Giữ hay bỏ các điều khoản "chính hãng" trong Thông tư 20?

28/07/2016 08:07 AM

Theo Luật Đầu tư 2014 , Thông tư 20/2011/TT-BCT quy định việc nhập khẩu ôtô mới sẽ chính thức hết hiệu lực vào 1/7/2016. Tuy nhiên, đến thời điểm này Bộ Công thương vẫn chưa đưa ra kết luận cuối cùng về việc giữ các điều khoản (kiến nghị nâng lên thành Nghị định) hay xóa bỏ hoàn toàn các điều khoản đã hết hiệu lực.

Cơ quan quản lí lúng túng

Sở dĩ Bộ Công thương chưa thể đưa ra quyết định cuối cùng là do vấp phải hai luồng ý kiến trái ngược khá gay gắt, không chỉ giữa quyền lợi của công ty hoạt động trong lĩnh vực nhập khẩu ôtô, mà còn xảy ra giữa các cơ quan quản lí.

Bộ Công thương, với việc đồng thuận về các điều khoản của Thông tư 20, đã đề xuất đưa các nội dung này vào dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung, ban hành một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực Công Thương của Bộ Công thương.

Bộ này cho biết nếu dỡ bỏ quy định ở Thông tư 20 sẽ dẫn đến một loạt hệ quả tiêu cực với thị trường ôtô, như phá vỡ quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô đã được Thủ tướng phê duyệt, hay tái diễn tình trạng nhập khẩu ô tô ồ ạt, ảnh hưởng tới các vấn đề xã hội như giao thông, môi trường đô thị, chưa kể đến việc sẽ tác động đến gia tăng nhập siêu (trong khi đây không phải nhóm hàng ưu tiên nhập khẩu).

Trong khi đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lại cho rằng, do không phải là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nên các điều khoản trong Thông tư 20/2011 của Bộ Công thương có thể tạo ra ưu thế cho một số thương nhân đã có giấy ủy quyền.

Cuộc đấu tranh vì quyền lợi của Chính hãng và Không chính hãng

Nhiều doanh nghiệp đã từng hoạt động trong lĩnh vực nhập khẩu ôtô mới (trước khi thông tư 20/2011/BCT ra đời) cho rằng Thông tư này đã “triệt” hoàn toàn đường kinh doanh của doanh nghiệp, khiến họ phải chuyển sang nhập khẩu xe cũ hoặc ngành nghề khác.

Các doanh nghiệp này cho rằng Thông tư 20 không những ảnh hưởng đến sự “sống còn” của các doanh nghiệp, mà còn tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ “lợi ích nhóm” cho các doanh nghiệp lớn.

Nhiều doanh nghiệp giăng biểu ngữ trước cổng Bộ Công thương đề nghị bỏ các điều khoản của Thông tư 20/2011, trong khi đó các nhà nhập khẩu chính hãng "tố" VCCI đã bỏ qua họ khi thu thập ý kiến doanh nghiệp về Thông tư 20 này. (Ảnh Nguyễn Tuyền)

Trong khi đó, hiếm hoi khi tất cả thành viên của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) và các nhà nhập khẩu/phân phối ôtô chính hãng đồng thuận với việc giữ lại các nội dung trong Thông tư 20 (để nâng lên thành Nghị định). Sở dĩ có sự đồng thuận này khi các doanh nghiệp này cho biết Thông tư 20 đã chứng minh được hiệu quả khi đã đảm bảo cho thị trường Việt Nam được sử dụng các sản phẩm chính hãng, cũng như được hưởng các quyền lợi bảo hành bảo dưỡng cũng như các chính sách hỗ trợ của nhà sản xuất.

Ngoài ra, đại diện các doanh nghiệp này còn khẳng định Thông tư 20/2011 mang lại niềm tin cho các doanh nghiệp có tiềm năng và mong muốn hoạt động lâu dài tại thị trường Việt Nam, và rằng việc nếu phải loại bỏ các điều khoản (của Thông tư 20) này sẽ bất công với các doanh nghiệp đầu tư bài bản, làm ăn nghiêm túc.

“Bán một bát phở cũng phải đảm bảo yêu cầu vệ sinh thực phẩm”

Nguyên cớ dẫn đến có một cuộc tranh luận “bỏ hay không bỏ” các điều khoản của Thông tư 20/2011/BCT là việc nhập khẩu xe ôtô mới loại chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống không thuộc Danh mục ngành nghề đầu tư có điều kiện quy định tại Phụ lục 4 Luật Đầu tư số 67/2014/QH; và theo các quy định tại Luật Đầu tư 2014, Thông tư 20 đã hết hiệu lực vào 1/7/2016 vừa qua. Chính vì vậy, khi Bộ Công thương đề xuất đưa các quy định từ Thông tư 20 vào một dự thảo Nghị định đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt của các doanh nghiệp trước đây từng hoạt động trong lĩnh vực nhập khẩu xe mới, nay đang có cơ hội quay trở lại lĩnh vực này.

Trong khi đó, nếu cho rằng đối với việc kinh doanh nhập khẩu xe ôtô mới dưới 9 chỗ không phải là một loại hình kinh doanh có điều kiện (theo quy định tại Phụ lục 4 Luật Đầu tư số 67/2014/QH) điều này khá mâu thuẫn khi mà việc kinh doanh ôtô nhập khẩu cũ dưới 9 chỗ lại phải đảm bảo các điều kiện kinh doanh; xe sản xuất không quá 5 năm từ ngày sản xuất, phải được đăng kí sử dụng tối thiểu 6 tháng và đã đi được tối thiểu 10.000 km.

Nếu không còn quy định ràng buộc trách nhiệm của nhà nhập khẩu/phân phối thì những lệnh triệu hồi xe từ nhà sản xuất có được thực hiện nghiêm túc như thời gian vừa qua?

Cuộc đấu tranh vì quyền lợi các mỗi cộng đồng doanh nghiệp đều là chuyện bình thường trong bất cứ nền kinh tế thị trường nào. Tuy nhiên, để có được các quyết định cuối cùng liên quan đến vấn đề này cần xem xét ở góc độ cao nhất là việc đảm bảo cho lợi ích người tiêu dùng Việt Nam: được sử dụng các sản phẩm tốt với giá cả hợp lí, được hưởng các quyền lợi chính đáng, được nhà sản xuất chịu trách nhiệm đối với sự an toàn khi sử dụng các sản phẩm của họ.

Trên thực tế, nền công nghiệp ôtô thế giới, dù tiên tiến đến mấy, thì những chiếc ôtô với hàng vạn chi tiết thiết kế vẫn luôn có sự sai sót xảy ra, ảnh hưởng đến sự an toàn của người sử dụng. Và điều này luôn đòi hỏi phải có trách nhiệm của nhà sản xuất đối với người tiêu dùng. Chính vì vậy, dù Thông tư 20/2011/BCT có được thay thế bằng các văn bản pháp quy khác, hoặc được nâng lên thành Nghị định thì điều cốt yếu của nội dung các văn bản này phải xuất phát từ việc quy trách nhiệm cho nhà nhập khẩu/phân phối trong việc bảo vệ quyền lợi và sự an toàn của người tiêu dùng, tránh trường hợp khi xảy ra việc triệu hồi xe mà người tiêu dùng không biết ai sẽ là người phải có trách nhiệm với sản phẩm đã bán ra. Và điều này cũng phù hợp với nội dung tại Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg có hiệu lực từ 1/1/2018 quy định về trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà phân phối trong việc thu hồi, xử lí sản phẩm thải bỏ tại Việt Nam.

Thông tư 20/2011/BCT quy định Thương nhân nhập khẩu ô tô từ 09 chỗ ngồi trở xuống khi làm thủ tục nhập khẩu, ngoài việc thực hiện các quy định hiện hành, phải nộp bổ sung những giấy tờ sau cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền:

1. Giấy chỉ định hoặc Giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó hoặc hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó đã được cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài hợp pháp hoá lãnh sự theo quy định của pháp luật: 01 (một) bản sao có xác nhận và đóng dấu sao y bản chính của thương nhân.

2. Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện do Bộ Giao thông vận tải cấp: 01 (một) bản sao có xác nhận và đóng dấu sao y bản chính của thương nhân.

Việc người dân sử dụng sản phẩm từ nhà phân phối chính hãng sẽ đảm bảo được việc chuyển giao công nghệ và sự hỗ trợ về kỹ thuật. Trên thực tế các nhà phân phối chính hãng tại Việt Nam hiện đều không phải là "Độc quyền" và bất cứ công ty nào cũng có thể được nhà sản xuất chấp nhận là nhà phân phối chính thức tại thị trường Việt Nam. Lấy ví dụ Hyundai hiện có tới ba nhà phân phối sản phẩm mang thương hiệu này tại Việt Nam

Như Phúc

Theo Dân trí

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,741

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn