Doanh nghiệp gây ô nhiễm nguồn nước phải bị đình chỉ

01/06/2012 08:36 AM

- Đa số ý kiến ĐBQH tán thành phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật tài nguyên nước bao gồm cả nước biển vùng nội thủy, lãnh hải thuộc chủ quyền nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Chiều ngày 31/5, Quốc hội thảo luận dự thảo luật Tài nguyên nước sửa đổi.

ĐB Triệu Là Pham (Hà Giang) cho hay đưa nước biển, vùng nội thủy, lãnh hải thuộc chủ quyền vào diện điều chỉnh của luật là thích hợp khi ngay tại kỳ họp này, QH đồng thời đang xem xét dự thảo luật biển Việt Nam, trong đó khẳng định chủ quyền vùng biển của Việt Nam, và đề nghị có những quy định tương thích cùng dự thảo luật biển quy định về vùng nước thuộc chủ quyền.

Nhiều ý kiến khác cũng đề nghị mở rộng đối với cả vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa; cũng có ý kiến đề nghị chỉ điều chỉnh đối với nước biển ven bờ là 3 hải lý. Ý kiến của Thường vụ QH cho hay vùng nước thuộc lãnh hải của đất liền, đảo, quần đảo là thuộc lãnh thổ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam phải được quản lý toàn diện, đầy đủ, trong đó có tài nguyên nước. Còn vùng nước ngoài lãnh hải (vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa) thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia ven biển nên được điều chỉnh cơ bản theo luật pháp quốc tế.

Tham khảo kinh nghiệm thế giới cho thấy, pháp luật về tài nguyên nước của Cộng đồng châu Âu và các quốc gia như Philippines, Nam Phi... đều quy định chung về nước biển, không quy định cụ thể phạm vi nước biển ven bờ. Do đó, Thường vụ QH đã cho giữ quy định về phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật trên cơ sở kế thừa quy định của luật tài nguyên nước hiện hành, điều chỉnh nước biển trong phạm vi lãnh thổ quốc gia.

Đình chỉ doanh nghiệp gây ô nhiễm

Chế tài nghiêm khắc đối với những doanh nghiệp hoạt động sản xuất xả thải gây ô nhiễm nguồn nước là ý kiến của nhiều đại biểu. Các ý kiến nghiêng về kiểm soát chặt chẽ đầu vào, tức khâu thẩm định, phê duyệt dự án mà một trong những khâu quan trọng, để tránh những dự án đi vào hoạt động sản xuất gây những tác động xấu ảnh hưởng đến ô nhiễm môi trường, tác động đến cuộc sống của người dân.

ĐB Hoàng Thị Tố Nga (Nam Định) cho hay chưa có quy định đủ nghiêm xử phạt hành vi vi phạm đến tài nguyên nước, gây ô nhiễm nguồn nước. Ngay quy định yêu cầu doanh nghiệp trước khi triển khai dự án đầu tư, sản xuất phải cung cấp thông tin, lấy ý kiến của người dân về đánh giá những tác động ảnh hưởng đến môi trường, nguồn nước, nhưng việc thực hiện vẫn hình thức như dán giấy thông báo ở trụ sở xã khiến ít người dân không biết rõ để đến đóng góp ý kiến. Do đó, cần phải quy định phương pháp thông tin để người dân được biết cũng như khung thời gian để đóng góp.

ĐB Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) nêu một thực tế là những tác động xấu có thể ảnh hưởng đến nguồn nước mà doanh nghiệp gây ra không thể lộ ngay, mà diễn ra từ từ. Do đó để quy kết bồi thường doanh nghiệp ngay thì khó trong khi cuối cùng khắc phục hậu quả ngân sách Nhà nước lại phải chịu.

ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên) cho rằng luật phải quy định rõ hành vi gây ô nhiễm nghiêm trọng thì ngay lập tức phải "đình chỉ" hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cho đến khi có giải pháp khắc phục hậu quả thì mới cho hoạt động trở lại. Việc quy định "đóng cửa" không đủ răn khi doanh nghiệp vẫn có thể tìm cách hoạt động "bên trong" sau cánh cửa. "Cứ như thế này kính thưa người chưa bị lộ" là không ổn - ĐB kiến nghị.

Thảo luận về luật tài nguyên nước sửa đổi lần này, hầu hết các đại biểu cảnh báo tình trạng tài nguyên nước cạn kiệt ngày càng ô nhiễm trong quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa cũng như sử dụng lãng phí, thiếu tiết kiệm và những chế tài để xử lý các hành vi vi phạm sử dụng tài nguyên nước.  

Linh Thư

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,115

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn