07/09/2012 09:40 AM

Luật Giám định tư pháp (GĐTP) là “bước ngặt mới”, song để giải quyết thấu đáo những vấn đề nổi cộm của GĐTP cần đến những văn bản hướng dẫn thi hành, trong đó có Nghị định qui định chi tiết thi hành Luật GĐTP vừa được Bộ Tư pháp tổ chức lấy ý kiến chuyên gia các Bộ, ngành sáng qua (5/9).

Biếm họa Internet
Biếm họa Internet

“Nếu quyền không đi kèm nghĩa vụ sẽ thành hư không!”

LS.Nguyễn Huy Thiệp (Phó Chủ nhiệm đoàn LS TP.Hà Nội) khẳng định như vậy, sau khi phân tích dự thảo Nghị định mặc dù có các qui định về quyền được yêu cầu giải thích kết luận giám định của người yêu cầu giám định nhưng không có chế tài buộc cơ quan được trưng cầu phải trả lời. “Qui định như vậy là “kẽ hở” của pháp luật, có thể “bẻ cong” công lý, biến người chưa đến mức là tội phạm thành người phạm tội, chuyển khung hình phạt từ thấp thành cao... như thực tế rất dễ thấy trong những vụ án xâm phạm tính mạng, sức khỏe” – LS.Thiệp bày tỏ.

Các chuyên gia nhận thấy, việc không qui định rõ nghĩa vụ của giám định viên (GĐV) sẽ không thể chấm dứt tình trạng GĐV tránh đến phiên tòa, từ chối tranh luận hay toàn bộ trách nhiệm của GĐV chỉ vẻn vẹn là một văn bản cam đoan chịu trách nhiệm về kết luận giám định. Hậu quả là, nhiều vấn đề trong kết luận giám định không thể bóc tách rõ ràng và đi vào “im lặng” khiến nhiều vụ án phải đình chỉ hoặc xử lý theo đường hướng không đúng với sự thật khách quan và bản chất của vụ án.

Ông Nguyễn Hiển (Cục CSĐT tội phạm tham nhũng – Bộ Công an) cho biết, từ năm 2007, Cục đã khởi tố điều tra khoảng 50 vụ án tham nhũng thì có đến 45 vụ phải trưng cầu giám định. Nhưng vì pháp luật về GĐTP đang quá “nương” trách nhiệm của các GĐV, nhất là GĐV là chuyên gia của các ngành, kiêm nhiệm, hoạt động theo vụ việc, nên mới xảy ra tình trạng “kết luận điều tra chờ kết luận giám định”, nhiều vụ án tham nhũng bị kéo dài, trung bình 3-4 năm, có vụ đến 10 năm không thể giải quyết vì thiếu kết luận GĐTP như vụ xăng dầu hàng không, Cty bia Sài Gòn, đất đai ở Bình Dương, tranh chấp chứng khoán...

Ngoài việc chờ cơ quan chuyên ngành cử GĐV, có khi phải mất 3-4 tháng, cơ quan ra quyết định trưng cầu GĐTP còn phải “nín thở” chờ GĐV... muốn làm hay không. Có rất nhiều trường hợp GĐV từ chối vụ việc, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng,... hoặc cứ ỳ ra không kết luận vì vô vàn lý do thì cơ quan trưng cầu giám định cũng đành “bó tay” vì pháp luật chỉ “cấm không kéo dài thời gian giám định” mà không có chế tài đi kèm...

Giao Bộ Tư pháp làm “trọng tài”

Theo ông Nguyễn Hiển, ngoài các Bộ chuyên ngành, có thể giao cho Bộ Tư pháp có thẩm quyền thành lập các hội đồng để giải quyết những tình huống “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” giữa các kết luận giám định trong cùng một vụ án.

Đồng thời, qui định cụ thể nghĩa vụ của GĐV phải đảm bảo thời hạn thực hiện yêu cầu, trưng cầu giám định của cơ quan chức năng, cụ thể hóa quyền và nghĩa vụ của người yêu cầu và người được yêu cầu trong GĐTP, ràng buộc hơn nữa quyền và nghĩa vụ của GĐV, của cơ quan chuyên ngành, quản lý GĐV, nhấn mạnh trách nhiệm và nghĩa vụ của các cơ quan chuyên ngành trong việc phối hợp thực hiện... là những kiến nghị của ông Nguyễn Thế Bình (Văn phòng Ban Chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng) và nhiều chuyên gia GĐTP ngành Công an để quyền của các chủ thể trong hoạt động GĐTP không phải “hư không”.

Huy Anh

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,871

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn