18/02/2012 16:57 PM

Điểm đột phá của quá trình đổi mới vào năm 1988 là chính sách đất đai nông nghiệp dựa trên chủ trương thay quan hệ sản xuất HTX nông nghiệp bằng quan hệ sản xuất cho hộ gia đình: Nhà nước giao đất của HTX cho hộ gia đình, cá nhân để sử dụng ổn định lâu dài mà không thu tiền sử dụng đất.


Từ đó, nước ta chấm dứt được tình trạng thiếu lương thực và đã trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Tiếp theo là quá trình khuyến khích đầu tư để thực hiện quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Quá trình chuyển dịch đất đai để thực hiện các dự án tạo nên tăng trưởng kinh tế khá mạnh nhưng cũng gây rất nhiều bức xúc đối với những người bị thu hồi đất, khiếu nại của người bị thu hồi đất ngày càng nhiều hơn. Cơ chế Nhà nước thu hồi đất gắn với sở hữu toàn dân về đất đai có nhiều biểu hiện bất cập trên thực tế.


Nếu được sở hữu đất đai lâu dài, nông dân sẽ mạnh dạn đầu tư và có cơ hội làm giàu. Trong ảnh: Thu hoạch lúa ở ĐBSCL. Ảnh: Ca Linh

Từ đó, yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải tiếp tục sửa đổi để hoàn thiện Luật Đất đai.

TS Phạm Xuân Sử, Chủ tịch Hội Tưới tiêu Việt Nam, cho rằng các nguyên nhân bất cập về đất đai trong những năm qua là do cách hiểu và vận dụng tùy tiện khái niệm sở hữu toàn dân vốn rất mơ hồ. “Chỉ có con đường là đa sở hữu đất đai, công nhận quyền sở hữu tư nhân, sở hữu của tổ chức, sở hữu của Nhà nước, khi phân biệt rõ quyền lợi, trách nhiệm và quyền hạn của các chủ thể thì việc quản lý đất đai sẽ đi vào nề nếp” - ông Sử đề xuất.

Kỹ sư nông nghiệp Nguyễn Anh Tuấn đánh giá: “Quyền thu hồi đất của Nhà nước cần được chỉnh sửa vì nó đang được để ở phạm vi quá rộng, trong khi Hiến pháp không quy định cơ chế thu hồi đất (mà chỉ có cơ chế trưng thu hoặc trưng mua…)”. Cũng về vấn đề này, nhiều bạn đọc và chuyên gia góp ý trước hết cần phải khẳng định đất đai là hàng hóa và hãy công nhận quyền sở hữu về đất đai. Bạn đọc Lê Na Thùy góp ý: “Trong xã hội tồn tại bao nhiêu thành phần kinh tế thì có bấy nhiêu quyền sở hữu đất.

Quyền sở hữu này có thể dịch chuyển từ thành phần kinh tế này sang thành phần kinh tế khác trên cơ sở hài hòa lợi ích và được các bên tham gia dịch chuyển đồng thuận chấp nhận. Nhà nước có quyền trưng mua quyền sở hữu đất của các thành phần kinh tế khác trên cơ sở đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu nếu vùng đất cần trưng mua phục vụ cho mục đích an ninh quốc phòng của quốc gia.

Trong các trường hợp Nhà nước trưng mua với mục đích khác vừa nêu, phải bảo đảm nguyên tắc tôn trọng quyền lợi của bên bị trưng mua. Tuy không triệt tiêu quyền thu hồi đất của Nhà nước nhưng phải có văn bản luật quy định trong trường hợp nào Nhà nước sử dụng quyền này…”.

Nhiều người cũng lo ngại rằng nếu cho sở hữu tư nhân về đất đai, cho phép tích tụ ruộng đất sẽ hình thành lớp địa chủ mới. Tuy nhiên, bạn đọc Minh Thu “mách nước”: “Khi sửa đổi Luật Đất đai, Nhà nước hãy quy định áp thuế suất thật cao với những người “gom” nhiều ruộng đất, chẳng hạn người có 1 ha đất thì thuế suất khác, người có 50 ha đất thì thuế suất khác và người dân có 500 ha đất thì mức thuế khác nữa, càng nhiều đất thuế càng cao. Vậy thì sẽ chẳng ai muốn làm “địa chủ” nữa...”.

Bỏ hạn điền, thời hạn giao đất

TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, chỉ ra những bất cập của quy định về hạn điền trong Luật Đất đai. Đó là hiện nay, hạn điền cho nông dân chỉ 3 ha nhưng trên thực tế tại các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang… nhiều nông dân huy động được vài chục đến cả trăm hecta. Chỉ có những nông dân này mới làm giàu được từ lúa, vì thế hạn điền không có lợi cho đại đa số nông dân. “Cơ chế thị trường định hướng XHCN ở nước ta còn lấn cấn ở hạn điền. Trong tiến trình sửa đổi Luật Đất đai sắp tới, nên bỏ hạn điền, đồng thời tạo điều kiện về chính sách đất đai và khuyến khích các địa phương chủ động lập công ty cổ phần nông nghiệp hoặc trang trại, lúc đó sẽ tính thuế theo thuế doanh nghiệp thì Nhà nước sẽ thu được nguồn thuế lớn, đời sống nông dân cũng sẽ khá hơn” - TS Bảnh nêu ý tưởng.

Quy định về thời hạn giao đất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối… 20 năm theo Luật Đất đai 1993 cũng được nhiều người đề xuất xóa bỏ. GS-TSKH Đặng Hùng Võ khẳng định: “Cần xóa bỏ thời hạn sử dụng đất nông nghiệp để người chuyên làm nông nghiệp yên tâm đầu tư lớn, dài hạn, tức là giao đất lâu dài, qua đó tạo được động lực mới để phát triển kinh tế nông nghiệp”. Đề xuất của chuyên gia đầu ngành về đất đai này được rất nhiều bạn đọc đồng tình, chia sẻ.

 

DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,702

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn