28/05/2012 17:27 PM

TT - Tại cuộc họp báo của Văn phòng Chính phủ chiều 27-5, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết chủ trương của Chính phủ là xử lý nghiêm vụ Vinalines theo đúng quy định của pháp luật.

Tàu Fortune Freighter đóng năm 1997 tại Nhật Bản được Công ty cổ phần Vận tải biển VN (Vinalines nắm 60% vốn cổ phần) mua về năm 2008 - Ảnh: T.T.D.

Chưa điều chỉnh mục tiêu phát triển

Tại họp báo, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5-2012, Chính phủ thống nhất đánh giá tình hình kinh tế - xã hội đã có bước chuyển tích cực.

Theo ông Vũ Đức Đam, các giải pháp kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục phát huy hiệu quả. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm mạnh, CPI tháng 5-2012 chỉ tăng 0,18% so với tháng trước và tăng 2,78% so với cuối năm 2011... Tuy nhiên, kinh tế trong nước nổi lên một số khó khăn cần giải quyết. Để tăng tổng cầu giúp tháo gỡ một phần hàng tồn kho của các doanh nghiệp, Chính phủ đề ra biện pháp đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn chương trình mục tiêu quốc gia...

Ông Đam cũng cho biết phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh phải kiên định thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra cho năm 2012, chưa điều chỉnh bất cứ mục tiêu gì theo kế hoạch đã đề ra từ đầu năm. Chính phủ nhất trí cho rằng phải chủ động điều hành kiềm chế lạm phát ở mức 7-8%, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm tăng trưởng ở mức hợp lý khoảng 6%.

Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên khẳng định hiện nay “chưa có phương án điều chỉnh giá điện”.

Tại cuộc họp báo của Văn phòng Chính phủ chiều 27-5, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đã trả lời các câu hỏi của báo chí về vụ việc xảy ra tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết:

Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên khẳng định hiện nay “chưa có phương án điều chỉnh giá điện”.

- Việc cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng trong việc mua ụ nổi tại Vinalines là trái với sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và có các dấu hiệu vi phạm pháp luật về đầu tư. Vụ việc này đã được cơ quan điều tra khởi tố bị can và thi hành biện pháp ngăn chặn đặc biệt đối với các bị can. Chủ trương của Chính phủ là xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

Khi được cơ quan công an báo cáo có dấu hiệu vi phạm ở Vinalines, Thủ tướng Chính phủ với cương vị là trưởng Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng đã trực tiếp chỉ đạo và có văn bản chỉ đạo bộ trưởng Bộ Công an, viện trưởng Viện KSND tối cao (cũng là các thành viên Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng) tiến hành các công việc cần thiết để xử lý nghiêm khắc theo quy định pháp luật.

- Về việc bổ nhiệm người khác làm chủ tịch hội đồng thành viên của Vinalines thay ông Dương Chí Dũng, cũng như việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng làm cục trưởng Cục Hàng hải là đúng quy trình, thủ tục theo các quy định về cán bộ của Đảng và Nhà nước. Tại thời điểm Bộ GTVT có văn bản đề nghị ông Dương Chí Dũng thôi chức chủ tịch hội đồng thành viên Vinalines để bộ bổ nhiệm làm cục trưởng là vào tháng 12-2011, Bộ Nội vụ đã có văn bản thẩm định vào tháng 1-2012, đều trước thời điểm thanh tra có dự thảo kết luận (tháng 2-2012). Như vậy, việc đó là đúng thẩm quyền, đúng quy trình. Trong tất cả các hồ sơ, cho đến thời điểm báo cáo lên đều chưa có các thông tin về các sai phạm. Cũng không có quy định nào nói rằng khi một doanh nghiệp hay một đơn vị đang trong quá trình thanh tra thì không được thuyên chuyển hay bổ nhiệm cán bộ. Về cụ thể, Bộ GTVT sẽ có ý kiến chính thức trả lời báo chí.

- Cơ quan công an báo cáo đã có sự chỉ đạo áp dụng biện pháp ngăn chặn đặc biệt đối với ông Dương Chí Dũng và hiện nay ông Dũng đang bị truy nã. Việc này người phát ngôn của Bộ Công an sẽ trả lời. Về phía Chính phủ thì Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu xử lý thật nghiêm theo quy định pháp luật.

- Việt Nam là quốc gia biển thì phải tập trung phát triển ngành kinh tế biển, trong đó có vận tải hàng hải. Vì thế, đề án Bộ GTVT trình theo chủ trương đó. Đề án này đã và đang tiếp tục được các cơ quan hữu quan, các bộ, ngành, các chuyên gia... góp ý, cuối cùng sẽ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và sẽ có lộ trình thực hiện.

- Chúng ta đã thực hiện việc sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước từ nhiều năm nay, với mục tiêu đảm bảo đủ mạnh để giữ được vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, một mặt phải nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, sử dụng nguồn lực của đất nước, tạo môi trường kinh doanh ngày càng bình đẳng cho các doanh nghiệp. Đối với tất cả doanh nghiệp nhà nước, không riêng Vinashin và Vinalines, đều chịu sự quản lý của pháp luật. Trong Chính phủ cũng có sự phân công nhiệm vụ cho các bộ, ngành đúng chức năng để theo dõi, giám sát, chỉ đạo. Hằng năm Thanh tra Chính phủ đều có các kế hoạch thanh tra, Kiểm toán Nhà nước có kế hoạch kiểm toán, và các doanh nghiệp nhà nước lần lượt đều nhận được kế hoạch thanh tra, kiểm toán. Đối với bất cứ doanh nghiệp nào, khi các cơ quan chức năng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì đều chuyển đến cơ quan điều tra, bất kỳ sai phạm nào được phát hiện đều được giao nhiệm vụ điều tra và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

VÕ VĂN THÀNH ghi

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,643

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn