Bộ trưởng Công Thương: Tôi từng bị đe dọa, mua chuộc khi xử lý đa cấp

20/09/2016 08:26 AM

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, ông và cán bộ quản lý của Bộ nhận được không ít cuộc gọi đe dọa, mua chuộc trong khi kiểm tra các công ty đa cấp.

Chia sẻ này được Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đưa ra tại hội nghị sơ kết 6 tháng triển khai Chỉ thị 02 về tăng cường kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động bán hàng đa cấp.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, hiện có nhiều hiện tượng bán hàng đa cấp bất chính, lợi dụng để lừa đảo như huy động tài chính qua tiền ảo… Với quy mô số người tham gia bán hàng đa cấp lên tới 1,2 triệu người vào cuối năm 2015, dù không phải công ty đa cấp nào cũng vi phạm nhưng nếu đổ vỡ thì tác động tới xã hội là khôn lường.

“Trong quá trình kiểm tra, xử lý những hành vi lừa đảo, bán hàng đa cấp biến tướng, bản thân tôi, đồng chí Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực bán hàng đa cấp và các cán bộ quản lý liên quan… đã nhận được không ít tin nhắn, cuộc gọi đe doạ, mua chuộc”, Bộ trưởng kể.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định chính sách quản lý bán hàng đa cấp thời gian tới sẽ được siết chặt. Ảnh: Hoài Thu

Ông cho rằng, với hình thức biến tướng bán hàng đa cấp ngày càng tinh vi, nếu không kịp thời nghe ý kiến từ dư luận, xã hội, tăng cường biện pháp quản lý thì chắc chắn nguy cơ rất lớn, ảnh hưởng đến lợi ích của người dân, gây bất ổn xã hội.

Báo cáo tổng kết 6 tháng, ông Trịnh Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết, tổng doanh thu của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp nửa đầu năm 2016 đạt 4.000 tỷ đồng, trong đó, doanh thu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khoảng 1.800 tỷ; doanh thu khối doanh nghiệp trong nước 2.200 tỷ đồng (55% thị phần).

Số lượng người tham gia bán hàng đa cấp còn khoảng 500.000 người, giảm hơn một nửa so với gần 1,2 triệu người năm 2015. Tổng hoa hồng và các lợi ích kinh tế khác đã chi trả cho người tham gia trong 6 tháng đầu năm trên 711 tỷ đồng. Cục đã điều tra, xử phạt 36 doanh nghiệp với số tiền xử phạt gần 6,5 tỷ, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp với 9 doanh nghiệp. Hiện chỉ còn 50 doanh nghiệp bán hàng đa cấp, giảm 17 doanh nghiệp so với 2015.

Điểm lại những hoạt động biến tướng trong bán hàng đa cấp, ông Nguyễn Trọng Tín, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường nhìn nhận, quy định doanh nghiệp không cần có chi nhánh tại địa phương đã gây nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý thị trường trong giám sát, kiểm tra.

“Mỗi công ty đặt nhiều chi nhánh như những “chân rết bạch tuộc” ở các địa phương, nên cũng là khó khăn cho cơ quan quản lý. Nhiều trường hợp cán bộ thị trường không thể xác định được địa điểm kinh doanh tại địa phương, không liên lạc được với người đại diện ở địa phương”, ông Tín trăn trở.

Ông Nguyễn Thanh, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thừa, Thiên Huế nêu thực tế, ở Huế người mua hàng đa cấp lâu nay chủ yếu là sinh viên, người lao động, cán bộ về hưu... Quan hệ mua bán đa cấp cũng rất chằng chịt, biến tướng tinh vi nhưng văn bản quản lý của Bộ Công Thương không điều chỉnh kịp với thực tế phát sinh hoạt động này.

Ông kể, mỗi lần có thông tin báo sắp có hội nghị về bán hàng đa cấp được tổ chức ở Huế, bản thân ông rất lo. “Doanh thu thống kê chỉ là phần bề nổi, chứ phần chìm biến tướng thì không thể thống kê hết. Địa phương nhiều khi rất muốn kiểm tra những hội thảo bán hàng đa cấp nghi ngờ có vấn đề nhưng không có thẩm quyền. Người tham gia vào mạng lưới đa cấp nếu bị thua thiệt cũng không dám tố cáo, ngược lại họ tìm cách lôi kéo những người khác vào mạng lưới để tìm cách thu lại khoản tiền đã mất. Đây là vấn đề nhức nhối”, ông Nguyễn Thanh trăn trở.

Thừa nhận sau 2 năm triển khai Nghị định số 42 quy định về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp đã bộc lộ một số bất cập, ông Trịnh Anh Tuấn cho rằng, biến tướng trong kinh doanh đa cấp ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội.

“Các mức xử phạt quy định tại Nghị định 42 chưa đủ sức răn đe. Do vậy, Nghị định sửa đổi đang được các đơn vị chức năng Bộ Công Thương soạn thảo theo hướng tăng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm, siết chặt hơn nữa các hoạt động bán hàng đa cấp theo hướng bảo vệ đại đa số những người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp”, Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh thông tin.

Hướng sửa Nghị định 42, Giám đốc Sở Công Thương Thừa Thiên – Huế đề xuất, quản lý bán hàng đa cấp phải bổ sung chế tài, hành lang pháp lý theo hướng trao công cụ quản lý chứ không chỉ trao "gậy" cho địa phương trong giám sát, kiểm tra bán hàng đa cấp.

Còn ông Trần Vinh Nhung, Phó giám đốc Sở Công Thương TP HCM thì cho rằng, số tiền phạt hiện rất nhỏ so với khoản tiền thu lợi bất chính mà doanh nghiệp kinh doanh đa cấp thu được, do đó xử phạt chỉ là một khía cạnh. Nhà nước phải xây dựng khung chính sách để doanh nghiệp làm ăn chân chính được hưởng lợi, doanh nghiệp trục lợi thì không có cơ để lách.

“Sửa Nghị định 42 phải thu hẹp số lượng đối tượng bán hàng đa cấp, không nên nặng về tiền kiểm, mà cần tăng cường hậu kiểm; cũng như đưa ra cơ chế phối hợp để rõ trách nhiệm từng cơ quan quản lý... Phải làm sao để cho doanh nghiệp không thể thực hiện được nếu không làm đúng cam kết, bởi nếu không sẽ bó chân cơ quan quản lý Nhà nước”, ông Nhung kiến nghị.

Nhìn về tổng thể quản lý Nhà nước trong bán hàng đa cấp trước và sau Chỉ thị 02, Bộ trưởng Tuấn Anh thẳng thắn, sau hội nghị sơ kết này Bộ Công Thương sẽ bắt tay vào tiếp tục hoàn thiện thể chế, đề xuất với Chính phủ những giải pháp quản lý siết chặt bán hàng đa cấp. Bộ trưởng cũng yêu cầu, trong thời gian sửa đổi, hoàn thiện khung pháp lý, Cục Quản lý cạnh tranh cần hạn chế cấp phép mới bán hàng đa cấp.

Nhiều sai phạm của Thiên Ngọc Minh Uy

Báo cáo tại hội nghị, đại diện Sở Công Thương An Giang cho biết, qua kiểm tra, thời gian qua địa phương phát hiện nhiều vi phạm của Thiên Ngọc Minh Uy, như 375 người của đại lý thuộc công ty này không có hợp đồng, không có thẻ thành viên, không được đào tạo nhưng vẫn tham gia hoạt động kinh doanh đa cấp. Đại diện Thiên Ngọc Minh Uy cũng thừa nhận có 3 vi phạm trong việc kinh doanh đa cấp tại địa bàn tỉnh An Giang. Các đại lý của công ty này cũng ký hợp đồng không theo quy định.

“Chúng tôi phát hiện một đại lý ở Long Xuyên của Thiên Ngọc Minh Uy kinh doanh hàng nhập lậu với giá trị 24,7 triệu đồng. Chúng tôi cũng xử phạt 9 triệu đồng vì không thực hiện khám sức khỏe định kỳ, không tập huấn cho người bán hàng đa cấp và kinh doanh hàng hóa nhập lậu. Đại lý của Thiên Ngọc Minh Uy ở Bình Chánh (TP HCM) cũng bị phạt 15 triệu đồng vì kinh doanh đa cấp lậu", đại diện Sở Công Thương An Giang nói.

Nguyễn Hoài

Theo VnExpress

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,415

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn