Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ
MÔI TRƯỜNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:      /2024/TT-BTNMT

 

DỰ THẢO

Hà Nội, ngày     tháng    năm 2024

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ KỸ THUẬT ĐIỀU TRA, ĐÁNH GIÁ ĐẤT ĐAI VÀ BẢO VỆ, CẢI TẠO, PHỤC HỒI ĐẤT

Căn cứ Luật Đất đai số 31/QH/2024/QH15 ngày 18 tháng 01 năm 2024;

Căn cứ Nghị định số 68/2022/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế;

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư quy định về kỹ thuật điều tra, đánh giá đất đai và bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất.

Chương 1

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định chi tiết kỹ thuật điều tra, đánh giá đất đai và bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất theo quy định của Luật Đất đai 2024, bao gồm:

a) Kỹ thuật điều tra, đánh giá về chất lượng đất, tiềm năng đất đai;

b) Kỹ thuật điều tra, đánh giá thoái hóa đất;

c) Kỹ thuật điều tra, đánh giá ô nhiễm đất;

d) Kỹ thuật quan trắc chất lượng đất, thoái hóa đất, ô nhiễm đất;

đ) Kỹ thuật bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất.

2. Điều tra, đánh giá đất đai theo chuyên đề được thực hiện để điều tra, đánh giá về chất lượng đất, tiềm năng đất đai, thoái hóa đất, ô nhiễm đất đối với loại đất cụ thể theo yêu cầu quản lý nhà nước về đất đai tại một thời điểm xác định.

3. Đối tượng áp dụng gồm các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến việc điều tra, đánh giá đất đai và bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất có sử dụng vốn sự nghiệp bảo vệ môi trường và các nguồn vốn khác theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Đối tượng điều tra, đánh giá đất đai

1. Đối tượng điều tra, đánh giá chất lượng đất:

a) Đối tượng điều tra, đánh giá chất lượng đất cả nước, các vùng kinh tế - xã hội bao gồm đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất quy định tại khoản 2 Điều 9 Luật Đất đai 2024;

b) Đối tượng điều tra, đánh giá chất lượng đất cấp tỉnh bao gồm đất trồng cây hàng năm khác, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản quy định tại khoản 2 Điều 9 Luật Đất đai 2024; đất chưa sử dụng (không bao gồm đất núi đá không có rừng cây).

2. Đối tượng điều tra, đánh giá tiềm năng đất đai:

a) Đối tượng điều tra, đánh giá tiềm năng đất đai cả nước, các vùng kinh tế - xã hội bao gồm các loại đất quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;

b) Đối tượng điều tra, đánh giá tiềm năng đất đai cấp tỉnh bao gồm các loại đất quy định tại các điểm b Khoản 1 Điều này; đất ở; đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp; đất sử dụng vào mục đích công cộng; đất sử dụng cho hoạt động tôn giáo; đất sử dụng cho hoạt động tín ngưỡng quy định tại khoản 3 Điều 9 Luật Đất đai 2024.

3. Đối tượng điều tra, đánh giá thoái hóa đất bao gồm các loại đất quy định tại khoản 1 Điều này.

4. Đối tượng điều tra, đánh giá ô nhiễm đất:

a) Đối tượng điều tra, đánh giá ô nhiễm đất cả nước, các vùng kinh tế - xã hội bao gồm các loại đất: đất trồng lúa, đất trồng cây hàng năm khác, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản;

b) Đối tượng điều tra, đánh giá ô nhiễm đất cấp tỉnh là các loại đất nông nghiệp, đất chưa sử dụng thuộc khu vực có nguồn gây ô nhiễm và khu vực quy hoạch xây dựng khu dân cư đô thị, nông thôn tại địa phương.

5. Đối tượng quan trắc chất lượng đất, thoái hóa đất, ô nhiễm đất là mạng lưới các điểm quan trắc cố định trên phạm vi cả nước về chất lượng đất, thoái hóa đất, ô nhiễm đất được xác định theo các loại đất quy định tại khoản 1, khoản 4 Điều này.

6. Đối tượng điều tra, đánh giá đất đai theo chuyên đề là một hoặc nhiều loại đất cụ thể được xác định theo quyết định phê duyệt nhiệm vụ của cơ quan có thẩm quyền.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Bản đồ chất lượng đất là bản đồ thể hiện vị trí, quy mô và ranh giới không gian của các loại đất theo phân mức chất lượng đất.

2. Bản đồ tiềm năng đất đai là bản đồ thể hiện vị trí, quy mô và ranh giới không gian của các loại đất theo phân mức tiềm năng đất đai.

3. Bản đồ thoái hóa đất là bản đồ thể hiện vị trí, quy mô và ranh giới không gian của các loại đất bị thoái hóa theo loại hình thoái hóa.

4. Bản đồ ô nhiễm đất là bản đồ thể hiện vị trí, quy mô và ranh giới không gian của các loại đất hoặc các điểm bị ô nhiễm đất theo loại hình ô nhiễm.

5. Đất bị thoái hóa là đất bị thay đổi những đặc tính và tính chất vốn có ban đầu theo chiều hướng xấu do tác động của điều kiện tự nhiên và con người.

6. Các loại hình thoái hóa.

a) Đất bị suy giảm độ phì được coi là sự thoái hóa đất do các nguyên nhân khác nhau hoặc do sự thay đổi về khí hậu hoặc do hoạt động của con người làm cho đất ngày càng chua hơn, dung tích hấp thu giảm, hàm lượng mùn, các chất dinh dưỡng tổng số và dễ tiêu ngày càng suy giảm hoặc tăng sự tích lũy các chất độc trong đất;

b) Xói mòn đất là quá trình bào mòn làm mất dần các lớp đất trên mặt và phá huỷ các tầng đất bên dưới do tác động của nước mưa;

c) Đất bị khô hạn, hoang mạc hóa, sa mạc hóa được coi là sự thoái hóa đất trong điều kiện khô hạn, bán khô hạn hay vùng thiếu ẩm do các nguyên nhân khác nhau hoặc do sự thay đổi về khí hậu hoặc do hoạt động của con người;

d) Đất bị kết von, đá ong hóa là quá trình hình thành kết von, đá ong xảy ra trong đất dưới tác động của các điều kiện tự nhiên và hoạt động sử dụng đất không hợp lý của con người. Trong đó quá trình hình thành kết von, đá ong hóa trong đất là quá trình tích lũy tuyệt đối Fe, Al. Ở mức độ nhẹ tạo thành những đốm loang lổ đỏ vàng hoặc các ổ kết von đỏ vàng mềm; ở mức độ điển hình, Fe2O3 và Fe2O3.nH2O tạo thành kết von cứng dạng ôxít sắt; tập trung ở mức độ cao hình thành các tầng đá ong hóa hoặc các kết von lẫn trong đất mặt và các lớp đất bên dưới;

đ) Đất bị mặn hóa là quá trình nhiễm mặn đối với đất từ không mặn hoặc mặn yếu chuyển sang mặn hơn dưới tác động của nước biển hoặc nước ngầm chứa muối bốc mặn lên tầng mặt, do tự nhiên hoặc do hoạt động sản xuất của con người;

- Đối với đất mặn: làm tăng mức độ mặn của đất (từ mặn nhẹ chuyển sang mặn trung bình hoặc chuyển sang mặn nặng, từ mặn trung bình chuyển sang mặn nặng).

- Đối với đất không phải là đất mặn: hàm lượng tổng số muối tan (TSMT) trong tầng đất mặt chuyển sang ngưỡng mặn (TSMT ≥ 0,25%).

e) Đất bị phèn hóa là quá trình chuyển hóa từ đất phèn tiềm tàng thành phèn hoạt động trong đất do quá trình sử dụng đất của con người.

g) Các loại hình thoái hóa đất khác như: đất bị sạt lở, đất bị glây hoá (lầy hóa), …

6. Chất lượng đất là đặc tính của đất (thổ nhưỡng, địa hình, tính chất vật lý, tính chất hóa học, tính chất sinh học và các điều kiện khác) có ảnh hưởng tới tính bền vững đối với mục đích sử dụng đất cụ thể.

7. Đơn vị chất lượng đất là một hoặc nhiều khoanh đất đồng nhất các đặc tính khoanh định được trên bản đồ.

8. Khoanh đất là đường ranh giới khép kín ngoài cùng của một hoặc nhiều thửa đất liền kề có cùng đặc tính.

9. Ô nhiễm đất là sự gia tăng hàm lượng của một số chất, hợp chất so với tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), quy chuẩn Việt Nam (QCVN) cho phép làm nhiễm bẩn đất.

10. Quan trắc chất lượng đất là quan trắc các yếu tố hình thành nên độ phì của đất.

11. Quan trắc thoái hóa đất là quan trắc các yếu tố làm cho đất bị thoái hóa.

12. Quan trắc ô nhiễm đất là quan trắc hàm lượng các yếu tố làm cho đất bị ô nhiễm.

13. Tiềm năng đất đai là khả năng về số lượng, chất lượng đất cho mục đích sử dụng đất.

14. Quy định viết tắt

Chữ viết tắt

Nội dung viết tắt

BOD5

Nhu cầu oxi sinh hoá

CEC

Dung tích hấp thu

COD

Nhu cầu oxi sinh hoá

DVD

Đơn vị chất lượng đất

GIS

Hệ thống thông tin địa lý

GPS

Hệ thống định vị toàn cầu

K2O (%)

Kali tổng số

N (%)

Nitơ tổng số

MCE

Phương pháp đánh giá đa chỉ tiêu

OM (%)

Hàm lượng chất hữu cơ tổng số

QCVN

Quay chuẩn Việt Nam

pHKCl

Độ chua của đất

P2O5 (%)

Phốt pho tổng số

S (%)

Lưu huỳnh tổng số

TCVN

Tiêu chuẩn Việt Nam

TPCG

Thành phần cơ giới

TSMT

Tổng số muối tan

Δ

Khoảng biến động

Điều 4. Nguyên tắc thực hiện điều tra, đánh giá đất đai

1. Số liệu kết quả điều tra, đánh giá đất đai được thống kê từ diện tích các khoanh đất kiểm kê cấp xã.

2. Các hoạt động điều tra, đánh giá đất đai được thực hiện trong cùng một kỳ, các sản phẩm phải được kế thừa, đảm bảo không lặp lại nội dung công việc trên một địa bàn.

3. Các hoạt động cải tạo, phục hồi đất được thực hiện đối với các khu vực đất đã được khoanh vùng theo quy định tại Khoản 9 Điều 27, Khoản 7 Điều 36 của Thông tư này; thực hiện các biện pháp bảo vệ đất đối với các khu vực đã được khoanh vùng theo quy định tại Khoản 2 Điều 18 của Thông tư này

Điều 5. Quy định về bản đồ kết quả điều tra

1. Bản đồ điều tra nội nghiệp và ngoại nghiệp (sau đây gọi là bản đồ kết quả điều tra):

a) Đối với điều tra, đánh giá chất lượng đất, tiềm năng đất đai, thoái hoá đất

- Cấp vùng: bản đồ kết quả điều tra được lập trên nền bản đồ hiện trạng sử dụng đất cấp huyện;

- Cấp tỉnh: bản đồ kết quả điều tra được lập trên nền bản đồ hiện trạng sử dụng đất cấp xã.

b) Đối với điều tra, đánh giá ô nhiễm đất

- Cấp vùng: bản đồ kết quả điều tra được lập trên nền bản đồ hiện trạng sử dụng đất cấp huyện;

- Cấp tỉnh: bản đồ kết quả điều tra được lập trên nền bản đồ hiện trạng sử dụng đất cấp xã hoặc cấp huyện (đối với khu vực điều tra, đánh giá ô nhiễm đất nằm trên địa bàn 2 xã trở lên).

c) Tỷ lệ bản đồ kết quả điều tra theo quy định như sau:

Diện tích tự nhiên (ha)

Tỷ lệ bản đồ

Dưới 120

1:1.000

Từ 120 đến 500

1:2.000

Trên 500 đến 3.000

1:5.000

Từ 3.000 đến 12.000

1:1.0000

Trên 12.000

1:25.000

2. Quy định về nội dung bản đồ kết quả điều tra:

a) Biên giới quốc gia và đường địa giới hành chính các cấp; thủy hệ; giao thông và các đối tượng liên quan; cơ sở toán học gồm khung bản đồ, lưới tọa độ vuông góc, yếu tố địa hình (dáng đất, điểm độ cao, ghi chú độ cao) của bản đồ; các yếu tố kinh tế, xã hội, ghi chú, thuyết minh, được thể hiện theo bản đồ hiện trạng sử dụng đất cùng cấp, cùng kỳ và cùng tỷ lệ;

b) Ranh giới các khoanh đất theo chỉ tiêu điều tra, đánh giá chất lượng đất, tiềm năng đất đai; điều tra, đánh giá thoái hóa đất; điều tra, đánh giá ô nhiễm đất.

c) Ký hiệu (nhãn) khoanh đất:

- Đối với khoanh đất điều tra, đánh giá chất lượng đất, tiềm năng đất đai; điều tra, đánh giá thoái hóa đất gồm: ký hiệu tên tỉnh và số thứ tự khoanh đất (thể hiện bằng số Ả Rập, từ 01 đến hết trong phạm vi điều tra, thứ tự đánh số từ trái sang phải, từ trên xuống dưới. Ví dụ: BD15; BD16; BD17;….

- Đối với khoanh đất điều tra, đánh giá ô nhiễm đất: thông tin khoanh đất điều tra (ký hiệu nhãn khoanh đất) là chuỗi ký tự được thể hiện theo quy định như sau: tên khoanh đất (độ dốc/địa hình tương đối, mục đích sử dụng, nguồn gây ô nhiễm). Ví dụ: “TTH1-3(SL1, LUC, KCN)”: khoanh đất điều tra TTH1-3, độ dốc cấp 1, mục đích sử dụng đất chuyên trồng lúa nước, nguồn gây ô nhiễm khu công nghiệp.

d) Vị trí điểm đào phẫu diện, điểm lấy mẫu trên bản đồ kết quả điều tra được thể hiện dưới dạng điểm. Ký hiệu nhãn điểm đào phẫu diện, điểm lấy mẫu gồm: gồm ký hiệu tên tỉnh; số thứ tự khoanh đất; ký hiệu loại thổ nhưỡng; ký hiệu địa hình; ký hiệu loại đất theo mục đích sử dụng theo các bảng 2, 3, 4 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này. Ví dụ: BD15(G1,SL1,LUA);

đ) Hệ thống chú dẫn gồm: ký hiệu của các yếu tố nền địa lý, ký hiệu (nhãn) khoanh đất và ký hiệu điểm đào mẫu diện, điểm lấy mẫu.

Điều 6. Quy định về bản đồ kết quả sản phẩm

1. Bản đồ chất lượng đất, bản đồ tiềm năng đất đai, bản đồ thoái hoá đất, bản đồ đất bị ô nhiễm (sau đây gọi là bản đồ kết quả sản phẩm)

a) Bản đồ kết quả sản phẩm được lập trên nền bản đồ hiện trạng sử dụng đất cùng cấp, cùng kỳ, cùng tỷ lệ;

b) Bản đồ kết quả sản phẩm gồm 2 dạng: bản đồ lưu trữ dữ liệu điều tra, đánh giá chất lượng đất, tiềm năng đất đai, thoái hoá đất, ô nhiễm đất dạng số (sau đây gọi là bản đồ kết quả sản phẩm dạng số) và bản đồ phục vụ in ấn dạng giấy (sau đây gọi là bản đồ kết quả sản phẩm dạng giấy).

2. Bản đồ kết quả sản phẩm dạng số được lập trên cơ sở tích hợp, tiếp biên, tổng hợp nội dung từ dữ liệu trung gian; chồng xếp các lớp thông tin chuyên đề. Bản đồ kết quả sản phẩm dạng giấy được lập trên cơ sở khái quát hoá từ bản đồ kết quả sản phẩm dạng số.

3. Diện tích tối thiểu của khoanh đất theo tỷ lệ bản đồ kết quả sản phẩm như sau:

Tỷ lệ bản đồ

Diện tích tích khoanh đất tối thiểu trên bản đồ kết quả sản phẩm dạng giấy
(ha)

Tỷ lệ 1 : 50.000

25

Tỷ lệ 1 : 100.000

100

Tỷ lệ 1: 250.000

312,5

Tỷ lệ 1: 1.000.000

5.000

4. Bản đồ kết quả sản phẩm thể hiện các nội dung sau:

a) Các yếu tố biên giới quốc gia và đường địa giới hành chính các cấp; thủy hệ; giao thông và các đối tượng liên quan; cơ sở toán học gồm khung bản đồ, lưới tọa độ vuông góc, yếu tố địa hình (dáng đất, điểm độ cao, ghi chú độ cao) của bản đồ; các yếu tố kinh tế, xã hội, ghi chú, thuyết minh được thể hiện theo bản đồ hiện trạng sử dụng đất cùng kỳ và cùng tỷ lệ;

b) Các yếu tố về ranh giới, nhãn, màu sắc khoanh đất thể hiện kết quả đánh giá đất đai được quy định chi tiết tại Phụ lục 6 ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Tên bản đồ, chú dẫn và tỷ lệ bản đồ, cơ quan thành lập, cơ quan phê duyệt.

Điều 7. Quy định về lưu trữ dữ liệu trong điều tra, đánh giá đất đai

1. Định dạng dữ liệu lưu trữ:

a) Dữ liệu được lưu trữ dưới dạng số;

b) Tệp tin lưu trữ dữ liệu phải ở định dạng file *.tab của phần mềm Mapinfo hoặc *.shp của phần mềm ArcGIS, kèm theo file nguồn ký hiệu và lý lịch bản đồ; file phải ở dạng mở, cho phép chỉnh sửa, cập nhật thông tin khi cần thiết và có khả năng chuyển đổi khuôn dạng; font chữ, số tiếng Việt; thư viện các ký hiệu, bảng màu được tạo sẵn trong thư viện file.pen của phần mềm Mapinfo. Quy định ký hiệu, bảng màu chi tiết tại Phụ lục 6 ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Dữ liệu lưu trữ được tổ chức theo các lớp thông tin, thể hiện đầy đủ thuộc tính của các khoanh đất, trong đó ranh giới các khoanh đất thuộc cùng một hệ thống chỉ tiêu được xác định cùng lớp thông tin bản đồ.

Quy định nội dung và cấu trúc dữ liệu lưu trữ tại Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Dữ liệu lưu trữ bao gồm:

a) Dữ liệu điều tra, đánh giá đất đai

 - Đối với cấp vùng: Bản đồ kết quả điều tra cấp huyện tỷ lệ 1:10.000, 1:25.000; Hồ sơ quét kết quả điều tra phẫu diện đất, điều tra khoanh đất.

- Đối với cấp tỉnh: Bản đồ kết quả điều tra cấp xã, cấp huyện tỷ lệ 1:1.000, 1:2.000, 1:5.000, 1:10.000; 1:25.000. Hồ sơ quét kết quả điều tra phẫu diện đất, điều tra khoanh đất.

b) Dữ liệu kết quả điều tra, đánh giá đất đai

- Bản đồ chuyên đề hoặc các lớp thông tin chuyên đề được lập trên nền bản đồ hiện trạng sử dụng đất cùng kỳ, cùng tỷ lệ.

- Bản đồ kết quả sản phẩm (dạng số).

- Sơ đồ mạng lưới phẫu diện sau điều tra, điểm lấy mẫu đất.

- Hồ sơ quét kết quả phân tích mẫu đất.

4. Báo cáo, bảng biểu số liệu công bố kết quả điều tra, đánh giá đất đai; bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất

Điều 8. Quy định về hệ thống mẫu biểu trong điều tra, đánh giá đất đai

1. Hệ thống mẫu biểu trong điều tra, đánh giá chất lượng đất được quy định tại Phụ lục 8 ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Hệ thống mẫu biểu trong điều tra, đánh giá tiềm năng đất đai được quy định tại Phụ lục 9 ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Hệ thống mẫu biểu trong điều tra, đánh giá thoái hoá đất được quy định tại Phụ lục 10 ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Hệ thống mẫu biểu trong điều tra, đánh giá ô nhiễm đất được quy định tại Phụ lục 11 ban hành kèm theo Thông tư này.

5. Hệ thống mẫu biểu quan trắc chất lượng đất, thoái hóa đất, ô nhiễm đất đất được quy định tại Phụ lục 12 ban hành kèm theo Thông tư này.

6. Hệ thống mẫu biểu trong bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất được quy định tại Phụ lục 13 ban hành kèm theo Thông tư này.

Chương 2

ĐIỀU TRA, ĐÁNH GIÁ ĐẤT ĐAI

Mục 1. CÔNG TÁC CHUẨN BỊ ĐIỀU TRA, ĐÁNH GIÁ ĐẤT ĐAI  

Điều 9. Xác định mục tiêu, nội dung của việc điều tra, đánh giá đất đai

1. Xác định mục tiêu, nhiệm vụ của dự án.

2. Xác định địa bàn điều tra, quy mô diện tích điều tra, đối tượng điều tra và bản đồ cần sử dụng trong điều tra, đánh giá đất đai.

3. Xác định nội dung điều tra, đánh giá đất đai, gồm:

a) Xây dựng báo cáo điều tra, đánh giá đất đai;

b) Xây dựng bản đồ chất lượng đất, bản đồ tiềm năng đất đai, bản đồ thoái hoá đất, bản đồ đất bị ô nhiễm.

Điều 10. Thu thập tài liệu phục vụ lập dự án

1. Thu thập các tài liệu, số liệu, bản đồ có liên quan đến việc lập dự án điều tra, đánh giá đất đai.

2. Thu thập các chương trình, dự án, đề tài đã nghiên cứu trước đây có liên quan đến điều tra, đánh giá đất đai.

3. Đánh giá chất lượng, tính thời sự và độ tin cậy của các tài liệu, số liệu, bản đồ đã thu thập.

4. Lựa chọn những tài liệu đã thu thập phục vụ lập dự án.

Điều 11. Lập đề cương dự án và dự toán kinh phí thực hiện dự án

1. Xác định sự cần thiết của dự án, gồm:

a) Xác định những căn cứ pháp lý và cơ sở xây dựng dự án;

b) Xác định thời gian thực hiện dự án, chủ đầu tư, chủ quản đầu tư, đơn vị lập dự án, đơn vị thực hiện dự án, đơn vị phối hợp thực hiện dự án.

2. Đánh giá khái quát về hiện trạng tư liệu có liên quan đến dự án, gồm:

a) Đánh giá thực trạng các tư liệu, những công việc đã làm có liên quan đến điều tra, đánh giá đất đai;

b) Đánh giá mức độ sử dụng các tư liệu đã có cho dự án.

3. Xác định nội dung, khối lượng, phương pháp thực hiện và sản phẩm của dự án, gồm:

a) Xác định nội dung, khối lượng của từng bước công việc thực hiện;

b) Xác định những phương pháp, giải pháp kỹ thuật - công nghệ để thực hiện;

c) Xác định sản phẩm của dự án và thời gian hoàn thành.

4. Lập dự toán kinh phí dự án, gồm:

a) Xác định căn cứ lập dự toán kinh phí;

b) Xác định tổng dự toán kinh phí của dự án;

c) Xác định dự toán chi tiết cho từng hạng mục công việc của dự án.

5. Xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện dự án, gồm:

a) Công tác tổ chức và chỉ đạo thực hiện dự án;

b) Xây dựng tiến độ chung và tiến độ thực hiện từng nội dung công việc;

c) Dự kiến tiến độ cấp phát kinh phí để thực hiện các công việc của dự án.

6. Tổng hợp, xây dựng dự án.

7. Trình duyệt dự án.

Mục 2. ĐIỀU TRA, ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG ĐẤT, TIỀM NĂNG ĐẤT ĐAI

Điều 12. Thu thập thông tin, tài liệu, số liệu, bản đồ và khảo sát sơ bộ ngoài thực địa

1. Thu thập nhóm các thông tin, tài liệu, số liệu, bản đồ về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên có liên quan đến chất lượng đất, tiềm năng đất đai, gồm:

a) Thu thập nhóm thông tin, tài liệu, số liệu, bản đồ về đặc điểm thổ nhưỡng; địa hình; chất lượng đất, tiềm năng đất đai; ô nhiễm đất; thoái hóa đất; quan trắc chất lượng đất, thoái hóa đất, ô nhiễm đất; xử lý bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất

b) Thu thập nhóm thông tin, tài liệu, số liệu, bản đồ về hiện trạng môi trường đất, khí hậu, biến đổi khí hậu;

c) Thu thập nhóm thông tin, tài liệu, số liệu, bản đồ về thủy lợi, thủy văn nước mặt.

2. Thu thập nhóm các thông tin, tài liệu, số liệu, bản đồ về kinh tế - xã hội và tình hình quản lý, sử dụng đất, gồm:

a) Thu thập nhóm thông tin, tài liệu, số liệu về tình hình phát triển kinh tế - xã hội;

b) Thu thập nhóm thông tin, tài liệu, số liệu, bản đồ địa chính (bản đồ khoanh đất kiểm kê cấp xã) và hiện trạng sử dụng đất cấp huyện, cấp tỉnh; biến động sử dụng đất; tình hình quản lý, sử dụng đất trong vòng 10 năm; các thông tin tư liệu, tài liệu, bản đồ về tình hình chuyển đổi sử dụng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

3. Khảo sát sơ bộ, xác định hướng địa hình, hướng dòng chảy, hướng tuyến điều tra và hiện trạng sử dụng đất.

Điều 13. Đánh giá, lựa chọn các thông tin, tài liệu, số liệu, bản đồ đã thu thập

1. Tổng hợp, phân tích, đánh giá về tính chính xác, khách quan, thời sự của thông tin, tài liệu, số liệu, bản đồ đã thu thập, gồm:

a) Sắp xếp, phân loại theo chuyên mục, nguồn gốc hay thời gian tổng hợp xây dựng;

b) Đối chiếu các số liệu cũ với hiện trạng để xác định sự phù hợp với thực tế của từng nguồn số liệu (tập trung vào những tài liệu và số liệu thiết yếu với mục tiêu, quy mô, ranh giới đất sẽ được đánh giá);

c) Phân tích, đánh giá tính chính xác, khách quan và thời sự của thông tin, tài liệu, số liệu, bản đồ đã thu thập được, lựa chọn những thông tin, tài liệu, số liệu, bản đồ có thể kế thừa, sử dụng cho điều tra, đánh giá chất lượng đất, tiềm năng đất đai.

2. Lựa chọn thông tin, tài liệu, số liệu, bản đồ có thể sử dụng, xác định những thông tin, tài liệu, số liệu, bản đồ cần điều tra bổ sung, gồm:

a) Lựa chọn thông tin, tài liệu, số liệu, bản đồ có thể sử dụng;

b) Đối chiếu nguồn thông tin, tài liệu, số liệu, bản đồ đã lựa chọn với yêu cầu thông tin đầu vào cần thiết cho điều tra, đánh giá chất lượng đất, tiềm năng đất đai, xác định những thông tin còn thiếu cần điều tra bổ sung;

c) Xây dựng báo cáo kết quả thu thập thông tin, tài liệu, số liệu, bản đồ.

Điều 14. Xác định nội dung và kế hoạch điều tra thực địa

1. Chuẩn bị bản đồ kết quả điều tra:

a) Rà soát, lựa chọn những nội dung cần thể hiện trên bản đồ kết quả điều tra (sử dụng bản đồ hiện trạng sử dụng đất cùng kỳ của cấp xã hoặc cấp huyện, tỷ lệ bản đồ và các yếu tố cần thể hiện theo quy định kỹ thuật);

b) Chuyển các thông tin về hiện trạng sử dụng đất từ bản đồ khoanh đất kiểm kê lên bản đồ kết quả điều tra;

c) Chuyển các thông tin liên quan về thổ nhưỡng cụ thể như sau: Đối với cấp vùng và các tỉnh đã tiến hành điều tra, đánh giá chất lượng đất, tiềm năng đất đai: Chuyển các thông tin về thổ nhưỡng (nhóm đất/loại đất), địa hình (độ dốc/địa hình tương đối) từ lớp thông tin chuyên đề về đất lên bản đồ kết quả điều tra; Đối với các tỉnh chưa tiến hành điều tra, đánh giá chất lượng đất, tiềm năng đất đai: chuyển các thông tin về thổ nhưỡng (nhóm đất/loại đất), địa hình (độ dốc/địa hình tương đối từ bản đồ dất lên bản đồ kết quả điều tra.

d) Chuyển các thông tin liên quan về các điểm quan trắc chất lượng đất, thoái hóa đất, ô nhiễm đất (từ sơ đồ mạng lưới quan trắc (nếu có) và các thông tin, tài liệu, số liệu, bản đồ đã thu thập lên bản đồ kết quả điều tra.

đ) Chuyển các thông tin liên quan về các khu vực bảo vệ, xử lý, cải tạo và phục hồi (nếu có) từ các thông tin, tài liệu, số liệu, bản đồ đã thu thập lên bản đồ kết quả điều tra.

2. Xác định ranh giới khoanh đất, điểm đào phẫu diện đất lên bản đồ kết quả điều tra, gồm:

a) Xác định ranh giới các khoanh đất lên bản đồ kết quả điều tra theo phương pháp quy định tại mục 2 Phụ lục 1.2 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Xác định số lượng phẫu diện đất, số lượng bản mô tả kết quả điều tra theo tuyến điều tra và xây dựng sơ đồ mạng lưới phẫu diện theo phương pháp quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này;

c) In bản đồ kết quả điều tra;

d) Thống kê số lượng khoanh đất và đặc trưng của khoanh đất điều tra;

đ) Xác định nội dung điều tra theo từng khoanh đất và khu vực tại thực địa; e) Thống kê số lượng khoanh đất và đặc trưng của khoanh đất điều tra;

g) Xác định nội dung điều tra theo từng khoanh đất và khu vực tại thực địa.

3. Chuẩn bị bản tả phẫu diện đất, phiếu điều tra tiềm năng đất đai theo mẫu quy định tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này

4. Xây dựng báo cáo kế hoạch điều tra thực địa.

Điều 15. Điều tra, lấy mẫu đất tại thực địa

1. Rà soát, chỉnh lý ranh giới khoanh đất điều tra theo các đặc điểm: thổ nhưỡng, địa hình, tính chất vật lý, tính chất hóa học, tính chất sinh học và các điều kiện khác lên bản đồ kết quả điều tra.

2. Khoanh vùng, xác định vị trí khoanh đất điều tra và chấm điểm đào phẫu diện lên bản đồ kết quả điều tra. Tọa độ điểm đào phẫu diện được xác định bằng thiết bị định vị.

3. Đào (khoan), mô tả phẫu diện đất; lấy tiêu bản đất và mẫu đất của phẫu diện:

a) Đào (khoan) phẫu diện đất;

b) Chụp ảnh minh họa phẫu diện đất, ảnh cảnh quan khoanh đất điều tra;

c) Mô tả phẫu diện đất (theo mẫu bản tả phẫu diện);

d) Lấy mẫu đất, tiêu bản, đóng gói và bảo quản mẫu đất (việc lấy mẫu đất phục vụ đánh giá chỉ tiêu tổng số muối tan cần được thực hiện vào mùa khô).

4. Mô tả thông tin về khoanh đất điều tra hoặc nhập thông tin vào bảng cơ sở dữ liệu chung (bản số):

a) Vị trí, địa hình, thời tiết, tọa độ điểm đào phẫu diện;

b) Loại đất (hay nhóm đất phụ); địa hình (độ dốc hoặc địa hình tương đối); độ dày tầng đất mịn và một số thông tin thổ nhưỡng khác;

c) Hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng cây trồng;

d) Chế độ nước (chế độ tưới, xâm nhập mặn, ngập úng);

đ) Các yếu tố khác: mức độ xói mòn, đá lộ đầu, độ sâu xuất hiện mực nước ngầm, ….

5. Thống kê số lượng, đặc điểm khoanh đất điều tra thực địa.

6. Sao lưu mạng lưới điểm đào phẫu diện, ranh giới khoanh đất theo kết quả điều tra thực địa lên bản đồ kết quả điều tra.

7. Xây dựng báo cáo kết quả điều tra ngoại nghiệp.

Điều 16. Điều tra tình hình sử dụng đất nông nghiệp và tiềm năng đất đai

1. Điều tra về tình hình sử dụng đất nông nghiệp, gồm:

a) Hiện trạng, biến động và tình hình chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất;

b) Diễn biến năng suất trong 05 năm trở lại đây theo từng mục đích sử dụng;

c) Các kỹ thuật canh tác sử dụng đất như xây dựng thiết kế đồng ruộng, làm đất, bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, khai thác lâm sản, thủy sản, thu hoạch nông sản;

d) Mức đầu tư đối với từng mục đích sử dụng đất như giống, phân bón, thức ăn, thuốc bảo vệ thực vật.

2. Điều tra về tiềm năng đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp thông qua các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường.

3. Các yếu tố có liên quan đến quá trình biến đổi chất lượng đất như địa hình, khí hậu, thảm thực vật và chế độ nước.

4. Nội dung điều tra tình hình sử dụng đất nông nghiệp và tiềm năng đất đai theo mẫu phiếu điều tra quy định tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 17. Tổng hợp, xử lý thông tin nội nghiệp và ngoại nghiệp

1. Tổng hợp thông tin, lựa chọn các yếu tố dùng trong tạo lập các lớp thông tin chuyên đề đã thu thập được, gồm:

a) Tổng hợp thông tin, lựa chọn các yếu tố dùng trong tạo lập lớp thông tin chuyên đề về thổ nhưỡng, địa hình (loại đất/nhóm đất phụ, độ dày tầng đất, thành phần cơ giới, độ dốc/ địa hình tương đối;

b) Tổng hợp thông tin, lựa chọn các yếu tố dùng trong tạo lập lớp thông tin chuyên đề về khí hậu (lượng mưa, tổng tích ôn, số tháng khô hạn);

c) Tổng hợp thông tin, lựa chọn các yếu tố dùng trong tạo lập lớp thông tin chuyên đề về chế độ nước (chế độ tưới, xâm nhập mặn, ngập úng);

d) Tổng hợp thông tin, lựa chọn các yếu tố dùng trong tạo lập lớp thông tin chuyên đề về tình hình sử dụng đất (loại đất theo mục đích sử dụng, biến động sử dụng đất trong vòng 10 năm gần nhất, tình hình chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất);

đ) Tổng hợp thông tin, lựa chọn các yếu tố về thoái hóa đất (loại hình thoái hoá, mức độ thoái hoá), ô nhiễm đất (các điểm hoặc khu vực đất bị ô nhiễm, mức độ ô nhiễm đất) (nếu có).

2. Chuẩn bị bản đồ nền của kết quả sản phẩm

a) Xác định cơ sở toán học và các yếu tố nền chung cho bản đồ kết quả sản phẩm;

b) Chuẩn hóa các yếu tố cơ sở cho bản đồ kết quả sản phẩm.

3. Chuẩn hoá kết quả tổng hợp xử lý thông tin nội nghiêp, ngoại nghiệp

a) Chuyển đổi dữ liệu dạng số các lớp thông tin chuyên đề về thổ nhưỡng, tình hình sử dụng đất, khí hậu, chế độ nước, thoái hóa đất, ô nhiễm đất có định dạng khác nhau về định dạng thống nhất;

b) Chuyển kết quả tổng hợp thông tin của các lớp chuyên đề dạng giấy thành dạng số (nếu có).

4. Thiết kế các trường thông tin lưu trữ dữ liệu thuộc tính của các lớp thông tin chuyên đề. Nội dung và cấu trúc dữ liệu theo quy định tại Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư này. Các lớp thông tin thiết kế bao gồm:

a) Lớp thông tin về thổ nhưỡng, địa hình;

b) Lớp thông tin về khí hậu;

c) Lớp thông tin về chế độ nước;

d) Lớp thông tin về độ phì nhiêu;

đ) Lớp thông tin về thoái hóa đất, ô nhiễm đất (nếu có);

e) Lớp thông tin về tình hình sử dụng đất;

f) Lớp thông tin về đơn vị chất lượng đất;

g) Lớp thông tin về phân mức chất lượng đất theo mục đích sử dụng đất;

h) Lớp thông tin về kết quả đánh giá hiệu quả kinh tế theo mục đích sử dụng đất;

i) Lớp thông tin về kết quả đánh giá hiệu quả xã hội theo mục đích sử dụng đất;

k) Lớp thông tin về kết quả đánh giá hiệu quả môi trường theo mục đích sử dụng đất;

l) Lớp thông tin về kết quả đánh giá tiềm năng đất đai theo mục đích sử dụng đất.

5. Phân tích mẫu đất:

a) Lựa chọn mẫu đất phân tích bao gồm toàn bộ mẫu đất của phẫu diện chính và mẫu đất tầng mặt của phẫu diện phụ;

b) Chỉ tiêu phân tích bao gồm

Chỉ tiêu phân tích tính chất vật lý của đất, gồm các chỉ tiêu: dung trọng, thành phần cơ giới (cát, cát mịn, limon, sét), tỷ trọng và độ xốp

Chỉ tiêu phân tích tính chất hoá học của đất: gồm các chỉ tiêu độ chua của đất (pHKCl), chất hữu cơ tổng số (OM%), dung tích hấp thu (CEC), nitơ tổng số (N%), phốt pho tổng số (P2O5%), kali tổng số (K2O%); đối với khu vực ven biển phân tích thêm chỉ tiêu lưu huỳnh tổng số (S%) và tổng số muối tan.

Chỉ tiêu phân tích tính chất sinh học của đất: tổng số vi sinh vật, vi sinh vật cố định nitơ, vi sinh vật phân giải hợp chất photpho khó tan; vi sinh vật phân giải cellulose.

6. Tổng hợp bảng biểu số liệu phục vụ xây dựng bản đồ chất lượng đất và bản đồ tiềm năng đất đai.

7. Tổng hợp, xử lý phiếu điều tra.

8. Xây dựng báo cáo kết quả tổng hợp, xử lý thông tin.

Điều 18. Xây dựng bản đồ chất lượng đất, tiềm năng đất đai

1. Xây dựng bản đồ chất lượng đất (Trình tự thực hiện xây dựng bản đồ chất lượng đất theo quy định tại Sơ đồ 4 Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư này) gồm các nội dung sau:

a) Xác định bộ chỉ tiêu phân mức chất lượng đất theo quy định tại Phụ lục 3.1 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Xây dựng các lớp thông tin chuyên đề theo các trường thông tin đã được thiết kế tại các điểm a, b, c, d, đ, e, f  Khoản 4 Điều 17 Thông tư này;

c) Chồng xếp các lớp thông tin chuyên đề về thổ nhưỡng, địa hình; khí hậu; chế độ nước; độ phì nhiêu để xây dựng lớp thông tin đơn vị chất lượng đất;

d) Chồng xếp lớp thông tin đơn vị chất lượng đất và lớp thông tin về tình hình sử dụng đất để xây dựng lớp thông tin về phân mức chất lượng đất theo mục đích sử dụng;

e) Xây dựng bản đồ chất lượng đất dạng số;

f) Biên tập bản đồ chất lượng đất dạng giấy;

g) In bản đồ và xây dựng báo cáo thuyết minh bản đồ chất lượng đất.

2. Khoanh vùng các khu vực đất cần bảo vệ, xử lý, cải tạo và phục hồi

a) Khoanh vùng các khu vực cần bảo vệ;

b) Khoanh vùng các khu vực cần xử lý;

c) Khoanh vùng các khu vực cần cải tạo và phục hồi đất;

d) Xây dựng bản đồ các khu vực cần bảo vệ, xử lý, cải tạo và phục hồi.

3. Xây dựng dữ liệu chất lượng đất

a) Chuẩn hóa các lớp đối tượng không gian chất lượng đất chưa phù hợp với quy định kỹ thuật về cơ sở dữ liệu đất đai của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường;

b) Rà soát chuẩn hóa thông tin thuộc tính cho từng đối tượng không gian chất lượng đất theo quy định kỹ thuật về cơ sở dữ liệu đất đai của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường;

c) Chuyển đổi và tích hợp không gian chất lượng đất bao gồm: chuyển đổi các lớp đối tượng không gian chất lượng đất của bản đồ vào cơ sở dữ liệu đất đai theo đơn vị hành chính; rà soát dữ liệu không gian để xử lý các lỗi dọc biên giữa các đơn vị hành chính tiếp giáp nhau. Trường hợp có mâu thuẫn cần xử lý đồng bộ với các loại hồ sơ có liên quan, thống kê kết quả xử lý các đối tượng còn mâu thuẫn;

d) Quét giấy tờ pháp lý và xử lý tệp tin: quét các giấy tờ đưa vào cơ sở dữ liệu chất lượng đất bao gồm bộ dữ liệu kết quả phân tích, kết quả điều tra thực địa, bản tả phẫu diện đất, phiếu lấy mẫu đất; xử lý tệp tin quét hình thành tệp (File) hồ sơ quét tài liệu chất lượng đất dạng số, lưu trữ dưới khuôn dạng tệp tin PDF; chất lượng hình ảnh số sắc nét và rõ ràng, các hình ảnh được sắp xếp theo cùng một hướng, hình ảnh phải được quét vuông góc, không được cong vênh;

e) Tạo danh mục tra cứu hồ sơ quét trong cơ sở dữ liệu chất lượng đất;

f) Xây dựng dữ liệu thuộc tính chất lượng đất: đối với tài liệu, số liệu là bảng, biểu dạng số thì thực hiện lập mô hình chuyển đổi cơ sở dữ liệu chất lượng đất; chuyển đổi vào cơ sở dữ liệu chất lượng đất; đối với tài liệu, số liệu là báo cáo dạng số thì tạo danh mục tra cứu trong cơ sở dữ liệu chất lượng đất;

g) Nhập dữ liệu thuộc tính chất lượng đất theo mẫu quy định tại Phụ lục 14 ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Xây dựng bản đồ tiềm năng đất đai (Trình tự thực hiện xây dựng bản đồ tiềm năng đất đai theo quy định tại Sơ đồ 5 Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư này) gồm các nội dung sau:

a) Xác định bộ chỉ tiêu phân mức tiềm năng đất đai theo quy định tại Phụ lục 3.2 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Xây dựng các lớp thông tin chuyên đề theo các lớp thông tin đã thiết kế tại các Điểm h, i, k Khoản 4 Điều 17 Thông tư này;

c) Chồng xếp các lớp thông tin chuyên đề tại điểm b và lớp thông tin về phân mức chất lượng đất theo mục đích sử dụng đất để xây dựng lớp thông tin về kết quả đánh giá tiềm năng đất đai theo mục đích sử dụng đất;

d) Xây dựng bản đồ tiềm năng đất đai dạng số;

e) Biên tập bản đồ tiềm năng đất đai dạng giấy;

f) In bản đồ và xây dựng báo cáo thuyết minh bản đồ tiềm năng đất đai.

5. Xây dựng dữ liệu tiềm năng đất đai

a) Chuẩn hóa các lớp đối tượng không gian tiềm năng đất đai chưa phù hợp với quy định kỹ thuật về cơ sở dữ liệu đất đai của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường;

b) Rà soát chuẩn hóa thông tin thuộc tính cho từng đối tượng không gian tiềm năng đất đai theo quy định kỹ thuật về cơ sở dữ liệu đất đai của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường;

c) Chuyển đổi và tích hợp không gian tiềm năng đất đai bao gồm: chuyển đổi các lớp đối tượng không gian tiềm năng đất đai của bản đồ vào cơ sở dữ liệu đất đai theo đơn vị hành chính; rà soát dữ liệu không gian để xử lý các lỗi dọc biên giữa các đơn vị hành chính tiếp giáp nhau. Trường hợp có mâu thuẫn cần xử lý đồng bộ với các loại hồ sơ có liên quan, thống kê kết quả xử lý các đối tượng còn mâu thuẫn;

d) Quét giấy tờ pháp lý và xử lý tệp tin: quét các giấy tờ đưa vào cơ sở dữ liệu tiềm năng đất đai bao gồm kết quả điều tra thực địa, phiếu điều tra khoanh đất; xử lý tệp tin quét hình thành tệp (File) hồ sơ quét tài liệu chất lượng đất dạng số, lưu trữ dưới khuôn dạng tệp tin PDF; chất lượng hình ảnh số sắc nét và rõ ràng, các hình ảnh được sắp xếp theo cùng một hướng, hình ảnh phải được quét vuông góc, không được cong vênh;

e) Tạo danh mục tra cứu hồ sơ quét trong cơ sở dữ liệu tiềm năng đất đai;

f) Xây dựng dữ liệu thuộc tính chất lượng đất: đối với tài liệu, số liệu là bảng, biểu dạng số thì thực hiện lập mô hình chuyển đổi cơ sở dữ liệu tiềm năng đất đai; chuyển đổi vào cơ sở dữ liệu tiềm năng đất đai; đối với tài liệu, số liệu là báo cáo dạng số thì tạo danh mục tra cứu trong cơ sở dữ liệu tiềm năng đất đai;

g) Nhập dữ liệu thuộc tính tiềm năng đất đai theo mẫu quy định tại Phụ lục 14 ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 19. Phân tích đánh giá thực trạng chất lượng đất, tiềm năng đất đai

1. Phân tích, đánh giá thực trạng chất lượng đất:

a) Tổng hợp hệ thống biểu đánh giá chất lượng đất theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 Thông tư này;

b) Phân tích, đánh giá các quá trình hình thành, biến đổi chất lượng đất;

c) Phân tích, đánh giá ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, tình hình quản lý và sử dụng đất đến chất lượng đất;

d) Phân tích, đánh giá thực trạng chất lượng đất theo mục đích sử dụng đất;

đ) Tổng hợp đánh giá chất lượng đất.

2. Phân tích, đánh giá tiềm năng đất đai:

a) Tổng hợp hệ thống biểu đánh giá tiềm năng đất đai theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 Thông tư này;

b) Phân tích, đánh giá ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên đến tiềm năng đất đai;

c) Phân tích, đánh giá ảnh hưởng của phát triển kinh tế - xã hội đến tiềm năng đất đai;

d) Phân tích, đánh giá tình hình quản lý và sử dụng đất tác động đến tiềm năng đất đai;

đ) Phân tích, đánh giá hiệu quả sử dụng đất (hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường);

e) Phân tích, đánh giá tiềm năng đất đai theo mục đích sử dụng đất.

3. Xây dựng báo cáo đánh giá chất lượng đất, tiềm năng đất đai.

Điều 20. Đề xuất các giải pháp bảo vệ, cải tạo đất và định hướng sử dụng đất bền vững

1. Xác định quan điểm, mục tiêu chiến lược khai thác tài nguyên đất bền vững.

2. Xác định các giải pháp về quản lý, sử dụng đất bền vững.

3. Xác định các giải pháp kỹ thuật để bảo vệ và cải tạo đất.

4. Đề xuất định hướng sử dụng đất.

a) Định hướng sử dụng đất với những khu vực cần bảo vệ;

b) Định hướng sử dụng đất đối với khu vực cần xử lý, cải tạo và phục hồi phù hợp.

Điều 21. Xây dựng hệ thống báo cáo kết quả dự án

1. Xây dựng các phụ lục, bản đồ thu nhỏ đính kèm báo cáo.

2. Biên soạn báo cáo tổng hợp kết quả điều tra, đánh giá chất lượng đất, tiềm năng đất đai.

3. Nhân sao tài liệu, tổ chức hội thảo.

4. Hoàn chỉnh tài liệu điều tra, đánh giá chất lượng đất, tiềm năng đất đai.

5. Xây dựng báo cáo tóm tắt, báo cáo tổng kết dự án.

6. Nghiệm thu và bàn giao kết quả.

Mục 3. ĐIỀU TRA, ĐÁNH GIÁ THOÁI HOÁ ĐẤT

Điều 22. Thu thập thông tin, tài liệu, số liệu, bản đồ và khảo sát sơ bộ ngoài thực địa phục vụ đánh giá thoái hóa đất

1. Thu thập nhóm các thông tin, tài liệu, số liệu, bản đồ về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và thoái hóa đất, gồm:

a) Tài liệu, số liệu, bản đồ về đất (nhóm đất/loại đất, địa hình (độ dốc/địa hình tương đối), độ dày tầng đất…); thoái hóa đất và chất lượng đất;

b) Tài liệu, số liệu, bản đồ về khí hậu (lượng mưa, nhiệt độ, độ ẩm, lượng bốc hơi, sơ đồ mạng lưới điểm quan trắc khí tượng…);

c) Tài liệu, số liệu, bản đồ về chế độ nước (chế độ tưới, xâm nhập mặn).

2. Thu thập nhóm các thông tin, tài liệu, số liệu, bản đồ về kinh tế xã hội và tình hình quản lý, sử dụng đất, gồm:

a) Tài liệu, số liệu về tình hình phát triển kinh tế - xã hội;

b) Tài liệu, số liệu, bản đồ về sử dụng đất.

3. Khảo sát sơ bộ, xác định hướng địa hình, hướng dòng chảy, hướng tuyến điều tra và hiện trạng sử dụng đất.

Điều 23. Đánh giá, lựa chọn các thông tin, tài liệu đã thu thập

1. Tổng hợp, phân tích, đánh giá về tính chính xác, khách quan, thời sự của thông tin, tài liệu đã thu thập, gồm:

a) Sắp xếp, phân loại theo chuyên mục, nguồn gốc hay thời gian tổng hợp xây dựng;

b) Đối chiếu các số liệu cũ với hiện trạng để xác định tính phù hợp và tính hiện thực của từng nguồn số liệu (tập trung vào những tài liệu và số liệu thiết yếu với mục tiêu, quy mô, ranh giới đất sẽ được đánh giá);

c) Phân tích, đánh giá tính chính xác, khách quan, thời sự của thông tin đã thu thập được, lựa chọn những thông tin có thể kế thừa, sử dụng cho đánh giá thoái hóa đất.

2. Lựa chọn thông tin, tài liệu và các loại bản đồ chuyên đề có thể sử dụng, xác định những thông tin cần điều tra bổ sung, gồm:

a) Lựa chọn thông tin và các loại bản đồ chuyên đề có thể sử dụng;

b) Đối chiếu nguồn thông tin đã lựa chọn với yêu cầu thông tin đầu vào cần thiết cho đánh giá thoái hóa đất, xác định những thông tin còn thiếu cần điều tra bổ sung.

Điều 24. Xác định nội dung và kế hoạch điều tra thực địa

1. Chuẩn bị bản đồ kết quả điều tra

a) Rà soát, lựa chọn những nội dung cần thể hiện trên bản đồ kết quả điều tra (sử dụng bản đồ hiện trạng sử dụng đất cùng kỳ của cấp xã hoặc cấp huyện, tỷ lệ bản đồ và các yếu tố cần thể hiện theo quy định kỹ thuật);

b) Chuyển các thông tin về hiện trạng sử dụng đất từ bản đồ khoanh đất kiểm kê lên bản đồ kết quả điều tra;

c) Chuyển các thông tin về thổ nhưỡng (nhóm đất/loại đất), địa hình (độ dốc/địa hình tương đối), độ dày tầng đất, mức độ kết von đã thu thập được lên bản đồ kết quả điều tra;

d) Chuyển các thông tin về khí hậu (lượng mưa, nhiệt độ, độ ẩm, lượng bốc hơi, sơ đồ mạng lưới điểm quan trắc khí tượng…) đã thu thập được lên bản đồ kết quả điều tra;

đ) Chuyển các thông tin liên quan về chế độ nước (chế độ tưới, xâm nhập mặn) đã thu thập được lên bản đồ kết quả điều tra;

e) Chuyển các thông tin về các loại hình thoái hóa, mức độ thoái hóa đất, sơ đồ mạng lưới các điểm điều tra thoái hóa đã thu thập được lên bản đồ kết quả điều tra (nếu có);

g) Chuyển các thông tin về chất lượng đất (sơ đồ mạng lưới phẫu diện) đã thu thập được lên bản đồ kết quả điều tra.

2. Tính toán số lượng điểm điều tra các loại hình thoái hóa theo quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Xác định ranh giới khoanh đất, điểm điều tra các loại hình thoái hóa lên bản đồ kết quả điều tra, gồm:

a) Xác định ranh giới các khoanh đất cần điều tra lên bản đồ kết quả điều tra đã có các nội dung chuyên môn sử dụng trong điều tra thoái hóa đất;

b) Xây dựng sơ đồ mạng lưới điểm điều tra thoái hóa đất;

c) In bản đồ kết quả điều tra nội nghiệp phục vụ điều tra thực địa;

d) Thống kê số lượng khoanh đất và đặc trưng của khoanh đất điều tra.

4. Chuẩn bị bản mô tả kết quả điều tra các loại hình thoái hóa, phiếu lấy mẫu đất, bản tả phẫu diện không phân tích theo mẫu quy định tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này.

5. Xây dựng báo cáo kế hoạch điều tra thực địa

Điều 25. Điều tra xác định các loại hình thoái hóa

1. Rà soát, chỉnh lý ranh giới khoanh đất điều tra theo các chỉ tiêu về thổ nhưỡng, địa hình, chế độ nước, mục đích sử dụng đất (loại hình sử dụng đất, tỷ lệ che phủ đất, phương thức canh tác bảo vệ đất), loại hình thoái hóa lên bản đồ kết quả điều tra.

2. Xác định vị trí khoanh đất điều tra và chấm điểm điều tra lên bản đồ kết quả điều tra. Tọa độ điểm điều tra được xác định bằng thiết bị định vị.

3. Chụp ảnh minh họa điểm điều tra, điểm lấy mẫu đất, phẫu diện đất thăm dò, ảnh cảnh quan khoanh đất điều tra.

4. Mô tả thông tin về khoanh đất điều tra hoặc nhập thông tin vào bảng cơ sở dữ liệu chung (bản số):

a) Vị trí, địa hình, thời tiết, tọa độ điểm điều tra;

b) Loại đất; địa hình (độ dốc hoặc địa hình tương đối); độ dày tầng đất mịn và một số thông tin thổ nhưỡng khác;

c) Chế độ nước (chế độ tưới, xâm nhập mặn);

d) Mục đích sử dụng đất (loại hình sử dụng đất, tỷ lệ che phủ đất, phương thức canh tác bảo vệ đất).

5. Mô tả thông tin về điểm điều tra hoặc nhập thông tin vào bảng cơ sở dữ liệu chung (bản số) về các nội dung cần điều tra, bao gồm:

a) Đất bị suy giảm độ phì: xác định một số đặc trưng của đất bị suy giảm độ phì thông qua các đặc trưng của đất như tầng đất mặt mỏng, tầng đất mặt bị bạc màu, cấu trúc rời rạc hoặc cục tảng, nhiều đá lẫn,... hoặc thông qua sự sinh trưởng, phát triển của thực vật trên đất như sự cằn cỗi của cây trồng, sự xuất hiện của thực vật chỉ thị (sim, mua,…);

b) Đất bị khô hạn, hoang mạc hóa, sa mạc hóa: xác định một số đặc trưng của đất bị khô hạn, hoang mạc hoá, sa mạc hoá thông qua các đặc trưng của khí hậu và chế độ tưới, đặc trưng của đất hoặc thông qua sự sinh trưởng, phát triển của thực vật trên đất và sự xuất hiện của thực vật chỉ thị;

c) Đất bị kết von, đá ong hóa (đào hoặc khoan phẫu diện thăm dò): xác định độ sâu xuất hiện kết von; một số đặc trưng của kết von về kích thước, tỷ lệ phần trăm kết von và dạng kết von trong đất (phân biệt rõ đốm loang lổ đỏ vàng hay các ổ kết von đỏ vàng mềm hoặc kết von cứng dạng ôxit sắt hay các tầng đá ong);

d) Đất bị xói mòn: xác định một số đặc trưng về độ dày tầng đất mặt, bề mặt đất (có khe rãnh), độ dốc địa hình, thảm thực vật,…;

đ) Đất bị mặn hóa

Xác định những khu vực bị xâm nhập mặn do ảnh hưởng của tự nhiên theo chu kỳ hoặc bất thường (ranh giới xâm nhập mặn), cây chỉ thị (nếu có);

e) Đất bị phèn hóa

Xác định những khu vực đất phèn do tác động của tự nhiên, con người làm biến đổi đất phèn tiềm tàng sang đất phèn hoạt động; đất phèn tiềm tàng, phèn hoạt động sâu sang đất phèn tiềm tàng, phèn hoạt động nông.

6. Lấy mẫu đất tại các điểm điều tra xác định các loại hình thoái hóa: suy giảm độ phì, mặn hóa và phèn hóa.

a) Lấy mẫu đất, đóng gói và bảo quản mẫu (việc lấy mẫu đất phục vụ đánh giá chỉ tiêu tổng số muối tan cần được thực hiện vào mùa khô);

b) Viết phiếu lấy mẫu đất.

7. Thống kê số lượng, đặc điểm khoanh đất điều tra thực địa.

8. Sao lưu mạng lưới điểm điều tra, ranh giới khoanh đất theo kết quả điều tra thực địa lên bản đồ kết quả điều tra.

9. Xây dựng báo cáo kết quả điều tra ngoại nghiệp.

Điều 26. Tổng hợp, xử lý thông tin tài liệu nội và ngoại nghiệp

1. Tổng hợp thông tin, lựa chọn các yếu tố và chỉ tiêu phân cấp từng yếu tố dùng trong tạo lập các bản đồ chuyên đề dạng giấy đã thu thập được, gồm:

a) Tổng hợp, lựa chọn và phân cấp các chỉ tiêu trên bản đồ đất thu thập được;

b) Tổng hợp, lựa chọn và phân cấp các chỉ tiêu trên bản đồ khí hậu thu thập được;

c) Tổng hợp, lựa chọn và phân cấp các chỉ tiêu chế độ tưới, xâm nhập mặn thu thập được.

2. Chuẩn bị nền của bản đồ kết quả sản phẩm:

a) Xác định cơ sở toán học và các yếu tố nền chung cho bản đồ kết quả sản phẩm;

b) Chuyển đổi dữ liệu dạng số các bản đồ chuyên đề hoặc lớp thông tin chuyên đề về tình hình sử dụng đất, thổ nhưỡng, địa hình, khí hậu, chế độ nước, thoái hóa đất có định dạng khác nhau về định dạng thống nhất;

c) Xác định và chỉnh lý các yếu tố nội dung của bản đồ kết quả sản phẩm;

d) Hoàn thiện các yếu tố cơ sở chuẩn cho bản đồ kết quả sản phẩm;

đ) Chuyển kết quả tổng hợp tại Khoản 1 Điều này lên bản đồ số.

3. Thiết kế các trường thông tin lưu trữ dữ liệu thuộc tính trong mỗi lớp thông tin theo định dạng tương ứng với phân cấp bản đồ chuyên đề. Nội dung và cấu trúc dữ liệu theo quy định tại Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư này. Các lớp thông tin thiết kế bao gồm:

a) Lớp thông tin địa hình (độ dốc, địa hình tương đối), đất (loại đất/nhóm đất phụ, độ dày tầng đất, thành phần cơ giới, kết von, đá lẫn, đá lộ đầu);

b) Lớp thông tin về tình hình sử dụng đất (loại đất theo mục đích sử dụng, tình hình chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất, kỹ thuật canh tác sử dụng đất, mức đầu tư, diễn biến năng suất);

c) Lớp thông tin về khí hậu (lượng mưa, tổng tích ôn, số tháng khô hạn);

d) Lớp thông tin về chế độ nước (chế độ tưới, xâm nhập mặn, ngập úng);

đ) Lớp thông tin về độ phì nhiêu đất (đối với đất nông nghiệp, đất chưa sử dụng);

e) Lớp thông tin về các loại hình thoái hóa đất.

4. Phân tích mẫu đất:

a) Lựa chọn mẫu đất phân tích;

b) Chỉ tiêu phân tích bao gồm:

Chỉ tiêu phân tích tính chất vật lý của đất, gồm các chỉ tiêu: dung trọng, thành phần cơ giới (cát, cát mịn, limon, sét), Tỷ trọng và độ xốp

Chỉ tiêu phân tích tính chất hoá học của đất: gồm các chỉ tiêu độ chua của đất (pHKCl), chất hữu cơ tổng số (OM%), dung tích hấp thu (CEC), nitơ tổng số (N%), phốt pho tổng số (P2O5%), kali tổng số (K2O%); đối với khu vực ven biển phân tích thêm chỉ tiêu lưu huỳnh tổng số (S%) và tổng số muối tan.

Chỉ tiêu phân tích tính chất sinh học của đất: tổng số vi sinh vật, vi sinh vật cố định nitơ, vi sinh vật phân giải hợp chất photpho khó tan; vi sinh vật phân giải cellulose.

5. Tổng hợp bảng biểu số liệu phục vụ xây dựng bản đồ thoái hóa đất và đánh giá thoái hóa đất.

6. Xây dựng báo cáo kết quả điều tra nội, ngoại nghiệp

Điều 27. Xây dựng bản đồ thoái hóa đất

1. Xây dựng bản đồ tổng hợp mục đích sử dụng đất (Sơ đồ 6 Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư này).

a) Lựa chọn các chỉ tiêu để xác định loại sử dụng đất nông nghiệp theo Quy định tại Phụ lục 3.3 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Xác định phạm vi phân bố của các loại sử dụng đất nông nghiệp theo tài liệu thu thập;

c) Nhập kết quả điều tra thực địa về các loại sử dụng đất nông nghiệp lên bản đồ hiện trạng sử dụng đất, xác định, bổ sung và chỉnh lý ranh giới của các loại sử dụng đất nông nghiệp;

d) Biên tập bản đồ đánh giá tổng hợp mục đích sử dụng đất;

đ) Thống kê và tổng hợp diện tích của các loại sử dụng đất nông nghiệp theo cấp đơn vị hành chính tương ứng;

e) Xây dựng báo cáo thuyết minh bản đồ đánh giá tổng hợp mục đích sử dụng đất.

2. Xây dựng bản đồ đất bị suy giảm độ phì

a) Xác định và phân cấp bộ chỉ tiêu đánh giá suy giảm độ phì theo Quy định tại Phụ lục 3.3 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Nhập thông tin thuộc tính đến từng khoanh đất theo các lớp thông tin đã thiết kế tại khoản 3 Điều 26 Thông tư này;

c) Phân cấp thông tin theo các nhóm chỉ tiêu đến từng khoanh đất;

d) Thành lập các lớp thông tin chuyên đề về độ phì nhiêu của đất, suy giảm độ phì nhiêu của đất;

đ) Chồng xếp các lớp thông tin chuyên đề về độ phì nhiêu của đất, suy giảm độ phì nhiêu của đất để xây dựng bản đồ đất bị suy giảm độ phì;

e) Chồng xếp bản đồ đất bị suy giảm độ phì và lớp thông tin về mục đích sử dụng đất để xác định suy giảm độ phì theo mục đích sử dụng;

g) Xây dựng hệ thống chú dẫn và biên tập bản đồ;

h) In bản đồ và xây dựng báo cáo thuyết minh bản đồ đất bị suy giảm độ phì.

3. Xây dựng bản đồ đất bị xói mòn (Trình tự thực hiện xây dựng bản đồ đất bị xói mòn theo quy định tại Sơ đồ 8 Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư này) gồm các nội dung sau:

a) Xác định và phân cấp bộ chỉ tiêu đánh giá xói mòn theo quy định tại Phụ lục 3.3 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Nhập thông tin thuộc tính đến từng khoanh đất theo các lớp thông tin đã thiết kế tại khoản 3 Điều 26 Thông tư này Thông tư này;

c) Phân cấp thông tin theo các nhóm chỉ tiêu đến từng khoanh đất;

d) Thành lập lớp thông tin chuyên đề hệ số R, hệ số K, hệ số LS, hệ số C, hệ số P;

đ) Chồng xếp các lớp thông tin tại điểm d để xây dựng bản đồ đất bị xói mòn;

e) Chồng xếp bản đồ đất bị xói mòn và lớp thông tin về mục đích sử dụng đất để xác định mức độ xói mòn theo mục đích sử dụng đất;

g) Xây dựng hệ thống chú dẫn và biên tập bản đồ;

h) In bản đồ và xây dựng báo cáo thuyết minh bản đồ đất bị xói mòn.

4. Xây dựng bản đồ đất bị khô hạn, hoang mạc hóa, sa mạc hóa

a) Xác định và phân cấp bộ chỉ tiêu đánh giá đất bị khô hạn, hoang mạc hóa, sa mạc hóa theo Quy định tại Phụ lục 3.3 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Nhập thông tin thuộc tính đến từng khoanh đất theo các lớp thông tin đã thiết kế quy định tại khoản 3 Điều 26 Thông tư này;

c) Phân cấp thông tin theo các nhóm chỉ tiêu đến từng khoanh đất;

d) Thành lập các lớp thông tin chuyên đề về chế độ tưới (thời gian tưới, mức độ tưới, số tháng thiếu nước tưới); lớp thông tin về sơ đồ các trạm khí tượng; lớp thông tin kết quả điều tra khô hạn ngoài thực địa;

đ) Nội suy kết quả đất bị khô hạn theo bộ chỉ tiêu phân cấp, chồng xếp các lớp thông tin chuyên đề về để xây dựng bản đồ đất bị khô hạn, hoang mạc hóa, sa mạc hóa;

e) Chồng xếp bản đồ đất bị khô hạn, hoang mạc hóa, sa mạc hóa và lớp thông tin về mục đích sử dụng đất để xác định khô hạn, hoang mạc hóa, sa mạc hóa theo mục đích sử dụng;

g) Xây dựng hệ thống chú dẫn và biên tập bản đồ;

h) In bản đồ và xây dựng báo cáo thuyết minh bản đồ đất bị khô hạn, hoang mạc hóa, sa mạc hóa.

4. Xây dựng bản đồ đất bị kết von, đá ong hóa

a) Xác định và phân cấp bộ chỉ tiêu đánh giá đất bị kết von, đá ong hóa theo Quy định tại Phụ lục 3.3 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Nhập thông tin thuộc tính đến từng khoanh đất theo các lớp thông tin đã thiết kế tại khoản 3 Điều 26 Thông tư này;

c) Phân cấp thông tin theo các nhóm chỉ tiêu đến từng khoanh đất;

d) Thành lập các lớp thông tin chuyên đề về kết quả điều tra đất bị kết von, kết quả đánh giá kết von từ tài liệu thu thập;

đ) Chồng xếp các lớp thông tin chuyên đề để xây dựng bản đồ đất bị kết von, đá ong hóa;

e) Chồng xếp bản đồ đất bị kết von, đá ong hóa và lớp thông tin về mục đích sử dụng đất để xác định kết von, đá ong hóa theo mục đích sử dụng;

g) Xây dựng hệ thống chú dẫn và biên tập bản đồ;

h) In bản đồ và xây dựng báo cáo thuyết minh bản đồ đất bị kết von, đá ong hóa.

6. Xây dựng bản đồ đất bị mặn hóa

a) Xác định và phân cấp bộ chỉ tiêu đánh giá đất bị mặn hóa theo Quy định tại Phụ lục 3.3 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Nhập thông tin thuộc tính đến từng khoanh đất theo các lớp thông tin đã thiết kế tại các khoản 3 Điều 26 Thông tư này;

c) Phân cấp thông tin theo các nhóm chỉ tiêu đến từng khoanh đất;

d) Thành lập các lớp thông tin chuyên đề về tổng số muối tan hiện tại và tổng số muối tan trong quá khứ;

đ) Chồng xếp các lớp thông tin chuyên đề về tổng số muối tan hiện tại và tổng số muối tan trong quá khứ để xây dựng bản đồ đất bị mặn hóa;

e) Chồng xếp bản đồ đất bị mặn hóa và lớp thông tin về mục đích sử dụng đất để xác định mặn hóa theo mục đích sử dụng;

g) Xây dựng hệ thống chú dẫn và biên tập bản đồ;

h) In bản đồ và xây dựng báo cáo thuyết minh bản đồ đất bị mặn hóa.

7. Xây dựng bản đồ đất bị phèn hóa

a) Xác định và phân cấp bộ chỉ tiêu đánh giá đất bị phèn hóa theo Quy định tại Phụ lục 3.3 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Nhập thông tin thuộc tính đến từng khoanh đất theo các lớp thông tin đã thiết kế tại khoản 3 Điều 26 Thông tư này;

c) Phân cấp thông tin theo các nhóm chỉ tiêu đến từng khoanh đất;

d) Thành lập các lớp thông tin chuyên đề về lớp dữ liệu lưu huỳnh tổng số hiện tại, lớp dữ liệu lưu huỳnh tổng số trong quá khứ;

đ) Chồng xếp các lớp thông tin chuyên đề về lớp dữ liệu lưu huỳnh tổng số hiện tại, lớp dữ liệu lưu huỳnh tổng số trong quá khứ để xây dựng bản đồ đất bị phèn hóa;

e) Chồng xếp bản đồ đất bị phèn hóa và lớp thông tin về mục đích sử dụng đất để xác định phèn hóa theo mục đích sử dụng;

g) Xây dựng hệ thống chú dẫn và biên tập bản đồ;

h) In bản đồ và xây dựng báo cáo thuyết minh bản đồ đất bị phèn hóa.

8. Xây dựng bản đồ thoái hóa đất (Trình tự thực hiện xây dựng bản đồ thoái hóa đất theo quy định tại Sơ đồ 13 Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư này) gồm các nội dung sau:

a) Phân cấp các chỉ tiêu đánh giá thoái hóa đất;

b) Chồng xếp các lớp thông tin chuyên đề về đất bị suy giảm độ phì; đất bị xói mòn; đất bị khô hạn, hoang mạc hóa, sa mạc hóa; đất bị kết von, đá ong hóa; đất bị mặn hóa; đất bị phèn hóa;

c) Xác định diện tích khoanh đất thoái hóa theo loại hình thoái hóa và loại đất thoái hóa trên bản đồ;

d) Xây dựng hệ thống chú dẫn và biên tập bản đồ thoái hóa đất;

đ) Xuất dữ liệu, tổng hợp diện tích đất bị thoái hóa;

e) Biên tập, in ấn bản đồ (bản A0);

f) Xây dựng báo cáo thuyết minh bản đồ thoái hóa đất.

9. Khoanh vùng các khu vực đất bị thoái hóa cần bảo vệ, xử lý, cải tạo và phục hồi

a) Khoanh vùng các khu vực cần bảo vệ;

b) Khoanh vùng các khu vực cần xử lý;

c) Khoanh vùng các khu vực cần cải tạo và phục hồi đất;

d) Xây dựng bản đồ các khu vực cần bảo vệ, xử lý, cải tạo và phục hồi.

10. Xây dựng dữ liệu thoái hóa đất

a) Chuẩn hóa các lớp đối tượng không gian thoái hóa đất chưa phù hợp với quy định kỹ thuật về cơ sở dữ liệu đất đai của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường;

b) Rà soát chuẩn hóa thông tin thuộc tính cho từng đối tượng không gian thoái hóa đất theo quy định kỹ thuật về cơ sở dữ liệu đất đai của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường;

c) Chuyển đổi và tích hợp không gian thoái hóa đất bao gồm: chuyển đổi các lớp đối tượng không gian thoái hóa đất của bản đồ vào cơ sở dữ liệu đất đai theo đơn vị hành chính; rà soát dữ liệu không gian để xử lý các lỗi dọc biên giữa các đơn vị hành chính tiếp giáp nhau. Trường hợp có mâu thuẫn cần xử lý đồng bộ với các loại hồ sơ có liên quan, thống kê kết quả xử lý các đối tượng còn mâu thuẫn;

d) Quét giấy tờ pháp lý và xử lý tệp tin: quét các giấy tờ đưa vào cơ sở dữ liệu thoái hóa đất bao gồm kết quả điều tra thực địa, phiếu điều tra các loại hình thoái hóa; xử lý tệp tin quét hình thành tệp (File) hồ sơ quét tài liệu chất lượng đất dạng số, lưu trữ dưới khuôn dạng tệp tin PDF; chất lượng hình ảnh số sắc nét và rõ ràng, các hình ảnh được sắp xếp theo cùng một hướng, hình ảnh phải được quét vuông góc, không được cong vênh;

e) Tạo danh mục tra cứu hồ sơ quét trong cơ sở dữ liệu thoái hóa đất;

f) Xây dựng dữ liệu thuộc tính chất lượng đất: đối với tài liệu, số liệu là bảng, biểu dạng số thì thực hiện lập mô hình chuyển đổi cơ sở dữ liệu thoái hóa đất; chuyển đổi vào cơ sở dữ liệu thoái hóa đất; đối với tài liệu, số liệu là báo cáo dạng số thì tạo danh mục tra cứu trong cơ sở dữ liệu thoái hóa đất;

g) Nhập dữ liệu thuộc tính thoái hóa đất theo mẫu quy định tại Phụ lục 14 ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 28. Phân tích đánh giá thực trạng thoái hóa đất

1. Phân tích, đánh giá thực trạng thoái hóa đất:

a) Tổng hợp hệ thống biểu đánh giá thoái hóa đất theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 Thông tư này.

b) Phân tích, đánh giá ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, tình hình quản lý và sử dụng đất đến thoái hóa đất.

c) Phân tích, đánh giá thực trạng thoái hóa đất theo mục đích sử dụng đất.

d) Tổng hợp đánh giá thoái hóa đất.

2. Đánh giá thoái hóa đất theo loại hình thoái hóa và loại đất thoái hóa.

3. Xác định xu hướng, nguyên nhân và dự báo nguy cơ thoái hóa đất.

4. Xây dựng báo cáo đánh giá thoái hóa đất.

Điều 29. Đề xuất các giải pháp ngăn ngừa, giảm thiểu thoái hóa đất

1. Xác định quan điểm, mục tiêu chiến lược phòng chống thoái hóa đất.

2. Xác định các giải pháp về quản lý, sử dụng đất.

3. Xác định các giải pháp kỹ thuật để bảo vệ và cải tạo đất bị thoái hóa.

Điều 30. Xây dựng báo cáo tổng hợp và báo cáo tổng kết dự án

1. Xây dựng các phụ lục, bản đồ thu nhỏ đính kèm báo cáo.

2. Biên soạn báo cáo tổng hợp kết quả điều tra, đánh giá thoái hóa đất.

3. Nhân sao tài liệu, tổ chức hội thảo.

4. Hoàn chỉnh tài liệu điều tra, đánh giá thoái hóa đất.

5. Xây dựng báo cáo tóm tắt, báo cáo tổng kết dự án.

6. Nghiệm thu và bàn giao kết quả.

Mục 4. ĐIỀU TRA, ĐÁNH GIÁ Ô NHIỄM ĐẤT

Điều 31. Thu thập thông tin, tài liệu, số liệu, bản đồ và khảo sát sơ bộ phục vụ đánh giá ô nhiễm đất

1. Thu thập nhóm thông tin, tài liệu, số liệu, bản đồ về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên có liên quan đến quá trình ô nhiễm đất, gồm: điều kiện tự nhiên, các nguồn tài nguyên.

2. Thu thập nhóm thông tin, tài liệu, số liệu, bản đồ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và quản lý, sử dụng đất. Đối với điều tra ô nhiễm cấp tỉnh thu thập các tài liệu, số liệu, bản đồ về quy hoạch xây dựng khu đô thị, nông thôn trên địa bàn.

3. Thu thập nhóm các thông tin, tài liệu, số liệu, bản đồ có liên quan đến thực trạng, mức độ ô nhiễm đất và phân loại ô nhiễm môi trường đất theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, gồm: hiện trạng môi trường (đất, nước); loại hình ô nhiễm (ô nhiễm kim loại nặng, ô nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật hữu cơ khó phân hủy tồn lưu trong môi trường và ô nhiễm hóa chất độc hại khác); nguồn gây ô nhiễm (khu, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề; khu khai thác, chế biến khoáng sản; bãi chứa chất thải y tế, rác thải sinh hoạt; khu nuôi trồng, chế biến thủy hải sản; kho chứa thuốc bảo vệ thực vật; ô nhiễm từ nước tưới từ các lưu vực sông và các nguồn ô nhiễm khác); lịch sử sử dụng đất nhằm xác định nguồn ô nhiễm tồn lưu; kết quả đánh giá, phân loại khu vực ô nhiễm môi trường đất (nếu có); kết quả điều tra thoái hóa đất, chất lượng đất (nếu có).

4. Tình hình sử dụng phân bón, hóa chất sử dụng trong sản xuất nông nghiệp trên đất trồng lúa, đất trồng cây hàng năm khác, đất trồng cây lâu năm; thức ăn và các chế phẩm, hóa chất dùng trong nuôi trồng thủy sản.

5. Điều tra khảo sát xác định sơ bộ những nội dung cần điều tra thực địa xác định các nguồn gây ô nhiễm, địa hình, hiện trạng sử dụng đất, hướng lan tỏa và khả năng ngăn cản hoặc chặn hướng lan tỏa ô nhiễm; ranh giới khu vực chịu ảnh hưởng từ nguồn gây ô nhiễm.

Điều 32. Đánh giá, lựa chọn các thông tin, tài liệu đã thu thập

1. Tổng hợp, phân tích, đánh giá về tính chính xác, khách quan, thời sự của thông tin, tài liệu, số liệu, bản đồ đã thu thập.

2. Lựa chọn thông tin và các loại bản đồ chuyên đề có thể kế thừa, sử dụng; xác định những thông tin cần điều tra bổ sung.

3. Xây dựng báo cáo đánh giá kết quả thu thập thông tin, tài liệu điều tra.

Điều 33. Lập kế hoạch điều tra lấy mẫu đất tại thực địa

1. Xác định những nội dung cần điều tra thực địa: nguồn (tác nhân) gây ô nhiễm; hướng lan tỏa ô nhiễm; ranh giới vùng (khu vực) có nguy cơ bị ô nhiễm; hướng tuyến lấy mẫu đất khu vực chịu ảnh hưởng ô nhiễm

2. Chuẩn bị bản đồ phục vụ điều tra thực địa (sau đây gọi là bản đồ kết quả điều tra):

a) Sử dụng bản đồ nền theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 5 Thông tư này;

b) Chuyển các nội dung thông tin đã thu thập về nguồn, điểm ô nhiễm, hướng lan tỏa, cấp độ dốc hoặc địa hình tương đối lên bản đồ kết quả điều tra.

3. Xác định ranh giới khoanh đất, điểm lấy mẫu đất lên bản đồ kết quả điều tra, gồm:

a) Xác định ranh giới các khoanh đất cần điều tra lên bản đồ kết quả điều tra theo phương pháp quy định tại mục 2 Phụ lục 1.2 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Xác định số lượng điểm lấy mẫu theo phương pháp quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Xác định sơ đồ mạng lưới vị trí các điểm lấy mẫu: chấm sơ bộ vị trí các điểm dự kiến lấy mẫu lên bản đồ điều tra;

d) In bản đồ kết quả điều tra nội nghiệp phục vụ điều tra thực địa;

đ) Thống kê số lượng khoanh đất và đặc trưng của khoanh đất điều tra ô nhiễm;

e) Xác định nội dung điều tra theo từng khu vực điều tra ô nhiễm.

4. Xây dựng kế hoạch chi tiết điều tra thực địa và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết cho điều tra thực địa.

5. Xây dựng báo cáo kế hoạch điều tra, khảo sát thực địa.

Điều 34. Điều tra lấy mẫu tại thực địa

1. Điều tra xác định nguồn gây ô nhiễm, tác nhân gây ô nhiễm, hướng lan tỏa ô nhiễm và các yếu tố địa hình, địa vật có liên quan, gồm:

a) Điều tra để xác định các nguồn gây ô nhiễm đất, các tác nhân gây ô nhiễm từ các hoạt động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề; khai thác, chế biến khoáng sản; nuôi trồng, chế biến thủy hải sản; khu vực sản xuất nông nghiệp thâm canh cao trong sản xuất nông nghiệp; khu vực vực canh tác sử dụng nước tưới của các lưu vực sông bị ô nhiễm và các hoạt động khác có thể gây ra ô nhiễm đất (nếu có). Các nguồn gây ô nhiễm đất, các tác nhân gây ô nhiễm đất theo quy định tại Phụ lục 3.4 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Điều tra, xác định hướng lan tỏa ô nhiễm theo độ dốc địa hình (lan tỏa từ cao xuống thấp), theo hướng dòng chảy (từ đầu nguồn xuống cuối nguồn) và các tác nhân khác;

c) Điều tra, xác định yếu tố địa hình, địa vật có khả năng ngăn cản hoặc chặn hướng lan tỏa ô nhiễm như đường giao thông, triền đồi, vách núi, khu dân cư, dải cây xanh, ao hồ và địa hình, địa vật khác.

Việc điều tra các nội dung theo quy định tại Khoản này chỉ thực hiện đối với các khu vực chưa có kết quả Điều tra, đánh giá, phân loại ô nhiễm môi trường đất theo quy định của pháp luật bảo vệ môi trường.

2. Xác định ranh giới khoanh đất tại thực địa trên bản đồ kết quả điều tra:

a) Xác định ranh giới khoanh đất theo các tiêu chí: nguồn gây ô nhiễm, địa hình, hiện trạng sử dụng đất;

b) Chỉnh lý vị trí các điểm lấy mẫu đất (bùn đối với đất nuôi trồng thủy sản), mẫu nước ngoài thực địa; định vị xác định tọa độ điểm lấy mẫu đất.

3. Chụp ảnh cảnh quan, ảnh bề mặt khoanh đất điều tra.

4. Mô tả thông tin về khoanh đất điều tra hoặc nhập thông tin vào bảng cơ sở dữ liệu chung (bản số):

a) Vị trí, địa hình, thời tiết, tọa độ điểm lấy mẫu đất (bùn), mẫu nước;

b) Nguồn gây ô nhiễm, hiện trạng sử dụng đất, hướng lan tỏa và khả năng ngăn cản hoặc chặn hướng lan tỏa ô nhiễm.

5. Lấy mẫu đất (bùn), mẫu nước; đóng gói, bảo quản mẫu và viết phiếu lấy mẫu theo quy định tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này.

6. Sao chuyển mạng lưới điểm điều tra lấy mẫu đất, ranh giới khoanh đất theo kết quả điều tra thực địa lên bản đồ kết quả điều tra.

7. Xây dựng báo cáo kết quả điều tra thực địa.

Điều 35. Tổng hợp số liệu, xác định các điểm đất bị ô nhiễm và có nguy cơ ô nhiễm

1. Tổng hợp, xử lý thông tin tài liệu nội nghiệp và ngoại nghiệp:

a) Lập danh sách khoanh đất điều tra;

b) Tổng hợp bảng biểu số liệu phục vụ đánh giá thực trạng ô nhiễm đất.

2. Phân tích mẫu đất, mẫu nước:

a) Rà soát, phân loại mẫu đất, mẫu nước đã lấy;

b) Xác định các chỉ tiêu cần phân tích;

c) Phân tích mẫu đất (bùn), mẫu nước theo các chỉ tiêu đã lựa chọn;

d) Thống kê kết quả phân tích mẫu đất (bùn), mẫu nước.

3. Chuẩn bị bản đồ nền phục vụ xây dựng bản đồ đất bị ô nhiễm:

a) Xác định cơ sở toán học và các yếu tố nền chung cho bản đồ đất bị ô nhiễm theo quy định tại Khoản 4 Điều 6 Thông tư này;

b) Chuyển kết quả khoanh vẽ từ bản đồ kết quả điều tra (bản giấy) lên bản đồ đất bị ô nhiễm (bản số);

c) Xác định và chỉnh lý các yếu tố nội dung chính của bản đồ đất bị ô nhiễm;

d) Hoàn thiện các yếu tố cơ sở chuẩn cho bản đồ đất bị ô nhiễm.

4. Thiết kế các trường thông tin lưu trữ dữ liệu thuộc tính trong mỗi lớp thông tin theo định dạng tương ứng với phân cấp bản đồ chuyên đề. Nội dung và cấu trúc dữ liệu theo quy định tại Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư này. Các lớp thông tin thiết kế gồm:

a) Lớp thông tin về địa hình, hiện trạng sử dụng đất, vị trí các điểm lấy mẫu đất;

b) Lớp thông tin về nguồn gây ô nhiễm, tác nhân gây ô nhiễm, ranh giới vùng (khu vực) đất bị ảnh hưởng;

c) Lớp thông tin về ô nhiễm dạng điểm (tại các điểm), ô nhiễm dạng vùng (theo ranh giới khoanh đất);

d) Lớp thông tin về kết quả phân tích mẫu đất, nước;

đ) Lớp thông tin kết quả đánh giá ô nhiễm đất.

Điều 36. Xây dựng bản đồ đất bị ô nhiễm

Trình tự xây dựng bản đồ đất bị ô nhiễm thực hiện theo quy định tại sơ đồ 14 Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư này, gồm các nội dung sau:

1. Nhập thông tin thuộc tính theo các lớp thông tin đã thiết kế tại Khoản 4 Điều 33 Thông tư này đến từng điểm lấy mẫu đất hoặc khoanh đất.

2. Xác định và phân cấp bộ chỉ tiêu đánh giá ô nhiễm đất theo quy định tại các Bảng 12, 14, 15 và 16 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Chồng xếp các lớp thông tin tại Khoản 1 Điều này để thành lập bản đồ đất bị ô nhiễm.

4. Xây dựng hệ thống chú dẫn và biên tập.

5. Xác định các điểm đất bị ô nhiễm và nguy cơ ô nhiễm trên bản đồ đất bị ô nhiễm.

6. Xây dựng báo cáo thuyết minh bản đồ các khu vực đất bị ô nhiễm.

7. Khoanh vùng các khu vực đất bị ô nhiễm cần xử lý, cải tạo và phục hồi

a) Khoanh vùng các khu vực cần xử lý;

b) Khoanh vùng các khu vực cần cải tạo và phục hồi đất;

c) Xây dựng bản đồ các khu vực cần xử lý, cải tạo và phục hồi.

8. Xây dựng dữ liệu ô nhiễm đất

a) Chuẩn hóa các lớp đối tượng không gian ô nhiễm đất chưa phù hợp với quy định kỹ thuật về cơ sở dữ liệu đất đai của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường;

b) Rà soát chuẩn hóa thông tin thuộc tính cho từng đối tượng không gian ô nhiễm đất theo quy định kỹ thuật về cơ sở dữ liệu đất đai của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường;

c) Chuyển đổi và tích hợp không gian ô nhiễm đất bao gồm: chuyển đổi các lớp đối tượng không gian ô nhiễm đất của bản đồ vào cơ sở dữ liệu đất đai theo đơn vị hành chính; rà soát dữ liệu không gian để xử lý các lỗi dọc biên giữa các đơn vị hành chính tiếp giáp nhau. Trường hợp có mâu thuẫn cần xử lý đồng bộ với các loại hồ sơ có liên quan, thống kê kết quả xử lý các đối tượng còn mâu thuẫn;

d) Quét giấy tờ pháp lý và xử lý tệp tin: quét các giấy tờ đưa vào cơ sở dữ liệu ô nhiễm đất bao gồm kết quả điều tra thực địa, phiếu lấy mẫu đất, mẫu nước; xử lý tệp tin quét hình thành tệp (File) hồ sơ quét tài liệu chất lượng đất dạng số, lưu trữ dưới khuôn dạng tệp tin PDF; chất lượng hình ảnh số sắc nét và rõ ràng, các hình ảnh được sắp xếp theo cùng một hướng, hình ảnh phải được quét vuông góc, không được cong vênh;

e) Tạo danh mục tra cứu hồ sơ quét trong cơ sở dữ liệu ô nhiễm đất;

f) Xây dựng dữ liệu thuộc tính ô nhiễm đất: đối với tài liệu, số liệu là bảng, biểu dạng số thì thực hiện lập mô hình chuyển đổi cơ sở dữ liệu ô nhiễm đất; chuyển đổi vào cơ sở dữ liệu ô nhiễm đất; đối với tài liệu, số liệu là báo cáo dạng số thì tạo danh mục tra cứu trong cơ sở dữ liệu ô nhiễm đất;

g) Nhập dữ liệu thuộc tính ô nhiễm đất theo mẫu quy định tại Phụ lục 14 ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 37. Phân tích đánh giá thực trạng ô nhiễm đất

1. Phân tích, đánh giá thực trạng ô nhiễm đất

a) Tổng hợp hệ thống biểu đánh giá ô nhiễm đất theo quy định tại Khoản 4 Điều 8 Thông tư này;

b) Phân tích, đánh giá thực trạng và nguyên nhân ô nhiễm đất theo mục đích sử dụng đất;

c) Tổng hợp đánh giá ô nhiễm đất.

2. Xây dựng báo cáo đánh giá ô nhiễm đất.

Điều 38. Đề xuất các giải pháp cải tạo đất và định hướng sử dụng đất bền vững

1. Xác định quan điểm, mục tiêu chiến lược khai thác tài nguyên đất bền vững.

2. Xác định các giải pháp về quản lý, sử dụng đất bền vững.

3. Xác định các giải pháp kỹ thuật để xử lý, cải tạo và phục hồi.

4. Đề xuất định hướng sử dụng đất: định hướng sử dụng đất đối với khu vực cần xử lý, cải tạo và phục hồi.

Điều 39. Xây dựng hệ thống báo cáo kết quả dự án

1. Xây dựng các phụ lục, bản đồ thu nhỏ đính kèm báo cáo.

2. Biên soạn báo cáo tổng hợp kết quả điều tra, đánh giá ô nhiễm đất.

3. Nhân sao tài liệu, tổ chức hội thảo.

4. Hoàn chỉnh tài liệu điều tra, đánh giá ô nhiễm đất.

5. Xây dựng báo cáo tóm tắt, báo cáo tổng kết dự án.

6. Nghiệm thu và bàn giao kết quả.

Mục 5. QUAN TRẮC CHẤT LƯỢNG ĐẤT, THOÁI HOÁ ĐẤT VÀ Ô NHIỄM ĐẤT

Điều 40. Xây dựng mạng lưới các điểm quan trắc cố định trên phạm vi cả nước

1. Xác định sơ bộ mạng lưới các điểm quan trắc cố định trên phạm vi cả nước:

a) Lựa chọn các điểm lấy mẫu quan trắc;

b) Lập sơ bộ mạng lưới các điểm quan trắc cố định trên phạm vi cả nước lên bản đồ hiện trạng sử dụng đất cấp tỉnh;

c) Xây dựng hồ sơ mạng lưới các điểm quan trắc cố định trên phạm vi cả nước.

2. Khảo sát thực địa, chuẩn xác hóa hồ sơ và sơ đồ mạng lưới các điểm quan trắc cố định

a) Khảo sát thực địa, chuẩn xác sơ đồ vị trí mạng lưới các điểm quan trắc;

b) Trao đổi, thống nhất với địa phương (tỉnh, huyện, xã) về hồ sơ và sơ đồ mạng lưới vị trí các điểm quan trắc cố định tại địa phương.

3. Hoàn thiện và phê duyệt hồ sơ, sơ đồ mạng lưới các điểm quan trắc cố định trên phạm vi cả nước:

a) Tổng hợp sơ đồ mạng lưới các điểm quan trắc cố định trên phạm vi cả nước từ sơ đồ mạng lưới vị trí các điểm quan trắc cố định đã thống nhất với từng đơn vị hành chính cấp tỉnh lên bản đồ kiểm kê của cấp vùng và của cả nước kỳ gần nhất;

b) Hoàn thiện hồ sơ mạng lưới các điểm quan trắc cố định. Thông tin liên quan đến từng điểm quan trắc được rà soát, chỉnh lý, cập nhật sau kết quả khảo sát thực địa; sắp xếp, mã hóa, số hóa để thuận lợi cho việc khai thác, lưu trữ;

c) Phê duyệt hồ sơ, sơ đồ mạng lưới các điểm quan trắc cố định trên phạm vi cả nước.

Điều 41. Xác định chỉ tiêu, thời điểm quan trắc

1. Xác định chỉ tiêu quan trắc, bao gồm:

a) Chỉ tiêu quan trắc chất lượng đất là các chỉ tiêu quan trắc độ phì đất, gồm: dung trọng đất, tỷ trọng đất, độ chua của đất, thành phần cơ giới đất, hàm lượng dinh dưỡng tổng số của đất và dung tích hấp thu của đất;

b) Chỉ tiêu quan trắc thoái hóa đất là các chỉ tiêu làm cho đất bị thoái hóa, bao gồm: mặn hóa, phèn hóa, khô hạn, xói mòn;

c) Chỉ tiêu quan trắc ô nhiễm đất là các chỉ tiêu kim loại nặng trong đất và dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật đối với đất sản xuất nông nghiệp; pH, COD, BOD5, tổng phosphor, tổng nitơ trong nước đối với đất nuôi trồng thủy sản.

Chỉ tiêu cụ thể đối với từng loại hình quan trắc quy định tại Phụ lục 3.5 ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Xác định thời điểm quan trắc trong năm.

Điều 42. Điều tra, lấy mẫu, phân tích mẫu quan trắc chất lượng đất, thoái hóa đất, ô nhiễm đất

1. Điều tra, lấy mẫu quan trắc chất lượng đất, thoái hóa đất, ô nhiễm đất, bao gồm:

a) Xây dựng kế hoạch điều tra, lấy mẫu quan trắc trong năm;

b) Tổ chức điều tra, lấy mẫu quan trắc ngoài thực địa;

c) Xây dựng báo cáo kết quả điều tra, lấy mẫu quan trắc.

2. Phân tích mẫu quan trắc:

a) Rà soát, phân loại, lập danh mục, mã hóa các mẫu đất, mẫu nước đã lấy;

b) Xác định các chỉ tiêu và phương pháp phân tích mẫu đất, mẫu nước theo từng loại hình quan trắc;

c) Thực hiện phân tích mẫu đất, mẫu nước.

Điều 43. Theo dõi biến động chất lượng đất, thoái hóa đất, ô nhiễm đất và dự báo, cảnh báo sớm các biến đổi bất thường

1. Tổng hợp hệ thống bảng, biểu, biểu đồ, số liệu về kết quả quan trắc.

2. So sánh với kết quả quan trắc của những lần trước (nếu có) để phân tích, đánh giá sự biến động (xu hướng biến đổi) về chất lượng đất, thoái hóa đất, ô nhiễm đất, bao gồm:

a) Lập bảng, biểu, biểu đồ so sánh kết quả quan trắc của năm hiện tại với các năm trước đó;

b) Phân tích, đánh giá sự biến động về chất lượng đất, thoái hóa đất, ô nhiễm đất.

3. Xác định và cảnh báo sớm các khu vực đất có sự biến đổi bất thường về chất lượng đất, thoái hóa đất, ô nhiễm đất, bao gồm:

a) Xác định và cảnh báo các khu vực đất có sự biến đổi bất thường về chất lượng đất, thoái hóa đất, ô nhiễm đất;

b) Xác định nguyên nhân và đề xuất giải pháp cần thực hiện tại những vùng, khu vực đất có sự biến đổi bất thường về chất lượng đất, thoái hóa đất, ô nhiễm đất.

4. Biên soạn báo cáo kết quả quan trắc chất lượng đất, thoái hóa đất, ô nhiễm đất, bao gồm:

a) Xác định sự cần thiết; cơ sở pháp lý; mục tiêu, phạm vi; nội dung, phương pháp và sản phẩm của quan trắc chất lượng đất, thoái hóa đất, ô nhiễm đất;

b) Thuyết minh kết quả quan trắc chất lượng đất, thoái hóa đất, ô nhiễm đất;

c) Tổng hợp, phân tích, đánh giá sự biến động về chất lượng đất, thoái hóa đất, ô nhiễm đất;

d) Tổng hợp, phân tích, cảnh báo sớm các khu vực đất có sự biến đổi bất thường về chất lượng đất, thoái hóa đất và ô nhiễm đất.

5. Phê duyệt kết quả quan trắc chất lượng đất, thoái hóa đất, ô nhiễm đất.

6. Công bố kết quả quan trắc chất lượng đất, thoái hóa đất, ô nhiễm đất.

Điều 44. Xây dựng và cập nhật dữ liệu quan trắc chất lượng đất, thoái hóa đất, ô nhiễm đất

1. Chuẩn hóa các lớp đối tượng không gian quan trắc chất lượng đất, thoái hóa đất, ô nhiễm đất chưa phù hợp với quy định kỹ thuật về cơ sở dữ liệu đất đai của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường;

2. Rà soát chuẩn hóa thông tin thuộc tính cho từng đối tượng không gian quan trắc chất lượng đất, thoái hóa đất, ô nhiễm đất theo quy định kỹ thuật về cơ sở dữ liệu đất đai của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường;

3. Chuyển đổi và tích hợp không gian quan trắc chất lượng đất, thoái hóa đất, ô nhiễm đất bao gồm: chuyển đổi các lớp đối tượng không gian quan trắc chất lượng đất, thoái hóa đất, ô nhiễm đất của bản đồ vào cơ sở dữ liệu đất đai theo đơn vị hành chính; rà soát dữ liệu không gian để xử lý các lỗi dọc biên giữa các đơn vị hành chính tiếp giáp nhau. Trường hợp có mâu thuẫn cần xử lý đồng bộ với các loại hồ sơ có liên quan, thống kê kết quả xử lý các đối tượng còn mâu thuẫn;

4. Quét giấy tờ pháp lý và xử lý tệp tin: quét các giấy tờ đưa vào cơ sở dữ liệu không gian quan trắc chất lượng đất, thoái hóa đất, ô nhiễm đất bao gồm lý lịch điểm quan trắc, kết quả quan trắc các chỉ số, diễn biến quan trắc; xử lý tệp tin quét hình thành tệp (File) hồ sơ quét tài liệu chất lượng đất dạng số, lưu trữ dưới khuôn dạng tệp tin PDF; chất lượng hình ảnh số sắc nét và rõ ràng, các hình ảnh được sắp xếp theo cùng một hướng, hình ảnh phải được quét vuông góc, không được cong vênh;

5. Tạo danh mục tra cứu hồ sơ quét trong cơ sở dữ liệu quan trắc chất lượng đất, thoái hóa đất, ô nhiễm đất;

6 Xây dựng dữ liệu thuộc tính quan trắc chất lượng đất, thoái hóa đất, ô nhiễm đất: đối với tài liệu, số liệu là bảng, biểu dạng số thì thực hiện lập mô hình chuyển đổi cơ sở dữ liệu quan trắc chất lượng đất, thoái hóa đất, ô nhiễm đất; chuyển đổi vào cơ sở dữ liệu quan trắc chất lượng đất, thoái hóa đất, ô nhiễm đất; đối với tài liệu, số liệu là báo cáo dạng số thì tạo danh mục tra cứu trong cơ sở dữ liệu quan trắc chất lượng đất, thoái hóa đất, ô nhiễm đất;

7. Nhập dữ liệu thuộc tính quan trắc chất lượng đất, thoái hóa đất, ô nhiễm đất theo mẫu quy định tại Phụ lục 14 ban hành kèm theo Thông tư này.

Chương 3

QUY ĐỊNH CHI TIẾT VIỆC BẢO VỆ, CẢI TẠO, PHỤC HỒI ĐẤT

Mục 1. CÔNG TÁC CHUẨN BỊ LẬP KẾ HOẠCH BẢO VỆ, CẢI TẠO, PHỤC HỒI ĐẤT

Điều 45. Thu thập và xử lý thông tin, tài liệu phục vụ lập dự án, kế hoạch bảo vệ, cải tạo và phục hồi đất

1. Thu thập dữ liệu điều tra, đánh giá thoái hóa đất tại Điều 7; khoản 10 Điều 27 Thông tư này; dữ liệu điều tra, đánh giá ô nhiễm đất tại Điều 7; khoản 8 Điều 34 Thông tư này.

2. Tích hợp, tiếp biên lớp thông tin khoanh vùng các khu vực đất bị thoái hóa cần xử lý, cải tạo và phục hồi của các tỉnh (đối với bảo vệ, cải tạo và phục hồi đất cả nước và các vùng kinh tế - xã hội).

3. Khoanh vùng các khu vực đất bị thoái hóa cần xử lý, cải tạo và phục hồi liên tỉnh trên địa bàn vùng, tỉnh.

4. Tổng hợp diện tích đất cần xử lý, cải tạo và phục hồi theo từng khu vực (Chi tiết biểu mẫu theo quy định tại Phụ lục …).

5. Lập kế hoạch và lộ trình thực hiện theo từng dự án.

a) Xác định mục tiêu của kế hoạch xử lý, cải tạo, phục hồi đất;

b) Xây dựng kế hoạch và mức độ ưu tiên thực hiện kế hoạch bảo vệ, xử lý, cải tạo và phục hồi đất phù hợp với điều kiện kinh phí và các điều kiện khác. 

Điều 46. Xác định mục tiêu, nội dung của việc bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất theo từng dự án

1. Xác định mục tiêu, nhiệm vụ của dự án.

2. Xác định phạm vi, diện tích cần bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất.

3. Xác định nội dung cần cải tạo, phục hồi đất.

4. Xác định các khu vực chưa được bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất cần kiểm soát.

5. Xác định các biện pháp kỹ thuật, giải pháp kinh tế, xã hội kèm theo các phân tích để lựa chọn phương án tối ưu và quyết định phương án thực hiện

Điều 47. Lập đề cương dự án và dự toán kinh phí thực hiện dự án (theo quy định tại Điều 11 Thông tư này)

Mục 2. THỰC HIỆN BẢO VỆ, CẢI TẠO, PHỤC HỒI ĐẤT

Điều 48. Cải tạo, phục hồi đất bị thoái hóa

Tùy theo điều kiện của từng khu vực cần cải tạo, phục hồi để lựa chọn một hoặc nhiều các kỹ thuật sau.

1. Biện pháp công trình

a) Công trình thủy lợi (tưới tiêu);

b) Thiết kế đồng ruộng.

2. Biện pháp canh tác

a) Luân canh, xen canh cây trồng;

b) Chuyển đổi cơ cấu cây trồng;

c) Lựa chọn giống phù hợp;

d) Trồng rừng, phủ xanh đất trống.

3. Biện pháp hóa học

4. Biện pháp sinh học

5. Sử dụng chế phẩm vi sinh.

6. Che phủ đất bằng các vật liệu hữu cơ, vô cơ hoặc thảm thực vật tự nhiên

Điều 49. Cải tạo, phục hồi đất bị ô nhiễm

Thực hiện theo quy định tại pháp luật môi trường

Điều 50. Các hoạt động giám sát, kiểm soát quá trình xử lý, cải tạo, phục hồi đất

1. Đánh giá kết quả thực hiện các biện pháp, giải pháp đã được xác định tại Điều 45 Thông tư này.

2. Phân tích, đánh giá thực trạng chất lượng đất, thoái hóa đất sau xử lý, cải tạo, phục hồi đất.

3. Kiểm soát các khu vực chưa được bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất

a) Xây dựng sơ đồ vị trí các khu vực đất cần kiểm soát;

b) Cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai các khu vực chưa được bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất.

4. Xây dựng dữ liệu về bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất

a) Chuẩn hóa các lớp đối tượng không gian bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất chưa phù hợp với quy định kỹ thuật về cơ sở dữ liệu đất đai của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường;

b) Rà soát chuẩn hóa thông tin thuộc tính cho từng đối tượng không gian bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất theo quy định kỹ thuật về cơ sở dữ liệu đất đai của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường;

c) Chuyển đổi và tích hợp không gian bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất bao gồm: chuyển đổi các lớp đối tượng không gian bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất của bản đồ vào cơ sở dữ liệu đất đai theo đơn vị hành chính; rà soát dữ liệu không gian để xử lý các lỗi dọc biên giữa các đơn vị hành chính tiếp giáp nhau. Trường hợp có mâu thuẫn cần xử lý đồng bộ với các loại hồ sơ có liên quan, thống kê kết quả xử lý các đối tượng còn mâu thuẫn;

d) Quét giấy tờ pháp lý và xử lý tệp tin: quét các giấy tờ đưa vào cơ sở bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất; xử lý tệp tin quét hình thành tệp (File) hồ sơ quét tài liệu chất lượng đất dạng số, lưu trữ dưới khuôn dạng tệp tin PDF; chất lượng hình ảnh số sắc nét và rõ ràng, các hình ảnh được sắp xếp theo cùng một hướng, hình ảnh phải được quét vuông góc, không được cong vênh;

e) Tạo danh mục tra cứu hồ sơ quét trong cơ sở dữ liệu bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất;

f) Xây dựng dữ liệu thuộc tính bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất: đối với tài liệu, số liệu là bảng, biểu dạng số thì thực hiện lập mô hình chuyển đổi cơ sở dữ liệu bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất; chuyển đổi vào cơ sở dữ liệu bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất; đối với tài liệu, số liệu là báo cáo dạng số thì tạo danh mục tra cứu trong cơ sở dữ liệu bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất;

g) Nhập dữ liệu thuộc tính bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất theo mẫu quy định tại Phụ lục 14 ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 51. Kiểm soát các khu vực đất bị thoái hóa, ô nhiễm chưa được bảo vệ, cải tạo, phục hồi

1. Tổng hợp thông tin, tài liệu, dữ liệu và bản đồ các khu vực đất bị thoái hóa, ô nhiễm chưa được đưa vào kế hoạch bảo vệ, cải tạo, phục hồi.

2. Xác định vị trí, khoanh vùng diện tích và mức độ thoái hóa, ô nhiễm đất các khu vực chưa được đưa vào kế hoạch cải tạo, phục hồi theo kế hoạch đất được phê duyệt lên bản đổ hiện trạng sử dụng đất huyện.

3. Tổng hợp, phân loại và đề xuất biện pháp theo mức độ cảnh báo, không cho phép hoặc hạn chế hoạt động trên đất nhằm giảm thiểu tác động xấu đến đất

a) Đối với các khu vực bị thoái hóa đất chưa được đưa vào cải tạo, phục hồi;

b) Đối với khu vực đất bị ô nhiễm chưa được đưa vào cải tạo, phục hồi.

4. Đăng tải nội dung thông tin, sơ đồ vị trí, diện tích các khu vực bị thoái hóa, ô nhiễm đất tại khoản 3 Điều này lên các phương tiện thông tin của Ủy nhân dân các cấp và Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Chương 4

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 52. Điều khoản chuyển tiếp

Đối với dự án điều tra, đánh giá đất đai được duyệt, thực hiện trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành mà có hạng mục công việc đã thực hiện và sản phẩm đã được nghiệm thu cấp đơn vị thi công thì tiếp tục thực hiện nội dung công việc đó theo Dự án, thiết kế kỹ thuật - dự toán đã được phê duyệt mà không phải điều chỉnh lại theo quy định tại Thông tư này. Trường hợp sản phẩm chưa được nghiệm thu phải điều chỉnh, phê duyệt lại theo Thông tư này.

Điều 53. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày     tháng   năm 2024.

2. Thông tư này thay thế các Thông tư sau:

a) Thông tư số 14/2012/TT-BTNMT ngày 26 tháng 11 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc Ban hành Quy định kỹ thuật điều tra thoái hoá đất;

b) Thông tư số 35/2014/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc Quy định việc điều tra, đánh giá đất đai;

c) Thông tư số 60/2015/TT-BTNMT ngày 15 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc Quy định về kỹ thuật điều tra, đánh giá đất đai;

3. Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cấp tỉnh, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài nguyên và Môi trường để xem xét, quyết định./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương Đảng và các ban của Đảng;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Bộ trưởng, các Thứ trưởng Bộ TN&MT;
- Viện Kiểm soát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- UBTƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL, Bộ Tư pháp;
- Các Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Công báo, Cổng TTĐT Chính phủ;
- Các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT, Cổng TTĐT Bộ TN&MT;
- Lưu: VT, CQHPTTNĐ, KHCN, PC.

BỘ TRƯỞNG




Đặng Quốc Khánh

 

 

 

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Dự thảo Thông tư quy định về kỹ thuật điều tra, đánh giá đất đai và bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

Số hiệu: Khongso
Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Tài nguyên và Môi trường
Người ký: Đặng Quốc Khánh
Ngày ban hành: 02/05/2024
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [0]
Văn bản được căn cứ - [0]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Dự thảo Thông tư quy định về kỹ thuật điều tra, đánh giá đất đai và bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [3]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…