Chính sách mới >> Tài chính 27/02/2012 10:09 AM

27/02/2012 10:09 AM

Việc NHNN không công bố công khai danh sách từng nhóm ngân hàng nhằm giữ ổn định thị trường là hợp lý. Tuy nhiên, việc không công khai tiêu chí phân loại khiến các ngân hàng nảy sinh tâm lý tỵ nạnh lẫn nhau.

Tuy vậy, theo các chuyên gia, không cần phải quá lo lắng đối với các ngân hàng thuộc nhóm này, vì phương án xử lý đã được tính tới.

Danh tính nhóm IV dần lộ diện

Tuần qua, danh sách ngân hàng nhóm I và II (được tăng trưởng tín dụng tối đa 17% và 15%) đã được công bố. Theo đó, ngoại trừ 3 “ông lớn” là VietinBank, Vietcombank và Techcombank, cùng với đó, Eximbank, Maritime Bank, MB, VPBank, VIB, SeaBank, Sacombank, ACB đã hoan hỷ khi được lọt vào nhóm I.

Danh sách dài hơn là các ngân hàng nhóm II, gồm: Nam Á, Đại Á, Phương Nam, Phương Đông, SHB, Liên Việt Post Bank, Bao Viet Bank, Nam Việt, Kienlong Bank, Mê Kông, An Bình, Agribank…

Như vậy, trên thị trường chỉ còn hơn chục ngân hàng chưa công bố xếp hạng như: Habubank, Đông Á, Saigonbank, Bắc Á, HDBank, SCB, Việt Á, GPBank, Đại dương, Phương Tây, Đại Tín, Tiên Phong…

Một lãnh đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiết lộ, có 8 ngân hàng thuộc nhóm IV. Thông tin trên khớp với tuyên bố, sẽ sáp nhập 5 - 8 ngân hàng trong quý I/2012 của NHNN. Dư luận đang nhắm vào một số ngân hàng yếu kém trong số trên, nhắm vào những ngân hàng yếu thanh khoản, buộc phải nhờ tới sự hỗ trợ thanh khoản của ngân hàng lớn và tái cấp vốn của NHNN trong năm qua. Dù việc mua bán, sáp nhập ngân hàng khó có thể diễn ra trong quý I như tuyên bố của Thống đốc NHNN, song có khả năng trong quý II/2012, hai thương vụ sáp nhập ngân hàng sẽ được tiến hành. Số những ngân hàng yếu kém còn lại cũng có thể bị thâu tóm bất cứ lúc nào.

Danh tính của những ngân hàng “đội sổ” dần được tiết lộ khiến nhiều người lo lắng về sự xáo động của thị trường ngân hàng. TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, khi danh sách ngân hàng nhóm III và IV lộ ra, phản ứng của khách hàng và cổ đông là rất khó lường. Có thể xảy ra hiện tượng người dân rút tiền, cổ đông rút vốn ra khỏi ngân hàng đó.

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành thì lại có quan điểm khác. Ông Thành nói: “Một khi ngân hàng còn “chăng biển” thì Nhà nước còn bảo lãnh tiền gửi cho người dân, không lo về chuyện mất tiền dù ngân hàng yếu kém. Tỷ trọng tín dụng và huy động của ngân hàng nhóm này cũng rất nhỏ trong tổng tín dụng và huy động của hệ thống ngân hàng. Hơn nữa, những ngân hàng này sẽ được xử lý trong thời gian ngắn tới, vì vậy, dù danh tính các ngân hàng này lộ diện cũng không đáng lo. Tôi cho rằng, NHNN khó có thể xử lý ngân hàng yếu kém trong quý I, nhưng trong quý II thì có thể”. 

Thậm chí, ông Keith Pogson, Tổng giám đốc Điều hành Dịch vụ Tài chính ngân hàng Tập đoàn Ernst & Young khu vực châu Á - Thái Bình Dương còn cho rằng, cần công khai cấm các ngân hàng nhóm IV được huy động vốn, để vừa kiểm soát lạm phát, vừa bảo vệ và định hướng cho người gửi tiền.

“Mờ” tiêu chí , “ức” thứ hạng

Đa phần ngân hàng và các chuyên gia ủng hộ cách phân nhóm tín dụng của NHNN. Điều này buộc ngân hàng ở các nhóm đều phải nỗ lực nếu muốn lên hạng và không bị tụt hạng. Tuy nhiên, tiêu chí phân loại không công khai của NHNN đã khiến nhiều ngân hàng ấm ức khi nhận được “trát” tín dụng.

Giám đốc một ngân hàng TMCP được xếp hạng A những năm trước, nhưng hiện chỉ được xếp hạng II bức xúc: “Tôi không hiểu ngân hàng nhóm A và ngân hàng loại I có gì khác nhau. Dựa về nhiều tiêu chí như: tài sản, năng lực điều hành, thanh khoản, nợ xấu… chúng tôi đều không thua kém các ngân hàng nhóm I”.

Tương tự, ông Trương Hoàng Lương, Tổng giám đốc KienLong Bank cũng cho hay, với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay chỉ 15%, KienLong Bank sẽ gặp nhiều khó khăn trong đạt chỉ tiêu lợi nhuận. Trước đó, căn cứ vào đánh giá xếp hạng những năm trước của NHNN, KienLong Bank đã đặt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2012 là 710 tỷ đồng, tăng tới 36% so với năm 2011. Có lẽ, chỉ tiêu này được đưa ra trên dự định tăng trưởng tín dụng ở mức cao hơn 15%.

Trong khi đó, đại diện của một ngân hàng chưa công bố xếp hạng thì lại hy vọng: “Trong danh sách ngân hàng nhóm II có nhiều ngân hàng được đánh giá thua kém ngân hàng chúng tôi nhiều mặt. Vì vậy, chúng tôi vẫn hy vọng”.

Việc NHNN không công bố công khai danh sách từng nhóm ngân hàng nhằm giữ ổn định thị trường có lẽ là hợp lý. Tuy nhiên, việc không công khai tiêu chí phân loại khiến các ngân hàng nảy sinh tâm lý tỵ nạnh lẫn nhau. TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, về lâu dài, NHNN nên công khai các tiêu chí xếp hạng ngân hàng. Hàng năm, dựa vào bảng tiêu chí chấm điểm đó, công khai bảng xếp hạng ngân hàng.

Đồng tình với ý kiến này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, phân loại ngân hàng là hợp lý. Song cần phải công khai tiêu chí. Điều này sẽ khiến các ngân hàng tâm phục, khẩu phục. Việc công khai tiêu chí và bảng xếp loại ngân hàng cũng sẽ đẩy nhanh hơn quá trình tái cấu trúc ngân hàng.

Theo Hà Tâm
Báo đầu tư

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 6,697

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn