09/04/2012 13:43 PM

Sau khi xem xét đầy đủ các luật liên quan, cơ quan kiểm tra văn bản của Bộ Tư pháp khẳng định, không có bất kỳ quy định nào cho phép HĐND cấp tỉnh thẩm quyền để tước đoạt hay ngăn cản quyền lợi hợp pháp của công dân.

Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) vừa hoàn tất văn bản gửi HĐND Đà Nẵng về việc kiểm tra nghị quyết 23 của HĐNĐ thành phố này. Trong điều 1 của nghị quyết này quy định "tạm dừng giải quyết đăng ký thường trú mới vào khu vực nội thành đối với các trường hợp chỗ ở là nhà thuê, mượn, ở nhờ mà không có nghề nghiệp hoặc có nhiều tiền án, tiền sự".

Sau khi xem xét các quy định của Luật Tổ chức HĐND và UBND, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Cư trú, Cục kiểm tra văn bản khẳng định, "các luật đã dẫn không có bất cứ quy định nào cho phép HĐND cấp tỉnh quyền 'tạm dừng' (ngưng) hiệu lực của Luật Cư trú để từ đó tước đoạt hay ngăn cản việc hưởng quyền lợi hợp pháp của công dân được Quốc hội (bằng luật) trao cho họ. Luật do Quốc hội ban hành phải được thi hành nghiêm chỉnh, thống nhất trong phạm vi toàn quốc. Việc tạm ngưng hiệu lực của luật nếu có phải do Quốc hội quyết định".

Ảnh: Nguyễn Đông.

Người dân đến hỏi thủ tục nhập cư vào Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông.

Cũng theo cơ quan kiểm tra văn bản của Bộ Tư pháp (căn cứ vào Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật), Luật Cư trú được ban hành sau Luật Tổ chức HĐND và UBND đồng thời có những quy định cụ thể về đối tượng, điều kiện... được nhập hộ khẩu thường trú vào một địa bàn hành chính, lãnh thổ. Do vậy, các quy định này phải có hiệu lực, không thể viện dẫn Luật Tổ chức HĐND và UBND quy định về thẩm quyền của HĐND để đưa ra các quy định trái Luật Cư trú.

Dẫn ra trường hợp của Hà Nội và TP HCM về vấn đề cư trú (siết nhập cư thông qua quy định về diện tích tối thiểu là 5 m2 sàn mỗi người), Cục kiểm tra văn bản cho biết, hai thành phố này cũng không loại trừ các trường hợp "chỗ ở là nhà thuê, mượn, ở nhờ mà không có nghề nghiệp hoặc có tiền án, tiền sự" như quy định của HĐND Đà Nẵng.

Cục kiểm tra còn đề cập tới hai nội dung khác của Nghị quyết 23 của HĐND Đà Nẵng. Theo đó, quy định "Đối với học sinh chưa đủ tuổi theo quy định đi xe máy thì xử phạt nặng và tạm giữ xe 60 ngày" do HĐND thành phố trực tiếp đưa ra hình thức xử lý là không đúng thẩm quyền. Việc "tạm dừng đăng ký mới đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ" là cần thiết song cần phải có quy định thời gian cụ thể của việc tạm dừng và các điều kiện kèm theo.

Với các phân tích này, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đề nghị HĐND thành phố Đà Nẵng tự kiểm tra, hủy bỏ các nội dung về tạm dừng giải quyết đăng ký thường trú, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật giao thông; đồng thời cần có hướng dẫn cụ thể về thời hạn của việc tạm dừng đăng ký mới đối với cơ sở kinh doanh cầm đồ và các điều kiện kèm theo.

Theo quy định hiện hành, việc tự kiểm tra, xử lý phải được thực hiện ngay tại kỳ họp tới đây của HĐND thành phố Đà Nẵng.

Cuối tháng 12/2011, HĐND Đà Nẵng thông qua nghị quyết về việc tạm dừng đăng ký mới nhập cư vào thành phố. Theo nghị quyết này, người từ các địa phương khác đến Đà Nẵng sẽ không được đăng ký hộ khẩu thường trú. Tuy nhiên, họ vẫn được đăng ký tạm trú.

Giám đốc Sở Tư pháp Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn từng đã dẫn ra hàng loạt quy định của Luật cư trú, Luật tổ chức HĐND và UBND và khẳng định: việc tạm dừng đăng ký thường trú mới tại khu vực nội đô thành phố để xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên là không trái Luật cư trú và các quy định pháp luật khác. Trong thời gian chưa có ý kiến của cấp trên, thành phố này đã hạn chế nhập cư tại hai quận trung tâm là Thanh Khê và Hải Châu.

Nguyễn Hưng

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,005

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn