26/05/2012 10:16 AM

- Thảo luận dự thảo luật Công đoàn (sửa đổi) chiều 25/5, Chủ nhiệm UB Pháp luật QH Phan Trung Lý cho biết có ý kiến đề nghị nên gọi là Tổng Công đoàn VN thay cho Tổng Liên đoàn lao động VN.

Ủng hộ đề xuất này, UB Pháp luật đề nghị quy định tên gọi Tổng Công đoàn ngay trong dự án luật, tên gọi cụ thể của công đoàn các cấp dưới sẽ do điều lệ Công đoàn Việt Nam quy định. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các cơ quan hữu quan sẽ phải dự kiến về nguồn lực, thời gian, cách thức tổ chức thực hiện và các điều kiện bảo đảm khác để việc thay đổi tên gọi được thực hiện thống nhất trong hệ thống tổ chức công đoàn, không ảnh hưởng đến tổ chức và hoạt động của công đoàn các cấp.

ĐB Nguyễn Ngọc Phương, Quảng Bình, cho rằng chưa nên đổi tên vào thời điểm này mà nên chờ sửa xong Hiến pháp 1992.

Cân nhắc kỹ lao động nước ngoài tham gia công đoàn

Sau nhiều lần thảo luận, nội dung này trong dự thảo luật sửa đổi vẫn nhận được nhiều ý kiến khác nhau. UB Pháp luật QH phải đưa ra hai phương án: 1, không quy định quyền gia nhập và hoạt động công đoàn Việt Nam của lao động nước ngoài; 2, quy định lao động nước ngoài làm việc từ 6 tháng trở lên tại các doanh nghiệp ở Việt Nam có tổ chức công đoàn được gia nhập và hoạt động công đoàn, nhưng không được tham gia vào cơ quan lãnh đạo công đoàn các cấp.

Ảnh: Minh Thăng

ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) ủng hộ phương án 2. Ông nhận định trong hàng chục ngàn lao động nước ngoài ở Việt Nam, nhiều người có nguyện vọng gia nhập công đoàn để tham gia các hoạt động và được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Trên thực tế, quan hệ giữa lao động nước ngoài với người sử dụng lao động ở một số nơi có phát sinh mâu  thuẫn.

“Nếu họ tự nguyện và cam kết tuân thủ pháp luật VN thì nên để họ gia nhập công đoàn”, ông Vinh nói.

ĐB Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) thì cho rằng ở các doanh nghiệp do nước ngoài đầu tư, quản lý, nếu có người nước ngoài trong công đoàn, quyền lợi của người lao động sẽ được bảo vệ tốt hơn, việc vận động người nước ngoài thực hiện pháp luật VN cũng tốt hơn.

Nhiều ĐB đồng tình nhưng cho rằng chi tiết “không được tham gia vào cơ quan lãnh đạo công đoàn các cấp” không nên để trong luật để tránh gây hiểu nhầm về sự phân biệt đối xử, mà nên để trong điều lệ công đoàn.

Tuy nhiên, vẫn có ý kiến phản đối. ĐB Nguyễn Minh Lâm (Long An) đề nghị không quy định cho người lao động nước ngoài gia nhập công đoàn vì lo ngại công đoàn bị chi phối bởi chủ doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt nếu lao động nước ngoài được gia nhập vào công đoàn, họ phải có quyền tham gia ứng cử vào vị trí lãnh đạo công đoàn.

“Lao động nước ngoài ở Việt Nam phần đông cũng là chuyên gia, lao động kỹ thuật cao, quyền lợi đã được bảo đảm”, ông Lâm nói.

Ông Lâm đề xuất chỉ nên quy định người lao động nước ngoài không được phép gia nhập công đoàn nhưng vẫn được tham gia hoạt động mà công đoàn tổ chức.

ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cũng thấy không cần thiết quy định vấn đề này trong luật, vì điều 1 của dự thảo đã nói công đoàn không chỉ có trách nhiệm bảo vệ quyền, lợi ích của đoàn viên công đoàn mà còn có trách nhiệm bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động nói chung, trong đó có lao động là người nước ngoài.

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho biết do còn hai ý kiến chưa thống nhất, sẽ phát phiếu để xin ý kiến ĐB.

Kiểm tra việc sử dụng công đoàn phí

Đa số các ĐB ủng hộ mức đóng quỹ công đoàn bằng 2% tổng quỹ lương thực trả cho người lao động.

“Kinh phí là điều kiện cần thiết, tối thiểu cho hoạt động công đoàn, nếu không có kinh phí thì hoạt động công đoàn sẽ bị suy yếu”, ĐB Phạm Huy Hùng (Hà Nội) nói. “Kinh phí công đoàn phải được dùng cho tổ chức các phong trào động viên, khen thưởng thi đua sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; nâng cao trình độ kỹ năng nghiệp vụ cho người lao động; thực hiện thăm hỏi, chia sẻ, giúp đỡ người lao động lúc ốm đau...”.

Tuy nhiên, các ĐB cũng lưu ý QH việc tranh tra, kiểm tra đánh giá việc sử dụng nguồn phí này ở các doanh nghiệp trong thời gian qua, xem có được dùng đúng mục đích và góp phần bảo vệ quyền lợi cho người lao động không.

Chung Hoàng

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,330

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn