03/03/2012 10:27 AM

TT - Đó là kiến nghị của ông Nguyễn Thành Sơn (trưởng ban quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng, Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản VN - TKV) và ông Nguyễn Khắc Vinh (chủ tịch Tổng hội Địa chất VN) đưa ra tại hội nghị thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường.

Ông Nguyễn Thành Sơn - Ảnh: Xuân Long

Hội nghị này do Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội tổ chức ngày 2-3. Tham dự hội nghị có Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Ngộ nhận

"Quy hoạch về khoáng sản của ta như chiếc cầu tre, tuy không nhỏ bé nhưng rất chênh vênh. Chúng ta khai thác nhiều loại khoáng sản nhưng lợi ích thì không nhiều, hậu quả lại rất lớn. Tôi đề nghị tốt nhất là cấm xuất khẩu khoáng sản"

Ông Nguyễn Thành Sơn (trưởng ban quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng - Tập đoàn TKV)

Báo cáo tổng quan về tài nguyên khoáng sản của VN, ông Lại Hồng Thanh (cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản, Tổng cục Địa chất khoáng sản, Bộ Tài nguyên - môi trường) cho biết kết quả điều tra đánh giá và thăm dò khoáng sản đã phát hiện hơn 5.000 mỏ, điểm quặng với trên 60 loại khoáng sản. Theo ông Thanh, trong số 60 loại khoáng sản hiện có, một số loại khoáng sản có tiềm năng đủ điều kiện để tổ chức khai thác, chế biến quy mô công nghiệp với thời gian lâu dài như bôxit, titan-zircon, đất hiếm, than...

"Quy hoạch về khoáng sản của ta như chiếc cầu tre, tuy không nhỏ bé nhưng rất chênh vênh. Chúng ta khai thác nhiều loại khoáng sản nhưng lợi ích thì không nhiều, hậu quả lại rất lớn. Tôi đề nghị tốt nhất là cấm xuất khẩu khoáng sản"

Ông Nguyễn Thành Sơn (trưởng ban quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng - Tập đoàn TKV)

Tổng quan về tài nguyên và trữ lượng, ông Thanh nói quặng bôxit phân bố chủ yếu ở các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum. Chỉ tính riêng tổng trữ lượng và tài nguyên dự báo quặng bôxit trầm tích thì ở các tỉnh phía Bắc có khoảng 88,5 triệu tấn, còn tổng trữ lượng và tài nguyên dự báo quặng bôxit-laterit tính đến thời điểm năm 2005 có khoảng 5,4 tỉ tấn quặng nguyên khai. Về trữ lượng quặng titan, tính đến năm 2011 có khoảng 600 triệu tấn tinh quặng, thuộc loại lớn trên thế giới, đủ cơ sở để phát triển bền vững ngành công nghiệp khai thác, chế biến sâu quặng titan.

Tuy nhiên phát biểu ngay sau đó, ông Nguyễn Khắc Vinh khẳng định chưa bao giờ VN được các quốc gia và tổ chức quốc tế đánh giá là quốc gia giàu khoáng sản. “Vấn đề là các cơ quan chức năng từ trước tới nay không nói rạch ròi, cứ gộp chung tài nguyên và trữ lượng với nhau rồi ngộ nhận mình giàu khoáng sản. Thực chất dự báo tài nguyên sai số đến 80%, còn trữ lượng xác định chính xác, tức sẽ cho hiệu quả kinh tế, lại rất khiêm tốn” - ông Vinh phân tích.

Dẫn chứng về số liệu được các cơ quan chức năng báo cáo tài nguyên than tại bể than vùng đồng bằng sông Hồng có khoảng 210 tỉ tấn, ông Vinh nói: “Chúng ta cứ ngộ nhận dự báo như thế, còn thực tế trữ lượng có bao nhiêu đến nay vẫn không trả lời được. Với đất hiếm cũng vậy, trong báo cáo của Bộ Công thương nói tài nguyên và trữ lượng đất hiếm có tới 21 triệu tấn. Tôi xin khẳng định làm gì có nhiều như vậy, trữ lượng đất hiếm xác định được đến nay mới chỉ có 1 triệu tấn. Nói về khoáng sản phải nói trữ lượng chúng ta đã xác định, đừng dự báo thiếu thực tế rồi ngộ nhận vì trữ lượng một số loại khoáng sản của VN không có nhiều như dự báo tài nguyên đưa ra”.

Xuất khẩu nhiều sao vẫn nghèo?

“Chúng tôi có cảm giác tài nguyên dưới lòng đất càng giàu thì kinh tế của tỉnh càng nghèo. Dù có nhiều loại khoáng sản được cho khai thác nhưng chúng tôi có cảm giác chúng chưa có đóng góp gì cho các tỉnh. Vậy hàng nghìn giấy phép cấp xong thì khoáng sản đi đâu, làm giàu cho ai?” - ông Mai Xuân Hùng (phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội) đặt câu hỏi.

Theo ông Phạm Quốc Thái (Vụ Công nghiệp nặng Bộ Công thương), khoáng sản khai thác hiện phục vụ hai mục đích sản xuất trong nước và xuất khẩu. Ông Thái cho rằng công tác xuất khẩu khoáng sản đã góp phần giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp và địa phương, nhất là địa phương miền núi. Xuất khẩu khai thác khoáng sản gián tiếp hỗ trợ tạo công ăn việc làm cho người lao động, duy trì sản xuất mỏ, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn có mỏ.

Lý giải thêm về việc khai thác khoáng sản được gì, mất gì, ông Nguyễn Khắc Vinh khẳng định: “Cái mất thì nhiều như môi trường bị tàn phá, tệ nạn ở các mỏ phát sinh..., còn cái được chỉ là một nhóm người có lợi ích từ khai mỏ. Tôi xin nói một thực tế có được mỏ phải mất khoảng 2 tỉ đồng làm thăm dò, xin giấy phép, nếu bôi trơn nữa là 5 tỉ đồng, nhưng có thể bán giấy phép đó 30 tỉ đồng, lãi thế thì cớ gì mà không ham làm. Ví như tỉnh Bình Thuận - một tỉnh nhỏ - cấp tới 200 giấy phép, làm sao khoáng sản không bị băm nát. Nhà khoa học về hưu như chúng tôi mơ 1 tỉ đồng cũng không có, nhưng có mỏ là có thể bán mấy chục tỉ”.

Theo ông Phạm Quang Tú (phó viện trưởng Viện Tư vấn phát triển), sở dĩ kinh tế tại các địa phương có khoáng sản cho khai thác vẫn nghèo do nguồn lợi từ khai thác khoáng sản không thật sự đóng góp và thúc đẩy phát triển kinh tế tại địa phương. Ông Tú khẳng định đã có những nghiên cứu chỉ ra lợi ích từ khoáng sản chỉ là lợi ích nhóm, trong khi nguồn thu từ khoáng sản không đủ bù đắp đầu tư hạ tầng và giải quyết các hậu quả môi trường, do vậy kinh tế vẫn kém phát triển.

Ông Nguyễn Khắc Vinh cho rằng nếu cứ xuất khẩu như hiện nay thì chẳng bao lâu nữa các loại khoáng sản, trong đó có khoáng sản kim loại, sẽ hết. “Chúng ta đừng coi xuất khẩu khoáng sản là thành tích, là lợi thế, vì thế tôi đề nghị cấm hết việc xuất khẩu khoáng sản kim loại và phải tính việc để cho con cháu sau này” - ông Vinh kiến nghị.

Ông Nguyễn Thành Sơn đề nghị cần phải từ bỏ mô hình tăng trưởng dựa vào khoáng sản. Ông Sơn nói khoáng sản là tài nguyên không có tái sinh, chỉ nên cho khai thác khi trong nước có nhu cầu. Ông Sơn đề nghị Quốc hội, đoàn giám sát có ý kiến yêu cầu Bộ Tài chính tăng thuế suất và bổ sung thuế tổn thất tài nguyên. “Thuế suất được tính theo sản lượng khai thác, vì vậy chủ mỏ sẵn sàng chọn khai thác chỗ màu mỡ, còn chỗ khó bỏ lại. Nếu cứ như thế, tổn thất tài nguyên tại vùng khai thác sẽ rất lớn nên cần phải bổ sung khoản thuế này” - ông Sơn đề xuất.

Xuất khẩu lậu khoáng sản gia tăng

Theo ông Phạm Quốc Thái, tồn tại trong xuất khẩu hiện nay là do công nghiệp chế biến sâu khoáng sản khai thác của VN chưa phát triển. “Chúng ta chưa có chế tài nghiêm bắt buộc doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu, thậm chí doanh nghiệp có mỏ không thiện chí đầu tư chế biến sâu. Xuất lậu và gian lận thương mại có biểu hiện gia tăng. Khoáng sản bị xuất khẩu lậu chủ yếu là than, sắt. Nguyên nhân chủ yếu do tình trạng khai thác khoáng sản quá nóng, cung vượt cầu và chạy theo giá hấp dẫn của một số loại khoáng sản. Xuất lậu quy mô lớn chủ yếu xảy ra trên đường biển, chủ yếu là quặng sắt, than, titan và đây là thất thoát không quản lý được” - ông Thái nói.

XUÂN LONG

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,866

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn