Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 21/NQ-HĐND

Quảng Nam, ngày 19 tháng 7 năm 2018

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ MỘT SỐ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRONG CÔNG TÁC LẬP, TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ QUẢN LÝ QUY HOẠCH, KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
KHÓA IX, KỲ HỌP THỨ 7

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 04 tháng 12 năm 2015;

Trên cơ sở xem xét Báo cáo số 21/BC-ĐGS ngày 13 tháng 7 năm 2018 của Đoàn giám sát của HĐND tỉnh về kết quả giám sát việc chấp hành pháp luật trong lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất một số dự án quy mô lớn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 - 2017 và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thống nhất nội dung Báo cáo số 21/BC-ĐGS ngày 13 tháng 7 năm 2018 của Đoàn giám sát của HĐND tỉnh về kết quả giám sát việc chấp hành pháp luật trong lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất một số dự án quy mô lớn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 - 2017 với các nội dung chủ yếu sau:

1. Kết quả đạt được

Trong những năm qua, công tác quản lý nhà nước về đất đai nói chung và lập, tổ chức thực hiện, quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nói riêng đã được các ngành, các cấp quan tâm thực hiện. Vì vậy, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất từng bước đi vào nề nếp, tạo chủ động và giải quyết kịp thời nhu cầu sử dụng đất trên địa bàn. Thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cơ cấu sử dụng giữa các loại đất đã được chuyển đổi phù hợp với quá trình đô thị hóa, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, huy động nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Bên cạnh đó, công tác tổ chức thực hiện, quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được chú trọng, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất...cơ bản theo đúng quy định, đảm bảo phát huy có hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai, quyền sử dụng đất của người dân.

2. Tồn tại, hạn chế

Cùng với những kết quả đạt được, công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời gian qua vẫn còn bộc lộ những hạn chế, bất cập, tạo nên những áp lực không nhỏ trong công tác giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư, giải quyết đất ở cho người thật sự có nhu cầu, cũng như các vấn đề về môi trường, dân sinh. Quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn mới ở một số địa phương chất lượng chưa cao, chưa đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch, bố trí một số quỹ đất chưa phù hợp với nhu cầu thực tế; kế hoạch sử dụng đất hằng năm chưa tuân thủ trình tự, thủ tục, thời gian theo luật định. Việc công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa sâu rộng, tính minh bạch trong thực hiện quy hoạch tại một số địa phương không cao, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất chưa kịp thời với tình hình thực tế, làm ảnh hưởng nhất định đến quyền lợi người dân vùng dự án, phát sinh nhiều đơn thư khiếu nại, kiến nghị. Tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại một số địa phương hiệu quả còn thấp; công tác thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng đất tại một số nơi chưa đáp ứng được yêu cầu, việc quản lý hồ sơ địa chính chưa chặt chẽ, thiếu tính khoa học.

3. Nguyên nhân

Những tồn tại, hạn chế trong công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là do hệ thống văn bản pháp luật về đất đai thường xuyên sửa đổi, bổ sung; thiếu chế tài xử lý đối với những địa phương đăng ký danh mục dự án nhiều nhưng thực hiện thấp. Thủ tục hành chính trong công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất vẫn còn bất cập. Kinh phí đầu tư cho công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa đáp ứng nhu cầu. Mặt khác, vai trò, trách nhiệm của một số địa phương, ngành chức năng trong chỉ đạo, phối hợp lập quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất chưa cao. Năng lực chuyên môn của một số đơn vị tư vấn lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn hạn chế; đội ngũ làm công tác chuyên môn về lĩnh vực quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn thiếu ở cấp tỉnh và yếu ở cấp cơ sở.

Điều 2. Để thực hiện tốt công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

1. Kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương sớm quan tâm, xem xét giải quyết một số kiến nghị Đoàn giám sát đã nêu tại mục 1, phần III Báo cáo số 21/BC-ĐGS ngày 13/7/2018 của Đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh.

2. Thống nhất chủ trương, biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất như sau:

a) Chỉ thông qua những danh mục dự án thu hồi đất thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân tỉnh theo khoản 3, Điều 62 Luật Đất đai năm 2013 khi đảm bảo các yêu cầu quy định tại Điều 67, Thông tư 29/2014/TT-BTNMT ngày 02/6/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (trừ các dự án sử dụng đất cho mục đích phòng chống thiên tai, địch họa, quốc phòng).

b) Kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất chuyên trồng lúa nước, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, nhất là rừng phòng hộ ven biển.

c) Không gia hạn thời gian cho thuê đất đối với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhất là dự án khai thác khoáng sản, kinh doanh bất động sản. Xử lý nghiêm các trường hợp được giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án, nhưng quá thời hạn cam kết vẫn chưa triển khai, không đưa đất vào sử dụng, không thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai. Kiên quyết thu hồi đất đối với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp sử dụng đất không đúng mục đích. Đối với các dự án sử dụng đất khu vực biên giới đất liền, biên giới biển, khu vực đất gắn liền với mặt nước biển chỉ cho thuê đất có thời hạn, không giao đất lâu dài nhằm đảm bảo an ninh quốc gia, biên giới, hải đảo.

d) Không quy hoạch và triển khai các dự án xây dựng khu dân cư, khu đô thị, khai thác quỹ đất trên đất chuyên trồng lúa chủ động nước nằm dọc quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ và không có trong quy hoạch chung, quy hoạch phân khu được duyệt. Riêng đối với dự án triển khai tại các điểm xen cư trong nội thị, xây dựng khu đô thị trên địa bàn đô thị, quy hoạch đô thị, khu vực phù hợp với quy hoạch nông thôn mới, giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh kiểm soát từng dự án cụ thể.

đ) Không quy hoạch quỹ đất cho mục đích kinh doanh đất an táng; xây dựng lộ trình để chấm dứt đất an táng trong khu vực nội thị. Hạn chế tối đa việc chấp thuận các dự án đầu tư, thuê đất cho mục đích sản xuất ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

e) Không điều chỉnh giảm không gian, phạm vi, quy mô đất công cộng, công viên, cây xanh, mặt nước, mốc chỉ giới xây dựng, vệt cây xanh của các dự án (kể cả trên các trục đường chính, quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ, đường ven biển) đã phê duyệt sang mục đích thương mại, dịch vụ, đất ở.

f) Tiếp tục thực hiện chủ trương dành kinh phí giải phóng mặt bằng sạch. Giao đất cho nhà đầu tư thông qua hình thức đấu thầu dự án, đấu giá quyền sử dụng đất để tránh thất thoát ngân sách.

g) Ưu tiên nguồn lực hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai, xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính trên địa bàn tỉnh để thực hiện cấp, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; xây dựng mạng thông tin ngành tài nguyên và môi trường.

3. Giao UBND tỉnh triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

a) Công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

- Khẩn trương làm việc với các Bộ, ngành Trung ương để giải quyết vướng mắc, bất cập trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

- Chỉ đạo đẩy nhanh việc lập quy hoạch chung và quy hoạch phân khu toàn tỉnh; đồng thời, rà soát toàn bộ quy hoạch sử dụng đất của các địa phương, đảm bảo phù hợp và đồng bộ với quy hoạch chung, quy hoạch phân khu được duyệt, bám sát định hướng, mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Đổi mới quy trình lập, điều chỉnh quy hoạch nông thôn mới đảm bảo sự đồng bộ, gắn kết chặt chẽ với quy hoạch sử dụng đất.

- Công khai về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết dự án (nếu có) nhằm tạo thuận lợi cho Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và cộng đồng dân cư giám sát, kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các vi phạm trong công tác quản lý đất đai, làm căn cứ kiểm soát việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính về đất đai.

- Rà soát các quy hoạch ngành, lĩnh vực, các đồ án quy hoạch sử dụng đất đã có (nhất là trên địa bàn Khu Kinh tế mở Chu Lai) để điều chỉnh, bổ sung kịp thời; khắc phục các vấn đề có liên quan việc chồng lấn quy hoạch, đảm bảo phù hợp với Luật Quy hoạch năm 2017.

- Chỉ đạo tham mưu trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua danh mục dự án thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo đúng thẩm quyền, đảm bảo thông tin theo quy định pháp luật hiện hành và phù hợp với chủ trương của Hội đồng nhân dân tỉnh, đảm bảo sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.

- Rà soát về chỉ tiêu đất lúa của từng địa phương, kịp thời kiến nghị điều chỉnh quy hoạch quỹ đất lúa phù hợp với nhu cầu đô thị hóa trên địa bàn; chỉ đạo địa phương sớm lập quy hoạch sử dụng đất lúa theo Nghị định 35/2015/NĐ-CP nhằm xác định rõ quỹ đất lúa cần tập trung bảo vệ nghiêm ngặt, tạo thuận lợi trong việc chọn địa điểm triển khai dự án có sử dụng đất lúa. Việc chuyển mục đích sử dụng đất lúa phải đảm bảo tuân thủ quy hoạch và lợi ích chung của từng địa phương, chỉ ưu tiên cho mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, công cộng, công trình trọng điểm. Tổ chức đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 203/2016/NQ-HĐND ngày 26/04/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh về mức thu tiền bảo vệ đất trồng lúa để đề xuất, kiến nghị điều chỉnh phù hợp.

b) Công tác tổ chức thực hiện, quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

- Chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về lập, thẩm định kế hoạch sử dụng đất hằng năm; kịp thời phê duyệt kế hoạch sử dụng đất cấp huyện theo đúng luật định; thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao tỷ lệ thực hiện kế hoạch sử dụng đất hằng năm sau khi phê duyệt.

- Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ trong quản lý, giải quyết thủ tục hành chính về đất đai. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu số về quản lý đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong đó, rà soát thực hiện trước những khu vực, dự án trọng điểm để tạo nguồn cơ sở dữ liệu đồng bộ, thống nhất phục vụ công tác quản lý, làm cơ sở để người sử dụng đất được thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định pháp luật.

- Thường xuyên chỉ đạo kiểm tra, thanh tra và giám sát việc quản lý, sử dụng đất theo quy hoạch, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật, không thực hiện theo tiến độ cam kết. Tiến hành giải quyết kịp thời các kiến nghị của địa phương đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về đất đai; chỉ đạo thực hiện nghiêm kết luận sau thanh tra. Công khai các tổ chức, chủ đầu tư chậm triển khai dự án, vi phạm trong quản lý, sử dụng đất. Tăng cường các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hiện tượng đầu cơ, chuyển nhượng quyền sử dụng đất trái pháp luật; không giao đất cho các chủ đầu tư không đảm bảo điều kiện theo quy định tại Điều 58, Luật Đất đai 2013.

- Ban hành quy định các điều kiện ràng buộc khi giao đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định pháp luật hiện hành nhằm ngăn chặn tình trạng mua bán, chuyển nhượng dự án trái pháp luật.

- Thực hiện đúng quy định pháp luật khi chuyển từ hình thức cho thuê đất sang giao đất lâu dài.

- Kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh bất động sản; khẩn trương ban hành quy trình thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên thống kê, cập nhật, lưu trữ đầy đủ thông tin, dữ liệu thị trường bất động sản làm cơ sở lập quy hoạch, phê duyệt dự án nhà ở phù hợp nhu cầu thị trường, hạn chế tình trạng để đất đai hoang hóa, không đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật hoặc đầu tư nhưng không xây dựng nhà ở, gây lãng phí nguồn lực ngân sách, đất đai.

- Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ tái định cư, bồi thường thiệt hại, đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân vùng dự án. Khi phê duyệt dự án khu đô thị, khu dân cư cần lưu ý dành quỹ đất cho tái định cư, xây dựng nhà ở xã hội theo quy định tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015; đa dạng hóa loại hình tái định cư về vị trí, đất ở hoặc suất đầu tư, diện tích phân lô nhằm phù hợp với điều kiện thực tế (thu nhập, ngành nghề, tập quán...) ở từng vùng, miền và khả năng chi trả của các nhóm đối tượng.

- Khẩn trương xúc tiến đầu tư nạo vét, khơi thông sông Cổ Cò, tạm dừng phê duyệt thực hiện dự án mới, rà soát các dự án đã cấp phép ven sông Cổ Cò để điều chỉnh phù hợp quy hoạch phát triển không gian đô thị dọc hai bên bờ sông Cổ Cò, đảm bảo khớp nối quy hoạch giao thông, du lịch và quy hoạch chung đã được thống nhất giữa lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng.

- Lập dự án phục vụ tái định cư cho các hộ dân vệt cây xanh đường du lịch ven biển; trước hết, tập trung đoạn ven biển Điện Bàn - Hội An. Đối với dự án sử dụng đất sát mặt biển thì cần khống chế chiều dài khu đất sát mặt biển được giao (tối đa 1 km); quy định rõ khoảng cách giữa các dự án liền kề dọc khu vực ven biển để tránh tình trạng dự án bố trí sát nhau không có đường xuống biển; xác định rõ chiều ngang các tuyến đường xuống biển phục vụ nhu cầu công cộng, đảm bảo cảnh quan môi trường, phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn khi cần thiết. Thực hiện kết luận của cấp có thẩm quyền về việc thỏa thuận với các nhà đầu tư, bổ sung điều chỉnh quy hoạch các tuyến đường xuống biển, dành phần đất bãi biển sử dụng cho mục đích công cộng. Không xây dựng mới công trình trong phạm vi tối thiểu 100 m tính từ đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm về phía đất liền cho đến khi hành lang bảo vệ bờ biển được xác lập (trừ các trường hợp quy định tại điểm a, b, c, khoản 1, Điều 79 Luật Tài nguyên môi trường, biển và hải đảo năm 2015); tiến hành cắm mốc đường ven biển để quản lý theo quy hoạch.

- Ưu tiên thu hút dự án động lực, lan tỏa phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh thương mại dịch vụ; bổ sung đất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống tại những khu tái định cư có quy mô lớn và thu hút các doanh nghiệp (thân thiện môi trường) vào đầu tư giải quyết nhu cầu việc làm cho người lao động, trong đó chú trọng đối với lực lượng lao động không có điều kiện làm việc tại các công ty, nhà máy tại các khu, cụm công nghiệp.

- Nâng cao năng lực hoạt động của Trung tâm Phát triển quỹ đất, Quỹ phát triển đất nhằm tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư; tuân thủ việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất theo Điều 22, Luật Nhà ở năm 2014 và Điều 118, Luật Đất đai năm 2013, Luật Đấu thầu năm 2013. Tổ chức lựa chọn nhà đầu tư phải tuân thủ chặt chẽ theo quy định của Nghị định 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015 của Chính phủ và Thông tư 16/2016/TT-BKHĐT ngày 16/12/2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

- Nâng cao năng lực, trách nhiệm hành chính đội ngũ làm công tác xây dựng, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quản lý đất đai, thẩm định dự án. Phát huy vai trò, trách nhiệm của Hội đồng thẩm định giá đất; yêu cầu các doanh nghiệp có dự án đầu tư kinh doanh bất động sản phải thành lập pháp nhân tại tỉnh và đảm bảo thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo quy định pháp luật.

4. Đối với các địa phương

a) Đối với Hội đồng nhân dân cấp huyện

- Yêu cầu Ủy ban nhân dân huyện dự kiến kế hoạch vốn đầu tư công và danh mục dự án sử dụng vốn ngân sách cần thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trình Hội đồng nhân dân cấp huyện thông qua tại kỳ họp thường lệ giữa năm trước để có cơ sở tổng hợp, báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, thông qua.

- Tăng cường giám sát công tác lập, tổ chức và quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn, đặc biệt những vấn đề liên quan về điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 dự án, nghĩa vụ tài chính về đất đai, việc tuân thủ trình tự thủ tục thẩm định, phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện theo đúng quy định tại Khoản 4, Điều 9, Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 01/7/2014; chấp hành quy định Trung ương, chủ trương Hội đồng nhân dân tỉnh khi xem xét thông qua danh mục dự án cần thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng.

b) Đối với Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã

- Tăng cường sự lãnh đạo của chính quyền địa phương, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, trách nhiệm người đứng đầu trong công tác quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; có biện pháp xử lý đối với những đơn vị sử dụng đất sai mục đích nhằm bảo vệ quỹ đất và đảm bảo quyền lợi của người dân trên địa bàn, phát huy có hiệu quả nguồn lực từ đất.

- Phối hợp với các sở, ngành liên quan trong quá trình đề xuất lập, thực hiện và quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Tuân thủ quy định về việc trình Hội đồng nhân dân cấp huyện thông qua kế hoạch sử dụng đất hằng năm.

Rà soát, kiểm tra chặt chẽ danh mục công trình đăng ký kế hoạch sử dụng đất hằng năm (có đối chiếu, so sánh với kết quả thực hiện năm trước); nâng cao chất lượng thẩm định năng lực thị trường, năng lực tài chính, vốn chủ sở hữu của các chủ đầu tư, nhất là những đơn vị đầu tư nhiều dự án trên địa bàn nhằm đảm bảo tính khả thi, tiến độ thực hiện, khắc phục tình trạng dự án treo.

Xem xét thận trọng đối với dự án tác động lớn về môi trường, an sinh xã hội; đối với dự án sử dụng diện tích lớn, đặc biệt là đất lúa cần chỉ đạo khảo sát, rà soát thực địa từng dự án trước khi trình cấp có thẩm quyền đưa vào kế hoạch sử dụng đất.

- Rà soát, kiểm tra tình hình triển khai các dự án trên địa bàn, tổng hợp diện tích đã đưa vào sử dụng, diện tích sử dụng sai mục đích, diện tích để hoang hóa lãng phí (kể cả đất hạ tầng công cộng, xây dựng trụ sở cơ quan) để có biện pháp xử lý hoặc kiến nghị xử lý đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm.

- Ưu tiên bố trí, đào tạo bồi dưỡng cán bộ chuyên môn làm công tác quản lý đất đai, thẩm định dự án.

- Tích cực tuyên truyền người dân không mua đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại các khu đất chưa đảm bảo hạ tầng thiết yếu, chưa khớp nối hạ tầng chung, chưa đầy đủ giấy tờ pháp lý liên quan theo quy định pháp luật đất đai.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết; báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp thường lệ giữa năm 2019 về tiến độ, kết quả thực hiện các nội dung được giao; chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã thực hiện các nhiệm vụ theo quy định và kiến nghị của Đoàn giám sát.

2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh theo dõi, giám sát và phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện một số nhiệm vụ được giao; tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện các kiến nghị qua giám sát tại kỳ họp thường lệ giữa năm 2019.

3. Các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hội theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam khóa IX, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 19 tháng 7 năm 2018./.

 


Nơi nhận:
- UBTVQH;
- VP: QH, CTN, CP;
- Ban CTĐB-UBTVQH;
- Ban TVTU, TT HĐND, UBND tỉnh;
- UBMTTQVN, Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Các Ban HĐND tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- VP: Tỉnh ủy, UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh;
- TT HĐND, UBND các huyện, TX, TP;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- TTXVN tại Q.Nam;
- Báo Q.Nam, Đài PT-TH Q.Nam;
- VP HĐND tỉnh: CPVP, CV;
- Lưu: VT, TH (Phiên).

CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Quang

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Nghị quyết 21/NQ-HĐND năm 2018 về nhiệm vụ, giải pháp trong công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Quảng Nam

Số hiệu: 21/NQ-HĐND
Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Nam
Người ký: Nguyễn Ngọc Quang
Ngày ban hành: 19/07/2018
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [12]
Văn bản được căn cứ - [2]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Nghị quyết 21/NQ-HĐND năm 2018 về nhiệm vụ, giải pháp trong công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Quảng Nam

Văn bản liên quan cùng nội dung - [7]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [1]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…