ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2830/QĐ-UBND |
Hải Dương, ngày 09 tháng 8 năm 2018 |
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN NHÀ Ở TỈNH HẢI DƯƠNG ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG
Căn cứ Luật Tổ chức CQĐP số 77/2015/QH13 ngày 19-6-2015;
Căn cứ Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18-6-2014;
Căn cứ Luật Nhà ở số 65/2014/QH13 ngày 25-11-2014;
Căn cứ Nghị định 99/2015/NĐ-CP ngày 20-10-2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở;
Căn cứ Quyết định số 2127/QĐ-TTg ngày 30-11-2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;
Căn cứ Thông báo số 844-TB/TU ngày 23-3-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Hải Dương đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;
Căn cứ Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐND ngày 11-7-2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Hải Dương đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng Hải Dương tại Tờ trình số 130/TTr-SXD ngày 31 tháng 7 năm 2018,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Hải Dương đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với các nội dung chủ yếu sau:
I. Mục tiêu phát triển nhà ở đến 2020, định hướng đến 2030
1. Mục tiêu chung:
- Đánh giá thực trạng nhà ở hiện nay trên địa bàn tỉnh Hải Dương và nhu cầu phát triển nhà ở của tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
- Dự báo nhu cầu nhà ở của các nhóm đối tượng: Người có công với cách mạng; người nghèo ở khu vực nông thôn; người có thu nhập thấp tại đô thị; nhà ở cho cán bộ công chức, viên chức, nhân sỹ, trí thức, văn nghệ sỹ; nhà ở cho sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang; nhà ở công nhân tại các khu công nghiệp; nhà ở sinh viên, học sinh và các đối tượng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh từng giai đoạn làm cơ sở lập kế hoạch phát triển phù hợp.
- Dự báo quỹ đất cần thiết để đáp ứng nhu cầu phát triển nhà ở của tỉnh.
- Xác định quy mô, vị trí và các mô hình dự án điểm phát triển nhà ở.
- Mở rộng khả năng huy động nguồn vốn đầu tư của toàn xã hội và của các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở; thúc đẩy hình thành phát triển thị trường bất động sản, thực hiện có hiệu quả các chủ trương, cơ chế, chính sách kích cầu trong lĩnh vực nhà ở.
- Làm cơ sở để quản lý công tác phát triển nhà ở và triển khai thực hiện các dự án nhà ở trên địa bàn tỉnh; thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển nhà ở.
- Thúc đẩy hình thành và phát triển lành mạnh thị trường nhà ở trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
- Kết hợp giữa phát triển với cải tạo chỉnh trang nhà ở, mở rộng và phát triển đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, đồng thời giữ gìn và phát huy bản sắc của địa phương.
2. Mục tiêu cụ thể:
2.1. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020:
2.1.1. Về diện tích nhà ở:
a) Diện tích nhà ở bình quân:
- Phát triển diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh đạt khoảng 27,0m2 sàn/người, trong đó tại đô thị đạt 29,0m2 sàn/người và tại nông thôn đạt 22,0m2 sàn/người.
- Tổng diện tích sàn nhà ở đạt 50.177.000,0m2; Diện tích sàn nhà ở tăng thêm 8.219.000,0m2; trong đó diện tích cải tạo nâng cấp 1.413.500,0m2, diện tích sàn xây dựng mới 6.805.500,0m2.
b) Mục tiêu cụ thể giải quyết cho các nhóm đối tượng xã hội:
- Nhà ở công vụ cho cán bộ, công chức, viên chức: Xây dựng mới 13.000,0m2 sàn nhà ở,
- Nhà ở tái định cư: Xây dựng mới 207.650 m2 sàn nhà ở.
- Nhà ở cho người có công với cách mạng: Hoàn thành Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở đã được UBND tỉnh phê duyệt.
- Nhà ở cho các hộ nghèo khu vực nông thôn: Hoàn thành Đề án hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở đã được UBND tỉnh phê duyệt.
- Nhà ở cho người thu nhập thấp tại đô thị: Xây dựng mới 552.220,0m2 sàn nhà ở.
- Nhà ở công nhân: Xây dựng mới 240.000,0m2 sàn nhà ở.
- Nhà ở sinh viên: Xây dựng mới 48.000,0m2 sàn nhà ở.
c) Mục tiêu phát triển nhà ở thương mại: Xây dựng mới 5.654.000,0m2 sàn nhà ở tại các dự án khu dân cư, khu đô thị mới.
- Đối với thành phố Hải Dương, thị xã Chí Linh: Do quỹ đất ở đang dư thừa, nên khuyến khích phát triển nhà ở thương mại dưới dạng nhà ở chung cư.
- Đối với các huyện còn lại: Căn cứ nhu cầu tăng thêm kết hợp với Chương trình phát triển đô thị để kêu gọi đầu tư phát triển nhà ở thương mại, tránh lãng phí dư thừa nguồn tài nguyên đất.
2.1.2. Về chất lượng nhà ở:
Phấn đấu nâng tỷ lệ nhà ở kiên cố đạt 95%, nhà ở bán kiên cố đạt 5%, xóa bỏ nhà thiếu kiên cố.
2.2. Mục tiêu định hướng đến năm 2030:
- Phấn đấu đến năm 2030 đạt chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh khoảng 35,0m2 sàn/người.
- Phấn đấu nâng tỷ lệ nhà ở kiên cố đạt 98%, nhà ở bán kiên cố đạt 2%.
- Phát triển đồng bộ các loại hình nhà ở đáp ứng cho nhu cầu của xã hội.
II. Phương hướng phát triển nhà ở đến 2020, định hướng 2030
1. Đối với khu vực đô thị:
1.1. Tại các khu dân cư cũ:
- Cải tạo, chỉnh trang kiến trúc dọc phố cũ để tạo sự đồng nhất về mặt đứng công trình, tường nhà, mái dốc và cửa cùng màu; nâng cấp cải tạo các khu nhà ở hiện có kết hợp với chỉnh trang đô thị theo thiết kế đô thị.
- Kết hợp giữa xây mới và cải tạo nhà ở góp phần chỉnh trang đô thị; cải tạo, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật hiện có, đặc biệt là hệ thống giao thông, hệ thống thoát nước, hệ thống cây xanh, hệ thống chiếu sáng công cộng.
- Hạn chế phát triển nhà cao tầng và tập trung dân cư trong khu phố cũ làm phá vỡ không gian cảnh quan chung, gây quá tải cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện có.
1.2. Tại các khu dân cư mới:
a) Phát triển các khu đô thị mới, xây dựng mới các khu nhà ở chung cư cao tầng kết hợp với các khu nhà ở thấp tầng hiện đại.
b) Trên các tuyến đường chính xây dựng các công trình có chức năng sử dụng tổng hợp (nhà ở kết hợp với công cộng, dịch vụ thương mại).
c) Các hệ thống hạ tầng kỹ thuật phải được thiết kế hoàn chỉnh, đồng bộ, đặc biệt là các hệ thống ngầm dưới đất; cần tính toán định hướng phát triển lâu dài, như tạo không gian mở và khoảng lùi phù hợp.
d) Xây dựng các công trình phục vụ công cộng đảm bảo bán kính phục vụ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng. Các khu thấp tầng được xây dựng đồng bộ và thống nhất về kiến trúc mặt ngoài nhà.
e) Phát triển nhà ở tại các trung tâm huyện, thị xã, thị trấn phải đảm bảo các yêu cầu sau:
- Phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Kết hợp phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội với cải tạo chỉnh trang đô thị và phát triển nhà ở, nâng cao chất lượng nhà ở.
- Các khu vực đã được đô thị hóa ổn định, việc thực hiện phát triển theo hướng giữ mật độ xây dựng thấp, đảm bảo yêu cầu nhà ở có vườn, cây xanh, tạo môi trường, cảnh quan đẹp.
- Dành diện tích phù hợp cho việc bố trí không gian công cộng như: cây xanh, mặt nước, quảng trường... khi quy hoạch phát triển các khu đô thị mới.
2. Đối với khu vực nông thôn:
a) Khuyến khích phát triển nhà ở tại những điểm dân cư sản xuất thuần nông là dạng nhà truyền thống, từng bước phát triển nhà ở gắn với việc nâng cao điều kiện sống cho các hộ gia đình thuần nông.
b) Quy hoạch phát triển nhà ở gắn với làng nghề truyền thống theo hướng giữ gìn và bảo tồn nghề truyền thống kết hợp phát triển dịch vụ - thương mại - du lịch. Giữ gìn và bảo tồn kiến trúc cảnh quan về không gian, mạng lưới đường, các công trình kiến trúc như nhà ở và các di tích đình, đền, chùa; giữ gìn những nét đặc trưng các làng nghề và bản sắc văn hóa truyền thống.
c) Các khu vực khu công nghiệp, khu kinh tế, đặc biệt là những khu vực gần đường giao thông rất thuận lợi phát triển dịch vụ thương mại, do đó nhu cầu xây dựng nhà ở, ki ốt, công trình dịch vụ thương mại tăng cao, vì vậy, cần phát triển nhà ở gắn với đảm bảo an sinh xã hội và bền vững.
d) Phát triển nhà ở khu vực nông thôn theo mô hình xây dựng nông thôn mới;
- Công bố quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng các tuyến đường, nút giao thông và điểm dân cư; đảm bảo sự gắn kết giữa phát triển nhà ở với phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng.
- Phát triển nhà ở phải kết hợp giữa xây dựng mới và cải tạo, giữa hiện đại với giữ gìn bản sắc địa phương.
- Huy động khả năng của các hộ gia đình, cá nhân kết hợp sự giúp đỡ hỗ trợ của cộng đồng và các thành phần kinh tế để thực hiện mục tiêu cải thiện nhà ở; thực hiện chính sách ưu tiên và hỗ trợ cải thiện nhà ở cho các hộ gia đình nghèo, đồng bào ở các vùng khó khăn.
(Các nội dung chi tiết như trong Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Hải Dương đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 do Sở Xây dựng trình).
1. Trách nhiệm của Ban chỉ đạo chính sách nhà ở và thị trường bất động sản tỉnh Hải Dương và Ủy ban nhân dân các cấp:
1.1. Trách nhiệm của Ban chỉ đạo chính sách nhà ở và thị trường bất động sản tỉnh Hải Dương:
- Giúp Ủy ban nhân dân Tỉnh chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn và kiểm tra việc nghiên cứu xây dựng, tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách về nhà ở tại các Sở, ban, ngành và địa phương trong Tỉnh; việc triển khai thực hiện Chương trình phát triển nhà ở của Tỉnh.
- Định kỳ tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm; đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.
1.2. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện, thị xã, thành phố:
- Có trách nhiệm triển khai Chương trình phát triển nhà ở và thực hiện quản lý nhà nước về nhà ở trên địa bàn. Trên cơ sở nhu cầu nhà ở bố trí đất để phát triển nhà ở phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của địa phương.
- Phối hợp với Sở Xây dựng lập và thực hiện quy hoạch chi tiết xây dựng các khu nhà ở trên địa bàn.
- Tổ chức công bố công khai quy hoạch xây dựng chi tiết các khu nhà ở để nhân dân biết và thực hiện đồng thời quản lý xây dựng theo quy hoạch, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân xây dựng nhà ở theo quy hoạch được phê duyệt.
- Xây dựng kế hoạch phát triển nhà ở đô thị và nông thôn hàng năm và 5 năm theo Chương trình phát triển nhà ở đã được UBND tỉnh phê duyệt.
- Tổ chức triển khai thực hiện và hỗ trợ các Chủ đầu tư trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng theo tiến độ và kế hoạch đã được phê duyệt.
- Tổng hợp kết quả thực hiện Chương trình phát triển nhà ở trên địa bàn và báo cáo Ủy ban nhân dân Tỉnh theo định kỳ.
- Kiện toàn bộ máy quản lý và phát triển nhà ở của mình để đảm bảo đủ điều kiện và năng lực thực hiện.
2. Trách nhiệm của các ngành chức năng:
2.1. Sở Xây dựng:
- Là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo chính sách nhà ở và thị trường bất động sản của Tỉnh, tổ chức thực hiện Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Hải Dương đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; đôn đốc các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện tốt các nhiệm vụ đã được phân công trong Chương trình.
- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng mới, sửa đổi, bổ sung các quy định, các cơ chế, chính sách liên quan đến quản lý, phát triển nhà ở, thị trường bất động sản để ban hành đảm bảo phù hợp với pháp luật và tình hình, điều kiện thực tế của địa phương.
- Chủ trì việc lập quy hoạch xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, thiết kế đô thị, quy chế quản lý kiến trúc nhà ở đô thị, cải tạo chỉnh trang đô thị theo các quy định của Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch xây dựng của Tỉnh đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Tổng hợp, trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở hàng năm của các huyện, thị xã, thành phố và tỉnh làm cơ sở triển khai thực hiện.
- Phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị liên quan thẩm định khung giá cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng giá cho thuê nhà ở công vụ trình Ủy ban nhân dân Tỉnh xem xét, quyết định.
- Phối hợp với Sở Nội vụ kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý và phát triển nhà ở, thị trường bất động sản của Sở Xây dựng, thành phố Hải Dương đảm bảo điều kiện và năng lực thực hiện trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.
- Phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội lập kế hoạch hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, người nghèo.
- Chủ trì phối hợp với các ngành liên quan xây dựng Đề án nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội theo quy định của Chính phủ.
- Chủ trì phối hợp với các ngành liên quan nghiên cứu điều chỉnh quy định về quản lý dự án nhà ở sau đầu tư xây dựng; sửa đổi bổ sung các văn bản theo quy định của pháp luật về nhà ở trên địa bàn Tỉnh; nghiên cứu, ban hành các mẫu thiết kế nhà ở cho hộ nghèo hoặc nhà ở cho người có công với cách mạng phù hợp với điều kiện và đặc điểm của địa phương để các đơn vị và nhân dân tham khảo, áp dụng.
- Kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chương trình phát triển nhà ở của các Sở, ngành và các huyện, thị xã, thành phố.
2.2. Sở Tài nguyên và Môi trường:
Trên cơ sở Quy hoạch và Kế hoạch sử dụng đất của tỉnh Hải Dương đã được Hội đồng nhân dân Tỉnh phê duyệt, chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng tham mưu cho UBND tỉnh bố trí quỹ đất phát triển nhà ở đến 2020, định hướng đến 2030 và chuẩn bị quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công vụ, nhà ở cho sinh viên, công nhân... theo Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Hải Dương được phê duyệt.
2.3. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng bổ sung các chỉ tiêu phát triển nhà ở vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương làm cơ sở chỉ đạo, điều hành và kiểm điểm kết quả thực hiện theo định kỳ trình Ủy ban nhân dân Tỉnh quyết định.
- Lập kế hoạch bố trí vốn ngân sách hàng năm để đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội cho các đối tượng chính sách thuê, thuê mua nhà ở hoặc để sửa chữa, xây dựng lại nhà ở theo quy định.
- Nghiên cứu, đề xuất giải pháp phát triển nhà ở theo hình thức BT đối với khu vực có nhu cầu phát triển. Kêu gọi đầu tư đối với các dự án phát triển nhà ở xã hội.
2.4. Sở Tài chính:
- Bố trí ngân sách để thực hiện các Đề án hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội theo quy định.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan thẩm định khung giá cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng giá cho thuê nhà ở công vụ trình Ủy ban nhân dân Tỉnh xem xét, quyết định.
- Chủ trì nghiên cứu tham mưu cho UBND tỉnh thành lập quỹ phát triển nhà ở của tỉnh để tạo nguồn vốn hỗ trợ các dự án đầu tư phát triển nhà ở phục vụ các đối tượng chính sách xã hội theo Luật Nhà ở và các chính sách có liên quan.
2.5. Sở Lao động Thương binh và Xã hội:
- Phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Mặt trận Tổ quốc Tỉnh và Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Tỉnh trong việc thực hiện hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các hộ nghèo trong kế hoạch giảm nghèo chung của tỉnh hàng năm.
- Phối hợp với các Sở: Xây dựng, Tài chính trong việc xác định đối tượng cán bộ, công chức và người lao động được thuê, thuê mua nhà ở xã hội, đề xuất đối tượng ưu tiên khi nhà ở xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu.
2.6. Sở Nội vụ:
- Chủ trì việc thẩm định phương án kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý và phát triển nhà ở của Sở Xây dựng, thành phố Hải Dương, thị xã và các huyện, đảm bảo đủ điều kiện và năng lực quản lý lĩnh vực nhà ở, công sở và thị trường bất động sản, trong đó có Chương trình phát triển nhà ở của Tỉnh trình Ủy ban nhân dân Tỉnh xem xét, quyết định.
- Phối hợp với các Ban, ngành trong việc thực hiện chính sách nhà ở công vụ và nhà ở xã hội.
2.7. Sở Giao thông vận tải:
Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và các cơ quan có liên quan lập quy hoạch hệ thống hạ tầng giao thông gắn với việc khai thác quỹ đất để tạo quỹ đất phát triển nhà ở phù hợp với quy hoạch xây dựng trên địa bàn Tỉnh.
2.8. Sở Công thương:
Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện để dự báo quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn Tỉnh làm cơ sở xác định nhu cầu nhà ở cho công nhân, người lao động, tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để có kế hoạch đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân phù hợp với từng giai đoạn.
2.9. Chi cục Thống kê tỉnh:
Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện thống kê các chỉ tiêu liên quan đến nhà ở như: diện tích phát triển nhà ở đô thị và nhà ở nông thôn trên địa bàn Tỉnh, chất lượng nhà ở, diện tích ở bình quân... để làm cơ sở đánh giá thực trạng nhà ở, xây dựng cơ chế, chính sách và kế hoạch phát triển nhà ở của Tỉnh đảm bảo sát với thực tế.
2.10. Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh:
Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và các cơ quan có liên quan đánh giá, xác định nhu cầu về nhà ở của công nhân làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn để có cơ sở lập và triển khai các dự án phát triển nhà ở dành cho công nhân khu công nghiệp.
2.11. Các Chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở:
Có trách nhiệm lập, trình duyệt dự án nhà ở và triển khai thực hiện dự án sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo đúng nội dung dự án và tiến độ đã được phê duyệt.
2.12. Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh:
Phối hợp với các cấp chính quyền trong Tỉnh thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Hải Dương đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; vận động các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp để giải quyết nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn Tỉnh.
2.13. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh:
- Chỉ đạo các cấp Đoàn tuyên truyền, phổ biến chính sách; tham gia vận động các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng ủng hộ bằng tiền, vật liệu xây dựng hoặc ngày công lao động để giúp đỡ các hộ nghèo xây dựng nhà ở.
- Chỉ đạo các cấp Đoàn tham gia xây dựng nhà ở cho các hộ nghèo; phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức xây dựng nhà ở cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn (già cả, neo đơn, tàn tật).
Điều 2. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Công thương; Cục Thống kê tỉnh; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; Tỉnh Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Trưởng ban Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Các chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở; Thủ trưởng các đơn vị và cá nhân liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN TỈNH |
Quyết định 2830/QĐ-UBND năm 2018 về phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Hải Dương đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
Số hiệu: | 2830/QĐ-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Hải Dương |
Người ký: | Nguyễn Dương Thái |
Ngày ban hành: | 09/08/2018 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Quyết định 2830/QĐ-UBND năm 2018 về phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Hải Dương đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
Chưa có Video