Cần một cuộc 'ân xá' để tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước

18/02/2014 11:12 AM

Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt cho rằng quá trình sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước khó tiến nhanh hơn khi chưa thể xử lý vấn đề sở hữu chéo, thâu tóm cổ phần.

Ông Nguyễn Trần Bạt là luật sư, chuyên gia kinh tế. Ông sáng lập Công ty Tư vấn đầu tư và chuyển giao công nghệ (Investconsult Group) năm 1989, doanh nghiệp của ông là một trong những công ty tư vấn đầu tiên được cấp phép hoạt động tư vấn trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài. Từ 1989 đến nay, ông là CEO và Chủ tịch Công ty này.

- Chính phủ đặt mục tiêu cổ phần hóa 500 doanh nghiệp Nhà nước trước năm 2015, đề ra một số giải pháp cứng rắn như thay thế lãnh đạo các đơn vị chậm cổ phần hóa... Ông cảm nhận thế nào về mục tiêu và quyết tâm này?

- Tôi thấy đây không phải mục tiêu dễ làm bởi những gì đã làm giờ rất khó khắc phục. Khi trước, Việt Nam quyết định dồn các đơn vị thành các tập đoàn hoặc tổng công ty. Tập đoàn hóa là khuynh hướng lớn, được xem như một triển vọng, như một sự phát triển, cho nên tất cả mọi cái từ bé đến lớn đều chuẩn bị đi theo hướng ấy. Quá trình chuẩn bị đó khá sâu sắc, dồn dập và giờ để ra khỏi hậu quả của nó là khó khăn lớn cho bản thân họ cũng như toàn xã hội.

Ngay cả các ngân hàng cũng được chuẩn bị theo hướng ấy nên đẻ ra khái niệm sở hữu chéo. Hình thức này có cả ở các tập đoàn nhà nước, tư nhân, đan xen nhau tạo ra một mớ bùng nhùng hết sức phức tạp, không dễ gì để ra khỏi.

Nói tái cấu trúc khó là vì vậy, chứ chưa nói đến cổ phần hóa, vì cổ phần hóa chỉ là một giải pháp để tái cấu trúc. Việc này theo nghĩa nguyên thủy thực chất là quá tư nhân hóa, tức là phải có một khái niệm về sở hữu rành mạch để cho các tổ chức kinh tế có chủ sở hữu rõ ràng. Còn cổ phần hóa của Việt Nam chưa có khái niệm rõ ràng về sở hữu, biểu hiện rõ nhất là sở hữu chéo. Ngoài ra, Nhà nước muốn huy động vốn thông qua bán cổ phần các xí nghiệp, nhưng lại chưa sẵn sàng buông quyền sở hữu của khu vực kinh tế này ra. Đó cũng là cái khó.

- Vậy làm thế nào để trong quá trình cổ phần hóa tới đây giảm bớt sự bùng nhùng, hạn chế sở hữu chéo?


Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trần Bạt cho rằng sở hữu chéo là vấn đề lớn đối với tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước.

- Xét về mặt nguyên tắc là không có khả năng. Bởi vì chưa có giải pháp chính trị nào cho việc công khai hóa các tài sản, nhất là tài sản tham nhũng. Để giải quyết vấn đề này phải có chính sách ân xá kinh tế, giống như ở Ấn Độ, Indira Gandi làm tới hai lần. Chúng ta chưa có chuyện ấy. Ở Trung Quốc người ta vẫn săn đuổi các ông chủ, săn đuổi các tài sản tham nhũng, Việt Nam chắc chắn cũng không thể làm khác được.

Không có ân xá kinh tế thì sẽ không có việc hợp thức hóa địa vị của một số tài sản. Tham nhũng trở thành quốc nạn, tài sản công bị khấu vào tài sản tư, và bây giờ không có con đường nào giải thoát tài sản tư để nó trở nên minh bạch, thì làm sao có thể có giải pháp cổ phần hóa được.

Cổ phần hóa không phải là rửa tiền. Không thể rửa tiền dễ như thế được. Có thể có những cuộc thương lượng cụ thể cho từng công ty, cho từng xí nghiệp, từng dự án giữa các tập đoàn lợi ích với nhau, nhưng cái đó chỉ tạo ra một vài dự án chứ không thể tạo ra nền kinh tế. Không có giải pháp về chế độ sở hữu, không có giải pháp về ân xá kinh tế thì không có cách gì giải quyết được.

- Nhiều động thái tích cực đã được cơ quan quản lý và các doanh nghiệp thể hiện trong thời gian gần đây. Ông đánh giá như thế nào về khả năng gỡ những "bùng nhùng" này cũng như cơ hội thúc đẩy quá trình cổ phần hóa nhanh hơn?

- Thứ nhất là tôi thấy vẫn còn quá sớm để kết luận ta đã nhìn được hết cái "bùng nhùng" để giải quyết. Thứ hai là tích cực nói và tích cực gỡ khác nhau.

Tôi chưa thấy chút hy vọng nào trong quá trình cổ phần hóa hiện nay. Chúng ta chưa có lý thuyết về việc này. Trước đây tôi là người của Bộ Giao thông vận tải, chúng tôi từng làm việc với nhà máy đóng tàu Song Mai, đóng tàu Hạ Long… Những cái đó sau này được gom thành tổng công ty, thành tập đoàn. Bây giờ tháo gỡ thì các mảnh vụn của nó vẫn có thể có lãi, nhưng ghép lại thành một cơ thể sống lại là chuyện khác. Nó phải có hồn. Linh hồn của các cơ cấu mới là gì thì tôi chưa thấy có bất kỳ ủy ban tái cơ cấu nào chỉ ra.

Ở tầm vĩ mô thì có vài nét tích cực, nhưng cái cụ thể thì chưa đến vì chưa thoát ra được về mặt lý thuyết. Định nghĩa về chế độ sở hữu vẫn chưa rõ ràng. Chưa có định nghĩa thì sao giải quyết được vấn đề sở hữu chéo. Không xử lý được sở hữu chéo thì làm sao xây dựng chế độ quản trị sở hữu được, trong khi đây trung tâm của quá trình quản lý kinh tế vi mô.

- Đúng là có những nhà đầu tư nhưng bên cạnh đó, cũng có cả kền kền. Doanh nghiệp Việt có đủ kinh nghiệm để phân biệt đó là một vài nhà đầu tư hay một vài con kền kền không? Tôi chưa có kết luận về chuyện này, nhưng thấy logic lập luận chưa rõ.

Nếu dừng lại ở mức đánh giá toàn bộ triển vọng vĩ mô của nền kinh tế thì cũng có một số mặt thể hiện tiến bộ của việc điều hành. Sự tiến bộ ấy có thể đem lại một vài kết quả cụ thể trong tương lai, nhưng chắc chắn chưa phải bây giờ. Những quan điểm ban đầu có tính chất vĩ mô về mặt chính sách có thể đem lại một vài kết luận, một vài bước tiến trong việc định hướng một số kết quả. Nhưng định hướng và kết quả là hai việc khác nhau. Việt Nam chưa ở giai đoạn đưa ra những đánh giá cụ thể mà mới ở giai đoạn hy vọng các khuynh hướng tích cực.

Chí Hiếu

Theo Vnexpress.net

Để tập trung vào chủ đề tái cơ cấu, buổi làm việc đầu năm giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các tập đoàn tổng công ty năm nay được xác định là Hội nghị Triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Sự kiện đang diễn ra tại Hà Nội sáng nay (18/2).


Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,792

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn