Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2299/QĐ-BHXH

Hà Nội, ngày 21 tháng 12 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA VỤ KIỂM TOÁN NỘI BỘ

TỔNG GIÁM ĐỐC BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM

Căn cứ Nghị định số 89/2020/NĐ-CP ngày 04 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam;

Căn cứ Nghị định số 05/2019/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về Kiểm toán nội bộ;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Vị trí và chức năng

Vụ Kiểm toán nội bộ là đơn vị chuyên môn giúp việc Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam (sau đây gọi là Tổng Giám đốc), có chức năng tham mưu giúp Tổng Giám đốc thực hiện công tác kiểm toán nội bộ các đơn vị thuộc hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo quy định của pháp luật và của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Vụ Kiểm toán nội bộ chịu sự quản lý trực tiếp, toàn diện của Tổng Giám đốc.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Tham mưu giúp Tổng Giám đốc đề xuất với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về kiểm toán nội bộ phù hợp với thực tiễn hoạt động của Ngành.

2. Tham mưu trình Tổng Giám đốc sửa đổi, bổ sung các quy định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành và thực tiễn tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Ngành nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý tài chính, tài sản và các hoạt động thu, chi, quản lý các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế của các đơn vị thông qua hoạt động kiểm toán nội bộ. Tham gia trong quá trình xây dựng, sửa đổi bổ sung các quy trình nghiệp vụ của Bảo hiểm xã hội Việt Nam

3. Tham mưu giúp Tổng Giám đốc việc lựa chọn, kiểm soát sử dụng dịch vụ kiểm toán độc lập theo yêu cầu nhằm đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả và nâng cao chất lượng công tác kiểm toán nội bộ.

4. Chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan trong Ngành thực hiện kế hoạch kiểm toán, kế hoạch kiểm tra thực hiện kiến nghị của cơ quan Kiểm toán nhà nước; theo dõi, đôn đốc, tổng hợp, báo cáo kết quả các đơn vị trong Ngành thực hiện kết luận, kiến nghị của cơ quan Kiểm toán nhà nước.

5. Xây dựng, trình Tổng Giám đốc xem xét, phê duyệt Quy chế, quy trình nghiệp vụ kiểm toán nội bộ của Ngành.

6. Xây dựng, trình Tổng Giám đốc xem xét, phê duyệt Kế hoạch kiểm toán nội bộ hàng năm, kiểm toán nội bộ đột xuất theo chỉ đạo của Tổng Giám đốc và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt.

7. Thực hiện kiểm toán nội bộ đối với: Công tác lập, phân bổ, giao dự toán, chấp hành, quyết toán thu, chi các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế của các đơn vị thuộc hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam; hoạt động đầu tư quỹ; công nghệ thông tin của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

8. Kiểm toán dự án đầu tư xây dựng, dự án ứng dụng công nghệ thông tin và mua sắm tài sản của toàn Ngành.

9. Tổng hợp, báo cáo kết quả kiểm toán nội bộ và kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán nội bộ hàng năm với Tổng Giám đốc. Hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc các đơn vị thuộc hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện kết luận, kiến nghị của kiểm toán nội bộ.

10. Tham mưu giúp Tổng Giám đốc: Xử lý, giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác kiểm toán nội bộ trong Ngành; xem xét xử lý theo quy định đối với các đơn vị, cá nhân trong Ngành vi phạm quy định của pháp luật và của Bảo hiểm xã hội Việt Nam thông qua hoạt động kiểm toán nội bộ.

11. Tham gia ý kiến đối với: Công tác lập, phân bổ và giao dự toán thu, chi các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế của các đơn vị thuộc hệ thống bảo hiểm xã hội Việt Nam; báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán cho hoạt động nội ngành và báo cáo tài chính quỹ hàng năm của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Tham dự các cuộc họp của Ngành có nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định.

12. Phối hợp, tham gia ý kiến với các đơn vị liên quan trong công tác đánh giá, xếp loại, chấm điểm thi đua hàng năm đối với các đơn vị thuộc hệ thống bảo hiểm xã hội Việt Nam theo quy định về công tác thi đua - khen thưởng; cung cấp kết quả kiểm toán nội bộ cho các đơn vị nghiệp vụ liên quan để phối hợp thực hiện và làm cơ sở tham khảo khi thực hiện công tác cán bộ.

13. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào khai thác các phần mềm nghiệp vụ của Ngành để phân tích, đánh giá, sàng lọc dữ liệu phục vụ việc xây dựng kế hoạch kiểm toán và quá trình thực hiện quyết định kiểm toán nội bộ.

14. Tham gia công tác: Nghiên cứu khoa học; cải cách hành chính; thi đua, khen thưởng; áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN; tuyên truyền, phổ biến chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; hợp tác quốc tế; đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

15. Thực hiện chế độ thông tin, thống kê, báo cáo; văn thư và lưu trữ theo quy định. Bảo mật tài liệu, thông tin theo đúng quy định pháp luật hiện hành và Quy chế về kiểm toán nội bộ.

16. Quản lý công chức, viên chức và tài sản của đơn vị theo quy định.

17. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Tổng Giám đốc giao.

Điều 3. Chế độ quản lý và điều hành

1. Vụ Kiểm toán nội bộ do Vụ trưởng quản lý, điều hành theo chế độ thủ trưởng. Vụ trưởng chịu trách nhiệm trước Tổng Giám đốc và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Vụ. Giúp việc Vụ trưởng có không quá 03 Phó Vụ trưởng. Vụ trưởng và các Phó Vụ trưởng do Tổng Giám đốc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động luân chuyển, miễn nhiệm, khen thưởng và kỷ luật theo quy định.

2. Vụ trưởng ban hành quy định về phân công nhiệm vụ, mối quan hệ công tác, lề lối làm việc, quy chế làm việc của Vụ; đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện quy định.

3. Vụ trưởng phân công hoặc ủy quyền cho Phó Vụ trưởng giải quyết các công việc thuộc thẩm quyền của Vụ trưởng. Phó Vụ trưởng chịu trách nhiệm trước Vụ trưởng và trước pháp luật về nhiệm vụ được giao. Vụ trưởng chịu trách nhiệm về quyết định của Phó Vụ trưởng được phân công hoặc ủy quyền giải quyết.

Điều 4. Cơ cấu tổ chức và biên chế

1. Cơ cấu tổ chức gồm 04 phòng:

a, Phòng Tổng hợp;

b, Phòng Nghiệp vụ 1;

c, Phòng Nghiệp vụ 2;

d, Phòng Nghiệp vụ 3.

Phòng do Trưởng phòng quản lý và điều hành theo chế độ thủ trưởng. Trưởng phòng chịu trách nhiệm trước Vụ trưởng và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của phòng. Giúp việc Trưởng phòng có các Phó Trưởng phòng; số lượng Phó Trưởng phòng theo quy định tại Nghị định số 47/2019/NĐ-CP ngày 05/6/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2016/NĐ-CP ngày 01/02/2016 quy định về cơ quan thuộc Chính phủ. Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng do Tổng Giám đốc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động luân chuyển, miễn nhiệm, khen thưởng và kỷ luật theo quy định.

2. Biên chế của Vụ Kiểm toán nội bộ do Tổng Giám đốc giao. Công chức, viên chức của Vụ được tuyển dụng theo quy định hiện hành và làm việc theo quy chế làm việc của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Điều 5. Trách nhiệm của Vụ trưởng

1. Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 2 Quyết định này.

2. Xây dựng dự thảo Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm và chế độ quản lý các phòng thuộc Vụ chuyển Vụ Tổ chức cán bộ thẩm định trình Tổng Giám đốc ban hành.

3. Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra hoạt động của Đoàn Kiểm toán nội bộ do Vụ Kiểm toán nội bộ được giao chủ trì.

4. Tổ chức thực hiện chương trình cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng trong quản lý, điều hành mọi hoạt động của Vụ; đảm bảo chế độ thông tin, báo cáo của Vụ.

5. Quyết định các công việc thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý của Vụ; quyết định các biện pháp cụ thể để tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với công chức, viên chức; chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hiện tượng tiêu cực khác trong Vụ; chịu trách nhiệm khi đế xảy ra hành vi vi phạm.

6. Thực hiện quy định của pháp luật và của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

7. Phối hợp với các đơn vị có liên quan trong Ngành và ngoài Ngành để thực hiện nhiệm vụ được giao.

Điều 6. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 109/QĐ-BHXH ngày 15/01/2018 của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức cứa Vụ Kiểm toán nội bộ.

2. Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Chánh văn phòng Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Vụ trưởng Vụ kiểm toán nội bộ, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Giám đốc Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 6;
- Hội đồng quản lý BHXH (để b/c);
- Tổng Giám đốc;
- Các Phó Tổng Giám đốc;
- Lưu: VT, TCCB (05).

TỔNG GIÁM ĐỐC




Nguyễn Thế Mạnh

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Quyết định 2299/QĐ-BHXH năm 2020 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Vụ Kiểm toán nội bộ do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành

Số hiệu: 2299/QĐ-BHXH
Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Bảo hiểm xã hội Việt Nam
Người ký: Nguyễn Thế Mạnh
Ngày ban hành: 21/12/2020
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [2]
Văn bản được căn cứ - [2]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Quyết định 2299/QĐ-BHXH năm 2020 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Vụ Kiểm toán nội bộ do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [3]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…