16/04/2012 08:16 AM

Mấy ngày gần đây, đầu làng ngõ phố đâu đâu cũng thấy người dân bàn đến chuyện sắp được tăng lương. Quả thực, thông tin từ ngày 1/5, mức lương tối thiểu chung sẽ là 1.050.000 đồng/tháng, tăng 220.000 đồng/tháng so với mức lương 830.000 đồng/tháng so với hiện hành mang đến cho cả người được hưởng hương lẫn những người không hưởng lương nhiều tâm trạng khác nhau.

Người dân lo ngại lương tăng 1, giá cả sẽ tăng hai, còn Chính phủ thì khẳng định, nếu có chuyện tăng lạm phát do tăng lương thì đó hoàn toàn là lỗi của yếu tố tâm lý.

ảnh minh họa
ảnh minh họa

Từ 1/5: lương tối thiểu 1.050.000 đồng/tháng

Theo Nghị định 31/2012/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu chung vừa được Chính phủ ban hành ngày 12/4, mức lương tối thiểu chung thực hiện từ 1/5/2012 là 1.050.000 đồng/tháng, tăng 220.000 đồng/tháng so với mức lương 830.000 đồng/tháng so với hiện hành.

Mức lương tối thiểu chung nêu trên áp dụng với cán bộ, công chức, viên chức, các đối tượng thuộc lực lượng vũ trang và người lao động làm việc ở các cơ quan, đơn vị, tổ chức gồm: Cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; đơn vị sự nghiệp của Nhà nước; đơn vị sự nghiệp của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; Cty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu được tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật DN.

Mức lương tối thiểu chung quy định trên được dùng làm cơ sở để tính các mức lương trong hệ thống thang lương, bảng lương, mức phụ cấp lương và thực hiện một số chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, các đối tượng thuộc lực lượng vũ trang và người lao động làm việc ở các cơ quan, đơn vị, tổ chức theo quy định.

Mức lương này còn dùng để tính trợ cấp kể từ ngày 1/5/2012 trở đi đối với lao động dôi dư theo Nghị định số 91/2010/NĐ-CP ngày 20/8/2011 của Chính phủ quy định chính sách đối với người lao động dôi dư khi sắp xếp lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu; tính các khoản trích và các chế độ được hưởng tính theo lương tối thiểu chung.

Nghị định của Chính phủ quy định rõ, kinh phí thực hiện đối với các đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm từ các nguồn. Một là, sử dụng 10% tiết kiệm chi thường xuyên (trừ tiền lương và các khoản có tính chất lương) theo dự toán đã được cấp có thẩm quyền giao năm 2012 của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp.

Hai là sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ năm 2012 của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp có thu. Riêng đối với các đơn vị sự nghiệp thuộc ngành y tế, sử dụng tối thiểu 35% số thu để lại theo chế độ (sau khi trừ chi phí thuốc, máu, dịch truyền hóa chất, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế).

Ba là sử dụng 50% nguồn tăng thu ngân sách địa phương, không kể tăng thu tiền sử dụng đất (bao gồm 50% nguồn tăng thu hiện so với dự toán thu năm 2011 Thủ tướng Chính phủ giao và 50% tăng thu dự toán năm 2012 so với dự toán thu năm 2011 Thủ tướng Chính phủ giao).

Bốn là, nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương còn dư đến hết năm 2011 của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và các cấp ngân sách địa phương. Bên cạnh đó, Ngân sách trung ương bổ sung nguồn kinh phí để thực hiện mức lương tối thiểu chung trong trường hợp các Bộ, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thực hiện đúng các quy định nêu trên nhưng vẫn còn thiếu.

Ngân sách trung ương hỗ trợ những địa phương khó khăn, chưa cân đối được nguồn với mức bình quân 2/3 so với mức lương tối thiểu chung đối với người hoạt động không chuyên trách xã, phường, thị trấn, ở thôn và tổ dân phố được xác định theo đúng quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ.

Kinh phí thực hiện mức lương tối thiểu chung đối với người lao động làm việc trong các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu được tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật doanh nghiệp do công ty bảo đảm và được hạch toán vào giá thành hoặc chi phí sản xuất kinh doanh.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2012  nhưng các quy định nêu tại Nghị định được tính hưởng từ ngày 1/5/2012.

Tăng nhưng…vẫn còn bất cập

Ngay từ tháng 10/2011, khi trình phương án tăng lương tối thiểu lên mức 1.050.000 đồng, Chính phủ đã nhận được sự đồng tình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Một số Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội còn đề nghị đưa mức lương tối thiểu lên 1.100.000 đồng để bảo đảm đời sống cho cán bộ, công chức nhà nước.

Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cũng cho rằng, so với Đề án cải cách tiền lương, đến nay, việc thực hiện còn chậm, mức lương tối thiểu và phụ cấp công vụ ở mức thấp, chưa mang tính đột phá. Do đó, Chính phủ cần có phương án tách bạch giữa công chức, viên chức, cán bộ nghỉ hưu để có lộ trình tăng lương cho phù hợp.

Từ đó, có bước cải cách tích cực hơn về mức nâng lương tối thiểu và phụ cấp công vụ cho đội ngũ công chức nhà nước để bảo đảm đời sống công chức và thu hút lao động trí tuệ cao ở lĩnh vực này.

Theo phân tích của Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, ở nước ta hiện nay, tiền lương cơ bản còn thấp, mang tính bình quân. Việc trả lương, quản lý và đánh giá cán bộ, công chức, viên chức theo ngạch, bậc chủ yếu dựa vào bằng cấp và thâm niên công tác, chưa theo yêu cầu vị trí việc làm. Trong không ít cơ quan, đơn vị có tình trạng người có ngạch, bậc lương thấp hơn lại làm tốt hơn những phần việc của người có ngạch, bậc lương cao hơn, nhưng không được trả lương cao.

Bên cạnh đó, thu nhập của cán bộ, công chức chưa thực sự bình đẳng giữa các ngành, các lĩnh vực; còn quá nhiều loại phụ cấp ưu đãi chưa hợp lý ở các ngành, nghề. Chẳng hạn, cán bộ, công chức trong các cơ quan Đảng, tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến cấp huyện được hưởng phụ cấp 30% trong khi các cơ quan Nhà nước chỉ 10%. Nhà giáo hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề từ 25-70%; viên chức y tế từ 20-70% trong khi nhà giáo, viên chức y tế công tác tại bộ, sở phòng chuyên môn lại chỉ được hưởng mức 10% ....

Yếu tố tâm lý: Thủ phạm tăng lạm phát

Tuy vậy, đã thành thông lệ, mỗi khi lương tăng, giá cả các nhu yếu phẩm cần thiết ngoài thị trường đều rục rịch tăng theo. Niềm vui tăng lương của một bộ phận nhỏ cán bộ, công chức hưởng lương, bất đắc dĩ lại trở thành nỗi lo của toàn xã hội.

Tuy nhiên, tại buổi đối thoại trực tuyến với nhân dân qua Cổng thông tin điện tử Chính phủ mới đây, trả lời thắc mắc của người dân về việc mỗi lần tăng lương là một lần các mặt hàng tiêu dùng ào ạt tăng giá, khiến việc tăng lương không mang lại ý nghĩa đích thực của nó là cải thiện đời sống cho công chức, viên chức mà còn tạo cơ hội cho lạm phát tăng cao, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ khẳng định: “Chính phủ chưa bao giờ in thêm tiền để trả lương cho người lao động”.

Giải thích rõ hơn về vấn đề này, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết, nguồn tăng lương hàng năm hoàn toàn dựa vào tăng thu ngân sách Nhà nước. Ví dụ, tất cả các bộ, ngành địa phương đều phải dành 50% số vượt thu hàng năm để làm công tác cải cách tiền lương, địa phương nào thừa phải nộp cho Trung ương, thiếu thì được hỗ trợ. Như vậy: “Chính phủ chưa bao giờ in thêm tiền để trả lương cho người lao động, do đó bản chất của việc tăng lương không gắn với vấn đề tiền tệ, về cung tiền, nên không gắn với lạm phát”.

Mặc dù khẳng định việc tăng tiền lương không liên quan đến cung tiền, không trực tiếp làm gia tăng lạm phát nhưng Bộ trưởng Vương Đình Huệ cũng khẳng định, đối với khu vực sản xuất, khi tiền lương tăng, sẽ đẩy giá thành và chi phí tăng lên, tác động một phần tới giá bán. Thứ hai, việc tăng lương làm quỹ tiêu dùng xã hội tăng lên, tổng cầu tăng lên.

Như vậy, biện pháp quan trọng nhất là khi tăng lương phải tăng năng suất lao động xã hội tương ứng, để đảm bảo cân đối tiền – hàng thì sẽ không xảy ra hiện tượng chi phí đẩy hay lạm phát…, tức là tiền lương tăng lên nhưng giá thành, giá bán đơn vị sản phẩm không thay đổi. Tất nhiên, để đạt được điều này như mong muốn của Bộ trưởng Tài chính còn là cả một bài toán khó khăn đối với mỗi người dân cũng như đối với các cơ quan, doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ :

 

Yếu tố tâm lý hết sức quan trọng

- Chúng ta mong muốn tăng thu nhập thực tế, chứ không phải tiền lương danh nghĩa, lương tăng 1 mà giá cả tăng 1,5 hoặc 2 lần thì không có ý nghĩa gì...

Theo tôi, yếu tố tâm lý hết sức quan trọng. Nếu chúng ta minh bạch chích sách, giải thích kỹ, tăng lương sẽ không gây ra tâm lý “té nước theo mưa”.

Trong tháng 10/2011, chúng ta điều chỉnh lương tối thiểu cho khu vực sản xuất, nhưng tháng 8, 9, 10, 11, chỉ số CPI vẫn tiếp tục giảm nhờ chúng ta làm tốt công tác truyền thông.

Từ ngày 1/5 này, mức lương cơ bản với cán bộ, công chức, người nghỉ hưu, người có công tăng từ 830.000 đồng lên 1.050.000 đồng. Phụ cấp công vụ sẽ tăng từ 10% lên 25%. Chúng ta sẽ phải tiếp tục tuyên truyền, giải thích rõ với đông đảo người dân, để họ thấy rằng việc tăng lương không trực tiếp ảnh hưởng đến các yếu tố về cung tiền, đến lạm phát.

Nếu chúng ta làm tốt, tôi nghĩ rằng yếu tố lạm phát kỳ vọng sẽ được kiềm chế, lạm phát thực tế sẽ không đi trước hay song hành với việc tăng lương.

Trong năm tới đây, nếu tăng lương như vậy mà vẫn kiềm chế lạm phát ở mức dưới một con số, có thể nói chúng ta đã thành công. Tuy nhiên, đây cũng là một nhiệm vụ rất gian khổ, khó khăn.

Lan Phương

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,590

Bài viết về

Cải cách tiền lương

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn