Chính sách mới >> Tham nhũng 05/09/2017 14:48 PM

Em chồng vẫn không có trong diện ‘người thân thích’

05/09/2017 14:48 PM

Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng bổ sung nhiều đối tượng vào diện “người thân thích” nhưng anh/em chồng, chị/em vợ vẫn “ngoài vùng phủ sóng” của luật.

Hàng loạt đề xuất mới siết chặt hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) vừa được Chính phủ chuyển sang Ủy ban Tư pháp Quốc hội để thẩm tra trong phiên họp diễn ra tuần này.

Dự thảo Luật PCTN sửa đổi vừa được Chính phủ hoàn thiện gần như đã viết lại, cấu trúc lại toàn bộ luật hiện hành - được ban hành từ 12 năm trước - năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2007 và 2012). Có những phần nội dung như công khai, minh bạch, dự luật lược bỏ tới 18 điều khoản chung chung, theo kiểu “không có răng”, đồng thời bổ sung thêm nhiều trách nhiệm của cơ quan nhà nước.

Chồng làm sếp, vợ không được làm thủ kho

Chẳng hạn, luật hiện hành chỉ buộc Chính phủ báo cáo Quốc hội thì dự luật sửa đổi yêu cầu tới ba cơ quan phải báo cáo: Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, VKSND Tối cao. Ngoài ra, Quốc hội phải thông qua báo cáo thường niên về tình hình tham nhũng và công tác PCTN trong phạm vi cả nước, công bố công khai vào Ngày Quốc tế chống tham nhũng (9-12) hằng năm.

Dự luật cũng bổ sung nhiều nội dung về trách nhiệm giải trình. Theo đó, trong trường hợp báo chí đăng tải thông tin về vi phạm pháp luật có liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao của cơ quan, tổ chức, đơn vị thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải xem xét, giải trình.

Trong một mục mới được gọi tên “chế độ liêm chính”, dự luật siết chặt quy định cán bộ, công chức, viên chức trong sở hữu doanh nghiệp. Cụ thể, pháp luật hiện hành chỉ cấm nhóm đối tượng này thành lập, tham gia thành lập, tham gia quản lý, điều hành pháp nhân kinh tế, tức không cấm quyền sở hữu cổ phần. Nhưng sang dự luật sửa đổi, cán bộ, nhân viên công quyền sẽ bị hạn chế, chỉ được sở hữu dưới 10% cổ phần của pháp nhân kinh tế…

Các hạn chế với người thân của người đứng đầu và cấp phó trong khu vực công, chẳng hạn như không được bố trí làm kế toán-tài vụ, thủ quỹ, thủ kho trong cùng đơn vị… cũng được mở rộng. Theo đó, người thân không chỉ là vợ/chồng, cha/mẹ đẻ, con đẻ mà còn cả cha mẹ chồng/vợ, cha mẹ nuôi, con nuôi, con dâu, con rể, anh chị em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu (vẫn không có đối tượng em chồng - PV).

Theo dự thảo Luật PCTN, xác minh toàn diện về tài sản, thu nhập, coi đây là thủ tục bắt buộc trong quy trình làm nhân sự. Ảnh minh họa: HTD

Ứng viên giám đốc sở phải minh bạch tài sản

Nội dung minh bạch tài sản, thu nhập trong luật hiện hành được nâng lên thành một chương riêng với yêu cầu mới về “kiểm soát tài sản, thu nhập”. Trong chương này, kê khai tài sản, thu nhập có khá nhiều thay đổi.

Về đối tượng, luật hiện hành chỉ quy định nghĩa vụ kê khai với người có chức vụ, quyền hạn. Sang luật sửa đổi, nghĩa vụ này bao trùm tới tất cả công chức khi được bổ nhiệm vào ngạch, với tất cả viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; với cán bộ, công chức mỗi khi được bầu, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại.

Về hình thức, thời điểm kê khai, hiện tại là sau kê khai lần đầu thì hằng năm đều phải kê khai bổ sung. Nhưng sang dự luật sửa đổi sẽ chỉ có lần đầu kê khai sau khi luật này có hiệu lực và sau đó là kê khai bổ sung mỗi khi có biến động tài sản, thu nhập từ 50 triệu đồng trở lên; hoặc kê khai bổ sung để chuẩn bị cho bầu, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại… Cách làm mới này sẽ giảm đi rất nhiều việc kê khai hình thức, nhất là với nhiều người dù có chức vụ, quyền hạn nhưng tích lũy cá nhân hằng năm có khi chưa nổi vài chục triệu.

Trong hơn 10 năm qua, việc kê khai tài sản của người có chức vụ, quyền hạn bắt đầu đi vào nề nếp. Tuy nhiên, thông tin từ các bản kê khai này được quản lý một cách rất lãng phí, theo kiểu cất vô tủ khóa lại. Từ thực tế ấy, dự luật sửa đổi lần đầu tiên xác định rõ cơ quan thanh tra là đầu mối quản lý các bản kê khai này ở mỗi bộ, ngành, địa phương. Thanh tra Chính phủ và Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kê khai tài sản để thu nạp, phân tích các thông tin kê khai tài sản trên toàn quốc.

Cũng rút kinh nghiệm từ tình trạng kê khai nhiều nhưng kiểm tra, xác minh ít, lần sửa đổi này Chính phủ đề xuất mở rộng căn cứ tiến hành xác minh tài sản. Theo đó, chưa cần có tố cáo thì mỗi khi bầu, bổ nhiệm, cử giữ chức vụ mà phụ cấp trách nhiệm từ 0,9 (cỡ giám đốc sở ở tỉnh trở lên - PV), nhân sự này đều phải được xác minh toàn diện về tài sản, thu nhập, coi đây là thủ tục bắt buộc trong quy trình làm nhân sự.

Ủy ban Kiểm tra của Đảng được luật hóa

Trong lần sửa đổi này, lần đầu tiên trong công tác lập pháp, vai trò, trách nhiệm của cơ quan chuyên môn của Đảng, cụ thể là UBKT Trung ương được luật hóa. Theo đó, luật định: UBKT Trung ương kiểm tra, giám sát và xử lý kỷ luật đối với đảng viên có hành vi tham nhũng theo quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ngoài trách nhiệm của các cơ quan chuyên trách nhà nước như thanh tra, kiểm toán, điều tra, kiểm sát thì UBKT các cấp của Đảng cũng có trách nhiệm áp dụng các biện pháp cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp nhận thông tin, phản ánh, tố cáo về tham nhũng… N.NHÂN

***

Phòng ngừa tham nhũng từ xung đột lợi ích

Xung đột lợi ích là tình huống mà trong đó cán bộ, công chức, viên chức thực hiện hoặc không thực hiện một nhiệm vụ được giao, và qua đó có thể mang lại lợi ích không chính đáng cho cá nhân họ cũng như người thân thích của họ. Xung đột lợi ích theo nghĩa như vậy lần đầu tiên được Chính phủ đưa vào dự luật PCTN sửa đổi, với một vài quy định nguyên tắc.

Chẳng hạn, nhân viên công quyền trong quá trình thực hiện công vụ mà biết hoặc buộc phải biết có khả năng rơi vào tình huống xung đột lợi ích, thì phải báo cáo với người quản lý trực tiếp. Người dân, nếu phát hiện tình huống này cũng có quyền cảnh báo với lãnh đạo các cấp để phòng ngừa. Và mỗi cơ quan nhà nước phải quy định cụ thể về kiểm soát xung đột lợi ích trong lĩnh vực hoạt động của tổ chức mình. N.NHÂN

_______________________

Người thân thích: Có dâu, rể nhưng không có em chồng

Theo dự thảo, đối tượng là người thân thích được mở rộng. Cụ thể, nếu như ở luật hiện hành, người thân thích chỉ bao gồm vợ/chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em ruột thì dự thảo bổ sung thêm các đối tượng gồm: cha mẹ chồng/cha mẹ vợ; cha mẹ nuôi; con nuôi, con dâu/con rể; anh rể/em rể, chị dâu/em dâu. Tuy nhiên, các đối tượng như anh chồng, em chồng, chị vợ, em vợ thì vẫn không thuộc diện điều chỉnh của dự thảo.

Đáng chú ý, dự thảo đã bỏ khoản 4 Điều 37 luật hiện hành, có nội dung như sau: “Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan không được để vợ hoặc chồng, cha, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi do mình quản lý trực tiếp”.

Tuy nhiên, dự luật bổ sung quy định: Không bố trí là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị đối với người có người thân thích làm công tác tổ chức nhân sự, kế toán-tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho hoặc làm việc tại các vị trí có nguy cơ phát sinh tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mà người đó được dự kiến bố trí là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc; có người thân thích là người quản lý, thành viên góp vốn, thành viên hợp danh, cổ đông sở hữu từ 10% cổ phần trở lên trong doanh nghiệp hoặc kinh doanh trong ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước trực tiếp của cơ quan, tổ chức, đơn vị mà người đó được dự kiến bố trí là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu.

NGHĨA NHÂN

Theo Báo Pháp luật TP.HCM

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,760

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn