02/06/2012 08:06 AM

- Không cần chờ đến 2013 như dự kiến, Thường vụ QH đề nghị cho ý kiến và biểu quyết luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) ngay ở kỳ họp cuối năm nay.

Nhiều ĐB khi góp ý về chương trình làm luật của QH đã yêu cầu nhanh chóng sửa đổi luật Phòng, chống tham nhũng do trong thực tế phát sinh yêu cầu mới: Nghị quyết TƯ 5 thống nhất về chủ trương thành lập Ban chỉ đạo TƯ về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị.

Phó chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Đình Quyền: Cần làm rõ cơ chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng

Do yêu cầu bức xúc của thực tiễn và sự giục giã của ĐB và cử tri, tại phiên thảo luận chiều nay (1/6), Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý cho biết Thường vụ đề nghị bổ sung dự thảo luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012.

Cụ thể, dự thảo luật này sẽ được cho ý kiến và biểu quyết theo quy trình một kỳ họp tháng 10 tới.

Theo dự kiến trước đó, dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) thuộc chương trình năm 2013, cho ý kiến ở kỳ 5 và biểu quyết ở kỳ 6.

Các ĐB cũng cho rằng luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cần được sớm sửa đổi, bổ sung vì gắn bó chặt chẽ với công tác phòng, chống tham nhũng. Vì thế, từ chỗ không có trong chương trình năm 2013, luật này được Thường vụ đề nghị đưa ra cho ý kiến ở kỳ 5 và biểu quyết ở kỳ 6.

Thay đổi đáng kể so với dự kiến trình bày ở đầu kỳ họp, những đề nghị này được hầu hết ĐB đồng tình, ủng hộ. Trao đổi bên hành lang QH, Phó chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Đình Quyền thấy luật hiện hành có những điểm chưa đi vào cuộc sống như kê khai và kiểm soát tài sản, trách nhiệm giải trình về tài sản của cán bộ, công chức…

Theo ông Quyền, có thể sửa ngay các điểm như các biện pháp phòng ngừa, trách nhiệm cụ thể của các cấp, cơ chế cung cấp thông tin. Một số điểm còn chung chung cần làm rõ, cụ thể như cơ chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng, kê khai, minh bạch tài sản…

Nhấn mạnh trọng tâm của lần sửa này là làm cho luật đi vào cuộc sống, ông Quyền tin rằng nếu “các cơ quan chịu vất vả một chút”, có thể sửa được luật trong một kỳ họp, đáp ứng yêu cầu của nhân dân về “một thay đổi nào đó để đưa đến hiệu quả trong công tác phòng chống tham nhũng”.

Luật Đất đai cần được chuẩn bị kỹ

Theo UB Thường vụ QH, luật Đất đai (sửa đổi) vẫn lùi sang năm 2013, với quy trình xem xét tại hai kỳ họp thứ 5 và thứ 6 để phù hợp với tiến trình sửa đổi Hiến pháp 1992.

ĐB Trương Trọng Nghĩa đề nghị có luật về bảo vệ chủ quyền

Do vấn đề đất đai đang quá bức xúc, các ĐB tiếp tục bày tỏ mong muốn sửa luật này sớm. ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) thấy luật đã có thời gian dài chuẩn bị, đã đủ điều kiện để xúc tiến nhanh, đặc biệt với những chỉ đạo từ hội nghị Trung ương 5 và yêu cầu cấp bách từ người dân.

Ông Học đề nghị đưa luật Đất đai (sửa đối) ra cho ý kiến vào kỳ 4 cuối năm nay để biểu quyết vào kỳ tiếp theo.

ĐB Võ Thị Dung (TP.HCM) còn chỉ ra việc các địa phương đã hoàn thành tổng kết 10 năm thực hiện pháp luật đất đai là cơ sở tốt để đẩy nhanh sửa luật Đất đai mà “người dân đang mong chờ từng ngày từng giờ”.

Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM), cần sớm sửa những điều khoản liên quan đến quyền của người dân và vai trò quản lý của nhà nước về đất đai vì “mối quan hệ này đang bộc lộ những dấu hiệu khủng hoảng, xung đột, chứng tỏ quy định hiện hành không ổn”.

Trả lời những thắc mắc của ĐB, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết đến nay Trung ương Đảng đã kết luận về 8 vấn đề đã rõ trong thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai: sở hữu đất đai, thời hạn sử dụng đất nông nghiệp, mở rộng quyền và hạn mức chuyển nhượng quyền sử dụng đất, xử lý khiếu nại tố cáo trong quá trình thu hồi đất, cải cách hành chính…

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải

Tuy nhiên, Trung ương thấy đất đai là vấn đề rất phức tạp, cần xem xét thận trọng, giao Chính phủ tiếp tục làm rõ một số nội dung để trình hội nghị Trung ương 6 tháng 10 năm nay, Trung ương sẽ ra nghị quyết định hướng các vấn đề sửa đổi trong luật Đất đai.

Những vấn đề cần làm rõ bao gồm giá đất; thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng và tái định cư; thế chấp quyền sử dụng đất; và xử lý vấn đề đất đai cho đồng bào dân tộc miền núi…

“Nếu đưa việc sửa đổi luật đất đai lên sớm vào cuối năm nay, tôi lo là những vấn đề hết sức phức tạp trên chưa đủ thời gian để xử lý đủ độ chín, chất lượng của luật không bảo đảm”, ông Hải nói. Phó Thủ tướng cho biết Trung ương đã tổng kết rằng trên 400 văn bản pháp luật về đất đai hiện đang rất chồng chéo, vênh nhau.

Để chính sách pháp luật về đất đai ổn định qua từng thời kỳ, Phó Thủ tướng đề nghị QH giữ nguyên như thời hạn đã trình, “để có một luật Đất đai mới bảo đảm chất lượng và thực chất giải quyết được những bất cập hiện nay”.

Ông Trương Trọng Nghĩa đề nghị sớm xây dựng luật Biểu tình: “Do chưa có luật, người dân biểu tình không theo chuẩn mực, hành lang gì, dễ bị người xấu lợi dụng, kích động, nếu có luật người dân sẽ biểu tình trật tự, nhiều ngòi nổ sẽ được tháo gỡ, không để xảy ra những điều đáng tiếc”.

Bản thân ông Nghĩa cũng đề nghị có luật về bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền và lợi ích quốc gia.

ĐB Đỗ Mạnh Hùng thì thấy việc quản lý vốn và tài sản nhà nước ở các tập đoàn, tổng công ty đang có nhiều sai phạm, thất thoát, đặc biệt qua những vụ việc xảy ra ở Vinashin và Vinalines. Do đó, ông đề nghị sớm có luật về quản lý vốn, tài sản nhà nước.


Chung Hoàng - Ảnh: Minh Thăng

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,050

Bài viết về

Phòng chống tham nhũng

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn