ỦY BAN DÂN TỘC |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 141/BC-UBDT |
Hà Nội, ngày 04 tháng 11 năm 2016 |
Căn cứ Nghị định số 119/2004/NĐ-CP, ngày 11/5/2004 của Chính phủ về công tác quốc phòng ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương;
Căn cứ Thông tư số 197/2014/TT-BQP, ngày 30/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc thực hiện công tác quốc phòng ở Bộ, ngành Trung ương và địa phương;
Căn cứ Quyết định số 38/2005/QĐ-BQP, ngày 06/4/2005 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc Ban hành quy chế giao ban, báo cáo, kiểm tra, sơ kết, tổng kết công tác quốc phòng, dân quân tự vệ, giáo dục quốc phòng;
Căn cứ Văn bản số 668/DQ-CQTT, ngày 06/10/2016 của Cục Dân quân tự vệ, Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng về việc Báo cáo kết quả công tác quốc phòng quân sự năm 2016. Ủy ban Dân tộc Báo cáo kết quả thực hiện công tác quốc phòng, quân sự năm 2016 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2017 như sau:
KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÔNG TÁC QUỐC PHÒNG, QUÂN SỰ NĂM 2016
I. ĐẶC ĐIỂM, TÌNH HÌNH CƠ QUAN
1. Đặc điểm, tình hình
Ủy ban Dân tộc là cơ quan ngang Bộ của Chính phủ, có vị trí, vai trò quan trọng trong công tác dân tộc của Đảng và Nhà nước thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về công tác dân tộc trên phạm vi cả nước; quản lý Nhà nước các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban Dân tộc theo quy định của pháp luật.
Ủy ban Dân tộc đóng vai trò nòng cốt trong việc tham gia phối hợp với các Bộ, ngành và các cơ quan có liên quan xây dựng, tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước, Chính phủ, về chủ trương, đường lối, chính sách và giải pháp về công tác dân tộc của Đảng; giúp Ban Bí thư, Bộ Chính trị, Chính phủ nắm chắc tình hình về công tác dân tộc để kịp thời đề xuất phương hướng biện pháp chỉ đạo phù hợp với tình hình thực tiễn và đáp ứng yêu cầu của xã hội. Ủy ban Dân tộc luôn bám sát nhiệm vụ chính trị và các sự kiện chính trị lớn của đất nước, chủ động phối hợp các Ban, Bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và các địa phương, tổ chức triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị nói chung và công tác quốc phòng nói riêng.
2. Tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể
- Tổ chức Đảng cơ quan Ủy ban Dân tộc có Đảng bộ, Đảng bộ Bộ phận Học viện Dân tộc và các Chi bộ trực thuộc.
- Chính quyền hiện nay Ủy ban Dân tộc có 21 Vụ, đơn vị trong đó (01 Vụ ở Tây Nguyên; 01 Vụ ở Tây Nam Bộ và Văn phòng đại diện tại TP Hồ Chí Minh), còn lại các Vụ, đơn vị đóng trên địa bàn Hà Nội.
- Tổ chức Đoàn thể gồm có Công đoàn Ủy ban, Công đoàn bộ phận và Tổ công đoàn trực thuộc; Đoàn thanh niên; Hội Cựu chiến binh; Ban nữ công ...
3. Thuận lợi
Ủy ban Dân tộc thường xuyên nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, sự phối kết hợp tích cực của các Bộ, ban, ngành Trung ương; trực tiếp là Cục Dân quân tự vệ Bộ Quốc phòng; Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, BCHQS Quận Ba Đình, nên công tác quốc phòng trong thời gian qua đã có sự phát triển và đạt kết quả tốt.
Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn về công tác quốc phòng ngày càng được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi cho Ủy ban Dân tộc trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác quốc phòng.
Công tác quốc phòng đã được Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy, Lãnh đạo Ủy ban quan tâm, chú trọng. Đây là yếu tố quan trọng giúp đội ngũ cán bộ, công chức viên chức và người lao động của Ủy ban nâng cao nhận thức về quan điểm chính trị, tư tưởng lập trường, nắm vững các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nâng cao kiến thức về công tác quốc phòng. Đặc biệt là đội ngũ cán bộ làm công tác quốc phòng, quân sự đã có nhiều cố gắng tham mưu giúp cấp ủy, lãnh đạo và chỉ đạo các cơ quan chức năng và đơn vị thực hiện tốt công tác quốc phòng của cơ quan, đơn vị.
4. Khó khăn
Bên cạnh những cố gắng, nỗ lực của tập thể Lãnh đạo và cán bộ, công chức viên chức và người lao động của Ủy ban Dân tộc để hoàn thành nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước, Chính phủ giao thì những yếu tố khách quan, phức tạp từ bên ngoài cùng gây khó khăn cho hoạt động của Ủy ban Dân tộc cũng như công tác quốc phòng:
- Tình hình quốc tế có những diễn biến phức tạp, tác động nhiều mặt đến lĩnh vực hoạt động công tác dân tộc. Khủng hoảng kinh tế thế giới và khu vực đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Ủy ban Dân tộc;
- Nền kinh tế của đất nước vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức; thiên tai dịch bệnh, lạm phát...; ở một số nơi các thế lực phản động tìm mọi cách lôi kéo, kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết, gây bất ổn, chống phá Nhà nước; hoạt động truyền đạo trái phép đang vẫn có chiều hướng gia tăng...
- Đội ngũ cán bộ làm công tác quốc phòng, quân sự trong Ủy ban Dân tộc hiện nay là kiêm nhiệm, ít được đào tạo chuyên sâu về công tác quốc phòng - an ninh; ngoài việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, công tác quốc phòng có nhiều mảng, việc cần phải triển khai nên gặp không ít khó khăn về nhân lực, thời gian và điều kiện vật chất... bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động Ủy ban Dân tộc thường xuyên phải tập trung hoàn thành kế hoạch chuyên môn, bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của Ủy ban Dân tộc.
Những khó khăn khách quan và chủ quan trên đây đã ít nhiều ảnh hưởng đến kết quả thực hiện công tác quốc phòng của Ủy ban Dân tộc trong thời gian qua.
II. KẾT QUẢ CHỈ ĐẠO, TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Quán triệt, triển khai thực hiện công tác quốc phòng, quân sự
Công tác quốc phòng luôn được Ban Cán sự, Đảng ủy, Lãnh đạo Ủy ban Dân tộc xác định đây là nhiệm vụ quan trọng mang tính chiến lược lâu dài. Ủy ban Dân tộc đã kịp thời quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của các Ban, Bộ, ngành Trung ương về công tác quốc phòng, giáo dục quốc phòng trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động toàn Ủy ban Dân tộc, góp phần giữ vững an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước giao, làm chuyển biến tích cực trong nhận thức của đội ngũ cán bộ đảng viên, công chức, viên chức và người lao động trong Ủy ban Dân tộc về nhiệm vụ công tác quốc phòng.
- Luật Dân quân tự vệ;
- Chỉ thị số 12-CT/TW, ngày 03/5/2007 của Bộ chính trị về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục quốc phòng - an ninh trong tình hình mới;
- Luật số 30/2013/QH13, ngày 19/6/2013 của Quốc hội về Luật giáo dục quốc phòng và an ninh;
- Thông tư số 38/2014/TT-BQP ngày 30/5/2014 của Bộ Quốc phòng ban hành Chương trình, nội dung; chương trình khung bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh;
- Nghị định số 33/2014/NĐ-CP, ngày 26/4/2014 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra quốc phòng;
- Nghị định số 13/2014/NĐ-CP, ngày 25/2/2014 Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật giáo dục quốc phòng và an ninh;
- Nghị định số 07/2014/NĐ-CP, ngày 27/1/2014 của Chính phủ Quy định tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quan hệ phối hợp của Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố các cấp.
- Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh số 30/2013/QH13 quy định nguyên tắc, chính sách, nội dung cơ bản, hình thức giáo dục quốc phòng và an ninh nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, quyền và trách nhiệm của công dân về giáo dục quốc phòng và an ninh;
- Luật nghĩa vụ quân sự số 78/2015/QH13 ngày 19/6/2015 quy định về nghĩa vụ quân sự; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân và chế độ, chính sách trong việc thực hiện nghĩa vụ quân sự.
- Quyết định số 1821/QĐ-TTg, ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao chỉ tiêu huấn luyện, kiểm tra sẵn sàng động viên quân nhân dự bị và phương tiện kỹ thuật năm 2016.
- Quyết định số 1838/QĐ-TTg, ngày 29/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc gọi công dân nhập ngũ năm 2016.
- Nghị định số 130/2015/NĐ-CP, ngày 18/12/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 30/2010/NĐ-CP ngày 29/3/2010 của Chính phủ về huy động nhân lực, tàu thuyền và phương tiện dân sự tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền các vùng biển của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
- Thông tư số 02/2016/TT-BQP, ngày 08/01/2016 của Bộ Quốc phòng về việc Quy định chương trình tập huấn, huấn luyện và tổ chức diễn tập, hội thi, hội thao dân quân tự vệ.
- Nghị định số 30/2016/NĐ-CP, ngày 05/01/2016 của Chính phủ Quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Dân quân tự vệ.
- Thông tư số 03/2016/TT-BQP, ngày 29/3/2016 của Bộ Quốc phòng về hướng dẫn một số điều của Luật Dân quân tự vệ và Nghị định số 30/2016/NĐ-CP, ngày 05/01/2016 của Chính phủ Quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Dân quân tự vệ.
- Văn bản số 220/CQTT-DQ, ngày 13/4/2016 của Cục Dân quân tự vệ - Bộ Quốc phòng về việc xin ý kiến tham gia Dự thảo Thông tư của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
- Văn bản số 229/DQ-TaC, ngày 15/4/2016 của Cục Dân quân tự vệ - Bộ Quốc phòng về việc xin ý kiến đóng góp Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 02/2013/TT-BQP và Thông tư số 77/2010/TT-BQP.
Các đơn vị chức năng và các tổ chức cơ sở đảng đã chủ động phối hợp tổ chức tuyên truyền, giáo dục với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với tình hình và điều kiện đặc thù của Ủy ban Dân tộc.
2. Tham mưu ban hành các văn bản theo thẩm quyền thực hiện công tác quốc phòng, quân sự
- Quán triệt tốt các văn bản của cấp trên, Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy, Lãnh đạo và Ban chỉ huy quân sự Ủy ban Dân tộc đã ban hành văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị triển khai, tổ chức và thực hiện công tác quốc phòng kịp thời, có kết quả:
+ Nghị quyết của Đảng ủy cơ quan Ủy ban Dân tộc về việc lãnh đạo, triển khai tổ chức thực hiện tốt các văn bản sau: Luật nghĩa vụ quân sự số 78/2015/QH13 ngày 19/6/2015; Quyết định số 1821/QĐ-TTg, ngày 26/10/2015; Quyết định số 1838/QĐ-TTg, ngày 29/10/2015; Nghị định số 130/2015/NĐ-CP, ngày 18/12/2015; Thông tư số 02/2016/TT-BQP, ngày 08/01/2016; Nghị định số 30/2016/NĐ-CP, ngày 05/01/2016; Thông tư số 03/2016/TT-BQP, ngày 29/3/2016; Thông tư số 03/2016/TT-BQP, ngày 29/3/2016 ……..
- Trong các cuộc họp giao ban, sơ kết, tổng kết của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể đều có nội dung về công tác quốc phòng gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị.
- Các đơn vị chức năng của Ủy ban Dân tộc (nhất là Ban Chỉ huy quân sự) và cán bộ kiêm nhiệm về công tác quốc phòng, quân sự luôn chủ động, kịp thời tham mưu, đề xuất giúp cấp ủy và người đứng đầu ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị tổ chức triển khai, thực hiện có hiệu quả nhiều nhiệm vụ trọng tâm của công tác quốc phòng.
3. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác quốc phòng, quân sự theo quy định của Pháp luật
a. Công tác giáo dục quốc phòng và an ninh
- Thường xuyên quán triệt các văn bản của Đảng, nhà nước, Bộ Quốc phòng, bộ ngành cơ quan quân sự liên quan về công tác GDQPAN
- Phổ biến kiến thức QPAN cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn cơ quan
- Đảm bảo kinh phí thường xuyên và dự phòng cho công tác Giáo dục Quốc phòng an ninh. Kết quả bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh.
b. Lập kế hoạch và thực hiện nhiệm vụ động viên các nguồn lực để sẵn sàng đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc xã hội Chủ nghĩa trong mọi tình huống.
c. Phối hợp các đơn vị chức năng của Bộ Quốc phòng, các Bộ, ngành, địa phương có liên quan xây dựng nền quốc phòng toàn dân, khu vực phòng thủ trong tình hình.
d. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc cơ quan Ủy ban Dân tộc và các cơ quan làm công tác dân tộc trên địa bàn các tỉnh, thành phố tổ chức huấn luyện diễn tập, hoạt động của lực lượng tự vệ, quản lý, huy động lực lượng dự bị động viên theo quy định của pháp luật.
- Kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ huy quân sự cơ quan.
- Chỉ đạo xây dựng, huấn luyện hoạt động của lực lượng tự vệ cơ quan.
- Thực hiện tốt các quy định của Nhà nước về đảm bảo ngân sách đối với sự nghiệp quốc phòng, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân và các chính sách khác có liên quan đến hoạt động quốc phòng quân sự địa phương.
4. Tham gia thực hiện quản lý nhà nước về quốc phòng.
Công tác quản lý nhà nước về quốc phòng của cơ quan Ủy ban Dân tộc được thể hiện thông qua việc chỉ đạo, hướng dẫn các Vụ, đơn vị, các cơ quan làm công tác dân tộc ở địa phương, các đoàn thể trong cơ quan thực hiện nhiệm vụ quốc phòng và các vấn đề liên quan đến quốc phòng. Đối với Ủy ban Dân tộc, công tác này được triển khai toàn diện, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên về QP-AN cho mọi đối tượng, nhằm nâng cao nhận thức về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng (QS,QP) trong sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh CNH, HĐH của đất nước. Nội dung quán triệt tập trung vào Nghị quyết Trung ương 8, khóa IX về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị ….. Để nâng cao trách nhiệm của cán bộ Đảng viên, cán bộ công chức, viên chức và người lao động trong quản lý nhà nước về quốc phòng, Ủy ban Dân tộc ban hành các nghị quyết đề ra chương trình hành động,... Trên cơ sở đó, chỉ đạo cấp ủy Đảng, chính quyền các Vụ, đơn vị, các tổ chức đoàn thể tổ chức quán triệt, thực hiện; đồng thời, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến Đảng viên, cán bộ công chức, viên chức và người lao động, giúp cho mọi người hiểu đúng về vị trí, vai trò của công tác QS,QP địa phương và tích cực tham gia xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân.
1. Kết quả đạt được và nguyên nhân
- Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy, Lãnh đạo Ủy ban Dân tộc và các đơn vị đã quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác quốc phòng, an ninh;
- Tổ chức, triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị định của Chính phủ về giáo dục quốc phòng - an ninh và các văn bản của hướng dẫn, chỉ đạo của Hội đồng giáo dục quốc phòng - an ninh Trung ương; Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương về Giáo dục quốc phòng - an ninh;
- Triển khai, tổ chức thực hiện công tác quốc phòng nghiêm túc, phù hợp, đạt kết quả, góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho toàn thể cán bộ, đảng viên, viên chức đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới;
- Ban chỉ huy Quân sự, lực lượng tự vệ, dự bị động viên của Ủy ban Dân tộc thường xuyên được củng cố, kiện toàn và đi vào hoạt động nề nếp, làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy và lãnh đạo Ủy ban Dân tộc trong việc triển khai, thực hiện công tác quốc phòng.
2. Một số hạn chế, tồn tại và nguyên nhân
* Hạn chế, tồn tại:
- Việc phối hợp, kết hợp với Bộ quốc phòng và Ban chỉ huy Quân sự địa phương để nắm bắt chủ trương, kế hoạch triển khai thực hiện công tác quốc phòng có lúc chưa thường xuyên nên kết quả đạt được còn hạn chế;
- Việc ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác quốc phòng đôi lúc còn chậm;
- Công tác tuyên truyền giáo dục quốc phòng cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động chưa được thường xuyên, liên tục nên nhận thức của một số người về công tác quốc phòng - an ninh chưa đầy đủ, coi công tác này là của Ban Chỉ huy quân sự và trung đội tự vệ cơ quan, ít chú ý tìm hiểu, nghiên cứu thêm về công tác quốc phòng.
* Nguyên nhân:
- Lãnh đạo một số đơn vị chưa quán triệt một cách nghiêm túc và triển khai thực hiện đầy đủ nội dung công tác quốc phòng; chưa đề cao trách nhiệm, thiếu đôn đốc, kiểm tra nên kết quả còn hạn chế.
- Một số văn bản triển khai thực hiện còn chậm; sự phối hợp chưa thường xuyên, do vậy khi nhận được các văn bản triển khai thực hiện còn lúng túng...
PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ NĂM 2017
Ủy ban Dân tộc tiếp tục xác định phương hướng, nhiệm vụ thực hiện công tác quốc phòng trong năm 2017 như sau:
1. Quán triệt sâu sắc Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác quốc phòng.
2. Ban hành các văn bản, kế hoạch hướng dẫn về công tác quốc phòng của Bộ Quốc phòng để triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả.
3. Tăng cường công tác giáo dục quốc phòng - an ninh; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và nêu cao tinh thần trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động và đặc biệt là những cán bộ trẻ trong toàn cơ quan đối với nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững mạnh; luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao.
4. Kết hợp thực hiện nhiệm vụ chính trị và phát triển KT-XH với tăng cường, củng cố quốc phòng an ninh.
5. Xây dựng, tổ chức, huấn luyện, hoạt động của lực lượng tự vệ; đăng ký, quản lý, huy động lực lượng dự bị động viên; chỉ đạo các đơn vị tiếp tục kiện toàn, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Ban CHQS Ủy ban; chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc công tác đăng ký nghĩa vụ quân sự; chú trọng chỉ đạo xây dựng lực lượng tự vệ có số lượng, phù hợp, chất lượng cao, hoạt động hiệu quả và tham gia huấn luyện đáp ứng yêu cầu, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.
6. Công tác động viên quân đội thực hiện nghiêm túc công tác đăng ký nghĩa vụ quân sự; dự bị động viên; chú trọng chỉ đạo xây dựng lực lượng tự vệ có số lượng, phù hợp, chất lượng cao, hoạt động hiệu quả và tham gia huấn luyện đáp ứng yêu cầu, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ;
7. Đảm bảo nguồn kinh phí và dự phòng kinh phí cho hoạt động quốc phòng, quân sự địa phương của cơ quan.
8. Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo, sơ kết, tổng kết, thanh tra, kiểm tra theo quy chế quy định.
Trên đây là báo cáo kết quả thực hiện công tác quốc phòng quân sự năm 2016 và phương hướng nhiệm vụ năm 2017 của cơ quan Ủy ban Dân tộc.
Nơi nhận: |
KT.
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Báo cáo 141/BC-UBDT thực hiện công tác quốc phòng, quân sự năm 2016 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2017 của Ủy ban Dân tộc
Số hiệu: | 141/BC-UBDT |
---|---|
Loại văn bản: | Báo cáo |
Nơi ban hành: | Uỷ ban Dân tộc |
Người ký: | Phan Văn Hùng |
Ngày ban hành: | 04/11/2016 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Báo cáo 141/BC-UBDT thực hiện công tác quốc phòng, quân sự năm 2016 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2017 của Ủy ban Dân tộc
Chưa có Video