BỘ
TÀI CHÍNH |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4901/TCHQ-TXNK |
Hà Nội, ngày 18 tháng 11 năm 2022 |
Kính gửi: Cục Hải quan tỉnh Nghệ An.
Tổng cục Hải quan nhận được công văn số 2497/HQNA-NV ngày 10/10/2022 của Cục Hải quan tỉnh Nghệ An báo cáo vướng mắc về việc xử lý thuế hàng hóa doanh nghiệp chế xuất (DNCX) nhập khẩu để tạo tài sản cố định khi chuyển đổi thành doanh nghiệp không hưởng chế độ chính sách doanh nghiệp chế xuất. Về vấn đề này. Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:
1. Xử lý thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của DNCX, bao gồm hàng hóa tạo tài sản cố định DNCX mua từ nội địa thông qua nhà thầu khi DNCX chuyển đổi thành doanh nghiệp không hưởng chế độ chính sách DNCX
Căn cứ khoản 1 Điều 4 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 quy định quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa giữa khu phi thuế quan với bên ngoài là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu;
Căn cứ khoản 11 Điều 16 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13, Điều 14 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ quy định miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Căn cứ điểm a khoản 7 Điều 20 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định nguyên tắc áp dụng ưu đãi đầu tư:
“7. Ưu đãi đầu tư trong trường hợp chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình tổ chức kinh tế (sau đây gọi chung là tổ chức lại tổ chức kinh tế); chia, tách, sáp nhập và chuyển nhượng dự án đầu tư được áp dụng như sau:
a) Tổ chức kinh tế được hình thành trên cơ sở tổ chức lại tổ chức kinh tế hoặc nhà đầu tư nhận chuyển nhượng dự án đầu tư được kế thừa các ưu đãi đầu tư áp dụng đối với dự án đầu tư (nếu có) trước khi tổ chức lại hoặc nhận chuyển nhượng nếu vẫn đáp ứng các điều kiện hưởng ưu đãi đầu tư”.
Căn cứ khoản 1 Điều 51 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định “1. Tổ chức kinh tế được hình thành trên cơ sở chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình tổ chức kinh tế (sau đây gọi chung là tổ chức lại) được kế thừa và tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế bị tổ chức lại đối với dự án đầu tư mà tổ chức kinh tế bị tổ chức lại đã thực hiện trước khi tổ chức lại theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, đất đai và pháp luật có liên quan”.
Căn cứ Điều 30 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ quy định về thông báo Danh mục hàng hóa miễn thuế dự kiến nhập khẩu đối với các trường hợp thông báo Danh mục miễn thuế;
Căn cứ khoản 5 Điều 25 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ được sửa đổi, bổ sung tại khoản 12 Điều 1 Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20/04/2018 của Chính phủ quy định: Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường hoặc miễn thuế và đã được giải phóng hàng hoặc thông quan nhưng sau đó có thay đổi về đối tượng không chịu thuế hoặc mục đích được miễn thuế thì phải khai tờ khai hải quan mới. Chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; chính sách thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thực hiện tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan mới trừ trường hợp đã thực hiện đầy đủ chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại thời điểm đăng ký tờ khai ban đầu.
Căn cứ điểm c khoản 2 Điều 21 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 10 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/04/2018 của Bộ Tài chính quy định: “c) Đối với trường hợp thay đổi mục đích sử dụng bằng hình thức chuyển nhượng cho đối tượng thuộc diện không chịu thuế, miễn thuế: Người nhận chuyển nhượng phải kê khai theo quy định tại điểm a khoản này, nhưng không phải nộp thuế”;
Căn cứ khoản 54 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/04/2018 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Điều 78 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính quy định: “1. Trường hợp chuyển đổi loại hình từ DNCX thành doanh nghiệp không hưởng chính sách DNCX.
a) DNCX thực hiện xác định tài sản, hàng hóa có nguồn gốc nhập khẩu chưa nộp thuế còn tồn kho và đề xuất biện pháp xử lý như chuyển mục đích sử dụng, bán, biếu tặng, tiêu hủy tại Việt Nam hoặc xuất khẩu ra nước ngoài với cơ quan hải quan. DNCX có trách nhiệm thực hiện thủ tục hải quan tương ứng theo từng biện pháp xử lý số tài sản, hàng hóa này với cơ quan hải quan trước thời điểm được cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển đổi;
b) Thời điểm xử lý và xác định tài sản, hàng hóa có nguồn gốc nhập khẩu thực hiện trước khi doanh nghiệp được cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển đổi”.
Căn cứ các quy định nêu trên, đối với doanh nghiệp chế xuất chuyển đổi thành doanh nghiệp không hưởng chế độ chính sách doanh nghiệp chế xuất thì doanh nghiệp chế xuất phải thực hiện khai tờ khai hải quan mới, nộp đủ thuế đối với hàng hóa trước đó đã được hưởng chính sách thuế của DNCX.
Trường hợp khi chuyển đổi sang doanh nghiệp không hưởng chính sách của doanh nghiệp chế xuất, cơ quan hải quan kiểm tra xác định nếu doanh nghiệp sau khi chuyển đổi tiếp tục đáp ứng các điều kiện ưu đãi đầu tư đối với doanh nghiệp trong nước theo quy định của pháp luật về đầu tư, đồng thời hàng hóa tạo tài sản cố định vẫn đáp ứng điều kiện miễn thuế theo quy định tại khoản 11 Điều 16 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13, Điều 14 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ thì hàng hóa tạo tài sản cố định của DNCX sau khi chuyển đổi sang doanh nghiệp không hưởng chính sách của doanh nghiệp chế xuất được miễn thuế nhập khẩu sau khi chuyển đổi. Doanh nghiệp không phải thông báo Danh mục miễn thuế đối với hàng hóa tạo tài sản cố định nêu trên khi kê khai tờ khai hải quan mới. Doanh nghiệp phải thực hiện báo cáo tình hình sử dụng hàng hóa nhập khẩu miễn thuế hàng năm theo quy định.
Sau khi doanh nghiệp chế xuất chuyển đổi sang doanh nghiệp không hưởng chế độ chính sách doanh nghiệp chế xuất, đối với hàng hóa mới nhập khẩu doanh nghiệp chỉ được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu tạo tài sản cố định nếu thực hiện thông báo Danh mục miễn thuế trước khi nhập khẩu theo quy định tại Điều 30 Nghị định 134/2016/NĐ-CP.
2. Về việc xử lý số tiền thuế nộp thừa
Căn cứ khoản 1 Điều 60 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 quy định: “Người nộp thuế có số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã nộp lớn hơn số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt phải nộp thì được bù trừ số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa với số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn nợ hoặc trừ vào số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt phải nộp của lần nộp thuế tiếp theo hoặc được hoàn trả số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa khi người nộp thuế không còn nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt”.
Căn cứ quy định tại Điều 10 Thông tư số 06/2021/TT-BTC ngày 22/1/2021; Khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 131 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 64 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục xử lý tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa.
Đề nghị Cục Hải quan tỉnh Nghệ An đối chiếu với quy định nêu trên để xử lý số tiền thuế nộp thừa (nếu có) theo đúng quy định.
Tổng cục Hải quan trả lời để Cục Hải quan tỉnh Nghệ An được biết và thực hiện./.
|
TL. TỔNG CỤC
TRƯỞNG |
Công văn 4901/TCHQ-TXNK năm 2022 xử lý thuế hàng hóa nhập khẩu tạo tài sản cố định khi chuyển đổi loại hình doanh nghiệp do Tổng cục Hải quan ban hành
Số hiệu: | 4901/TCHQ-TXNK |
---|---|
Loại văn bản: | Công văn |
Nơi ban hành: | Tổng cục Hải quan |
Người ký: | Nông Phi Quảng |
Ngày ban hành: | 18/11/2022 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Công văn 4901/TCHQ-TXNK năm 2022 xử lý thuế hàng hóa nhập khẩu tạo tài sản cố định khi chuyển đổi loại hình doanh nghiệp do Tổng cục Hải quan ban hành
Chưa có Video