Chất vấn xong, phải gây áp lực với bộ trưởng

22/11/2011 11:16 AM

- Sau chất vấn, Quốc hội phải ra được nghị quyết, ghi lại giải pháp mà bộ trưởng hứa để sau này giám sát - đại biểu Lê Thanh Vân (Hải Phòng), nguyên phó Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp trao đổi trước phiên chất vấn.


Giải quyết trọn vấn đề

Từng nghiên cứu nhiều năm về hoạt động Quốc hội và bây giờ trở thành đại biểu của nhiệm kỳ mới, theo ông, hoạt động chất vấn nên thay đổi theo hướng nào?

- Nếu có một quy trình thủ tục tốt thì hoạt động chất vấn sẽ đạt hiệu quả cao hơn. Quy trình chất vấn hiện nay về cơ bản là tốt nhưng đang bộc lộ một số hạn chế.

Việc quyết định lựa chọn bộ trưởng nào sẽ đăng đàn trả lời chất vấn đang dựa trên hai căn cứ. Thứ nhất là chọn vị nào có số lượng đại biểu chất vấn nhiều. Thứ hai là vấn đề mà dư luận bức xúc.

Tôi đề nghị nên đưa vào luật quy định về cơ sở của việc quyết định chọn vấn đề chất vấn.

Theo ông, việc lựa chọn vị trưởng ngành nào đăng đàn nên căn cứ trên cơ sở nào?

- Nên bổ sung đề xuất từ các ủy ban của Quốc hội.

Ông Lê Thanh Vân (phải): Đại biểu phải có quyền truy cập bất cứ mạng thông tin nào họ muốn. Ảnh:Ngọc Thắng

Về thời gian chất vấn, hiện nay hạn chế hỏi không quá 3 phút, trả lời không quá 7 phút để có được nhiều lượt hỏi, đáp.

Theo tôi, có thể ấn định thời gian hỏi, đáp, nhưng không nên ấn định thời gian cho một vấn đề được nêu. Tất nhiên cũng không thể để ngỏ được. Nên chăng cần quy định là ở mỗi buổi chất vấn, phải giải quyết trọn vẹn một vấn đề cho xong, tiếp đó mới chuyển sang vấn đề khác.

Theo đó, chủ tọa sẽ hỏi là Quốc hội có tán thành với câu trả lời và giải pháp mà bộ trưởng đưa ra không. Sau đó, Quốc hội sẽ biểu quyết tán thành hay không bằng cách ra nghị quyết. Nghị quyết phải đưa ra áp lực với bộ trưởng, ghi lại giải pháp giải quyết vấn đề mà bộ trưởng đã hứa để sau đó bộ trưởng báo cáo lại.

Như vậy, nghị quyết được xem là một sự ràng buộc chính trị cho người trả lời?

- Ở đây phải bàn đến trách nhiệm chính trị của cả bộ trưởng và đại biểu.

Hiện nay, đại biểu QH đã đặt những câu hỏi đúng hướng, bám sát thực tiễn nhưng có nhiều nội dung đưa ra chưa có căn cứ, thiếu cơ sở.

Nên quy định là các đại biểu đặt câu hỏi phải có căn cứ. Có thể dẫn chứng luật hoặc là phải chịu trách nhiệm về các căn cứ đưa ra, có như thế ý kiến các đại biểu mới thực sự sắc nét.

Bộ trưởng cũng cần trả lời cụ thể, đúng vấn đề mà đại biểu hỏi chứ không chỉ nêu giải pháp có tính chiến lược. Họ có thể nói ngay các vấn đề xuất phát từ thực tiễn điều hành, với giải pháp cụ thể, chẳng hạn, với quyết tâm của  mình, tôi sẽ giải quyết vấn đề sau ba tháng hoặc sáu tháng.

Không nên đặt câu hỏi theo dư luận

Vậy còn về phía đại biểu, họ nên thay đổi từ đâu để không còn tình trạng đặt câu hỏi thiếu căn cứ như ông vừa phân tích?

- Có hiện tượng chệch hướng đó là vì các đại biểu hiện hoạt động đơn thương độc mã, không có bộ máy giúp việc. Nguồn thông tin rất ít, chủ yếu qua báo chí và dân chúng. Song nhiều khi thông tin đó cũng có thể chưa chính xác.

Theo tôi, nên khắc phục bằng cách quy định mỗi đại biểu phải có thư ký và bộ máy giúp việc để rà soát thông tin. Luật tiếp cận thông tin cũng phải đi đến các quy định về cung cấp thông tin cho đại biểu.

Đại biểu phải có quyền truy cập bất cứ mạng thông tin nào họ muốn. Chỉ như vậy họ mới đại diện được cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, có đầy đủ thông tin để chất vấn. Thông tin như thế mới trở thành quyền lực.

Ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng của người điều hành và kỳ vọng gì vào sự điều hành lần đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng?

- Lâu nay, điều hành Quốc hội đều đã điều hành nhiều diễn đàn khác nhau, do đó cách làm việc của họ rất bài bản. Tôi cũng tin Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng sẽ có cách điều hành linh hoạt.

Phản ứng của chủ tọa kỳ họp có thể là cú hích tạo không khí tranh luận đúng hướng, đúng trọng tâm ở một phiên chất vấn.

Ví dụ, khi người hỏi có hỏi lệch trọng tâm thì chủ tọa có thể kịp thời nắn lại. Hoặc khi người trả lời mà né tránh, chuyển hướng khác thì vị chủ tọa cũng có thể lưu ý để họ quay trở lại đúng đường. Có như thế mới đạt yêu cầu là chất vấn phải giải quyết rốt ráo vấn đề. Cũng có đôi khi thái độ hai bên gay gắt, thì chủ tọa chính là người điều hòa mối quan hệ.

Họ phải giữ vai trò như một nhạc trưởng. Lái cho cả hai bên hỏi - đáp không đi chệch hướng mà phải đi về đúng trục đường chính, đó chính là trục lợi ích chung của dân, của nước.

Cựu Chủ tịch QH Nguyễn Văn An đã từng nhiều lần làm dịu được không khí các buổi chất vấn căng thẳng. Nhưng cũng có nhiều lần ông làm nóng không khí đang "nguội".

Bộ trưởng Tài chính và Giao thông đang nhận được rất nhiều câu hỏi. Ông kỳ vọng gì vào phiên chất vấn hai vị này khi họ mới nhậm chức được hơn ba tháng?

- Khi nhậm chức, Bộ trưởng Vương Đình Huệ và Đinh La Thăng đã phải suy nghĩ đề ra giải pháp mới cho công việc, nhưng mặt khác phải đối mặt với các tồn tại tích lũy từ trước.

Đây là hai ngành rất nóng. Nếu đòi hỏi hai vị Bộ trưởng ngay trong thời gian ngắn xử lý các vấn đề chiến lược quốc gia thì hơi nóng vội.

Tôi cho rằng phải dành ra ít nhất 6 tháng hoặc 1 năm để họ xử lý thách thức, xem hiệu quả giải pháp của họ đến đâu.

Điều quan trọng là xem quyết tâm chính trị của họ.

Cả hai ông đã có những hành động và phát ngôn được dư luận quan tâm. Quốc hội sẽ theo dõi xem họ sẽ biến phát ngôn thành hành động cụ thể thế nào.

Lê Nhung

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,841

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn