CSGT phải chứng minh lỗi của người vi phạm

22/03/2014 08:01 AM

Nếu người bị xử phạt khởi kiện, tòa sẽ yêu cầu CSGT chứng minh lỗi của người vi phạm.

Công an huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) vừa có giải quyết khiếu nại, tiếp tục cho rằng tài xế xe cá thối không chấp hành hiệu lệnh dừng xe. Phía tài xế cho biết sẽ khởi kiện công an huyện này ra tòa.

Tại Kiên Giang, hai lái xe khác cũng đang khiếu nại quyết định xử phạt của Thanh tra giao thông tỉnh vì cho rằng không biết hiệu lệnh dừng xe của CSGT tham gia đội liên ngành.

Việc vi phạm giao thông xảy ra trong tích tắc, khi bị phạt thì “ông nói gà, bà nói vịt”, tòa sẽ giải quyết cách sao trong những trường hợp như vậy?

“Không thấy, không biết tín hiệu dừng xe”

Theo tường trình của tài xế Nguyễn Văn Ve (ngụ Hậu Giang) và tài xế Trần Văn Đợi (ngụ Cần Thơ), chiều 23-12-2013, họ chạy xe tải chở bia đi giao. Khi đi đến địa phận xã Mong Thọ, huyện Châu Thành (Kiên Giang) thì tình cờ xe của hai anh chạy chung với một chiếc xe đông lạnh: Xe anh Đợi chạy đầu, giữa là xe đông lạnh và sau cùng là xe anh Ve.

Khi ba xe đang chạy, anh Ve thấy mô tô tuần tra của đội liên ngành chạy ngược chiều và CSGT chĩa dùi cui vào xe đông lạnh. “Tôi thấy CSGT chĩa dùi cui vào xe phía trước nên tôi cho xe chạy bình thường. Được khoảng 300 m, xe tuần tra đuổi theo, ra hiệu lệnh dừng cả ba xe và chúng tôi chấp hành. Sau đó, họ cho xe đông lạnh chạy tiếp còn hai xe chở bia bị giữ giấy tờ vì cho rằng chúng tôi không chấp hành hiệu lệnh. Bốn ngày sau, Thanh tra Sở GTVT tỉnh Kiên Giang ra quyết định xử phạt mỗi người 4 triệu đồng, giam bằng 60 ngày và học lại luật giao thông (áp dụng điểm a khoản 2 Điều 38 Nghị định 71/2012)” - anh Ve kể.


Trong vụ xe cá thối, người dân tự vẽ hiện trường để chứng minh mình không sai. Ảnh: CTV

Theo anh Ve, anh thấy CSGT chỉ vào xe khác nên không dừng xe, “phạt tôi lỗi này là oan”. Còn anh Đợi thì khăng khăng cho rằng mình hoàn toàn không thấy CSGT ra hiệu lệnh.

Giải quyết, chánh Thanh tra Sở GTVT tỉnh Kiên Giang khẳng định việc cán bộ tuần tra chạy ngược chiều, dùng gậy chỉ huy ra hiệu lệnh dừng xe là đúng theo Thông tư 65/2012/TT-BCA. Việc các tài xế khiếu nại không thấy hiệu lệnh dừng xe của CSGT là không có căn cứ nên giữ nguyên quyết định xử phạt.

Hai lái xe tiếp tục khiếu nại nên đầu tháng 3-2014, lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Kiên Giang có buổi đối thoại nhưng hai bên chưa tìm được tiếng nói chung.

Muốn phạt phải chứng minh lỗi

Chưa rõ kết quả giải quyết cuối cùng sẽ ra sao nhưng việc hai lái xe nêu trên và tài xế chiếc xe cá thối khiếu nại việc dừng xe của CSGT đặt ra nhiều vấn đề cần lưu tâm.

Theo tìm hiểu, khi triển khai Nghị định 171/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an) cho biết một trong những nguyên tắc mới áp dụng trong quy định xử phạt này là “người có thẩm quyền xử phạt phải có trách nhiệm chứng minh vi phạm”. Nguyên tắc này nằm trong “luật mẹ” là Luật Xử phạt vi phạm hành chính. Nguyên tắc này đã làm nhiều CSGT lúng túng.

Tổ trưởng CSGT của một quận trung tâm TP.HCM cho biết: Trong nhiều trường hợp, yêu cầu chứng minh lỗi vi phạm gây không ít khó khăn cho CSGT. Nhiều người vi phạm rành rành (nhất là các lỗi lấn tuyến, vượt đèn đỏ…) nhưng vẫn cãi, đòi bằng chứng vi phạm. Trong các trường hợp này, CSGT giải thích, thuyết phục, mời về đội xử lý, nếu không xong thì buộc phải… buông. “Họ không ký vào biên bản vi phạm thì phải có nhân chứng nhưng tìm ra được nhân chứng (với tên tuổi, địa chỉ cụ thể) không dễ, CSGT coi như thua. Đã có những trường hợp CSGT phải bỏ tiền túi nộp phạt thay cho những biên bản khuyết chữ ký của người vi phạm, không có nhân chứng” - vị này nói.

Khởi kiện, tòa sẽ “soi” chứng cứ

Trường hợp các bên không ai chịu ai, khởi kiện ra tòa thì lúc này tòa sẽ phải xem xét chứng cứ các bên cung cấp.

Theo Thẩm phán Phạm Công Hùng, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM, những vụ người dân khởi kiện quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính của CSGT có một điểm chung là hai bên có ít chứng cứ chứng minh. Việc các bên tự chứng minh là rất quan trọng. Về phần CSGT, làm sao để có các chứng cứ (như ghi âm, ghi hình…) thì CSGT phải tự tính toán để chứng minh.

Từ đó, tòa sẽ dựa vào chứng cứ và tính hợp pháp của quyết định để ra phán quyết chấp nhận hay không yêu cầu của bên khởi kiện.

G.Tuệ - M.Phong - T.Tùng

Theo Pháp luật TP. HCM

Tâm lý của hầu hết người dân là sợ CSGT. Điều này xuất phát từ việc không nắm rõ các quy định của pháp luật và theo phản ứng tự nhiên: Cứ CSGT thổi thì chắc là có lỗi. Nhiều lúc bị lập biên bản oan nhưng phải chịu vì sợ CSGT giữ giấy tờ, phiền phức lắm. Nhiều lần tôi không mở cửa, bước xuống xe mà đợi CSGT đến xác nhận có đeo dây an toàn, xe có xi nhan chứ vội bước là dính… chưởng ngay.

Tài xế NGUYỄN HỮU THIỆN, quận Bình Thạnh, TP.HCM

Phải thẳng thắn nhìn nhận trong một số trường hợp, CSGT thấy người dân “chướng tai gai mắt” về thái độ, lời lẽ… đã bỏ qua nguyên tắc chứng minh lỗi mà chăm chăm buộc người dân ký vào biên bản.

Đội trưởng một đội CSGT Công an TP.HCM

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 11,567

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn