Chính sách mới >> Quốc tế 07/06/2013 09:42 AM

Tham vọng vô độ đã nhấn chìm hãng luật Howrey như thế nào? (kỳ 3)

07/06/2013 09:42 AM

Kỳ 3: Trò lắp ghép vụng về

“Ở Howrey chúng tôi không có truyền thống hội ý hay hỏi ý kiến lẫn nhau,” Zeughauser nhận xét

Bong bóng luật sư

Trước đây, một công ty luật thuê tới hàng trăm luật sư cùng lúc sẽ được coi là công ty lớn. Nhưng kể từ những năm đầu thập niên 90, một vài công ty tuyển dụng tới 1000 luật sư hoặc thậm chí nhiều hơn.

Công ty lớn nhất, DLA Piper, có tới hơn 4000 luật sư với 77 văn phòng tại 30 quốc gia. Hai mươi mốt công ty khác có hơn 1000 luật sư, tất cả các con số này đều được lưu trữ bởi Tạp chí American Lawyer. "Theo Harper: “Trong 20 năm qua, việc đưa một công ty lọt vào danh sách AmLaw 100 được coi như một tấm huy chương danh dự cho những lãnh đạo có thể làm được điều đó.”

Đây là một mục tiêu kỳ lạ bởi vì, theo Altman Weil, một tư vấn quản lý hàng đầu chuyên về các công ty luật, "không có tính kinh tế theo quy mô trong hành nghề luật sư tư nhân."

Đúng đấy, bạn không đọc sai đâu: "Chi tiêu của các công ty luật lớn trên mỗi luật sư luôn nhiều hơn so với các công ty nhỏ xét về các yếu tố nhân sự, chỗ ở, thiết bị, thăng tiến, sai sót nghề nghiệp, và các chi phí khác như bảo hiểm, văn phòng phẩm...”

Những công ty có khả năng duy trì bền vững mức lợi nhuận cao nhất cho các partner góp vốn, và thường giữ được chân họ trong nhiều thập kỷ, không phải là những công ty lớn nhất.

Wachtell, Lipton, Rosen & Katz và Cravath, Swaine & Moore, các con át chủ bài trong mua lại và sáp nhập, liên tục xuất hiện trong top 5 công ty có lợi nhuận cao nhất của AmLaw. Ngay cả khi phải chịu mức chi phí vận hành đắt đỏ ở New York, 79 partner góp vốn của Wachtell vẫn hưởng trung bình gần 5 triệu USD mỗi người trong năm 2012, còn các partner góp vốn của Cravath mang về nhà trung bình 3.4 triệu USD mỗi người.

“Những hãng siêu lợi nhuận lại khá khiêm tốn về quy mô,” Harper nói. “Những hãng theo đuổi tăng trưởng bằng cách thuê những luật sư tài năng với mức giá cao ngất và sáp nhập thật nhiều là những hãng mà anh thấy đang phá sản hoặc có nguy cơ phá sản.”

Các kỹ năng để một người trở thành một luật sư thành công – như sự nhạy bén trong lời nói, sự nhanh trí trong khi tung hứng khách hàng, tính cạnh tranh biết nhắm tới điểm “yết hầu“ - không hẳn biến anh thành một lãnh đạo có tầm nhìn xa. Đó là nhận xét của Levitsky, một luật sư chống độc quyền ở New York, ông đã làm việc tại Dewey & LeBoeuf tới tận khi hãng này phá sản và hiện ông đang làm việc tại Duane Morris.

Thật không may, một số luật sư thành công lại không hiểu được điều này, ông nói thêm: “Nếu để họ nắm quyền, họ có thể khiến một hãng đang đi đúng đường chệch hướng và đâm thẳng vào vũng lầy.”

Howrey sa lầy

Vào cuối những năm 1990, John Taladay thành lập hãng luật chống độc quyền ở Washington có tên là Collier, Shannon, Rill & Scott. Howrey đã mua lại hầu như toàn bộ hãng luật Collier vào năm 2001. Taladay cho rằng đây là một việc làm hợp lý: “Howrey có một thương hiệu chống độc quyền mạnh, và chúng tôi đang kết hợp những điểm mạnh.”

Việc Howrey mở rộng sang Châu Âu sau đó khiến Taladay lo lắng hơn. Hãng tự động chấp nhận “rất nhiều chi phí cố định và tiền thuê nhân sự đắt đỏ từ các hãng của Châu Âu mà chúng tôi đang thôn tính,” Taladay nhớ lại.

Mặc dù văn phòng tại Brussels tỏ ra có triển vọng trong lĩnh vực chống độc quyền và bảo hộ sở hữu trí tuệ, nhưng theo Taladay, “vào năm 2008, thực sự chúng tôi đang phá hỏng triển vọng đó.”

Khi Ruyak vẽ ra triển vọng tăng trưởng của Howrey, ngồi kế bên ông là Peter Zeughauser - cựu cố vấn cấp cao, người sở hữu một hãng luật tại Newport Beach, California. Ruyak “đang tiến hành rất nhiều đổi mới, có lẽ là hơi quá nhiều thứ cùng một lúc,” Zeughauser nói.

“Ở Howrey chúng tôi không có truyền thống hội ý hay hỏi ý kiến nhau,” Zeughauser nhận xét, vì vậy nên chẳng mấy ai phản đối lại cách làm của Ruyak cả. Điều đó càng trở nên rõ rệt hơn khi ban điều hành của hãng mất đi hai người chủ chốt qua đời sớm vì bệnh ung thư vào năm 2007 và 2008.

Theo các cựu luật sư của Howrey, trải qua thời gian, phong cách cá nhân của Ruyak bắt đầu khiến người khác phải cau mày.

Khi hãng suy thoái vào năm 2008, ông đưa ra một cuốn sách nhỏ với tiêu đề “Tảng Băng Của Chúng Ta Đang Tan Chảy” nói về một gia đình chim cánh cụt đang đối mặt với một mối nguy. Cho dù nghĩa đen của câu truyện ngụ ngôn kiểu Aesop này có là gì đi chăng nữa thì Ruyak vẫn tiếp tục khiến tảng băng của Howrey trở nên chật trội hơn.

Chết vì M&A

Vào tháng 11/2008, Ruyak đã tự quyết định thuê 40 luật sư chuyên về các vụ kiện trong ngành xây dựng từ hãng luật phá sản Thelen, bản thân hãng này là nạn nhân của vụ sáp nhập ngầm với một hãng ở New York.

“Tôi sẽ gọi ông ta là một người bán hàng tồi tệ,” Ness, một trong số những người đến từ Thelen, nói. “Hóa ra là chúng tôi đã gia nhập Howrey, có lẽ, vào cái ngày tốt nhất mà hãng này từng có, và kể từ đó thì nó bắt đầu xuống dốc.”

Ness gọi Ruyak là một “Người Ngoài Cuộc vĩ đại” thiếu cái gọi là “Người Trong Cuộc thực sự biết cách điều hành một doanh nghiệp.” Theo Diamond, người ủy thác tư pháp hiện thời của Howrey, vào năm 2008, khi mà nền kinh tế thế giới bước vào đợt suy thoái nghiêm trọng, nhu cầu đối với dịch vụ pháp lý của Howrey, tính theo số giờ tính phí, bắt đầu có dấu hiệu xấu đi.

Bước phát triển đáng ngại này vẫn kéo dài trong năm 2009 và 2010, song từng được ngụy trang bằng kết quả thắng kiện trong rất nhiều vụ kiện quan trọng mà hãng đã tiếp nhận với một mức phí tạm thời.

“Từ năm 2008 tới tận 2011,” Diamond nói, “Howrey đã tăng vốn vay từ Citibank trong một nỗ lực nhằm trang trải chi phí mở rộng liên tục của mình và để “lấp đầy” các lỗ hổng tài chính do doanh thu theo giờ và số tiền thu về đang giảm dần của hãng.”

Số giờ mà họ tính phí tăng lên song hãng lại không thu đủ tiền thanh toán từ các khách hàng doanh nghiệp đang gặp khó khăn. “Trong nội bộ,” theo Diamond, “các partner của Howrey nói rằng khoản phải thu là các khoản nợ xấu “bị thổi phồng” và không thể thu được, hay chỉ đơn thuần là 'rác rưởi.'  ”

Trong khi đó, Howrey đã nhận thấy xung đột giữa các khách hàng lâu năm ở Mỹ và các khách hàng ở Châu Âu nơi hãng đặt các văn phòng chi nhánh mới với hi vọng lôi kéo họ. “Ai đó đã không cần mẫn tới mức hợp lý,” Ness nói, “thật mỉa mai bởi đó là điều mà những tay luật sư đáng lẽ phải làm để kiếm sống.”

Khi tư tưởng thị trường tự do đảo chiều và việc thi hành luật chống độc quyền bị dừng lại trong thập niên 80, các partner của Howrey đã “tìm nơi trú ẩn” vì lợi ích của hãng. Nhưng kể từ đó, tinh thần cống hiến cho tổ chức đã bị xói mòn dần trong giới Luật Lớn.

“Các partner có xu hướng tìm kiếm lợi ích cá nhân và sẵn sàng rời bỏ nếu thấy dấu hiệu rắc rối,” cố vấn Zeughauser nhận xét. Thêm vào đó, các nhà tư vấn bên ngoài và vây cánh của họ tại các công ty săn đầu người vẫn tiếp tục xoáy vào các hãng luật, hướng tới các vụ sáp nhập và giới thiệu nhân sự thuê ngoài giá cao.

“Việc duy trì 'văn hóa' của tổ chức càng trở nên khó khăn hơn trong bối cảnh này,” Zeughauser thừa nhận. “Cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn.”

Kỳ sau: Chỉ mình Howrey sụp đổ, hay sự ra đi của cả một mô hình kinh doanh

Ngọc Anh

Theo Trí Thức Trẻ/Businessweek

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,704

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn