Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 504/QĐ-UBND

Cà Mau, ngày 15 tháng 3 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN NHÀ Ở TỈNH CÀ MAU ĐẾN NĂM 2025 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH CÀ MAU

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017, năm 2019);

Căn cứ Luật Nhà ở ngày 25 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở;

Căn cứ Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội;

Căn cứ Quyết định số 2127/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 30 tháng 11 năm 2011 về phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 537/QĐ-TTg ngày 4 tháng 4 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Cà Mau đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025;

Căn cứ Nghị quyết số 25/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Cà Mau đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Công văn số 7408/UBND-NNTN ngày 24 tháng 12 năm 2020 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 25/NQ-HĐND của HĐND tỉnh;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Tờ trình số 86/TTr-SXD ngày 11 tháng 01 năm 2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Cà Mau đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 (có chương trình kèm theo) với những nội dung chủ yếu như sau:

1. Mục tiêu

- Giai đoạn đến năm 2025: Nâng diện tích nhà ở bình quân đầu người trên địa bàn tỉnh lên 23,0m2 sàn/người vào năm 2025 (đô thị: 23,8m2 sàn/người, nông thôn: 22,6m2 sàn/người); diện tích nhà ở tối thiểu đạt 12m2 sàn/người. Phát triển mới 3.454.599m2 sàn nhà ở (trong đó: 345.460m2 sàn nhà ở thương mại, 76.000m2 sàn nhà ở xã hội để bán, 7.075m2 sàn nhà ở xã hội để cho thuê, 3.026.064 m2 sàn nhà ở do người dân tự xây dựng). Nâng tổng diện tích sàn nhà ở toàn tỉnh đến năm 2025 là 28.717.519m2 sàn; tăng tỷ lệ nhà ở kiên cố và bán kiên cố từ 79,9% lên 85% trở lên; tỷ lệ nhà ở thiếu kiên cố và đơn sơ giảm xuống dưới 15%.

- Giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030: Nâng diện tích nhà ở bình quân đầu người trên địa bàn tỉnh lên 25,4m2 sàn/người vào năm 2030 (đô thị: 26,1m2 sàn/người, nông thôn: 24,9m2 sàn/người); diện tích nhà ở tối thiểu đạt 12m2 sàn/người; phát triển mới 4.774.624 m2 sàn nhà ở (trong đó: 716.194m2 sàn nhà ở thương mại, 140.000m2 sàn nhà ở xã hội để bán, 2.375m2 sàn nhà ở xã hội để cho thuê, 720m2 sàn nhà ở công vụ, 3.915.335m2 sàn nhà ở do người dân tự xây dựng). Nâng tổng diện tích sàn nhà ở toàn tỉnh đến năm 2030 là 33.492.142 m2 sàn; tăng tỷ lệ nhà ở kiên cố và bán kiên cố đến lên 90%; tỷ lệ nhà ở thiếu kiên cố và đơn sơ giảm xuống dưới 10%.

2. Giải pháp thực hiện chủ yếu

a) Giải pháp về đất đai

- Thực hiện rà soát, sắp xếp, bố trí lại quỹ nhà, đất không phù hợp quy hoạch để chuyển đổi mục đích sử dụng phù hợp;

- Quy hoạch để khai thác, sử dụng hợp lý quỹ đất lân cận với các công trình hạ tầng được đầu tư xây dựng, đặc biệt là các công trình giao thông đường bộ;

- Thực hiện nghiêm việc dành 20% quỹ đất ở trong các dự án nhà ở thương mại có quy mô từ 10 ha trở lên để thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố Cà Mau;

- Nghiên cứu xem xét, bố trí các vị trí quỹ đất trung tâm để kêu gọi đầu tư thực hiện các dự án phát triển nhà ở chung cư kết hợp trung tâm thương mại để tăng sức thu hút cho các sản phẩm của dự án.

b) Giải pháp về vốn

- Tận dụng tối đa các nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương, vốn vay từ ngân hàng, nguồn vốn ngân sách tỉnh, nguồn vốn huy động hợp pháp từ các tổ chức, doanh nghiệp và người dân để đầu tư xây dựng nhà ở;

- Xem xét sử dụng nguồn thu từ việc nộp bằng tiền tương đương với giá trị quỹ đất 20% của các dự án nhà ở thương mại có quy mô dưới 10ha để hỗ trợ một phần kinh phí giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật đối với các dự án nhà ở xã hội;

- Mở rộng quy mô, số lượng của các hội từ thiện, quỹ vì người nghèo, quỹ đền ơn đáp nghĩa nhằm thực hiện hỗ trợ một phần kinh phí xây mới, cải tạo, sửa chữa nhà ở bên cạnh các nguồn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và địa phương.

c) Giải pháp về nhà ở chung cho các nhóm đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội

- Xem xét sử dụng nguồn thu từ việc nộp bằng tiền tương đương với giá trị quỹ đất 20% để hỗ trợ một phần chi phí giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho các dự án nhà ở xã hội để giảm giá thành sản phẩm;

- Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội liên kết với các tổ chức tín dụng đưa ra các gói tín dụng vay vốn đối với người mua, thuê, thuê mua sản phẩm của dự án.

d) Giải pháp về nhà ở riêng cho đối tượng công nhân, người lao động khu công nghiệp

- Đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho công nhân, người lao động khu công nghiệp bằng nhà ở xã hội tại các dự án và nhà trọ do người dân tự xây dựng để cho thuê; đối với các khu công nghiệp đang xây dựng hoặc còn đất trống cho phép lập hồ sơ điều chỉnh quy hoạch chi tiết chuyển một phần đất công nghiệp sang làm nhà ở công nhân; đối với các khu công nghiệp mới đang chuẩn bị đầu tư, quy hoạch khu công nghiệp phải gắn với phát triển khu đô thị dịch vụ phục vụ khu công nghiệp, trong đó chú trọng phát triển nhà ở xã hội cho công nhân;

- Tại một số dự án nhà ở xã hội có vị trí phù hợp, xét duyệt cho công nhân, người lao động khu công nghiệp được thuê, thuê mua, mua nhà ở chung với các nhóm đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội khác.

đ) Giải pháp về nhà ở riêng cho đối tượng sinh viên

- Đẩy mạnh kêu gọi xã hội hóa việc đầu tư xây dựng nhà ở cho sinh viên thông qua các chính sách hỗ trợ như cho vay vốn kích cầu để đầu tư xây dựng;

- Xem xét quy định mức hỗ trợ cụ thể bên cạnh chính sách hỗ trợ cho vay đối với các hộ gia đình, cá nhân xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà trọ đạt chuẩn để cho học sinh, sinh viên thuê trọ trên địa bàn tỉnh.

e) Giải pháp về nhà ở riêng cho nhóm đối tượng chính sách đặc biệt khó khăn cần hỗ trợ về nhà ở (hộ gia đình có công; hộ nghèo, cận nghèo khu vực nông thôn; hộ gia đình ở khu vực nông thôn thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu)

- Xét duyệt để bố trí cho thuê, thuê mua, mua nhà ở xã hội tại các dự án theo đăng ký của các đối tượng phù hợp với quy định của pháp luật;

- Lập kế hoạch bố trí nguồn vốn từ ngân sách và kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa để hỗ trợ một phần kết hợp với nguồn vốn cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội và nguồn vốn huy động của cộng đồng, dòng họ và của chính hộ gia đình để giải quyết nhà ở cho các hộ nghèo khu vực nông thôn;

- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết... cho các hộ nghèo, hộ gia đình người có công với cách mạng gặp khó khăn về nhà ở.

f) Giải pháp cho nhà ở ven sông, kênh, rạch và phát triển nhà ở ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng

- Về giải pháp cho nhà ở ven sông, kênh, rạch: Thực hiện rà soát, phân loại xử lý cụ thể như sau: Đối với các khu dân cư ven sông bị sạt lở, có nguy cơ bị sạt lở ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của nhân dân thì đề xuất và lập kế hoạch di dời, ổn định nơi ở mới cho các hộ dân; đối với các khu dân cư ven sông còn lại chưa cần thiết phải di dời, sẽ ban hành quy định cụ thể về quản lý quy hoạch xây dựng (quy định chỉ giới, giới hạn chiều dài các thửa đất được phép sử dụng, quy mô và cấp nhà được nâng cấp, sửa chữa), về quản lý đất đai (quy định quyền sử dụng đất, các giao dịch về quyền sử dụng đất, nhà ở…), về quản lý môi trường nhằm thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với loại hình nhà ở ven sông, kênh, rạch đồng thời tạo điều kiện cho người dân khu vực nêu trên cải thiện chất lượng nhà ở, chỗ ở phù hợp với điều kiện sinh hoạt cần thiết, đảm bảo chỉ giới đường thủy nội địa, vệ sinh môi trường cũng như bảo đảm việc thực hiện các quyền về tài sản của công dân trong giai đoạn Nhà nước chưa thể hiện di dời các khu vực này; không phát triển nhà ở mới ven sông, kênh rạch.

- Về phát triển nhà ở ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng: Rà soát, bổ sung quy hoạch hệ thống kè sông, kè biển đủ khả năng chống chịu với sạt lở, triều cường, nước biển dâng; rà soát, bổ sung quy hoạch dân cư vùng có nguy cơ sạt lở bờ sông, cửa sông, ven biển; quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển; di dời các hộ dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm như bờ sông, ven biển, sụt lún hoặc lở đất,… Những hộ dân này có thể bố trí xen ghép hoặc di chuyển đến nơi tái định cư mới. Tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo cho những khu vực thường xuyên có sạt lở, xâm nhập mặn; nâng cao điều kiện an toàn nhà ở thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; tôn cao nền để xây dựng nhà ở phòng tránh triều cường; xây dựng nhà kiên cố để phòng tránh bão,..; làm gác lửng trong nhà để ở trong thời gian ngập; xây dựng nhà ở có sàn sử dụng cao hơn mức ngập để phòng tránh triều cường; xây dựng các công trình công cộng như trụ sở, các cơ sở y tế, giáo dục, văn hóa kết hợp chức năng phòng bão, triều cường để di dời các hộ dân đến ở trong thời gian có bão, nước biển dâng; xây dựng nhà cộng đồng tại các cụm dân cư để di dời các hộ dân đến ở trong trường hợp khẩn cấp khi có thiên tai xảy ra.

g) Giải pháp về quy hoạch, kiến trúc

- Ưu tiên thực hiện lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch chi tiết trên cơ sở quy hoạch chung đô thị, quy hoạch nông thôn mới đã được phê duyệt. Trong đó, tập trung tại các đô thị lớn như: Thành phố Cà Mau, Năm Căn, Sông Đốc và trung tâm các huyện; lập và phê duyệt Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị theo quy định; quy định trách nhiệm của chính quyền và các cơ quan liên quan trong việc tổ chức, chỉ đạo, theo dõi thực hiện quy hoạch xây dựng đô thị; quy hoạch đầu tư xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung phải gắn với quy hoạch các điểm dân cư, khu nhà ở phục vụ cho khu công nghiệp, cụm công nghiệp; công tác quy hoạch xây dựng cần khoanh vùng các khu vực có nguy cơ sạt lở và có phương án di dời, bố trí tái định cư cho người dân;

- Rà soát, điều chỉnh quy hoạch để bố trí quỹ đất phát triển nhà ở công nhân khu công nghiệp; xem xét phương án phát triển nhà ở xã hội cho công nhân kết hợp nhà ở thương mại với tỷ lệ theo quy định để tạo nguồn thu bù đắp làm giảm giá bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội;

- Công bố công khai các đồ án quy hoạch xây dựng và thiết kế đô thị. Những khu vực đã có quy hoạch cần kiểm tra, giám sát việc xây dựng nhà ở, không để phát sinh tình trạng xây dựng nhà ở không phép, trái phép;

- Chú trọng quy hoạch phát triển từng loại nhà ở (nhà ở thương mại, nhà ở nhà ở xã hội,…) đảm bảo nhu cầu phát triển nhà ở của tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030;

- Đối với khu vực nông thôn, từng bước thực hiện việc phát triển nhà ở tuân thủ quy hoạch; nghiên cứu thực hiện thí điểm mô hình phát triển nhà ở khu vực nông thôn theo dự án, tuân thủ quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở địa phương; hình thành các điểm dân cư nông thôn có đầy đủ cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, bảo đảm phù hợp mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới;

- Thiết kế nhà ở đô thị ngoài việc đảm bảo các nguyên tắc thích dụng, bền vững, mỹ quan, kinh tế thì đồng thời phải tôn trọng nguyên tắc kết hợp giữa công trình nhà ở riêng lẻ với các công trình khác tại đô thị thành một tổng thể kiến trúc đô thị hài hòa, phù hợp với môi trường cảnh quan và bản sắc của từng đô thị, khắc phục tình trạng nham nhở, chắp vá, tự phát trong kiến trúc đô thị lâu nay.

Điều 2. Giao Sở Xây dựng là cơ quan thường trực; chủ trì, phối hợp với sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Cà Mau; xây dựng Kế hoạch phát triển nhà ở 05 năm và hàng năm, tham mưu đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, phê duyệt theo quy định; thường xuyên kiểm tra, theo dõi, đôn đốc việc đảm bảo đúng mục tiêu, tiến độ đề ra, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh tình hình, tiến độ, kết quả thực hiện theo định kỳ trước ngày 30 tháng 11 hàng năm.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau; Thủ trưởng các sở, ban, ngành và các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 1985/QĐ-UBND ngày 31/12/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Cà Mau đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Tư pháp (Cục KTVB QPPL);
- TT HĐND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam;
- Ngân hàng Chính sách xã hội-Chi nhánh Cà Mau;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh;
- Cổng TTĐT tỉnh (đăng thông tin);
- Phòng NN - TN (Q);
- Lưu VT: L16.02.05.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lâm Văn Bi

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Quyết định 504/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Cà Mau đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030

Số hiệu: 504/QĐ-UBND
Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Cà Mau
Người ký: Lâm Văn Bi
Ngày ban hành: 15/03/2021
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [1]
Văn bản được dẫn chiếu - [0]
Văn bản được căn cứ - [9]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Quyết định 504/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Cà Mau đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030

Văn bản liên quan cùng nội dung - [4]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…