Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
----------

Số: 140/QĐ-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 15 tháng 7 năm 1985

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH “QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ VIỆC BÁN NHÀ ĐANG SỬ DỤNG (NHÀ CẤP 3, CẤP 4) THUỘC DIỆN NHÀ NƯỚC QUẢN LÝ CHO CÁN BỘ, CÔNG NHÂN VIÊN VÀ NHÂN DÂN LAO ĐỘNG NGHÈO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH”

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân đã được Quốc hội thông qua ngày 30 tháng 6 năm 1983;
- Căn cứ Nghị định số 02/CP ngày 04-01-1979 của Hội đồng Chính phủ ban hành điều lệ thống nhất quản lý nhà cửa ở các thành phố, thị xã, thị trấn.
- Căn cứ Chỉ thị 216/TTg ngày 2-7-1980 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý nhà cửa và giải quyết các trường hợp sử dụng nhà không hợp lý ở thành phố Hồ Chí Minh;
- Căn cứ Nghị quyết số 02/NQ-TU ngày 10-4-1984 của Thành Ủy thành phố Hồ Chí Minh về việc chăm lo đời sống cho cán bộ, công nhân viên chức, các lực lượng vũ trang, người thuộc diện chính sách và lao động nghèo và tình hình thực tế sử dụng nhà cửa tại thành phố.
- Theo đề nghị của đồng chí Giám đốc Sở Quản lý nhà đất.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Nay ban hành kèm theo quyết định này “bản quy định tạm thời về việc bán nhà đang sử dụng (nhà cấp 3, cấp 4) thuộc diện Nhà nước quản lý cho cán bộ, công nhân viên, gia đình chính sách và nhân dân lao động nghèo tại thành phố Hồ Chí Minh”.

Điều 2: Bản quy định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3: Các đồng chí Chánh văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Quản lý nhà đất, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, cơ quan đơn vị thuộc Trung ương và Thành phố và các địa phương khác đóng trên địa bàn thành phố, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các Quận, Huyện chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
CHỦ TỊCH




Phan Văn Khải

 

QUY ĐỊNH TẠM THỜI

VỀ VIỆC BÁN NHÀ ĐANG SỬ DỤNG (NHÀ CẤP 3, CẤP 4) THUỘC DIỆN NHÀ NƯỚC QUẢN LÝ CHO CÁN BỘ CÔNG NHÂN VIÊN, GIA ĐÌNH CHÍNH SÁCH VÀ NHÂN DÂN LAO ĐỘNG NGHÈO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

( Ban hành kèm theo Quyết định 140/QĐ-UB ngày 15-7-1985 của UBND thành phố Hồ Chí Minh)

Chương 1

MỤC ĐÍCH Ý NGHĨA

Điều 1: Mục đích bán nhà ở cấp 3, cấp 4 thuộc diện Nhà nước quản lý:

a) Nhằm xóa bỏ quan liêu – bao cấp, khắc phục tình trạng thu tiền nhà không đủ bù đắp chi phí sửa chữa để nhà cửa bị hư hỏng xuống cấp ngày càng nặng, người có khả năng sửa chữa cũng bị ràng buộc không tự sửa chữa nhà được.

b) Đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của cán bộ, công nhân viên, gia đình chính sách và nhân dân lao động nghèo được quyền sở hữu căn nhà, nâng cao tính chủ động và tự lực bảo dưỡng, sửa chữa nhà ở của mình.

c) Nâng cao trách nhiệm của mọi người đóng góp với Nhà nước để xây dựng nhà ở mới nhằm giải quyết yêu cầu bức bách về nhà ở hiện nay cho cán bộ, công nhân viên và nhân dân lao động nghèo chưa có nhà; đồng thời sử dụng hợp lý, tiết kiệm diện tích nhà ở hiện có của thành phố.

d) Thể hiện sự chăm sóc của Đảng và Nhà nước đối với đời sống của cán bộ, công nhân viên và nhân dân lao động nghèo; nhà ở phải được phân phối công bằng hợp lý, ổn định người đã có nhà ở; đầu tư xây dựng nhà cho người chưa có nhà ở.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 2: Điều kiện bán nhà ở.

a) Nhà nước chỉ xét bán những nhà thiết kế để ở ; các loại nhà khác phải được sử dụng đúng theo thiết kế và công năng của nó.

Khi xét bán nhà ở, phải sắp xếp, điều chỉnh sử dụng cho hợp lý các loại nhà cửa theo quy hoạch, kế hoạch của thành phố.

Nhà ở được xét bán trả góp, trước mắt gồm các loại nhà cấp 3, cấp 4 thuộc diện Nhà nước quản lý.

b) Việc bán nhà trả góp phải bảo đảm thu hồi vốn nhanh, bảo đảm sự quản lý thống nhất của Nhà nước về các mặt chánh sách, chế độ, thể lệ, quy định…, bảo đảm nguyên tắc tự giác, tự làm đơn xin mua nhà ở.

c) Nhà ở do Nhà nước quản lý là tài sản xã hội chủ nghĩa, phải được phân phối công bằng hợp lý, có chính sách thỏa đáng đối với những người có công đóng góp cho sự nghiệp cách mạng theo mức độ khác nhau, không bình quân.

Điều 3: Điều kiện được mua nhà ở:

a) Mỗi hộ cán bộ, công nhân viên và nhân dân lao động nghèo chỉ được mua một căn nhà ở với diện tích hợp lý theo tiêu chuẩn Nhà nước quy định.

b) Đối tượng được xét mua nhà ở là cán bộ, công nhân viên Nhà nước, kể cả cán bộ, quân nhân, hưu trí, mất sức lao động và diện chính sách (thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, gia đình nghĩa vụ quân sự) và nhân dân lao động nghèo có việc làm chính đáng, đã có quyết định cấp cho thuê ở hợp pháp nhà của Nhà nước.

c) Có hộ khẩu thường trú hợp pháp tại căn nhà đang ở, có quyết định cấp cho thuê nhà của Sở Quản lý nhà đất hoặc Ủy ban Nhân dân các quận, huyện.

d) Đối với chủ hộ đang ở diện tích thừa quá tiêu chuẩn quy định thì trước khi xét bán nhà, phải điều chỉnh diện tích cho hợp lý theo Chỉ thị 216/TTg ngày 2-7-1980, của Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp đặc biệt nếu chủ hộ ở rộng nhưng không điều chỉnh được thì chủ hộ phải trả theo giá cao phần diện tích thừa.

e) Đối với chủ hộ là cán bộ, công nhân viên hoặc nhân dân lao động nghèo đang sử dụng nhà ở nhưng chưa có giấy tờ hợp pháp phải được xét từng trường hợp cụ thể, theo luật pháp hiện hành kết hợp với ý kiến của chánh quyền, đoàn thể địa phương và những người hiểu biết đối tượng được xét bán nhà ở.

Điều 4: Các loại nhà ở nằm trong diện sở hữu của Nhà nước được xét bán:

a) Toàn bộ nhà ở của chánh quyền cũ đã hoàn tất thủ tục pháp lý, nay thuộc quyền sở hữu Nhà nước ta.

b) Nhà ở vắng chủ trước và sau ngày giải phóng 30-4-1975, đủ hồ sơ hợp lệ, thuộc Nhà nước trực tiếp quản lý và trước nay không còn ai khiếu nại.

c) Nhà ở cho thuê đã qua cải tạo thuộc sở hữu Nhà nước.

d) Nhà ở của tư sản công thương nghiệp qua cải tạo đã thanh lý, thanh toán, không còn tranh chấp khiếu nại, thuộc Nhà nước quản lý.

đ) Nhà ở của những người xuất cảnh hợp pháp (kể cả ngoại kiều) đã giao cho Nhà nước quản lý hoàn toàn.

e) Nhà ở đã tịch thu, trưng thu, trưng mua hoặc nhận hiến của các đối tượng cải tạo, xử lý khác, Nhà nước quản lý.

g) Nhà ở của người vượt biên vắng chủ (bỏ trốn ra nước ngoài) hoặc còn người ở lại nhưng không có giấy tờ hợp pháp, đã giao cho Nhà nước quản lý.

h) Căn hộ trong khu chung cư hay cư xá, khu gia binh do chế độ cũ cấp hoặc nhà mua trả góp, chưa trả hết tiền, chưa đoạn mãi. Nếu giấy tờ mua nhà trả góp hợp lệ, người mua không phải là đối tượng Nhà nước tịch thu, trưng thu, trưng mua hoặc trực tiếp quản lý nhà cửa của họ được xét cho bán trả góp; (việc này sẽ triển khai sau khi có bản quy định chi tiết cụ thể được Ủy ban Nhân dân thành phố duyệt).

Điều 5: Nhà ở được xét bán phải theo quy hoạch, quy chế của thành phố:

a) Việc xét bán nhà còn phải căn cứ theo quy hoạch, quy chế của thành phố, có quy định từng khu nhà hoặc từng căn nhà được phép hoặc không được phép mua bán.

Ủy ban Nhân dân quận, huyện xét quyết định theo nguyên tắc được Ủy ban Nhân dân thành phố ấn định.

b) Các cơ quan, các cơ sở sự nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ… phải sắp xếp theo quy hoạch của ngành kết hợp quy hoạch lãnh thổ, được bố trí vào các loại nhà phù hợp với công năng sử dụng và địa điểm thích hợp.

c) Trường hợp cần sử dụng nhà ở của Nhà nước để làm cơ quan, cơ sở sự nghiệp, sản xuất, kinh doanh v.v… phải được Hội đồng bán nhà quận, huyện xem xét đề nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện quyết định theo quy hoạch tổng thể của quận, huyện đã được Ủy ban Nhân dân thành phố phê duyệt và bán nhà theo giá cao.

Điều 6: Phân loại nhà ở cấp 3, cấp 4:

Để làm cơ sở cho việc tính toán giá trị căn nhà, cần căn cứ vào quy cách xây dựng, trang thiết bị, tiện nghi, kết cấu nhà và vật liệu xây dựng, thông gió tự nhiên, cách nhiệt, cách âm, nơi vệ sinh, điện, nước… và điều kiện xung quanh khu vực xây dựng.

Nhà nước phân loại 4 cấp nhà, quy định này chỉ nói đến các loại nhà ở cấp 3 và cấp 4:

a) Nhà ở cấp 3 gồm các yếu tố:

+ Về tổng quát:

- Nhà được xây dựng bán kiên cố, có thể có lầu, gác lửng bằng gỗ hoặc bê tông nhỏ (bê tông không có cốt thép, mái thấp)

- Nhà xây bằng gạch hoặc bằng vật liệu khác.

- Bếp, vệ sinh, điện, nước dùng chung hoặc dùng riêng.

- Kỹ thuật cách nhiệt, cách âm và thông gió loại trung bình.

- Tuổi thọ nhà là 40 năm.

- Nhà ở, căn hộ, căn phố, khu cư xá, khu gia binh hoặc công trình độc lập.

+ Về kết cấu:

- Mái nhà lợp ngói hoặc tấm phi-rô xi măng hay tấm tôn.

- Móng xây bằng gạch hoặc bê tông nhỏ.

- Tường xây gạch thẻ, gạch xỉ sắt hoặc gạch vôi vỏ sò.

- Dầm sàn bằng gỗ hoặc bê tông tiết diện nhỏ.

- Nền lát gạch bông.

- Hệ thống chịu lực chủ yếu là tường bổ trụ. Chịu lực hoặc cột kèo gỗ nhóm 1 hoặc nhóm 2 chịu lực.

b) Nhà ở cấp 4 gồm các yếu tố:

+ Về tổng quát:

- Nhà được xây dựng bán kiên cố bằng vật liệu trung bình.

- Bếp, vệ sinh, điện nước đơn giản, dùng chung, dùng riêng hoặc câu nhờ điện nước nhà khác (không có điện nước).

- Kỹ thuật cách nhiệt, cách âm, thông gió đều kém (vì không có sân giữa hoặc sân sau).

- Nhà, căn hộ, căn phố, khu gia binh, khu tạm cư hoặc nhà lẻ.

- Tuổi thọ của nhà là 20 năm.

+ Về kết cấu: Nhà cấp 4 chia 3 loai, theo chất lượng A, B, C:

1- Nhà cấp 4 chất lượng loại A:

- Mái lợp ngói, phi-rô xi măng, hoặc tôn, chất lượng trung bình.

- Móng nhà xây gạch, chất lượng trung bình.

- Tường nhà xây gạch, chất lượng trung bình.

- Dầm sàn bằng gỗ hoặc không có dầm sàn.

- Nền lát gạch bông chất lượng tốt.

- Hệ thống chịu lực chủ yếu là tưởng mỏng bổ trụ.

2- Nhà cấp 4 có chất lượng loại B:

- Mái nhà lợp ngói, phi-rô xi măng hoặc tôn, chất lượng xấu.

- Móng nhà xây gạch, chất lượng xấu.

- Nền nhà lót gạch bông hoặc tráng xi măng, chất lượng xấu.

- Hệ thống chịu lực chủ yếu là tường mỏng hoặc cột kèo nhóm 3, nhóm 4

3- Nhà cấp 4 có chất lượng loại C:

- Mái nhà lợp tôn, phi-rô xi măng hoặc vật liệu khác có chất lượng xấu.

- Móng nhà xây gạch hoặc đất nện chặt.

- Vách bao che bằng đất trộn, ván tấm hoặc ken bằng lá dừa, tấm tôn.

- Nền nhà tráng xi măng, hoặc nền đất được nện chặt.

- Nói chung về kết cấu nhà và vật liệu xây dựng mang tính chất nhà tạm.

- Chịu lực chủ yếu bằng tường mỏng gạch xấu hoặc cột kèo gỗ nhóm 4, nhóm 5.

Điều 7: Giá bán nhà ở:

a) Tính giá trị còn lại của ngôi nhà:

- Nguyên giá (giá gốc) nhân cho tỷ lệ phần trăm (%) còn sử dụng của ngôi nhà. Tỷ lệ phần trăm còn sử dụng được tính theo công thức 100% trừ % hư hỏng thực tế của ngôi nhà.

- Tỷ lệ % hư hỏng thực tế của ngôi nhà được tính bằng % hư hỏng của tường nhân 1,2 cộng % hư hỏng nền móng nhân 1,3 cộng % hư hỏng tấm lợp nhân 0,8 cộng % hư hỏng mái đỡ nhân 1,0 chia cho 4.

- Nguyên giá xây dựng ngói nhà được tính theo m2 xây dựng theo bộ đơn giá 304 số 395/XDCB ngày 7-7-1983 của Ủy ban Nhân dân thành phố đã ban hành, cụ thể:

+ Đối với nhà cấp 3 là 1.950đ/m2 xây dựng.

+ Đối với nhà cấp 4 là 1.400đ/m2 xây dựng.

Nhà cấp 3 và nhà cấp 4 xây cất từ lâu (đã quá niên hạn sử dụng và thời gian khấu hao cơ bản) nên không thể tính được nguyên giá của nó mà tính theo m2 xây dựng theo đơn giá 304 của thành phố đã ban hành.

b) Giá tiền mét vuông xây dựng ngôi nhà:

Diện tích xây dựng ngôi nhà gồm nền, móng, thân nhà, diện tích phụ, bếp, xí, tắm, điện, nước v.v…

+ Đối với nhà cấp 4 có chất lượng loại A được tính 1.800đ/m2 xây dựng.

+ Nhà cấp 4 có chất lượng loại B được tính 1.400đ/m2 xây dựng.

+ Nhà cấp 4 có chất lượng loại C được tính 1.000đ/m2 xây dựng.

c) Các hệ số tính toán:

- Nền móng nhân hệ số 1,3

- Tường gạch nhân hệ số 1,2 (các loại tường bằng vật liệu khác nhân hệ số 1,0).

- Cột gạch nhân hệ số 1,2.

- Cột bê tông, cột thép nhân hệ số 1,3 – 1,5.

- Cột sắt nhân hệ số 1,4.

- Cột gỗ nhân hệ số 1,0.

- Mái đỡ nhân hệ số 1,0.

- Tấm lợp nhân hệ số 0,8.

- Trần nhân hệ số 0,9.

+ Đối với nhà cấp 3 và nhà cấp 4, tường chịu lực là chủ yếu nên không tính cột, nếu có cột liền tường thì coi như tường. Trường hợp có cột độc lập chịu lực và chủ yếu, tường chỉ bao che thì được tính cả cột lẫn tường. Trong trường hợp đó thì mẫu số chia cho 5, có thêm trần thì chia cho 6.

+ Nếu nhà cấp 3 và cấp 4 (nhà cấp 4 có chất lượng loại A, B) có thêm gác lững bằng gỗ hoặc lầu gỗ thì tính đơn giá theo diện tích sử dụng của gác lững hoặc lầu gỗ bằng 1/5 đơn giá xây dựng cơ bản của nhà cấp 3 và cấp 4 sau đó nhân đơn giá trên với tỷ lệ % hư hỏng thực tế của gác lững hoặc lầu gỗ rồi nhân với diện tích sử dụng của nó để cộng vào giá trị chung của ngôi nhà.

+ Nếu nhà cấp 3 và cấp 4 (nhà cấp 4 có chất lượng loại A, B) có gác lững hoặc lầu bằng bê tông nhỏ (bê tông không có cốt thép được đúc trên dầm sàn bằng gỗ) thì tính đơn giá theo diện tích sử dụng của gác lững hoặc lầu bằng bê tông nhỏ bằng 1/3 đơn giá xây dựng cơ bản của nhà cấp 3 và cấp 4. Sau đó nhân đơn giá trên với tỷ lệ % hư hỏng thực tế của gác lững hoặc lầu rồi nhân với diện tích sử dụng của nó để cộng vào giá trị chung của ngôi nhà.

+ Tình hình hư hỏng thực tế của ngôi nhà là tình trạng hiện tại của ngôi nhà đó được đánh giá qua các yếu tố cơ bản về kết cấu:

- Kết cấu cột (cột bê tông, cột gạch, cột sắt, cột thép, cột gỗ).

- Kết cấu tường ( tường gạch, tường bê tông, tường gỗ, tường đất trộn).

- Kết cấu mái đỡ (đà, rui, vì kèo bằng gỗ, bằng sắt).

- Kết cấu tấm lợp (ngói, phi-rô, xi măng, tôn hoặc vật liệu khác).

- Kết cấu nền móng (móng đá, móng bê tông, móng gạch, nền lát gạch bông hoặc tráng xi măng).

Đánh giá tỷ lệ % hư hỏng kết cấu của các công trình xây dựng cơ bản theo 5 mức tỷ lệ % hư hỏng của ngôi nhà (20%, 40%, 60%, 80%, 100%). Dựa theo đó mà tính các mức độ hư hỏng trung gian (10%, 30%, 50%, 70%, 90%). Việc tính toán phải phù hợp với tình hình thực tế từng ngôi nhà và kết cấu của nó.

+ Nhà cấp 3 và cấp 4 không có khu vệ sinh (sử dụng nhà vệ sinh công cộng) hoặc điện nước (câu nhờ nhà khác) thì được xét giảm từ 5% đến 10% giá trị ngôi nhà, do Hội đồng bán nhà quận, huyện quyết định.

Điều 8: Tăng hoặc giảm hệ số do vị trí, địa điểm nhà ở:

Khi tính xong giá trị còn lại của ngôi nhà, cần nhân thêm hệ số tăng hoặc giảm do vị trí, địa điểm nhà ở cho phù hợp với tình hình cụ thể ở các quận, huyện.

- Đối với những nhà ở vị trí mặt tiền đường nhỏ có một làn xe (bằng 3,5m), mặt tiền đường hẻo lánh, mặt tiền đường xa khu trung tâm, có mật độ giao thông nhỏ (mật độ đi bộ, xe cơ giới, xe thô sơ) thuận lợi đi lại thì nhân với hệ số 1,0. Riêng các quận 1, 3, 5, 10 nhân hệ số 1,2 đến 1,5.

- Đối với những nhà ở mặt tiền đường lớn (có 2 làn xe trở lên) trong khu phố, khu cư xá, chung cư hoặc mặt tiền đường gần khu trung tâm, có mật độ giao thông trung bình, thuận lợi đi lại, giao dịch, thương mại… thì nhân hệ số từ 1,5 đến 2 lần. Riêng quận 1, 3, 10, 5 thì nhân hệ số từ 1,5 đến 3 lần.

- Đối với nhà ở mặt tiền đường lớn thuộc khu trung tâm sầm uất, khu trung tâm kinh tế (dịch vụ, chợ, các loại cửa hàng, cơ sở sản xuất kinh doanh) có mật độ giao thông lớn thì nhân hệ số từ 2,2 đến 4 lần.

- Đối với nhà ở vị trí trong hẻm nói chung thì nhân hệ số 0,8.

+ Đối với nhà ở trong hẻm nhưng thuận lợi đi lại, mật độ giao thông trung bình, gần khu trung tâm, ở khu trung tâm kinh tế (dịch vụ, chợ, các cửa hàng kinh doanh) thì nhân hệ số từ 1,2 đến 1,5 lần.

+ Đối với nhà ở trong các hẻm đặc biệt, ở khu trung tâm sầm uất, có mật độ giao thông lớn, thuận lợi kinh doanh, dịch vụ, chợ v.v… thì nhân hệ số từ 1,5 đến 2 lần.

+ Đối với những nhà ở trong hẻm sâu từ 300m đến 500m, chiều rộng hẻm nhỏ hơn 2m thì được giảm từ 1% đến 2% giá trị ngôi nhà.

+ Đối với nhà ở hẻm sâu từ 500m đến 700m, có chiều rộng hẻm nhỏ hơn 2m thì được giảm từ 2% đến 3% giá trị ngôi nhà.

+ Đối với những nhà ở hẻm sâu trên 700m, chiều rộng hẻm nhỏ hơn 2m, qua nhiều lần hẻm này đến hẻm khác mới đến nhà thì được giảm 5% giá trị ngôi nhà.

+ Đối với nhà ở hẻm đồng ruộng sâu từ 100m đến 200m được giảm 2% giá trị ngôi nhà, sâu từ 200m đến 500m được giảm 3% giá trị ngôi nhà, sâu trên 500m được giảm 5% giá trị ngôi nhà.

- Đối với những nhà ở có sân, vườn thu hoa lợi hoặc có buôn bán, dịch vụ ở nội thành thì tăng từ 10% đến 20% giá trị ngôi nhà. Ở ven thành phố có diện tích đất vườn từ 150m2 đến 1.000m2 thì phải tăng từ 5% đến 15% giá trị ngôi nhà.

- Thổ cư, thổ canh, sản xuất, kinh doanh, còn đóng các loại thuế khác theo luật pháp hiện hành.

Điều 9: Chính sách xét giảm hoặc tăng tiền mua nhà ở cho cán bộ công nhân viên và nhân dân lao động nghèo.

a) Đối với cán bộ, công nhân viên Nhà nước kể cả quân nhân, cán bộ về hưu mất sức, nếu có quá trình tham gia cách mạng liên tục từ trước năm 1945 đến 30-4-1975, cứ 2 năm công tác liên tục được giảm 1% giá trị ngôi nhà.

b) Đối với cán bộ công nhân viên Nhà nước tham gia cách mạng sau 30-4-1975, cứ 3 năm công tác liên tục được giảm 1% giá trị ngôi nhà (cho bản thân cán bộ công nhân viên được tiêu chuẩn mua nhà).

c) Đối với cán bộ công nhân viên đã có nhiều cống hiến cho cách mạng: Những người được Nhà nước phong các danh hiệu anh hùng (anh hùng quân đội, anh hùng lao động v.v…), những cán bộ, công nhân có 5 năm liên tục trở lên đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp thành phố, những nhà khoa học và những văn nghệ sĩ được Nhà nước phong các chức danh, được giảm 10% giá trị ngôi nhà.

- Đối với gia đình có công với các mạng kể cả chủ hộ được mua nhà trả góp và các thành viên ruột thịt trong gia đình có cùng chung hộ khẩu, được giảm 5% giá trị ngôi nhà.

- Đối với gia đình nghĩa vụ quân sự kể cả chủ hộ được mua nhà trả góp và các thành viên ruột thịt trong gia đình có cùng chung hộ khẩu, được giảm 3% giá trị ngôi nhà.

d) Đối với những cán bộ công nhân viên nghèo kể cả nhân dân lao động nghèo thì không bắt buộc phải mua nhà ở trả góp. Nếu chủ hộ muốn mua nhà ở theo nguyên tắc tự giác phải thi hành đầy đủ các chính sách quy định của Nhà nước về bán nhà ở thì được xét giảm từ 5% đến 10% giá trị ngôi nhà. Việc xét cán bộ công nhân viên nghèo hoặc nhân dân lao động nghèo phải do cơ quan chủ quản phối hợp với chánh quyền, đoàn thể, tổ dân phố xem xét chu đáo, chính xác đề nghị; Hội đồng bán nhà quận, huyện sau khi được thẩm tra xác minh đầy đủ mới quyết định.

đ) Đối với chủ hộ được mua nhà trả góp mà các thành viên trong gia đình như: bố, mẹ, vợ, chồng, con, anh chị em ruột, có cùng chung một hộ khẩu và được hưởng đầy đủ các chính sách ưu tiên như đã nói ở các mục a, b, c thì được chọn một tiêu chuẩn giảm cao nhất trong số các thành viên của gia đình được hưởng, không được cộng chung các tiêu chuẩn của từng người.

e) Thương binh, gia đình liệt sĩ được mua nhà ở trả góp thì được giảm giá tiền ngôi nhà.

- Đối với thương binh thì theo cấp thương tật được giảm như sau:

+ Cấp thương tật 8/8 được giảm 100% (mất sức lao động từ 91% - 100%).

+ Cấp thương tật đặc biệt (thời chống Pháp) giảm 100%.

+ Cấp thương tật 7/8 giảm 100% (mất sức lao động từ 81% - 90%).

+ Cấp thương tật 6/8 giảm 100% (mất sức lao động từ 71% - 80%).

+ Cấp thương tật 1/6 (chống Pháp) giảm 100%.

+ Cấp thương tật 5/8 giảm 60% (mất sức lao động từ 61% - 70%).

+ Cấp thương tật 2/6 (chống Pháp) giảm 60%.

+ Cấp thương tật 4/8 giảm 40% (mất sức lao động từ 51% - 60%).

+ Cấp thương tật 3/8 giảm 40% (mất sức lao động từ 41% - 50%).

+ Cấp thương tật 3/6 (chống Pháp) giảm 40%.

+ Cấp thương tật 2/8 giảm 30% (mất sức lao động từ 31% - 40%).

+ Cấp thương tật 4/6 (chống Pháp) giảm 30%.

+ Cấp thương tật 1/8 giảm 30% (mất sức lao động từ 21% - 30%).

+ Cấp thương tật 5/6 (chống Pháp) giảm 30%.

+ Bệnh binh mất sức lao động từ 71% trở lên do các trạm trại điều dưỡng (thuộc Sở hoặc Bộ Thương binh xã hội) cấp quyết định cho về địa phương được giảm 100% giá trị ngôi nhà.

- Đối với gia đình liệt sĩ (chủ hộ được mua nhà trả góp và các thành viên trong gia đình có chung một số hộ khẩu được hưởng tiêu chuẩn liệt sĩ) được giảm giá như sau:

+ Gia đình có 3 liệt sĩ trở lên được giảm 100%.

+ Gia đình có con độc nhất là liệt sĩ giảm 100%.

+ Gia đình con liệt sĩ mồ côi cả cha lẫn mẹ giảm 100% (con liệt sĩ chưa đến tuổi thành niên hoặc mất sức lao động).

+ Gia đình có 2 liệt sĩ được giảm 40%.

+ Gia đình có 2 liệt sĩ nhưng cô đơn không nơi nương tựa giảm 60%.

+ Gia đình có 1 liệt sĩ giảm 20%.

g) Mức xét tăng hoặc giảm %:

- Đối với cán bộ công nhân viên Nhà nước không được vượt quá 25% - 30% giá trị ngôi nhà, sau khi đã được xét giảm % theo các chính sách chế độ đã quy định trên.

- Đối với thương binh, gia đình liệt sĩ thì thực hiện giảm tỷ lệ % như đã nêu ở trên.

- Đối với chủ hộ là cán bộ, công nhân viên, được cấp nhà đã tự ý bỏ việc, xin nghỉ việc hoặc bị buộc phải thôi việc khi mua nhà ở trả góp không được hưởng các chính sách ưu tiên như cán bộ, công nhân viên đang công tác.

- Đối với chủ hộ là nhân dân nghèo có công ăn việc làm chính đáng, đời sống ổn định, có sản xuất kinh doanh thì phải tính tăng hệ số “sản xuất, kinh doanh” từ 3 đến 5 lần giá trị ngôi nhà, do Hội đồng bán nhà quận, huyện quyết định.

- Trường hợp được sử dụng nhà ở của Nhà nước để làm cơ quan, cơ sở sự nghiệp, sản xuất kinh doanh thì phải tính tăng hệ số từ 2 đến 4 lần giá bán của ngôi nhà hoặc căn nhà.

Điều 10: Xử lý việc cải tạo, mở rộng, nâng cấp nhà hư hỏng, xuống cấp trong khi xét bán nhà ở.

Những ngôi nhà bị hư hỏng và xuống cấp theo thời gian khấu hao cơ bản hoặc nhà có diện tích quá hẹp không đủ ở, có điều kiện mở rộng, nâng cấp do chủ tự bỏ vốn xây dựng, tạm chia bốn trường hợp cụ thể để giải quyết.

a) Mở rộng thêm diện tích nhà ở không vi phạm quy hoạch của thành phố, quy chế xây dựng cơ bản và quy chế quản lý đô thị.

Chủ nhà đầu tư vốn mở rộng thêm diện tích nhà ở ngoài phạm vi diện tích nhà do Nhà nước quản lý nhưng ở trong khung viên của ngôi nhà. Trường hợp có giấy phép xây cất trước hoặc sau 30-4-1975 thì được công nhận là hợp lệ.

Trường hợp không có giấy phép xây cất hợp lệ thì Nhà nước công nhận quyền sở hữu cho chủ nhà, nhưng phải chịu nộp phạt một khoản tiền bằng 15% tổng số tiền đầu tư mà chủ đã bỏ ra để mở rộng xây cất thêm căn nhà đó. Hội đồng bán nhà quận, huyện quyết định giá trị nộp phạt, nhưng không vượt quá 5.000 đồng.

b) Cải tạo, sửa chữa và bảo dưỡng:

Chủ nhà tự bỏ vốn cải tạo, sửa chữa, bảo dưỡng để nâng cao chất lượng giá trị còn lại của ngôi nhà để ở như: gia cố tường, nền, móng, sửa chữa mái đỡ, tấm lợp, khu bếp, vệ sinh, điện nước v.v…

Trường hợp có giấy phép sửa chữa hợp lệ trước hoặc sau 30-4-1975 thì được Nhà nước thanh toán một khoản tiền bằng 20% tổng số tiền đầu tư của chủ hộ đã sửa chữa, Hội đồng bán nhà quận, huyện quyết định giá tiền thanh toán nhưng không vượt quá 10.000 đồng.

Trường hợp không có giấy phép sửa chữa thì Nhà nước vẫn công nhận việc sửa chữa nhà của chủ hộ nhưng không được thanh toán khoản tiền mà chủ hộ đã bỏ ra sửa chữa căn nhà và được miễn nộp phạt. Nếu chủ hộ được lập hồ sơ mua bán nhà trả góp thì phải tính khấu hao toàn bộ ngôi nhà đó là của Nhà nước, không phân biệt phần nào chủ hộ tự đầu tư sửa chữa, phần nào thuộc nhà nguyên thuỷ của Nhà nước.

c) Nâng cấp nhà:

Chủ nhà tự bỏ vốn đầu tư cải tạo nâng cấp nhà trong quá trình sử dụng như thay thế tường gỗ hoặc tường đất trộn v.v… bằng tường gạch, xây cất thêm gác lững, lầu, thay đổi tấm lợp, mái đỡ, làm lại nơi vệ sinh, điện nước v.v… Trường hợp có giấy phép hợp lẻ trước hoặc sau 30-4-1975 thì được công nhận là hợp pháp và Nhà nước thanh toán cho chủ hộ một khoản tiền bằng 20% tổng số tiền đầu tư chủ hộ đã sửa chữa, nâng cấp nhà. Hội đồng bán nhà quận, huyện quyết định tiền thanh toán nhưng không vượt quá 20.000 đồng.

Trường hợp không có giấy phép sửa chữa thì Nhà nước vẫn công nhân sự sửa chữa nhà của chủ hộ, nhưng không được thanh toán khoản tiền mà chủ hộ đã bỏ ra sửa chữa căn nhà và được miễn nộp phạt. Nếu chủ hộ được lập hồ sơ mua nhà trả góp thì phải tính khấu hao toàn bộ ngôi nhà đó là của Nhà nước.

d) Phá dở nhà xây cất trái phép, vi phạm quy hoạch của thành phố, quy chế xây dựng cơ bản và quy chế quản lý đô thị.

Những căn nhà ở trong khu vực được báo trước là khu quy hoạch giải tỏa vì mục đích công ích, những căn nhà chủ hộ tự xây cất mới hoặc mở rộng diện tích, vi phạm quy chế xây dựng cơ bản, vi phạm quy chế quản lý đô thị thì nhất thiết phải tháo dỡ.

Giao trách nhiệm cho Sở Nhà đất, Ủy ban Xây dựng cơ bản thành phố, chánh quyền quận, huyện giải quyết những vi phạm trên theo luật pháp hiện hành.

Từ nay về sau, việc xây dựng nhà mới, mở rộng, cải tạo hoặc nâng cấp nhà bắt buộc phải xin phép thực hiện. Nếu xây dựng nhà mới, mở rộng, nâng cấp không xin phép còn vi phạm quy hoạch của thành phố, quy chế xây dựng cơ bản, quy chế quản lý đô thị thì phải phá bỏ và bị truy tố ra tòa án.

Các cơ quan được giao nhiệm vụ cho phép cũng phải làm đúng theo quy hoạch của thành phố, quy chế xây dựng cơ bản, quy chế quản lý đô thị. Các cơ quan được giao nhiệm vụ cho phép mà vi phạm các quy chế trên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Điều 11: Điều chỉnh diện tích trước khi xét bán nhà ở:

Khi xét bán nhà ở phải thực hiện điều chỉnh diện tích ở hợp lý theo Chỉ thị 216/TTg, ngày 2-7-1980 của Thủ tướng Chính phủ.

Việc điều chỉnh diện tích ở thực hiện theo tiêu chuẩn quy định của Ủy ban Nhân dân thành phố số 442/QĐ-UB ngày 12-4-1978.

Giải quyết một số trường hợp cụ thể:

a) Nếu thừa một phòng có diện tích từ 20m2 trở xuống thì được xét bán nhưng phải trả giá cao phần diện tích thừa.

b) Nếu thừa từ hai phòng trở lên có diện tích trên 20m2 thì phải điều chỉnh cho hợp lý, chia thành 2 căn hộ riêng, không nên ghép hộ.

c) Trường hợp không thể điều chỉnh được thì hoàn đổi một nhà khác theo tiêu chuẩn diện tích hợp lý.

d) Trường hợp không thể điều chỉnh hoặc hoán đổi được thì chủ hộ phải trả tiền theo giá cao phần diện tích thừa quá tiêu chuẩn quy định.

e) Tính tiền theo giá cao phần thừa diện tích nhà ở:

- Chủ hộ phải trả giá tiền của cả ngôi nhà đã được Hội đồng bán nhà quận huyện định giá.

- Chủ hộ còn phải trả thêm phần diện tích thừa như diện tích gác lững, diện tích lầu hoặc diện tích trệt theo giá cao như sau:

+ Đối với gác lững hoặc lầu gỗ thì tính 390đ/m2 diện tích sử dụng chính (nhà cấp 3); 360đ/m2 diện tích sử dụng chính (nhà cấp 4 chất lượng loại A); 280đ/m2 diện tích sử dụng chính (nhà cấp 4 chất lượng loại B).

+ Đối với gác lững hoặc lầu bằng bê tông nhỏ thì tính 630đ/m2 diện tích sử dụng chính (nhà cấp 3); 600đ/m2 diện tích sử dụng chính (nhà cấp 4 chất lượng loại A); 460đ/m2 diện tích sử dụng chính (nhà cấp 4 chất lượng loại B).

+ Đối với tầng trệt lót gạch bông thì tính 500đ/m2 diện tích sử dụng chính (nhà cấp 3); 400đ/m2 diện tích sử dụng chính (nhà cấp 4 chất lượng loại A); 300đ/m2 diện tích sử dụng chính (nhà cấp 4 chất lượng loại B).

+ Đối với tầng trệt tráng xi măng thì tính 400đ/m2 diện tích sử dụng chính (nhà cấp 3); 300đ/m2 diện tích sử dụng chính (nhà cấp 4 chất lượng loại A); 200đ/m2 diện tích sử dụng chính (nhà cấp 4 chất lượng loại B).

+ Đối với nền đất thì tính 100đ/m2 diện tích sử dụng chính (nhà cấp 4 chất lượng loại C).

Điều 12: Quy định mức trả tiền mua nhà ở.

a) Mức trả tiền nhà ở của những hộ là cán bộ công nhân viên Nhà nước.

- Mức trả trước bằng 20% đến 30% giá trị ngôi nhà. Số tiền còn lại sẽ được trả góp hàng quý hoặc 6 tháng một lần, trong 5 năm kể từ ngày trả trước. Trường hợp đặc biệt có thể kéo dài thời gian trả góp nhưng phải được Hội đồng bán nhà quận, huyện cho phép. Nộp lãi suất cho Nhà nước 8% mỗi năm.

- Mức trả trước bằng 50% giá trị của ngôi nhà được xét giảm 7%. Số tiền còn lại sẽ được trả góp hàng quý hoặc 6 tháng một lần, trong 5 năm kể từ ngày trả trước. Nộp lãi suất cho Nhà nước 8% mỗi năm.

- Mức trả một lần tiền bằng 100% giá trị của ngôi nhà được khuyến khích xét giảm 15%.

b) Mức trả tiền nhà của những hộ là nhân dân lao động nghèo.

- Mức trả trước bằng 30% giá trị của ngôi nhà. Số tiền còn lại sẽ trả góp hàng quý hoặc 6 tháng một lần, trong 3 năm kể từ ngày trả trước. Nộp lãi suất cho Nhà nước là 8% mỗi năm.

- Mức trả trước bằng 50% giá tiền của ngôi nhà, được xét giảm 5%. Số tiền còn lại sẽ được trả góp hàng quý hoặc 6 tháng một lần, trong 3 năm kể từ ngày trả trước. Nộp lãi suất cho Nhà nước là 8% mỗi năm.

- Mức trả một lần tiền bằng 100% giá trị của ngôi nhà được khuyến khích xét giảm 10%.

Điều 13: Quyền sở hữu về nhà ở.

a) Người mua có quyền sở hữu ngôi nhà ở khi đã hoàn thành các thủ tục giấy tờ và trả hết tiền nhà trong thời hạn quy định.

Cơ quan chức năng thành phố sẽ cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, hợp đồng mua nhà trả góp.

Sau 5 năm, kể từ khi người mua nhà ở nhận được quyền sở hữu ngôi nhà, người chủ sở hữu mới được quyền mua bán chuyển dịch. Nhà nước được quyền ưu tiên mua ngôi nhà ấy theo giá thỏa thuận. Nếu Nhà nước không mua thì người chủ có quyền bán cho đối tượng khác là cán bộ, công nhân viên nhà nước hoặc nhân dân lao động nghèo có nhu cầu về nhà ở, có hộ khẩu thường trú trong thành phố.

Khi được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, người chủ sẽ được giảm thuế trước bạ (mức giảm do Sở Tài chánh thành phố quy định).

Công dân có quyền sở hữu về nhà cửa. Đất cất nhà, đất trong khung viên nhà thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước quản lý.

b) Trong thời gian mua trả góp, Nhà nước nghiêm cấm mọi hình thức sang nhượng, chuyển dịch quyền mua nhà trả góp.

Mọi trường hợp sang nhượng, mua bán nhà bất hợp pháp sẽ bị xử lý theo pháp luật, kể cả việc thu hồi nhà hoặc truy tố trước pháp luật.

c) Mua nhà trả góp không thực hiện đúng hợp đồng quy định được giải quyết như sau:

- Số nợ đã quá 1 năm, sau 3 lần được thư báo nhắc nhở mà chủ hộ không trả tiền thì cơ quan chủ quản sẽ hủy bỏ hợp đồng mua bán. Căn nhà được chuyển sang hình thức cho thuê, số tiền đã trả được chuyển sang tiền thuê nhà hàng tháng.

- Đối với trường hợp vợ chồng ly dị không còn chung sống với nhau thì quyền được hưởng căn nhà ở mua trả góp thuộc người chồng hoặc người vợ do tòa án quyết định.

Điều 14: Sử dụng tiền bán nhà ở trả góp:

a) Sồ tiền thu được do bán nhà ở trả góp sẽ đưa vào quỹ phát triển nhà ở của thành phố và quận, huyện.

- Cấp thành phố, Sở Quản lý nhà đất quản lý từ 30% đến 40%.

- Cấp quận, huyện, Uỷ ban Nhân dân quản lý từ 60% đến 70%.

b) Được trích 2% tổng số tiền bán nhà để khen thưởng và chi phí cho công tác bán nhà.

Điều 15: Thành lập Ban chỉ đạo bán nhà ở thành phố:

a) Thành phần Ban chỉ đạo gồm đại diện lãnh đạo:

- Sở Quản lý nhà đất Trưởng ban

- Sở Tài chánh  Phó ban

- Công ty Quản lý nhà thành phố Ủy viên

- Ngân hàng thành phố Ủy viên

- Ủy ban Vật giá thành phố Ủy viên

- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Ủy viên

- Ủy ban Xây dựng cơ bản thành phố Ủy viên

- Công an Thành phố Ủy viên

- Ban Tổ chức chánh quyền thành phố Ủy viên

- Sở Tư pháp thành phố Ủy viên

- Ủy ban Thanh tra Nhà nước thành phố Ủy viên

b) Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban chỉ đạo bán nhà thành phố như sau:

- Triển khai tốt và có hiệu quả quy định bán trả góp nhà ở cấp 3 và cấp 4 của Ủy ban Nhân dân thành phố.

- Kiểm tra, đôn đốc, uốn nắn, báo cáo tình hình bán trả góp nhà ở các quận, huyện và trình Ủy ban Nhân dân thành phố quyết định những vấn đề mà quận, huyện không quyết định được.

- Hướng dẫn và giải thích những điều trong bản quy định của Ủy ban Nhân dân thành phố và kiểm tra việc thực hiện các chế độ chính sách liên quan đến mua bán nhà ở.

- Nghiên cứu đề xuất với Ủy ban Nhân dân thành phố những chủ trương chính sách biện pháp cụ thể để giải quyết tốt quyết định bán nhà ở trả góp của thành phố.

Điều 16: Thành lập Hội đồng mua bán nhà quận, huyện:

a) Thành lập Hội đồng gồm đại diện lãnh đạo:

- Ủy ban nhân dân quận, huyện Chủ tịch Hội đồng

- Phòng Xây dựng quận, huyện Phó Chủ tịch

- Ban Tài chánh quận, huyện Phó Chủ tịch

- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận, huyện Phó Chủ tịch

- Ngân hàng quận, huyện Ủy viên

- Xí nghiệp quản lý nhà quận, huyện Ủy viên

- Ban Thanh tra quận, huyện Ủy viên

- Chủ tịch các phường, xã Ủy viên

b) Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng bán nhà quận, huyện.

- Thực hiện điều tra cơ bản toàn bộ nhà cửa cấp 3 và cấp 4 của quận, huyện để thực hiện bán nhà ở trả góp.

- Thành lập các tổ kỹ thuật, chuyên môn để thẩm tra nhà cửa, xác định cấp nhà, đánh giá tình hình hư hỏng thực tế của ngôi nhà, đo diện tích nhà, tính tỷ lệ % hư hỏng các kết cấu, xác định hệ số vị trí nhà.

- Thành lập tổ kế toán, tài vụ lập sổ sách thu chi để thực hiện công tác bán nhà ở trả góp.

- Giải quyết cụ thể các chế độ chính sách của Nhà nước có liên quan đến việc bán nhà ở trả góp.

- Tổng hợp và phân tích kinh phí do bán nhà ở trả góp để chuyển lên trên.

- Quyết định những vấn đề cụ thể về phương pháp định giá ngôi nhà, quyết định giá cả ngôi nhà, tăng giảm giá trị ngôi nhà theo các chính sách quy định v.v…

- Kiểm tra đôn đốc và thực hiện có hiệu quả việc bán nhà ở trả góp.

- Kiến nghị giải quyết những vấn đề vướng mắc trong quá trình thực hiện lên Ban chỉ đạo bán nhà ở thành phố, Sở Quản lý nhà đất để xin ý kiến chỉ đạo thực hiện.

- Báo cáo định kỳ 1 tháng 1 lần và báo cáo sơ kết công tác bán nhà ở trả góp lên Ban chỉ đạo bán nhà ở và Ủy ban Nhân dân thành phố.

- Biên chế các tổ công tác chuyên môn do Hội đồng bán nhà ở quận, huyện quy định có sự trao đổi với Ban tổ chức chánh quyền thành phố và quận, huyện.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 17: Ban quy định tạm thời này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 18:

Sau khi ban hành bản quy định tạm thời này, các cơ quan đơn vị trực thuộc Trung ương và thành phố cùng với Ủy ban nhân dân các quận, huyện, phường, xã tiến hành điều tra cơ bản để nắm vững tình hình nhà cửa của cán bộ công nhân viên và nhân dân lao động nghèo thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý của đơn vị, địa phương để có kế hoạch phối hợp với Ban chỉ đạo bán nhà ở thành phố và Hội đồng bán nhà ở quận, huyện, lập danh sách những người đăng ký mua nhà ở để thực hiện việc bán nhà ở có kết quả. Tuyên truyền và vận động mọi người thấy rõ trách nhiệm và quyền lợi của người mua nhà ở được quyền sở hữu, làm nhiệm vụ đóng góp xây dựng nhà ở với Nhà nước, Nhằm cải thiện sự nghiệp nhà ở của thành phố, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống cho cán bộ, công nhân viên và nhân dân lao động nghèo trong thành phố.

Điều 19: Sở quản lý nhà đất chịu trách nhiệm hướng dẫn giải thích những điều khoản trong bản quy định tạm thời này và hướng dẫn lập các biểu mẫu điều tra cơ bản, các thủ tục hành chánh mua bán nhà ở trả góp và các chế độ chính sách có liên quan đến việc bán nhà ở để thực hiện nhanh chóng và có hiệu quả chủ trương bán nhà ở trả góp của Ủy ban Nhân dân thành phố.

Điều 20: Tất cả các cơ quan, đơn vị của thành phố, của Trung ương và các địa phương khác đóng trên địa bàn thành phố đều có trách nhiệm thi hành bản quy định tạm thời này. Vi phạm hoặc làm trái với nguyên tắc của quy định tạm thời này, tuỳ theo lỗi nặng nhẹ sẽ bị xử lý hành chánh hoặc bị truy tố trước pháp luật.

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Quyết định 140/QĐ-UB năm 1985 quy định tạm thời về việc bán nhà đang sử dụng (nhà cấp 3, cấp 4) thuộc diện Nhà nước quản lý cho cán bộ, công nhân viên, gia đình chính sách và nhân dân lao động nghèo tại thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu: 140/QĐ-UB
Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký: Phan Văn Khải
Ngày ban hành: 15/07/1985
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [0]
Văn bản được căn cứ - [1]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Quyết định 140/QĐ-UB năm 1985 quy định tạm thời về việc bán nhà đang sử dụng (nhà cấp 3, cấp 4) thuộc diện Nhà nước quản lý cho cán bộ, công nhân viên, gia đình chính sách và nhân dân lao động nghèo tại thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [1]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [1]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [1]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…