Quan chức nhận quà tặng có thể ở tù

04/09/2015 09:02 AM

Ngay cả người nhà (vợ, chồng, con cái) của quan chức cũng không được nhận các món quà có giá trị từ bất kỳ cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức xã hội hay đoàn thể nào.

Trong vấn đề ngoại giao, việc tặng quà trở thành một nét văn hóa đẹp và được hầu như các quốc gia chọn lựa để quảng bá quốc gia, thể hiện tấm lòng, thắt chặt mối quan hệ giữa các nước. Trong đời sống hằng ngày, quà cũng là thứ phổ biến trong các mối quan hệ giữa người với người nhằm tăng cường lòng tin và sự gắn bó với nhau. Tuy nhiên, các “biến thể” của quà - nhất là trong quan hệ giữa người dân và công chức nhà nước, giữa cấp dưới đối với cấp trên đã khiến không ít nhà làm chính sách phải đau đầu. Hối lộ, tham nhũng, rửa tiền, mua chuộc,… là những hệ lụy mà rất nhiều quốc gia đang phải giải quyết phía sau những gói quà, vốn được những người trong cuộc ví von một cách hài hước là “của ít lòng nhiều”.

Như thế nào được xem là quà tặng

Chính vì tính phức tạp của việc tặng quà và sự tinh vi của những kẻ lợi dụng tặng quà để thực hiện các giao dịch không lành mạnh và không hợp pháp nên không ngạc nhiên khi ngay cả những quốc gia vốn có hệ thống quản lý chặt chẽ, hiện đại, sử dụng chính phủ điện tử để kiểm soát hành vi người lao động, thì vấn đề tặng quà - vốn dễ nhập nhằng giữa tình và lý - cũng được quy định một cách chặt chẽ theo luật, tránh “bỏ sót kẻ hối lộ”.

Tại Hoa Kỳ, Hội đồng Đạo đức chính là cơ quan ra quy định, giám sát và thực thi các điều luật về việc tặng quà. Trong đó, cơ quan này quy định rất cụ thể và chi tiết về quà tặng là gì, quy định đối với người tặng quà, người nhận quà và giá trị của quà tặng. Theo đó, Hoa Kỳ quy định công chức, viên chức hay người lao động không được nhận các món quà từ cá nhân, tập thể khác dù theo quan hệ cá nhân hay theo quan hệ công việc nếu món quà đó có giá trị và không đúng các nguyên tắc luật định. Cụ thể, luật gồm một nguyên tắc chung và 23 nguyên tắc bổ sung về các món quà đặc biệt mà công chức, viên chức có thể nhận.

Quà theo khái niệm của Hoa Kỳ là các khoản tiền, các ưu đãi hay khuyến mãi, giảm giá, các hình thức vui chơi giải trí, các khóa học, nơi ở, phuơng tiện đi lại, các khoản cho vay hay các thực thể khác có giá trị tiền. Tựu trung lại, một công chức, viên chức trước khi nhận một thực thể vật chất, dịch vụ hay bất kỳ món quà nào khác đều phải xem xét món quà đó có giá trị quy đổi ra tiền được hay không. Nếu có giá trị có thể tính bằng tiền thì người nhận buộc phải đối chiếu và thực hiện theo hướng dẫn mà luật của Hội đồng Đạo đức quy định.

quà tặng

Ở Hoa Kỳ, nhận quà tặng một cách tùy tiện sẽ bị phạt tiền, thậm chí vào tù. Ảnh: INTERNET

hối lộ

Không chỉ tiền, các chuyến du lịch hay các ưu đãi có giá trị cũng bị xem là quà tặng mà quan chức không được phép nhận. Ảnh: INTERNET

Không phải quà nào cũng được nhận

Tại Hoa Kỳ nguyên tắc chung về luật quà tặng quy định công chức, viên chức hay người lao động không được nhận quà từ các cá nhân vận động hành lang, tổ chức phụ thuộc, các chính thể nước ngoài hay chính thể tư nhân đang làm việc, phục vụ cho cá nhân công chức hay cơ quan công chức đang làm việc. Ngoài các chính thể trên, công chức, viên chức có thể nhận quà từ các nguồn còn lại với giá trị không quá 50 USD. Ví dụ, một công chức hoặc viên chức được một doanh nhân hay doanh nghiệp mời đi ăn ở nhà hàng. Vị này chỉ được phép để doanh nghiệp “khao” nếu hóa đơn thức ăn, đồ uống, dịch vụ… mà anh ta yêu cầu dưới 50 USD. Nếu số tiền lớn hơn 50 USD, anh ta phải tự trả hết hóa đơn đó. Tương tự, nếu một công chức hay viên chức mua một vé tham gia trò chơi giải trí giá 60 USD, dù được doanh nghiệp “ngỏ ý” tặng 49 USD thì cũng phải trả đủ 60 USD chứ không đơn giản là trả 11 USD để nhận phần tiền 49 USD như luật đã ghi. Nghĩa là không có chuyện vừa bán vừa cho để lách luật.

Trong một năm, một người tối đa chỉ được nhận quà hai lần, tức tổng trị giá không quá 100 USD từ một cá nhân, tập thể nhất định. Với các món quà nhỏ hơn 10 USD thì công chức, viên chức có quyền nhận mà không cần tuân theo quy định “ít hơn 100 USD/năm”. Tuy nhiên, nếu nhận một “tổ hợp” gồm nhiều món quà dưới 10 USD cùng lúc và tổng giá trị lớn hơn 50 USD cũng không hợp pháp. Hoặc việc liên tục nhận những món quà trị giá 10 USD cũng bị xem là cố ý vi phạm tinh thần của bộ luật quy định hoạt động tặng quà.

Ngoài ra, 23 nguyên tắc bổ sung quy định quà tặng không quy đổi ra USD, ví dụ như các gói tài liệu thông tin có ảnh hưởng đến công việc, tham dự các sự kiện miễn phí, các vật phẩm lưu niệm. Luật Hoa Kỳ lấy một trường hợp rất điển hình đưa vào làm minh họa cho quy định này. Một công chức, viên chức được mời đến chơi golf tại một câu lạc bộ golf. Chủ nhà mời khách nên theo quy định của sân golf, khách không phải trả phí. Tuy nhiên, theo luật thì đây vẫn là một hình thức nhận quà từ người mời, món quà có giá trị bằng với mức phí mà một người bình thường phải trả để được chơi golf. Ngoài ra, các khoản nước uống, thức ăn, dịch vụ sân golf,… đều được quy thành tiền khi người được mời sử dụng. Tóm lại, công chức, viên chức khi tham gia trận golf vẫn phải tuân theo các quy định mà Hội đồng Đạo đức đưa ra. Họ chỉ được tham dự sự kiện này nếu đảm bảo rằng việc tham gia sự kiện tuân theo đúng các quy định về tặng quà đã nêu ở trên (ví dụ: phải thanh toán toàn bộ chi phí).

Không phải ai tặng cũng được nhận

Bên cạnh luật của Hội đồng Đạo đức quốc gia, thể chế liên bang của Hoa Kỳ cũng cho phép các bang có quyền đưa ra bộ luật riêng, đặc thù với từng hoàn cảnh cụ thể nhưng không mâu thuẫn với những quy định chung mà Hội đồng Đạo đức đề ra. Nhìn chung luật của từng bang còn khắt khe hơn và chi tiết hơn. Tinh thần chung, các bang đều cấm quan chức nói chung nhận quà có giá trị (thường không quá 250 USD, có bang quy định không quá 25 USD, thậm chí là thấp hơn 10 USD) dưới bất kỳ hình thức nào và từ bất kỳ người nào.

Điển hình tại các bang Alabama, Arizona, California, Colorado, Los Angeles,… Hội đồng Đạo đức của các bang này ban hành quy định về “Giới hạn và hạn chế về quà tặng đối với công chức thành phố”. Theo đó, quan chức có quyền nhận quà tặng từ các thành viên trong gia đình hoặc những người có tình cảm ngay thẳng, chính đáng (bao gồm vợ hoặc chồng; con cái, ông bà, cháu, anh em, cô, dì, chú, bác, em họ một đời…) mà không cần phải thông báo với cơ quan quản lý. Tuy nhiên, nếu món quà không phải của chính người trong gia đình hay có quan hệ tình cảm chính đáng kể trên thì việc cho, tặng phải được quan chức khai báo rõ ràng. Tất nhiên, quà từ bất kỳ ai không nằm trong danh sách ngoại lệ nói trên, công chức bắt buộc phải kê khai nguồn gốc nếu không muốn bị xử lý.

Trong khi đó, bang Ohio nhấn mạnh thêm ngay cả người nhà (vợ, chồng, con cái) của quan chức - những người làm việc trong khu vực công - cũng không được nhận các món quà có giá trị từ bất kỳ cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức xã hội hay đoàn thể nào, ngoại trừ quà từ chính cơ quan mà mình đang công tác. Ngay cả khi anh ta/chị ta làm sai chức trách, việc bồi thường là điều bắt buộc chứ không có bất kỳ ngoại lệ nào.

Vi phạm nhẹ: Sáu tháng tù, nộp phạt 1.000 USD

Quy định của các bang ở Hoa Kỳ đều rất rõ rằng nếu vi phạm quy định tặng quà-nhận quà thì quan chức có thể bị phạt hành chính hoặc tù giam. Theo đó, các trường hợp vi phạm mức độ nhẹ thì chịu sáu tháng tù giam/hoặc (và) chịu phạt 1.000 USD. Tuy nhiên, mức độ vi phạm nặng hơn, có liên quan đến các vấn đề hình sự thì quan chức sẽ bị xem xét tăng cường hình phạt bổ sung theo các luật định khác. Tuy nhiên, nếu việc nhận quà tặng vượt mức, vì lý do khách quan hay chủ quan, vẫn được xem là không phạm tội nếu người nhận quà trả ngay lập tức cho người gửi tặng trong vòng 10 ngày kể từ ngày tặng; hoặc 10 ngày kể từ ngày người nhận nhận ra giá trị quà tặng vượt quá mức quy định.

Đại Thắng

Theo Pháp luật TP.HCM

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,629

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn