Doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đảm bảo số lượng lao động đóng BHXH

19/04/2017 15:31 PM

Ngày 17/4, trong khuôn khổ phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý (lần 2) dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển phát biểu kết luận nội dung thảo luận

Báo cáo một số vấn đề lớn trong tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho thấy, để bảo đảm tính khả thi trong khả năng nguồn lực có hạn, dự thảo Luật đã tiếp thu, bổ sung quy định về tiêu chí doanh nghiệp nhỏ và vừa, giảm mức trần về số lao động từ 300 xuống 200 lao động; bổ sung điều kiện lao động tham gia BHXH.

Báo cáo nêu rõ, theo thống kê của BHXH Việt Nam, năm 2015, trong khoảng 480.000 doanh nghiệp đang hoạt động và có đăng ký mã số thuế, chỉ có 199.500 doanh nghiệp tham gia BHXH, chiếm khoảng 42% tổng số doanh nghiệp. Việc bổ sung tiêu chí lao động tham gia BHXH không chỉ thu hẹp đối tượng mà còn tạo cơ sở để doanh nghiệp nhỏ và vừa tuân thủ pháp luật về BHXH.

Đối với các đối tượng có trọng tâm cũng đã quy định rõ hơn về đối tượng, điều kiện, nội dung hỗ trợ. Cụ thể, hộ kinh doanh khi thực hiện chuyển đổi thành doanh nghiệp được hỗ trợ thủ tục đăng ký, sau khi chuyển đổi thì doanh nghiệp được hỗ trợ tư vấn miễn phí về thuế, kế toán trong thời hạn 3 năm, miễn lệ phí môn bài trong 3 năm.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị được đào tạo chuyên sâu về trình độ công nghệ kỹ thuật, thúc đẩy liên kết, hỗ trợ thử nghiệm, phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường tại khoản 4 Điều 17; ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ, cấp bù lãi suất để hỗ trợ các ngân hàng cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị…

Cho ý kiến về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, việc bổ sung tiêu chí lao động tham gia BHXH vào dự thảo Luật nhằm thể hiện trách nhiệm của giới chủ. “Tôi tin rằng, đưa câu chuyện này ra Quốc hội sẽ thuyết phục. Tôi cũng được thuyết phục bởi nội dung này. Hiện tiền nợ BHXH, chúng ta chưa sờ đến thôi, nếu chúng ta giám sát chuyên đề này, thì chắc chắn sẽ có nhiều vấn đề”- Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Về việc đề nghị bổ sung chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh (Điều 15), báo cáo của Thường trực Ủy ban Kinh tế cho thấy: Theo phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ chiếm đa số trong tổng số doanh nghiệp. Những doanh nghiệp này quy mô nhỏ, tiềm lực tài chính hạn chế trong khi vẫn phải áp dụng các quy định phức tạp về hệ thống sổ sách kế toán, nhân sự quản lý tài chính như các doanh nghiệp vừa.

Do vậy, dự thảo Luật đã tiếp thu, bổ sung tại Điều 9 quy định để tạo cơ sở pháp lý cho luật chuyên ngành sửa đổi, bổ sung cho nhóm doanh nghiệp này được áp dụng thủ tục thuế và kế toán đơn giản hơn hỗ trợ cho nhóm doanh nghiệp này.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo tại phiên họp

Về ý kiến phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của các Quỹ phát triển DNNVV, Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV, bảo đảm hiệu quả, tránh chồng chéo. Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, Dự thảo Luật đã tiếp thu, bỏ quy định về Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tại địa phương. Hiện nay, dự thảo Luật chỉ quy định về ba quỹ, trong đó có hai quỹ đã được thành lập và hoạt động.

Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV: Đến nay đã có 27 quỹ được thành lập tại các địa phương, tuy nhiên hiệu quả hoạt động chưa cao. Dự thảo Luật đã tiếp thu, quy định một số nguyên tắc về tổ chức, hoạt động của Quỹ bảo đảm Quỹ có thể huy động được các nguồn lực ngoài ngân sách, đồng thời hoạt động kinh doanh có hiệu quả trong việc hỗ trợ các DNNVV tiếp cận được các nguồn vốn chính thức của các tổ chức tín dụng.

Quỹ phát triển DNNVV: Quỹ được thành lập từ năm 2013 tuy nhiên, mô hình hoạt động của Quỹ còn mới, chưa có khung pháp lý cụ thể, quy định rõ ràng, đến nay Quỹ mới thực hiện cho vay được rất ít.. Dự thảo Luật đã điều chỉnh hoạt động của Quỹ theo hướng đối với các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước cấp cho Quỹ hoạt động sẽ tập trung hỗ trợ các DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; đối với các nguồn vốn tiếp nhận, tài trợ, viện trợ, đóng góp, ủy thác của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thì sẽ hỗ trợ các DNNVV đáp ứng các điều kiện của Quỹ phù hợp quy định của pháp luật.

Còn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tư nhân là quỹ mới, thực chất là quỹ rủi ro mạo hiểm đã hoạt động thành công ở nhiều quốc gia trên thế giới. Việc thành lập quỹ này có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Dự thảo Luật quy định mang tính nguyên tắc, tạo hành lang pháp lý để thực hiện chủ trương xã hội hóa nguồn lực để tăng đầu tư, tài trợ cho các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân khởi nghiệp sáng tạo.

Tại phiên họp, các đại biểu đã thảo luận về việc Hỗ trợ mặt bằng sản xuất cho doanh nghiệp cần tránh cấp rời, cấp lẻ và không hy sinh môi trường cho kinh tế; đặc biệt là việc làm rõ quy định về trách nhiệm của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong Dự thảo Luật.

Phát biểu kết thúc phiên họp cho ý kiến về dự thảo luật này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, về cơ bản Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với hướng tiếp thu, giải trình về dự thảo luật mà Ủy ban Kinh tế đã thẩm tra.

Thường vụ Quốc hội khẳng định đây là luật chung, luật khung đưa ra nguyên tắc pháp lý để sửa các luật khác như Luật thuế, Luật đất đai, Luật các tổ chức tín dụng...

Tên gọi dự án luật sẽ giữ đúng như dự thảo luật. Về tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa thì có 3 tiêu chí: doanh thu, vốn và lao động. Riêng về lao động, lấy trần 200 lao động là hợp lý và những lao động này phải tham gia BHXH để bảo vệ quyền lợi của người lao động, đề cao trách nhiệm của người chủ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng đề nghị rà lại Điều 30 để không ảnh hưởng chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức như VCCI, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa và các ngành nghề khác. Bên cạnh đó, cũng cần rà soát lại Mục 2 Điều 15, Điều 10, 16, 17.Về thời điểm thi hành luật, cần xác định có lộ trình để sửa các luật có liên quan.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đưa dự án này ra kỳ họp thứ 3 để Quốc hội xem xét, thông qua.

Thu Hương

Theo Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,219

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn