Tăng chế tài có "trị" được ngoại tình?

16/03/2013 14:05 PM

Hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng có thể xảy ra những hậu quả đau lòng nhưng mức phạt mà dự thảo Nghị định quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực tư pháp đưa ra chắc hẳn sẽ khiến nhiều người chấp nhận chịu phạt để được “sống ngoài luồng”. Bên cạnh đó, mức tiền phạt cũng có khoảng cách khá lớn, tạo điều kiện cho người có thẩm quyền muốn phạt cách nào là tùy vào... mối quan hệ với người vi phạm.

Tăng mức phạt gấp đôi

Dự thảo Nghị định này sẽ thay thế cho Nghị định 87/2001/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân, gia đình và một số Nghị định có liên quan trong lĩnh vực tư pháp và phá sản. Riêng trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, tại dự thảo lần này, hình phạt chính vẫn giữ nguyên như hiện hành (phạt cảnh cáo và phạt tiền). Tuy nhiên, hầu hết các mức phạt tiền đối với các hành vi được quy định trong dự thảo đều được tăng lên.

Cụ thể, đối với người đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 1 triệu đồng. Tương tự, những người chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng; hành vi kết hôn giữa cha mẹ nuôi với con nuôi; kết hôn giữa những người cùng giới tính... cũng được áp dụng theo khung phạt này.

Nếu so với mức chế tài tại Nghị định 87/2001/NĐ-CP thì mức phạt tại dự thảo đã được Bộ Tư pháp đề xuẩt tăng lên gấp đôi (mức phạt hiện hành của các hành vi trên là từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng). Đây có lẽ là động thái để răn đe bất kỳ ai đang có tư tưởng “cải thiện” mối quan hệ ngoài chồng, ngoài vợ. Nhưng trên thực tế, hành vi ngoại tình ngày càng phổ biến, nhất là trong giới công sở, tuy nhiên rất ít khi những vi phạm này bị các cơ quan chức năng xử lý đến nơi đến chốn, mặc dù hậu quả của hành vi này đã khiến nhiều gia đình tan nát, nhiều trẻ nhỏ bơ vơ vì mất cha, mất mẹ.

Lý do của thực trạng này là do chế tài còn nhẹ và một phần cũng do người trong cuộc (phía bị phản bội) ngại nói ra những bi kịch của gia đình cho người ngoài biết. Họ chấp nhận hy sinh hạnh phúc bản thân để giữ mái ấm gia đình cho con cái. Nắm được tâm lý này, nhiều ông chồng/bà vợ đã mặc nhiên coi mối quan hệ ngoài hôn nhân này như là “quyền nhân thân” bất khả xâm phạm.

Vì hành vi này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn làm xói mòn đạo đức, niềm tin trong mối quan hệ vợ chồng, cha (mẹ)/con. Bởi vậy, để hạn chế những vi phạm có thể xảy ra, nên chăng dự thảo cần tăng mức phạt cao hơn nữa. Bên cạnh hình phạt bổ sung là buộc chấm dứt quan hệ hôn nhân trái pháp luật đối với trường hợp vi phạm cũng cần thiết có những hình thức phạt bổ sung khác như thông báo về cơ quan, đơn vị hoặc tổ dân phố nơi người vi phạm công tác và sinh sống.

Hình thức phạt này vừa nhằm phối hợp với các cơ quan, đơn vị ... tác động, khuyên bảo hoặc xử lý người vi phạm; đồng thời tâm lý của người vi phạm nếu biết mối quan hệ bất chính của mình sẽ bị công khai rộng rãi thì sẽ suy nghĩ và hành động chín chắn hơn để tránh cái nhìn xoi mói từ dư luận...

Bên cạnh quan điểm trên, một số ý kiến cũng cho rằng dự thảo không nên đưa ra khoảng cách quá lớn cho khung hình phạt này. Vì cùng là hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng và chưa gây hậu quả nghiêm trọng (nếu gây hậu quả nghiêm trọng, theo Bộ luật hình sự, hành vi này có thể phạt tới 3 năm tù giam) mà khung hình phạt có mức từ 200.000 đồng - 1 triệu đồng là không hợp lý, bởi điều này sẽ dễ phát sinh những tiêu cực trong quá trình xử phạt.

Người vi phạm dễ “nhờn luật”

Ngoài các hình phạt trên, dự thảo còn đề xuất phạt tiền từ 10 – 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi môi giới kết hôn bất hợp pháp; thực hiện kết hôn giả nhằm mục đích xuất cảnh; hoặc lợi dụng việc đăng ký kết hôn nhằm mục đích trục lợi, xâm phạm tình dục, bóc lột sức lao động.

Bộ Tư pháp  cũng đề xuất phạt tiền từ 1 – 5 triệu đồng đối với một trong các hành vi: khai báo gian dối để đăng ký việc cho, nhận con nuôi; lợi dụng việc cho, nhận con nuôi để không vi phạm chính sách dân số; lợi dụng việc làm con nuôi của người có công với cách mạng, người thuộc dân tộc thiểu số để hưởng chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước...

Đối với hành vi dụ dỗ, mua chuộc, ép buộc, đe dọa để có được sự đồng ý của người có quyền đồng ý cho trẻ em làm con nuôi; lợi dụng việc cho, nhận hoặc giới thiệu nhận trẻ em làm con nuôi nhằm mục đích vụ lợi... dự thảo đề xuất mức phạt từ 3 – 10 triệu đồng.

Cũng theo dự thảo, nếu có hành vi tổ chức việc kết hôn cho người chưa đến tuổi kết hôn; hoặc cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đến tuổi kết hôn mặc dù đã có quyết định của Toà án buộc chấm dứt quan hệ đó có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền tới 400.000 đồng. Đây được coi là mức phạt khá nhẹ, dễ khiến đối tượng vi phạm “nhờn luật”, bởi hiện nay hành vi này cũng đang diễn ra khá phổ biến, không chỉ ở nông thôn mà ngay giữa những đô thị lớn.

Đông Quang

Theo phapluatvn.vn

 

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 6,214

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn