21/11/2011 18:24 PM

Sáng nay (21/11), Quốc hội Khóa XIII, Kỳ họp thứ 2 do Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật giám định tư pháp.

Giám định tư pháp là một hoạt động bổ trợ tư pháp, là công cụ quan trọng, phục vụ đắc lực cho hoạt động điều tra, truy tố và xét xử, góp phần giải quyết các vụ án được chính xác, khách quan, đúng pháp luật.

Các đại biểu đang thảo luận tại hội trường

Các đại biểu đang thảo luận tại hội trường

Mục đích của Luật này nhằm tháo gỡ những hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sơ pháp lý cho bước phát triển mới mang tính đột phá, bền vững cho hoạt động giám định tư pháp ở nước ta, góp phần nâng cao chất lượng của hoạt động tố tụng mà trong tâm là bảo đảm việc phán quyết của tòa án được kịp thời, khách quan.

Luật này quy định về giám định viên tư pháp; tổ chức giám định tư pháp; người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc; hoạt động giám định tư pháp; phí, chi phí giám định tư pháp, chế độ, chính sách đối với hoạt động giám định tư pháp và trách nhiệm của cơ quan nhà nước đối với tổ chức, hoạt động giám định tư pháp.

Có 21 đại biểu đã tham gia thảo luận về nhiều nội dung của Dư thảo Luật giám đinh tư pháp. Trong đó, có một số ý kiến còn băn khoăn về việc có nên “bỏ quy định về giám định viên thuộc Công an tỉnh”; một số ý kiến khác tán thành rất cao về việc xã hội hóa hoạt đông giám định tư pháp, trong đó có Tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập.

Theo nội dung khoản 2 Điều 13 của Dư thảo Luật giám định tư pháp quy định, thì tổ chức giám định pháp y công lập, bao gồm: Viện Pháp y quốc gia thuộc Bộ Y tế; Trung tâm, pháp y tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Viện pháp y quân đội thuộc Bộ Quốc phòng; Trung tâm giám định pháp y thuộc Viện khoa học hình sự, Bộ Công an; không có giám định viên pháp y thuộc Công an tỉnh. Thảo luận về điều này, đại biểu Vi Thị Hương (Điện Biên) và đại biểu Nguyễn Văn Minh (Bắc Kạn) đều có đồng quan điểm cho rằng: “Nên giữ nguyên quy định về giám định pháp y công an tỉnh như Pháp lệnh về giám định tư pháp hiện hành”.

Tuy nhiên, đa số đại biểu tán thành với dự thảo Luật giám định tư pháp và nhất trí cao về việc xã hội hóa trong hoạt động giám định tư pháp. Bởi lẽ, theo tinh thần của Điều 15 của dự thảo thì, việc cho phép thành lập Văn phòng giám định tư là một bước đẩy mạng chủ trương xã hội hóa hoạt động giám định tư nhằm huy động tối đa nguồn lực của xã hội cho hoạt động giám định tư pháp.

Cũng theo quy định tại điều 15 của Dự thảo, thì Văn phòng giám định tư pháp ngoài công lập chỉ được thành lập trong một số lĩnh vực chuyên môn trong ngành xây dựng, văn hóa, tài chính…; chỉ trừ lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự.

Qua việc xã hội hóa giám định pháp y, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ có nhiều lựa chọn và xem xét, quyết định khi trưng cầu giám định, góp phầm bảo đảm cho việc giải quyết vụ án khách quan, đúng pháp luật.


Năm 2010, pháp y Y tế đã thực hiện 50.712 vụ việc trên tổng số 61.547 vụ việc giám định pháp y, chiếm 82,4%; còn pháp y Công an chỉ thực hiện 10.835 vụ việc trong tổng số 61.547 vụ việc, chiems 17,6%. Mặt khác, theo báo cáo của Viện pháp y quốc gia, hiện tại số giám định viên pháp y trong ngành  Y tế là 869 người (22 người cấp Trung ương và 847 người ở cấp tỉnh); trong khi đó, số lượng giám định viên pháp y trong ngành Công an là 104 người (10 người ở Trung ương và 94 người ở cấp tỉnh); có 13/63 Công an cấp tỉnh không có giám định viên pháp y, 4 cơ quan công an cấp tỉnh có giám định viên pháp y, nhưng không làm giám định pháp y…

(Trích Tờ trình 240/TTr-CP của Chính phủ về Dự án Luật Giám định tư pháp)

Trọng Hùng

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,383

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn