Giáo viên cần biết điều này để tránh bị tinh giản biên chế

18/10/2019 08:00 AM

Chị Nguyễn Thị Lan Hương (có địa chỉ email lanhuong****@gmail.com) có gửi thắc mắc như sau: “Tôi là giáo viên trường trung học cơ sở công lập, đã vào biên chế viên chức 2 năm. Tôi có nghe về kế hoạch tinh giản biên chế của Bộ Giáo dục nên khá lo lắng; vì vậy tôi xin hỏi: đối tượng nào thì thuộc diện bị tinh giản? Xin cảm ơn!”.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT xin được giải đáp như sau:

Căn cứ quy định tại Nghị định 108/2014/NĐ-CPNghị định 113/2018/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế thì viên chức là giáo viên sẽ thuộc diện tinh giản biên chế bao gồm:

- Dôi dư do rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự;

- Dôi dư do cơ cấu lại theo vị trí việc làm nhưng không thể bố trí, sắp xếp được việc làm khác;

- Chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ quy định đối với vị trí giảng dạy đang đảm nhiệm, nhưng không có vị trí việc làm khác phù hợp để bố trí và không thể bố trí đào tạo lại để chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ hoặc được cơ quan bố trí việc làm khác, cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.

- Có chuyên ngành đào tạo không phù hợp với vị trí giảng dạy hiện đang đảm nhiệm nên bị hạn chế về năng lực hoàn thành công việc được giao, nhưng không thể bố trí việc làm khác hoặc được cơ quan bố trí việc làm khác, cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.

- Có 02 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, giáo viên có 01 năm được phân loại đánh giá xếp vào mức hoàn thành nhiệm vụ và 01 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp hoặc không hoàn thành nhiệm vụ trong năm trước liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý;

- Có 02 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, mà trong từng năm đều có tổng số ngày nghỉ làm việc bằng hoặc cao hơn số ngày nghỉ tối đa do ốm đau theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật BHXH, có xác nhận của cơ sở KCB và của cơ quan BHXH chi trả trợ cấp ốm đau theo quy định hiện hành của pháp luật hoặc trong năm trước liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế có tổng số ngày nghỉ làm việc bằng hoặc cao hơn số ngày nghỉ tối đa do ốm đau theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật BHXH, cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý;

- Lãnh đạo, quản lý trường học thôi giữ chức vụ do sắp xếp tổ chức bộ máy theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.

Như vậy, để tránh bị tinh giản biên chế theo các đối tượng trên bạn cần:

- Nâng cao trình độ đào tạo (nếu chưa đạt chuẩn) để đạt chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ quy định đối với vị trí giảng dạy đang đảm nhiệm theo lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo do Chính phủ quy định;

Hiện tại chuẩn trình độ được quy định tại Luật giáo dục 2005, tuy nhiên sẽ có sự thay đổi khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực (Xem chi tiết tại đây).

- Bổ sung kiến thức, học tập thêm các khóa học theo đúng chuyên ngành phù hợp với vị trí giảng dạy trong trường hợp khác chuyên ngành đào tạo;

- Đạt được thành tích tốt ở vị trí giảng dạy;

- Cố gắng phát huy năng lực cá nhân, hoàn thành tốt nhiệm vụ để đạt được phân loại đánh giá tốt;

- Hạn chế nghỉ khi không thật sự cần thiết để tránh vượt quá số ngày nghỉ tối đa theo quy định.

Bên cạnh đó bạn có thể tham khảo thêm về kế hoạch tinh giản biên chế ngành Giáo dục tại Công văn 3043/BGDĐT-NGCBQLGD và yên tâm công tác.

Tường Vy

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 14,671

Bài viết về

lĩnh vực Giáo dục

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn