Chính sách mới >> Tài chính 03/03/2012 10:38 AM

03/03/2012 10:38 AM

Lo lắng về khả năng vỡ quỹ bảo hiểm tiền gửi đã được đưa ra trước giả thiết người dân sẽ ồ ạt rút tiền nếu ngân hàng nhóm IV lộ diện.

Ông Bùi Khắc Sơn, Tổng giám đốc Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam cho rằng, không đáng lo, vì Chính phủ đã có phương án xử lý. Hơn nữa, niềm tin của người dân với hệ thống ngân hàng đã được cải thiện.

Theo ông, khi danh tính các ngân hàng yếu kém trong diện mua bán, sáp nhập (nhóm IV) lộ diện, khả năng người dân ồ ạt rút tiền có xảy ra?

Một trong những điều quan trọng để ổn định thị trường tiền tệ là nâng cao niềm tin của người gửi tiền. Niềm tin không vững, sẽ khiến tâm lý người gửi tiền dễ bị lung lay trước những tin đồn. Tuy nhiên, đáng mừng là, thời gian gần đây, lòng tin của người dân với hệ thống ngân hàng ngày càng tốt lên. Bằng chứng là, dù có rất nhiều luồng thông tin khác nhau về các ngân hàng yếu kém, nhưng không xảy ra tình trạng người dân đổ xô rút tiền như đã từng xảy ra mấy năm trước đây. 

Tôi cho rằng, sở dĩ niềm tin của người dân được nâng lên một phần là do các chủ trương, chính sách đã được cơ quan quản lý tuyên truyền một cách rõ ràng và minh bạch.

Thế nhưng, với nguồn lực ít ỏi của Bảo hiểm Tiền gửi hiện nay, nếu khả năng trên xảy ra, thì Bảo hiểm Tiền gửi và Ngân hàng Nhà nước sẽ ứng phó thế nào?

Thị trường tài chính - ngân hàng rất nhạy cảm. Tôi tin rằng, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã và sẽ có những biện pháp tốt nhất để ổn định thị trường này, hạn chế tối đa đổ vỡ. Đối với cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất là đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền. Chúng tôi luôn theo dõi sát diễn biến hoạt động của các tổ chức tham gia Bảo hiểm Tiền gửi, để nắm bắt nhu cầu hỗ trợ tài chính và chủ động đề xuất phương án phù hợp đối với các tổ chức gặp khó khăn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần đảm bảo an toàn lành mạnh hệ thống ngân hàng.

Trong năm 2011, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam đã chi trả cho 103 người gửi tiền tại Quỹ Tín dụng nhân dân cơ sở Trù Hựu (Bắc Giang) với số tiền trên 3 tỷ đồng. Việc này đã đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền, qua đó, góp phần nâng cao niềm tin của người gửi tiền và ổn định hoạt động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn.

Với chức năng bảo hiểm tiền gửi, cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi được giám sát các tổ chức tín dụng. Vậy kết quả giám sát này được sử dụng như thế nào để góp phần cảnh báo, đảm bảo an toàn hệ thống?

Bảo hiểm Tiền gửi thực hiện giám sát định kỳ đối với 100% tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, bao gồm 92 ngân hàng thương mại, 11 tổ chức tín dụng phi ngân hàng, 1.093 quỹ tín dụng nhân dân cơ sở và quỹ tín dụng nhân dân trung ương. Hệ thống báo cáo giám sát định kỳ và đột xuất về tình hình hoạt động của các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi đã được xây dựng và nghiên cứu để từng bước nâng cao chất lượng.

Khi phát hiện ra những trường hợp rủi ro cao, có nguy cơ ảnh hưởng đến quyền lợi của người gửi tiền và sự an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam gửi cảnh báo đến tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, đồng thời báo cáo Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan để có phương án xử lý thích hợp. Cùng với giám sát từ xa, chúng tôi còn tiến hành kiểm tra tại chỗ giúp đánh giá tốt hơn thực trạng hoạt động, rủi ro hiện tại và rủi ro tiềm ẩn của các tổ chức tín dụng.

Theo Thùy Liên

Báo đầu tư

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,107

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn