08 chính sách về thuế, phí, lệ phí có hiệu lực từ tháng 01/2019

09/01/2019 14:13 PM

Trong tháng 01/2019, nhiều chính sách mới trong lĩnh vực thuế, phí, lệ phí chính thức có hiệu lực thi hành. Theo đó, có những quy định nổi bật sau đây:

File word chính sách thuế - phí - lệ phí có hiệu lực trong tháng 01

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

1. Sửa đổi biểu phí trong công tác an toàn vệ sinh thực phẩm

Bộ Tài chính ban hành Thông tư 117/2018/TT-BTC sửa đổi Thông tư 279/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong công tác an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo đó, Thông tư 117 sửa đổi mức thu một số loại phí, cụ thể như sau:

- Phí thẩm định điều kiện cơ sở kiểm nghiệm, tổ chức chứng nhận hợp quy, cơ quan kiểm tra nhà nước về thực phẩm nhập khẩu:

+ Đánh giá lần đầu, đánh giá mở rộng là 28.500.000 đồng/lần/đơn vị thay vì 32.000.000 đồng như hiện nay.

+ Trường hợp đánh giá lại thì phí là 20.500.000 đồng thay cho mức 22.500.000 đồng ở thời điểm hiện tại.

- Phí thẩm định nội dung kịch bản phim, chương trình trên băng, đĩa, phần mềm,... trong quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thuộc lĩnh vực y tế có mức thu cố định là 1.100.000 đồng, giảm 100.000 đồng so với mức hiện hành.

Bên cạnh đó, Thông từ này còn bổ sung khoản 3 Điều 6 Thông tư 279 như sau:

“Trường hợp tổ chức thu phí là doanh nghiệp: Tiền phí thu được là doanh thu của tổ chức thu phí. Tổ chức thu phí được giữ lại 100% số tiền phí thu được để trang trải cho việc thu phí và phải khai, nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật...”.

Thông tư 117/2018/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/01/2019.

2. Phí thẩm định xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản tối đa 700.000 đồng/lần

Thông tư 118/2018/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí thẩm định xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản; lệ phí cấp giấy phép khai thác, hoạt động thủy sản (có hiệu lực từ ngày 15/01/2019).

Theo quy định, phí thẩm định xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản là 150.000 đồng + (số tấn thủy sản x 15.000 đồng/tấn). Mức phí này tối đa là 700.000 đồng/lần.

Tổ chức thu phí, lệ phí thực hiện kê khai, nộp số tiền phí, lệ phí thu được theo tháng, quyết toán năm theo khoản 3 Điều 19, khoản 2 Điều 26 Thông tư 156/2013/TT-BTC.

Về việc quản lý phí, đối với tổ chức quản lý cảng cá là đơn vị sự nghiệp công lập thì trích 90% số tiền phí thẩm định xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản thu được để chi cho các nội dung quy định tại Điều 5 Nghị định 120/2016/NĐ-CP; nộp 10% số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước.

Thông tư 118 cũng quy định, chậm nhất là ngày 20 hàng tháng, tổ chức thu phí phải gửi số tiền phí đã thu của tháng trước vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách mở tại Kho bạc Nhà nước.

3. Căn cứ tính thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu năm 2019

Ngày 15/11/2018, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 106/2018/TT-BTC sửa đổi Khoản 2 Điều 5 Thông tư 152/2011/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 67/2011/NĐ-CP hướng dẫn Luật thuế bảo vệ môi trường.

Theo Thông tư 106, căn cứ tính thuế bảo vệ môi trường là số lượng hàng hóa tính thuế và mức thuế tuyệt đối.

Trong đó, mức thuế tuyệt đối làm căn cứ tính thuế bảo vệ môi trường đối với từng hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường là mức thuế được quy định tại Biểu mức thuế bảo vệ môi trường ban hành kèm theo Nghị quyết 579/2018/UBTVQH14 ngày 26/9/2018.

Thông tư 106/2018/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/01/2019 và thay thế Thông tư 60/2015/TT-BTC ngày 27/4/2015.

4. Sửa đổi một số biểu mẫu kế toán hàng hóa xuất, nhập khẩu

Bộ Tài chính ban hành Thông tư 112/2018/TT-BTC sửa đổi Thông tư 174/2015/TT-BTC hướng dẫn kế toán thuế và thu khác đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu áp dụng với các đơn vị hải quan (có hiệu lực từ ngày 01/01/2019).

Trong đó, một số nội dung được sửa đổi tại các Phụ lục kèm theo Thông tư 174, bao gồm:

- Bảng kê chứng từ ghi số thuế phải thu (mẫu số 01/BK-HQ), Bảng kê chứng từ thu thuế (mẫu số 05/BK-HQ) tại Phụ lục số 01;

- Danh mục hệ thống tài khoản kế toán tại Mục I Phụ lục số 02;

- Danh mục sổ kế toán quy định tại Phụ lục số 03;

- Các mẫu số 02/BCTC, 03/BCTC, 05/BCTC, 09/BCTC, 10/BCTC tại Phụ lục số 04.

Đồng thời quy định mới cũng bổ sung một số nội dung, cụ thể:

- Bảng kê trừ lùi tiền thuế, phí, lệ phí trừ lùi nộp trước (mẫu số 15/BK-HQ) tại Phụ lục số 01;

- Các điểm 7a, điểm 9a và điểm 24 tại Mục II của Phụ lục số 02.

5. Mức thu lệ phí cấp, cấp lại, gia hạn, sửa đổi, bổ sung giấy phép nhận chìm ở biển

Vừa qua, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 105/2018/TT-BTC về mức thu, chế độ thu, nộp lệ phí cấp giấy phép nhận chìm ở biển (có hiệu lực từ ngày 01/01/2019).

Theo đó, tổ chức, cá nhân khi yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, cấp lại, gia hạn, sửa đổi, bổ sung giấy phép nhận chìm ở biển phải nộp lệ phí với mức sau:

Số TT

Hoạt động cấp phép

Mức thu lệ phí

(nghìn đồng/giấy phép)

1

Cấp giấy phép

22.500

2

Cấp lại giấy phép

7.000

3

Gia hạn giấy phép

17.500

4

Sửa đổi, bổ sung giấy phép

12.500

Tổ chức, cá nhân nộp lệ phí nộp trực tiếp cho tổ chức thu lệ phí hoặc nộp vào tài khoản của tổ chức thu lệ phí mở tại Kho bạc Nhà nước.

6. Bảng mã số HS đối với Danh mục hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý của BNN&PTNT

Thông tư 15/2018/TT-BNNPTNT ngày 29/10/2018 ban hành bảng mã số HS đối với Danh mục hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Bảng mã số HS đối với một số danh mục hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cụ thể:

Mục 1. Bảng mã số HS đối với danh mục động vật, sản phẩm động vật trên cạn thuộc diện phải kiểm dịch.

Mục 2. Bảng mã số HS đối với danh mục giống vật nuôi được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.

Mục 3. Bảng mã số HS đối với danh mục giống vật nuôi quý hiếm cấm xuất khẩu.

Mục 4. Bảng mã số HS đối với danh mục môi trường pha loãng, bảo tồn tinh giống vật nuôi.

Mục 5. Bảng mã số HS đối với danh mục nguồn gen vật nuôi quý hiếm cần bảo tồn.

Mục 6. Bảng mã số HS đối với danh mục động vật, sản phẩm động vật thủy sản thuộc diện phải kiểm dịch.

Mục 7. Bảng mã số HS đối với danh mục giống thủy sản nhập khẩu thông thường,...

Thông tư 15/2018/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 01/01/2019 và thay thế Thông tư 24/2017/TT-BNNPTNT.

7. Bãi bỏ 01 quyết định miễn thuế nhập khẩu đối với linh kiện nhập khẩu

Ngày 29/11/2018, Thủ tướng ban hành Quyết định 48/2018/QĐ-TTg bãi bỏ Quyết định 54/2014/QĐ-TTg về việc miễn thuế nhập khẩu đối với linh kiện nhập khẩu để sản xuất, lắp ráp sản phẩm trang thiết bị y tế cần được ưu tiên nghiên cứu, chế tạo.

Chính sách miễn thuế nhập khẩu đối với linh kiện nhập khẩu để sản xuất, lắp ráp sản phẩm trang thiết bị y tế cần được ưu tiên nghiên cứu, chế tạo thực hiện theo quy định tại Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 và Nghị định 134/2016/NĐ-CP.

Quyết định 48/2018/QĐ-TTg ngày 28/11/2018 có hiệu lực thi hành từ ngày 15/01/2019.

8. Tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng đến 4.000 đồng/lít

Đây là nội dung tại Nghị quyết 579/2018/UBTVQH14 về Biểu thuế bảo vệ môi trường do Ủy ban thường vụ quốc hội ban hành.

Theo Nghị quyết, mức thuế bảo vệ môi trường của một số hàng hóa từ ngày 01/01/2019 sẽ là:

- Xăng, trừ etanol: 4.000 đồng/lít;

- Nhiên liệu bay: 3.000 đồng/lít;

- Dầu diesel: 2.000 đồng/lít;

- Dầu hỏa: 1.000 đồng/lít;

- Dầu mazut: 2.000 đồng/lít;

- Dầu nhờn: 2.000 đồng/lít;

- Túi ni lông thuộc diện chịu thuế: 50.000 đồng/kg.

Nghị quyết 579/2018/UBTVQH14 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019.

 Châu Thanh

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 18,733

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn