Sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động năm 2012 phù hợp cam kết quốc tế

19/10/2016 09:05 AM

Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) là một FTA thế hệ mới giữa Việt Nam và 28 nước thành viên EU. Hiện hai bên đang tiến hành rà soát lại văn bản hiệp định và lên kế hoạch ký kết hiệp định trong năm 2016.

Dự báo, lao động ngành dệt may sẽ tăng 1,53%/năm

Dự báo, lao động ngành dệt may sẽ tăng 1,53%/năm

Hội thảo “Đánh giá tác động của các cam kết lao động trong Chương phát triển bền vững của Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU” do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Dự án Hỗ trợ Chính sách Thương mại và Đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP) tổ chức vừa diễn ra tại Hà Nội nhằm rà soát lại các cam kết về lao động và xã hội trong các Hiệp định Thương mại Tự do, đặc biệt là Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU; đánh giá tác động của các cam kết này đối với lĩnh vực lao động – xã hội.

Đánh giá tác động của các Hiệp định thương mại tự do đối với lĩnh vực lao động – xã hội, ông Đào Quang Vinh- Viện trưởng Viện KHLĐXH, Bộ LĐTBXH cho hay, với các hiệp định thương mại Việt Nam tham gia, dự kiến đến năm 2025, Việt Nam sẽ tăng thêm khoảng 7,5 triệu việc làm, tương đương 0,83 triệu việc làm mỗi năm, hay tăng thêm 1,47%/năm.

Ông Vinh khuyến cáo, cùng với cơ hội tăng việc làm, Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực về đổi mới hệ thống giáo dục – đào tạo; cải thiện chất lượng lao động do chiến lược khai thác lợi thế giá nhân công rẻ của đầu tư trực tiếp nước ngoài; cải thiện việc làm cho các nhóm lao động dễ bị tổn thương. Cùng với đó là nguy cơ mất ATVSLĐ, ô nhiễm môi trường nếu không có một chiến lược nhập khẩu máy móc thiết bị, công nghệ và chiến lược thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hợp lý.

Tại hội thảo, chuyên gia Vụ Pháp chế, Bộ LĐTBXH - Đào Văn Hộ đã thông tin về kế hoạch sửa đổi pháp luật lao động của Việt Nam để thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do.

Ông Đào Văn Hộ cho biết, hiện nước ta đang áp dụng Bộ luật Lao động được Quốc hội thông qua ngày 18//6/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2013. Bộ luật Lao động 2012 quy định tương đối đầy đủ các nội dung liên quan đến việc quản lý, sử dụng lao động và việc làm của người lao động, điều chỉnh quan hệ lao động và các quan hệ xã hội khác có liên quan mật thiết đến quan hệ lao động.

Qua triển khai thực hiện Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành đã phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng cho việc sử dụng và quản lý lao động linh hoạt trong các doanh nghiệp và thu hút doanh nghiệp nước ngoài đầu tư và sử dụng lao động Việt Nam, thị trường lao động từng bước được hoàn thiện và phát triển.

Tuy nhiên, nhiều nội dung của Bộ luật Lao động còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, cần phải xem xét để bổ sung, sửa đổi kịp thời, đáp ứng được những yêu cầu mới, những phát sinh trong quan hệ lao động giữa chủ sử dụng lao động và người lao động, phù hợp với các tiêu chuẩn của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) và các Hiệp ước đa phương và song phương mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia.

Bởi vậy, trong bối cảnh Việt Nam đang trong quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng thì việc xem xét để sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động năm 2012 là hết sức cần thiết để tạo hành lang pháp lý vững chắc làm lành mạnh quan hệ lao động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các chủ thể tham gia quan hệ lao động và góp phần thuận lợi cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế đất nước.

Tại Hội thảo, các đại biểu đến từ Đại sứ quán các nước EU tại Việt Nam cùng đại biểu Việt Nam là đại diện của các tổ chức công đoàn, tổ chức của người sử dụng lao động, các cơ quan của Chính phủ, các doanh nghiệp đã thảo luận chia sẻ về những khó khăn, thách thức của doanh nghiệp Việt Nam khi thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU; Những thay đổi về yêu cầu mở cửa đối với lao động nước ngoài vào Việt Nam: Yêu cầu của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU; dự kiến các kế hoạch sửa đối pháp luật lao động của Việt Nam để thực hiện các Hiệp định Thương mại Tự do thế hệ mới, những vấn đề đặt ra đối với doanh nghiệp khi Việt Nam tham gia các Hiệp định Thương mại Tự do…

Lê Kim Liên

Theo Báo Công thương

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 11,659

Bài viết về

Bộ luật Lao động 2019

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn