Mua nhà 4 năm nhưng không được ở

27/04/2015 15:03 PM

Dù đã trả tiền 4 năm nhưng tôi không được vào ở bởi lý do đơn vị bán đấu giá đã “quên” đóng tiền thuế thu nhập cá nhân và tiền sử dụng đất cho căn nhà này.

Căn nhà mua từ đấu giá thi hành án của ông Phạm Đức Duy đã bỏ không nhiều năm nay, người hàng xóm để nhờ các bồn nước đầy trước cửa - Ảnh: M.Hoa

Ngày 23-11-2010, tôi có mua nhà đất số E13/5A ấp 5 (xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP.HCM) theo hình thức đấu giá.

Đây vốn là tài sản của ông Hồ Văn Út và bà Nguyễn Thị Bạo, được Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện Bình Chánh ủy quyền cho Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản TP.HCM bán đấu giá để thi hành án.

Thực hiện theo hợp đồng mua bán, tôi đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính với tổng số tiền 1,16 tỉ đồng.

Tuy nhiên, khi tôi liên hệ với Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Bình Chánh để làm thủ tục xin cấp giấy chủ quyền cho nhà đất này thì được biết tiền sử dụng đất và tiền thuế thu nhập cá nhân khi bán căn nhà vẫn chưa được nộp.

Vì thế giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đã được cấp cho tôi vào ngày 15-5-2012 nhưng tôi chỉ được cấp bản photo, còn giấy gốc thì cán bộ nói chừng nào đóng hai khoản tiền trên mới được lấy về.

Theo hợp đồng mua bán, nghĩa vụ nộp hai khoản tiền này (tổng cộng 276.970.000 đồng) là của chủ tài sản, trung tâm đấu giá nộp thay và được trừ vào tiền bán tài sản.

Do trung tâm đã chuyển giao số tiền bán tài sản cho Chi cục THADS nên sau đó Chi cục Thuế huyện Bình Chánh đã gửi thông báo yêu cầu Chi cục THADS nộp hai khoản tiền trên.

Vì căn nhà E13/5A này bị xuống cấp nhưng tôi không có giấy chủ quyền nên không được phép sửa chữa, đành bỏ hoang căn nhà và gia đình tôi phải tiếp tục ở nhà thuê tại Kiên Giang.

Từ Kiên Giang, tôi đã lặn lội lên TP.HCM rất nhiều lần để khiếu nại, nhắc nhở nhưng Chi cục THADS vẫn chưa nộp các khoản tiền trên.

Tôi không biết đến bao giờ mới có được giấy chủ quyền cho căn nhà mình đã mua? Tôi còn nghe nói tiền nợ thuế và tiền sử dụng đất đang bị tính lãi vì nộp chậm, không biết phần thiệt hại này ai sẽ phải gánh chịu?

PHẠM ĐỨC DUY (TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang)

Người phải thi hành án nợ nhiều người

Ông Nguyễn Văn Ngữ, chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Bình Chánh, cho biết việc thi hành án trong vụ án này rất phức tạp.

Người phải thi hành án (ông Út và bà Bạo) nợ rất nhiều người, do đó áp lực rất lớn, chia hết tiền bán nhà nhưng vẫn còn thiếu. Ông Út và bà Bạo vẫn còn tài sản, chi cục sẽ tiếp tục xử lý để lấy tiền nộp các khoản thuế phát sinh.

Theo văn bản của Chi cục THADS gửi TAND huyện Bình Chánh ngày 1-12-2014, việc bán nhà đất E13/5A là để thực hiện quyết định thi hành án số 68.

Số tiền thu được, chi cục đã chi trả hết cho các khoản: chi phí kê biên, đo vẽ, định giá, tiền đăng tin trên báo, chi phí bán đấu giá, nộp án phí, chi trả cho các chủ nợ theo thỏa thuận của các đương sự.

Tuy nhiên, việc thi hành quyết định 68 vẫn còn dở dang, ông Út và bà Bạo vẫn còn phải trả thêm 370 triệu đồng nữa.

Về việc nộp thuế thu nhập cá nhân và tiền sử dụng đất, Chi cục THADS huyện Bình Chánh cho rằng nghĩa vụ nộp không thuộc trách nhiệm của chi cục mà là của vợ chồng ông Út và bà Bạo.

Chi cục chỉ là đơn vị nộp thay hai người này. Ông Út và bà Bạo đã cam kết sẽ dùng tài sản khác là quyền sử dụng đất 3.402m2 ở xã Vĩnh Lộc B để tiếp tục trả nợ và nộp thuế.

Chi cục đã báo cáo UBND huyện Bình Chánh và đề nghị chủ tịch kiêm trưởng ban chỉ đạo THADS huyện Bình Chánh có ý kiến với Chi cục Thuế cho ghi nợ, không tính lãi tiền sử dụng đất với nhà đất E13/5A.

Sai thứ tự ưu tiên thi hành án

Luật sư Vũ Quang Đức (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng cách xử lý số tiền bán đấu giá tài sản của Chi cục THADS huyện Bình Chánh đã sai về thứ tự ưu tiên khi thi hành án.

Theo quy định, thứ tự ưu tiên lần lượt là: chi trả phí thi hành án, chi trả cho người lao động (nếu có), các khoản phải nộp cho Nhà nước, trả cho những người được thi hành án.

Trong trường hợp này, tiền thuế thu nhập cá nhân và tiền sử dụng đất thuộc “các khoản phải nộp cho Nhà nước” nên phải ưu tiên chi trả trước khi chi cho những chủ nợ.

Chi cục trưởng chi cục THADS một quận thuộc TP.HCM cũng cho biết khi thi hành án những vụ việc tương tự, thường chấp hành viên phải là người trực tiếp đi đóng các khoản thuế.

“Theo quy định thì nghĩa vụ đóng thuế là của chủ tài sản. Nhưng thông thường đương sự không được lợi gì từ việc đóng thuế này nên họ không đến nộp. Vì vậy chấp hành viên phải trực tiếp đi nộp, và số tiền này được trích từ tiền bán đấu giá tài sản” - vị này cho biết.

MAI HOA ghi

Theo Tuổi Trẻ

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,805

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn