Cán bộ hưu chuyển BHYT đến nơi tạm trú thế nào?

12/08/2015 08:08 AM

BHXH Việt Nam giải đáp một số thắc mắc về thủ tục chuyển BHYT đến nơi tạm trú, chuyển nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu cho trẻ em, thủ tục đổi mã quyền lợi trên thẻ BHYT…

Ông Bùi Quốc Quân (Ninh Thuận): Bố, mẹ tôi có hộ khẩu thường trú tại huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Hưởng lương hưu và BHYT tại đây. Nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu là Bệnh viện đa khoa huyện Đức Thọ. Vừa qua, bố, mẹ vào sống cùng tôi và đăng ký tạm trú tại TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận, nhưng vẫn nhận lương hưu ở BHXH huyện Đức Thọ. Vậy, bố, mẹ tôi có được chuyển nơi khám, chữa bệnh ban đầu đến Bệnh viện tỉnh Ninh Thuận không? Nếu không được thì gia đình tôi cần làm thủ tục gì để bố, mẹ tôi được hưởng BHYT tại Ninh Thuận?

BHXH Việt Nam trả lời: Tại Ninh Thuận, bố, mẹ ông vẫn được sử dụng thẻ BHYT do BHXH Hà Tĩnh phát hành để đi khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, khi đi khám, chữa bệnh, ngoài thẻ BHYT, giấy tờ tùy thân có ảnh, bố, mẹ ông cần có thêm giấy đăng ký tạm trú.

Đồng thời, bố, mẹ ông cũng chỉ được đến cơ sở khám, chữa bệnh tương đương tuyến huyện tại TP. Phan Rang - Tháp Chàm để khám ban đầu. Trường hợp vượt quá khả năng chuyên môn, cơ sở khám, chữa bệnh này sẽ chuyển lên tuyến tỉnh để khám, chữa bệnh và bố, mẹ ông sẽ được hưởng BHYT đúng tuyến.   

Ông Đỗ Văn Cường (Hưng Yên): Tôi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hưng Yên. Nay về quê tại thị trấn Bần và vào Bệnh viện đa khoa Phố Nối, là bệnh viện tuyến 2 tương đương bệnh viện đa khoa tỉnh. Vậy tôi có được hưởng đủ quyền lợi không?

BHXH Việt Nam trả lời: Khi cần khám, chữa bệnh ông có thể vào Bệnh viện đa khoa Phố Nối và cũng được hưởng đầy đủ quyền lợi khám, chữa bệnh BHYT nếu xuất trình thẻ BHYT, giấy tờ tùy thân có ảnh và giấy đăng ký tạm trú tại thị trấn Bần.

Tuy nhiên, ông nên làm thủ tục đổi nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu về Bệnh viện đa khoa Phố Nối để thuận tiện cho việc khám, chữa bệnh nếu ông chuyển về sống lâu dài tại thị trấn Bần. Thủ tục chuyển đổi thẻ cũng rất đơn giản.

Bà Hoàng Thu Hiền (Lào Cai): Con tôi đăng ký nơi khám, chữa bệnh tại Phòng khám đa khoa xã Bản Lầu, huyện Mường Khương. Nay gia đình tôi chuyển hộ khẩu xuống TP. Lào Cai và muốn đăng ký nơi khám, chữa bệnh cho con tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai, vậy tôi cần làm những thủ tục gì? Nếu tôi không đổi nơi khám, chữa bệnh trên thẻ BHYT cho con, khi đi khám ở Bệnh viện đa khoa tỉnh tôi mang theo thẻ BHYT của cháu và sổ hộ khẩu gia đình ở TP. Lào Cai thì có được không và con tôi được hưởng BHYT như thế nào?

BHXH Việt Nam trả lời: Trường hợp con của bà Hiền vẫn sử dụng thẻ BHYT với nơi đăng ký ban đầu là Phòng khám đa khoa xã Bản Lầu, huyện Mường Khương thì khi khám, chữa bệnh tại Bệnh viện đa khoa tỉnh nếu không trong tình trạng cấp cứu và không có giấy chuyển tuyến thì coi như khám trái tuyến, Quỹ BHYT chi trả 60% chi phí khám, chữa bệnh nội trú.

Do đã chuyển hộ khẩu về TP. Lào Cai, BHXH Việt Nam khuyên bà nên chuyển nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu về TP. Lào Cai cho thuận tiện trong việc chăm sóc sức khỏe cho con bà. Thủ tục thay đổi nơi đăng ký ban đầu cũng rất thuận tiện.

Bà Lê Thị Hồng Vân (TP. Hà Nội): Tôi là con liệt sĩ, hiện đang làm việc tại cơ quan Nhà nước. Tôi đã được cấp thẻ BHYT, nay tôi muốn đổi sang hưởng chế độ BHYT đối với thân nhân liệt sĩ có được không?

BHXH Việt Nam trả lời: Theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, bà được đổi thẻ BHYT sang mã quyền lợi cao hơn, được hưởng 100% chi phí trong quyền lợi BHYT khi đi khám, chữa bệnh (trừ các loại thuốc, dịch vụ kỹ thuật được quỹ BHYT chi trả theo tỷ lệ). Bà cần mang thẻ BHYT đến cơ quan BHXH nơi phát hành thẻ BHYT cho bà để được đổi mã quyền lợi theo quy định.

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 6,435

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn