Sửa quy định xử phạt vi phạm trong bán hàng đa cấp

02/11/2017 07:55 AM

Đây là đề xuất của Bộ Công Thương tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp.

Bộ Công Thương cho biết, dự thảo sửa đổi Điều 36 Nghị định 71/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết Luật Cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh, nhằm cập nhật các hành vi vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp, đảm bảo tính thống nhất với Nghị định thay thế Nghị định 42/2014/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp.

Cụ thể, Điều 36 được sửa đổi, bổ sung như sau: Khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 quy định xử phạt đối cá nhân người tham gia bán hàng đa cấp, với mức độ hành vi được phân bổ theo hướng tính nghiêm trọng tăng dần, mức chế tài xử lý tăng dần, thấp nhất là 01 triệu đồng, cao nhất là 40 triệu đồng.

Khoản 5, khoản 6, khoản 7 quy định chế tài xử phạt đối với doanh nghiệp bán hàng đa cấp, với mức chế tài thấp nhất là 50 triệu đồng, cao nhất là 100 triệu đồng.

Khoản 8 quy định việc tăng mức phạt lên gấp hai lần trong trường hợp vi phạm được thực hiện trên phạm vi từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên (tối đa 200 triệu đồng).

Khoản 9 quy định các biện pháp xử phạt bổ sung và khắc phục hậu quả.

So với Khoản 3 Điều 36 Nghị định 71/2014/NĐ-CP, dự thảo cũng bỏ một số hành vi không còn bị cấm theo Nghị định thay thế Nghị định 42/2014/NĐ-CP.

Đồng thời dự thảo cũng sửa đổi Điều 40 Nghị định 71/2014/NĐ-CP để bổ sung thẩm quyền của các cơ quan liên quan như Chủ tịch Ủy ban nhân dân, quản lý thị trường, thanh tra.

Cụ thể, để đảm bảo tính thống nhất của các Nghị định của Chính phủ có quy định về xử lý vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp, dự thảo tiếp cận theo hướng quy định chế tài xử lý đối với tất cả các hành vi vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp vào Nghị định này, loại bỏ quy định về chế tài xử lý vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp tại các Nghị định khác (Nghị định 185/2013/NĐ-CP và Nghị định 124/2015/NĐ-CP). Như vậy, các cơ quan liên quan như Chủ tịch Ủy ban nhân dân, quản lý thị trường và thanh tra đang có thẩm quyền xử lý các vi phạm này sẽ không còn thẩm quyền xử lý.

Do đó, dự thảo bổ sung quy định về thẩm quyền xử lý của các cơ quan liên quan như Chủ tịch Ủy ban nhân dân, quản lý thị trường và thanh tra để đảm bảo các cơ quan này có cơ sở tiếp tục thực hiện chức năng xử lý như đang được quy định tại Nghị định 185/2013/NĐ-CP và Nghị định 124/2015/NĐ-CP.

Lan Phương

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,553

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn