17/11/2011 17:37 PM

(ĐVO) Trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, không thể đặt nặng quyền lợi của số ít người mà phải ưu tiên lợi ích quan trọng về sức khỏe của đa số người dân, vì lợi ích chung.

>> Ai dám phạt sếp “tội” hút thuốc?

Sáng 16/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Các đại biểu cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật nhằm tạo cơ sở pháp lý cao nhất cho hoạt động này, bảo đảm quyền được bảo vệ sức khỏe của người không hút thuốc lá, cũng như quyền và nghĩa vụ của người hút. Tuy nhiên, nhiều đại biểu tỏ ra băn khoăn về tính khả thi của một số quy định trong dự thảo Luật.

Nhiều đại biểu cho rằng, Luật phải giải quyết được xung đột giữa ba nhóm lợi ích: người hút thuốc lá, người không hút và nhà sản xuất. Với địn hướng phòng, chống tác hại thuốc lá chứ không đặt vấn đề cấm sản xuất, tiêu thụ, Luật cần tạo ra những cơ chế để giảm thiểu số người hút thuốc lá, tăng số người từ bỏ thuốc lá bằng tất cả các biện pháp kinh tế, kỹ thuật, pháp luật bởi một khi nhu cầu giảm thì nguồn cung tự khắc cũng giảm, buôn lậu cũng dần bớt đi. Luật nên đưa ra những hình thức xử phạt nghiêm minh, đánh vào kinh tế của người hút.

Người hút thuốc không đúng quy định sẽ bị xử lý bằng luật. Ảnh minh họa.


Băn khoăn về tính khả thi của Luật, một số đại biểu cho rằng, chế tài trong các quy định chưa đủ mạnh, chưa cụ thể, mang tính định hướng và giáo dục nhiều hơn. Một số quy định như: địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn, trách nhiệm của người đứng đầu địa điểm cấm hút thuốc lá, không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi... còn chung chung và khó thực hiện.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận), Nguyễn Hoàng Việt (Đồng Tháp) đặt vấn đề: Phụ nữ, trẻ em trong gia đình có người chồng, người cha hút thuốc lá, hoặc nhân viên trong đơn vị có lãnh đạo hút thuốc lá sẽ làm như thế nào để thực hiện quyền của mình đã được quy định trong Luật? Đại biểu Nguyễn Thái Học đề xuất, chỉ quy định không hút thuốc lá trong nhà khi có phụ nữ, trẻ em là chưa đầy đủ mà cần bổ sung thêm nghĩa vụ tự giác, tự nguyện giảm dần nhu cầu sử dụng thuốc lá.

Theo nhiều đại biểu, vấn đề càng khó thực hiện càng cần tăng cường tuyên truyền, vận động kết hợp với các biện pháp khác chứ không nên bỏ lửng. Không thể đặt nặng quyền lợi của số ít người mà phải ưu tiên lợi ích quan trọng về sức khỏe của đa số người dân, vì lợi ích chung.

Các đại biểu đều tán thành với yêu cầu in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá bằng chữ và hình ảnh rõ ràng, dễ nhìn, chiếm ít nhất 50% diện tích của mỗi mặt chính trước và sau trên tất cả các vỏ bao thuốc lá. Nhiều đại biểu nhất trí: Nguồn lực để phòng chống tác hại thuốc lá là điều kiện quan trọng để thực hiện có hiệu quả những chính sách và mục tiêu đề ra và ủng hộ việc cần thiết tăng cường nguồn lực cho công tác này. Tuy nhiên, các đại biểu vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về việc hình thành Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá và nguồn thu của quỹ.

Hoàng Cường

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,764

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn