật Công an nhân dân (sửa đổi); (3) Luật Chăn nuôi; (4) Luật Trồng trọt; (5) Luật Đặc xá (sửa đổi); (6) Luật Cảnh sát biển Việt Nam; (7) Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; (8) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Biểu quyết tán thành việc chưa trình Quốc hội thông qua dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt tại kỳ họp thứ 5 sau khi cho ý kiến lần thứ 2 về dự án Luật này.
9 Bộ Tư pháp thẩm định 24 đề nghị; các Sở Tư pháp thẩm định 163 đề nghị.
10 Ngoài ra còn phát hiện 344 văn bản sai sót về căn cứ pháp lý, thể thức và kỹ thuật trình bày (gồm 21 văn bản của các Bộ, 323 văn bản của địa phương).
11 gồm: Ngoại hối; Các tổ chức tín dụng; Xử lý vi phạm hành chính; Quốc tịch Việt Nam; Kiểm soát thủ tục hành chính; Các tổ chức tín dụng; Đất đai,; Giá; Phí, lệ phí.
12 Trong đó kỳ trước chuyển sang là 87 việc, trong kỳ báo cáo là 160 việc.
13 Trong đó số bản án, quyết định chưa thi hành xong mà người phải thi hành án là UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện là 94 vụ việc.
14 Cả nước hiện có 5.324 người làm việc tại các Sở Tư pháp; 3.245 người làm việc tại các Phòng Tư pháp, đạt bình quân 4,5 người/một Phòng Tư pháp; 18.768 cán bộ Tư pháp - Hộ tịch, trong đó có 64,2% xã, phường, thị trấn bố trí từ 02 cán bộ trở lên.
15 Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hà Nam, Hà Tĩnh, An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Khánh Hòa, Nghệ An, Lào Cai, Lạng Sơn, Bình Dương, Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Thừa Thiên Huế, Kon Tum, Cao Bằng, Nam Định, Lai Châu, Vĩnh Phúc, Đắk Lắk, Bắc Ninh và Hà Giang.
16 Trong đó có 182.430 Phiếu LLTP số 1 và 78.509 Phiếu LLTP số 2.
17 Gồm 690 Phiếu LLTP số 1 và 978 Phiếu LLTP số 2.
18 Nghị định số 68/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật TNBTCNN; Thông tư số 04/2018/TT-BTP ngày 17/5/2018 của Bộ Tư pháp ban hành một số biểu mẫu trong công tác bồi thường nhà nước.
19 UBND các tỉnh, thành phố Hà Nội, Bà Rịa- Vũng Tàu, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hà Giang, Lạng Sơn, Điện Biên, Nghệ An, Lào Cai, Sơn La, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Tây Ninh, Đà Nẵng…. đã tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành Luật TNBTCNN.
20 Quyết định số 250/QĐ-TTg ngày 28/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp; Thông tư số 02/2018/TT-BTP ngày 26/02/2018 của Bộ Tư pháp ban hành và hướng dẫn sử dụng một số biểu mẫu về tổ chức và hoạt động hòa giải thương mại; Quy chế phối hợp số 992/QCPH-BTP-BCA-BQP-VKSNDTC-TANDTC ngày 26/3/2018 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao về công tác giám định tư pháp.
21 Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 123/2013/NĐ-CP ngày 14/10/2013 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật luật sư; Dự thảo Nghị định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại.
22 Phối hợp ban hành Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 29/6/2018 và ban hành theo thẩm quyền Thông tư số 09/2018/TT-BTP ngày 21/6/2018.
23 Như: Hà Nội tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu về xử lý VPHC cho gần 1.000 cán bộ, công chức; Nghệ An kiểm tra công tác thi hành pháp luật xử lý VPHC trong lĩnh vực Hải quan và thực hiện thẩm quyền XPVPHC của Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch UBND cấp xã tại huyện Con Cuông, Thanh Chương, thị xã Cửa Lò; Long An thực hiện rà soát, tổng hợp về các quyết định xử phạt VPHC đã ban hành để đánh giá toàn diện việc tổ chức thi hành quyết định xử phạt VPHC tại các sở, ngành và địa phương trên địa bàn Tỉnh.
24 Hạng mục: Đấu nối hạ tầng từ cổng chính đến Quốc lộ 1 thuộc dự án xây dựng Trường TCL Đồng Hới; Trụ sở Chi cục THADS huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng; Trụ sở và kho vật chứng Chi cục THADS huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận; Trụ sở và kho vật chứng Cục THADS tỉnh Bình Dương; Cơ sở II Đại học Luật Hà Nội.
25 Thông tư số 05/2018/TT-BTP ngày 07/6/2018 hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng trong ngành Tư pháp (thay thế Thông tư số 14/2015/TT-BTP ngày 14/10/2015) và Thông tư số 06/2018/TT-BTP ngày 07/6/2018 hướng dẫn xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tư pháp”.
26 Như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự; Luât sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường.
27 Như: Luật Dân số; Luật quản lý, pháp triển đô thị.
28 Như về việc: Tây Ninh (51,39%), Hậu Giang (54,06%), An Giang (54,31%), Long An (55,07%), Trà Vinh (55,38%); Về tiền: Phú Yên (3,47%), Đà Nẵng (9,67%), Hải Phòng (9,91%), Hà Nội (11,53%), Hải Dương (12,058%).
29 Như: chậm xác minh hoặc xác minh không đầy đủ điều kiện thi hành án; chậm tổ chức thi hành án; vi phạm thủ tục thông báo, hướng dẫn người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khởi kiện phân chia tài sản; vi phạm thời hạn ký hợp đồng bán đấu giá tài sản...
30 Ví dụ: hồ sơ đăng ký hộ tịch vẫn còn thiếu giấy tờ theo quy định; thực hiện ghi sổ đăng ký hộ tịch, sửa chữa thông tin trong sổ chưa đúng quy định...
31 Còn 01 nhiệm vụ: “Chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng chính sách Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC” đang được thực hiện.
Báo cáo 170/BC-BTP về công tác tư pháp 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu công tác 6 tháng cuối năm 2018 do Bộ Tư pháp ban hành
Số hiệu: | 170/BC-BTP |
---|---|
Loại văn bản: | Báo cáo |
Nơi ban hành: | Bộ Tư pháp |
Người ký: | Lê Thành Long |
Ngày ban hành: | 26/07/2018 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Báo cáo 170/BC-BTP về công tác tư pháp 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu công tác 6 tháng cuối năm 2018 do Bộ Tư pháp ban hành
Chưa có Video