Câu hỏi về việc quản lý ấn chỉ

30/03/2015 08:49 AM

Vụ gửi tiết kiệm 400.000 euro không rút được tiền tại Agribank - chi nhánh Mạc Thị Bưởi mà báo chí đã đề cập hồi tuần rồi cho thấy việc quản lý ấn chỉ quá yếu kém tại ngân hàng này. Đây là nguyên nhân quan trọng gây rủi ro tác nghiệp không lường hết được trong hoạt động ngân hàng.

Giao dịch tại Agribank. Ảnh: UYÊN VIỄN

Chỉ có duy nhất một khoản tiền 400.000 euro của người gửi là Dương Thanh Nghị nhưng bằng cách nào đó lại có hai sổ tiết kiệm (STK) được phát hành: một cái do khách hàng giữ (số AM0741680); cái thứ hai (số AM0741713) hiện do chính Agribank giữ để đảm bảo khoản vay 10,4 tỉ đồng. Cả hai cái đều sử dụng phôi STK của chính ngân hàng này.

Phôi STK là một loại ấn chỉ. Đó là loại ấn phẩm được thiết kế, chế bản, in ấn theo mẫu mã quy định (của pháp luật và của riêng ngân hàng) để sử dụng trong các hoạt động nghiệp vụ của ngân hàng. Thông thường ngân hàng sẽ từ chối các giao dịch không sử dụng đúng loại ấn chỉ do ngân hàng quy định cho từng nghiệp vụ.

Các ngân hàng thường có quy trình, quy định nội bộ về quản lý và sử dụng ấn chỉ. Nhìn chung các ấn chỉ được cho là quan trọng (bao gồm phôi STK) được bảo quản, theo dõi, hạch toán kế toán chặt chẽ như đối với tiền. Nó thường được bảo quản an toàn trong kho tiền, két sắt và được mở sổ kho, thẻ kho để theo dõi đầy đủ số lượng, số seri của từng loại ấn chỉ.

Giao dịch viên giao nhận ấn chỉ như giao nhận tiền với thủ kho; họ phải mở sổ theo dõi, đảm bảo khớp đúng giữa số thực tế với số trên sổ sách kế toán, đồng thời có báo cáo sử dụng hàng ngày. Ấn chỉ hỏng, hết hạn sử dụng phải được tiêu hủy. Bộ phận hậu kiểm của ngân hàng có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc sử dụng ấn chỉ và kiểm soát rủi ro.

Chúng ta chưa biết và khó có thể biết chính xác ngân hàng đã phát hiện ra việc có hai STK cho cùng khoản tiền gửi vào lúc nào, nhưng nhiều khả năng là sau khi ông Dương Thanh Nghị trưng sổ ra yêu cầu rút tiền, vì nếu biết trước đó có lẽ ngân hàng đã chủ động liên hệ với khách hàng để tìm cách giải quyết.

Điều này cho thấy việc quản lý ấn chỉ ở ngân hàng này rất có vấn đề và là nguyên nhân đầu tiên gây ra rủi ro trong vụ này. Ai đó đã lợi dụng kẽ hở trong công tác quản lý ấn chỉ để “làm khó” ngân hàng. Quy trình, quy định thường đã được viết sẵn, nhưng việc tổ chức thực hiện trên thực tế sao cho hiệu quả luôn là thách thức lớn trong quản trị rủi ro của ngân hàng.

Còn nhớ vụ Hồ Thị Thu Hằng, kế toán kiêm giao dịch viên tại Agribank chi nhánh huyện Châu Thành, Kiên Giang bị tù chung thân do chiếm đoạt trên 36 tỉ đồng. Trong khoảng năm 2009-2012, Hằng làm “xiếc” với 161 STK với ba thủ đoạn chính: một, sử dụng ấn chỉ trắng, viết tay vào ấn chỉ đó sau đó phát hành STK cho khách hàng, không hạch toán vào sổ sách. Hai, Hằng báo ấn chỉ hủy do hư hỏng nhưng thực chất không hư và sau đó sử dụng các ấn chỉ này phát hành STK cho khách hàng, thu tiền nhưng không hạch toán vào phần mềm quản lý. Ba, tất toán khống STK của khách hàng (thực tế khách hàng không rút tiền) để chiếm đoạt số tiền đó.

Về mặt pháp lý, việc phát hành hai STK như vậy (thay vì một sổ) trên một món tiền gửi không làm phát sinh thêm trách nhiệm của ngân hàng phải trả thêm tiền bởi STK không phải là giấy tờ có giá, mà chỉ là chứng chỉ xác nhận quyền đòi nợ đối với khoản tiền đã gửi tại ngân hàng mà thôi.

Hơn nữa, việc cầm cố STK thứ hai (để đảm bảo khoản vay 10,4 tỉ đồng) trong vụ việc này cũng chưa làm mất quyền đòi nợ của chủ tiền gửi tiết kiệm (ông Nghị), mà chỉ làm hạn chế tạm thời quyền đòi khoản tiền đó thôi.

Chưa thể kết luận gì về mức độ thiệt hại vật chất của khách hàng gửi tiền hay của ngân hàng. Tuy nhiên, có thể nói ngay rằng uy tín và thương hiệu của Agribank đã bị sứt mẻ dưới mắt người tiêu dùng do nghiệp vụ quản lý rủi ro tác nghiệp yếu kém gây ra.

Nguyễn Thành Trân

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,723

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn