Điều kiện nhập khẩu ô tô: Giữ hay bỏ?

01/07/2016 08:31 AM

Chỉ còn ít ngày nữa, các điều kiện, thủ tục NK ô tô được quy định tại Thông tư 20/2011/TT-BCT sẽ được định đoạt. Các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này đều đang phấp phỏng chờ đợi bởi quy định này có tác động rất lớn đến thị trường ô tô.

Doanh nghiệp phải đáp ứng những điều kiện rất khắt khe mới được phép NK ô tô dưới 9 chỗ ngồi. Ảnh: H.P.

Bộ Công Thương quyết giữ

Năm 2011, Bộ Công Thương ban hành Thông tư 20/2011/TT-BCT quy định bổ sung thủ tục NK xe ô tô chở người loại từ 9 chỗ ngồi trở xuống. Sau khi Thông tư ra đời, nhiều DN NK ô tô rơi vào tình trạng bế tắc, khốn đốn.  Bởi phần lớn doanh nghiệp đang kinh doanh, NK ô tô không đáp ứng được các yêu cầu quy định tại Thông tư 20 gồm: Thương nhân NK ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống khi làm thủ tục NK, ngoài việc thực hiện các quy định hiện hành phải nộp bổ sung những giấy tờ sau cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền như: Giấy chỉ định hoặc giấy ủy quyền là nhà NK, nhà phân phối của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó hoặc hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó đã được cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật; giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện do Bộ Giao thông vận tải cấp.

Các hãng sản xuất ô tô (nước ngoài) thường chỉ chọn 1 nhà phân phối sản phẩm tại nước khác (Việt Nam), vì vậy, điều kiện “giấy ủy quyền chính hãng” này đã lập tức “tước quyền” NK ô tô của nhiều DN. Việc “ngừng” đột ngột này khiến nhiều DN rơi vào thế “dở dang” khi hàng đã đặt, tiền đã trả nhưng không được phép NK. "Quyền" được NK ô tô rơi vào tay một nhóm ít doanh nghiệp có giấy ủy quyền chính hãng.

Thời điểm hiện tại, Thông tư 20 của Bộ Công Thương lại một lần nữa khiến DN “hồi hộp” khi thời điểm nâng cấp Thông tư 20 lên thành Nghị định (theo quy định tại Luật Đầu tư 2014) sắp cận kề. Cho đến thời điểm này, trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, Bộ Công Thương vẫn chưa khẳng định "điều kiện" này có được bãi bỏ không. Tuy nhiên, trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung, ban hành một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực Công Thương (hiện đã hết hạn lấy ý kiến góp ý), cơ quan này đã đề xuất bổ sung điểm c khoản 1 Điều 9 vào dự thảo Nghị định với nội dung “thương nhân NK ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống chưa qua sử dụng phải đáp ứng điều kiện: Được chỉ định hoặc ủy quyền bằng văn bản của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó, trong đó nêu rõ là nhà NK, nhà phân phối của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó hoặc hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuất kinh doanh loại ô tô đó”.

Hiểu nôm na là "điều kiện" được NK mặt hàng ô tô dưới 9 chỗ ngồi vẫn được Bộ Công Thương giữ nguyên. Bộ Công Thương cho rằng, quy định này chỉ là thủ tục hành chính, không phải là điều kiện kinh doanh, do đó vẫn giữ ở Thông tư.

VCCI đề nghị bãi bỏ

Phản hồi về dự thảo Nghị định mới của Bộ Công Thương, theo quan điểm của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), yêu cầu thương nhân NK ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống khi làm thủ tục NK phải có thêm 2 loại giấy tờ trên, được xem là một hình thức của điều kiện kinh doanh (phải đáp ứng các yêu cầu này mới được phép nhập khẩu) theo quy định tại khoản 7 Điều 2 Nghị định 118/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư. Vì vậy, quy định tại Thông tư 20 là không còn phù hợp với yêu cầu tại Điều 7 Luật Đầu tư về loại văn bản được phép quy định về điều kiện kinh doanh.

Hơn nữa, yêu cầu phải có giấy ủy quyền chính hãng có thể tạo ra ưu thế cho một số thương nhân đã có giấy ủy quyền. Trong khi đó, những thương nhân khác không có giấy tờ này, muốn được tiếp tục kinh doanh ô tô NK, phải mua qua một khâu trung gian là các thương nhân này. Điều này một mặt làm méo mó cạnh tranh giữa hai nhóm thương nhân, mặt khác cũng khiến người tiêu dùng phải trả giá cao hơn cho các sản phẩm NK này.

Với những lý lẽ này, VCCI đề nghị, bãi bỏ Thông tư 20, bỏ các yêu cầu tại Điều 1 Thông tư đó chứ không phải là chuyển các điều kiện trong đó lên Nghị định.

Trên thực tế, 5 năm sau khi triển khai Thông tư 20, phía Bộ Công Thương cho rằng, việc thực hiện Thông tư 20 đã đi vào nề nếp, các vướng mắc liên quan đã được Bộ này phối hợp với các cơ quan liên quan kịp thời giải quyết.  Tuy nhiên thực tế cơ quan này đã phải liên tục ban hành các văn bản gia hạn “mở cửa” cho các DN không phải là nhà phân phối chính thức của các hãng ô tô trên thế giới được NK nốt số xe đã trót ký hợp đồng trước khi Thông tư 20 có hiệu lực.

Thế nhưng, cho đến tận bây giờ, dù đã có chỉ đạo tháo gỡ song phía DN vẫn không ngừng “than khó”. Có DN vẫn còn 6-7 triệu USD- tiền đặt cọc cho đối tác trước khi Thông tư 20 có hiệu lực, bị “tắc” ở nước ngoài. Một DN khác than rằng, cơ quan quản lý yêu cầu DN phải nhập đúng mẫu xe đã ký trong hợp đồng từ 4-5 năm trước. Những mẫu xe này đã cũ, bắt nhập về thì bán làm sao được, thậm chí hãng xe cũng không sản xuất mẫu xe đó nữa. Như vậy, khác gì “đánh đố” DN, có tháo gỡ cũng như không.

Được biết, phía Bộ Tư pháp cũng có ý kiến phản đối việc giữ quy định này và đã nêu rõ trong công văn thẩm định của Bộ Tư pháp trình Chính phủ.

Trao đổi thêm với phóng viên Báo Hải quan, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục XNK (Bộ Công Thương) cho biết, bản thân Bộ Tư pháp cũng không có giải thích rõ ràng đâu là điều kiện kinh doanh.

Với thực tế này xem ra Bộ Công Thương sẽ vẫn "quyết" giữ nguyên "điều kiện" NK xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi và như vậy kỳ vọng được "rộng cửa" NK kinh doanh ô tô của nhiều doanh nghiệp sẽ không đạt được.

Phan Thu

Theo Báo Hải quan

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,173

CHÍNH SÁCH LIÊN QUAN

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn