Tai nạn giao thông, cần điểm đúng huyệt

10/04/2013 16:25 PM

(TVPL) - Trong một công văn gần đây, thủ tướng biểu dương 13 tỉnh và phê bình 14 tỉnh về vấn đề giảm số người chết do tai nạn giao thông.

Nhưng để “chữa bệnh” cho ngành giao thông một cách căn cơ thì không chỉ cần những con số…

 

Từ một lời xin lỗi

Khi Quảng Ngãi và Bình Định được khen thì người hàng xóm Khánh Hòa lại bị phê bình. Trước đó, ông Nguyễn Chiến Thắng, chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã xin nhận kỷ luật trước chính phủ vì tai nạn giao thông (TNGT) tăng.

 

Cách hành xử này thể hiện trách nhiệm và văn hóa của người đứng đầu tỉnh trước tình trạng quản lý yếu kém. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận một cách thấu đáo và công bằng thì người phải đứng ra nhận trách nhiệm không chỉ có ông Nguyễn Chiến Thắng.

 

Đành rằng, việc khen hay phê bình các tỉnh phụ thuộc vào thống kê các vụ tai nạn trên địa bàn tỉnh đó. Nhưng, nếu như đặt những con số thống kê này vào bức tranh tổng thể của ngành giao thông thì nó không phải là điểm “yếu huyệt”.

 

Đơn cử như vụ TNGT thảm khốc ngày 8.3 ở tỉnh Khánh Hòa làm 12 chết, ở đây ta thấy trách nhiệm của nhiều bên liên đới. Điều không vô lý nhưng hơi trớ trêu là ở chỗ, 2 chiếc xe mang biển số Quảng Ngãi, Bình Định gây tai nạn do chạy quá tốc độ nhưng con số thống kê tai nạn lại được tính cho tỉnh Khánh Hòa.

 

Hình ảnh vụ tai nạn kinh hoàng tại Khánh Hòa hồi tháng trước. Nguồn: Internet

 

Qua đó để thầy rằng, một mặt cần phê bình các tỉnh có số vụ tai nạn giao thông gia tăng, nhưng mặt khác phải chẩn bệnh một cách căn cơ mà “điểm huyệt” để tránh tình trạng “quýt làm cam chịu”.

 

Chạy xe kiểu thầu khoán

Để kiểm tra tốc độ xe, cơ quan điều tra có thể giải mã hộp đen. Thông qua hộp đen, trung tâm điều phối của các hãng xe có thể biết xe của hãng đang ở chạy tốc độ nào để cảnh báo nguy hiểm. Tuy nhiên, an toàn có lúc đã không còn là tiêu chí.

 

Cách làm của nhiều hãng xe hiện này là khoán trắng chỉ tiêu cho tài xế. Trong một đơn vị thời gian, lái xe được khoán phải nộp cho công ty một hạn mức doanh thu nhất định, và được hưởng khoản tiền nếu vượt hạn mức.

 

 Hộp đen trên xe khách. Ảnh minh họa

 

Chính kiểu khoán trắng như vậy đã làm cho lái xe chạy bừa chạy ẩu để đạt doanh thu và vượt hạn mức.Tiêu chí an toàn lẽ ra phải đặt lên hàng đầu thì lại bị đặt sang một bên. Khách hàng dù  bị “thót tim” nhưng khi bước lên xe thì xem như “sự cũng đã rồi”.

 

Chưa hết, một số hãng xe còn sẵn sàng “nhượng quyền thương hiệu” cho các chủ xe ngoài. Nghĩa là chủ xe ngoài chỉ cần đến gạ gẫm hãng xe xin cho dán mác của hãng để có thương hiệu, sau đó ăn chia doanh thu với hãng.

 

Kiểu kinh doanh theo mô hình khoán cho tài xế và “nhượng quyền thương hiệu” với kiểm soát lỏng lẻo như vậy dẫn đến nhiều tài xế chạy quá tốc độ cho phép, một trong những nguyên nhân làm tăng các vụ tai nạn giao thông.

 

Còn nhiều điều để bàn

Thật không khỏi ngạc nhiên khi dọc tuyến quốc lộ 1A có rất nhiều đoạn đường dài không có lấy nổi một cột đèn. Mặc dù những yếu kém về hạ tầng giao thông đã thành chuyện “biết rồi, khổ lắm, nõi mãi”.

 

Để xảy ra số vụ tai nạn giao thông tăng trong quí I đến 6.500 vụ và số người chết đến 2.600 người, trách nhiệm chính phải thuộc về Bộ GTVT.

 

Để chấn chỉnh lại hoạt động của các hãng xe, Bộ GTVT và các cơ quan chức năng khác cần tổ chức thanh tra các hãng xe thường xuyên và nghiêm ngặt hơn để đảm bảo tiêu chí an toàn cho hành khách.

 

Bằng cách thanh tra hộp đen, cơ quan chức năng có thể kiểm soát các hãng có xe chạy vượt tốc độ và đưa ra mức phạt thích đáng.

 

Nhưng,nếu như các tài xế đều tuân thủ tuyệt đối quy định về tốc độ và an toàn giao thông đường bộ, thì công an giao thông còn biết làm gì!

 

Linh Nguyên

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,252

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn