BỘ
CÔNG THƯƠNG |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 309/XNK-XXHH |
Hà Nội, ngày 14 tháng 5 năm 2021 |
Kính gửi: Cục Kiểm tra sau thông quan - Tổng cục Hải quan
Thời gian qua trên các phương tiện thông tin đại chúng có bài đăng về công tác “chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp: gỡ vướng chính sách để ngăn chặn gian lận”. Trong đó nêu ý kiến về một số vướng mắc trong quy định về xuất xứ hàng hóa. Về vấn đề này, Cục Xuất nhập khẩu trao đổi với Cục Kiểm tra sau thông quan một số nội dung sau:
1. Về quy định tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa
Cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa được áp dụng tùy theo từng quy định cụ thể của mỗi FTA. Hiện nay, trong các FTA Việt Nam là thành viên hoặc các ưu đãi đơn phương mà các nước phát triển dành cho Việt Nam, cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa mới được áp dụng trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) và trong hệ thống ưu đãi phổ cập (GSP) của EU.
Đối với cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa đang được áp dụng tại ATIGA và GSP EU nêu trên, Bộ Công Thương đã ban bành Thông tư số 19/2020/TT-BCT ngày 14 tháng 8 năm 2020 sửa đổi, bổ sung các Thông tư quy định thực hiện Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, trong đó quy định cụ thể về quy trình, thủ tục đăng ký mã số tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa và Thông tư số 38/2018/TT-BCT ngày 30 tháng 10 năm 2018 quy định thực hiện chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập của Liên minh châu Âu, Na Uy, Thụy Sỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.
2. Về các công đoạn gia công chế biến đơn giản
Khoản 11, khoản 12 và khoản 13 Điều 3 Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa quy định:
“11. Công đoạn gia công, chế biến hàng hóa là quá trình sản xuất chính tạo ra đặc điểm cơ bản của hàng hóa.
12. Thay đổi cơ bản là việc hàng hóa được biến đổi qua quá trình sản xuất, để hình thành vật phẩm thương mại mới, khác biệt về hình dạng, tính năng, đặc điểm cơ bản, hoặc mục đích sử dụng so với hàng hóa ban đầu.
13. Đơn giản là hoạt động không cần sử dụng các kỹ năng đặc biệt, máy móc, dây chuyền hoặc các thiết bị chuyên dụng.”
Tại Điều 9 Nghị định số 31/2018/NĐ-CP đã liệt kê một số công đoạn gia công, chế biến đơn giản không được xét đến khi xác định xuất xứ hàng hóa.
Việc quy định cụ thể, chi tiết về công đoạn “gia công, lắp ráp đơn giản” cho toàn bộ các mặt hàng, nhóm hàng (gần 97 chương của biểu phân loại mã số hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu) là không khả thi. Hiệp định về xuất xứ hàng hóa trong WTO, bộ quy tắc xuất xứ hàng hóa trong các FTA và quy định về xuất xứ hàng hóa của một số nước như Hoa Kỳ, EU... cũng chỉ nêu nguyên tắc xác định thế nào “gia công, lắp ráp đơn giản” mà không có danh mục các công đoạn gia công, lắp ráp đơn giản đối với các mặt hàng cụ thể.
Nghị định số 31/2018/NĐ-CP quy định nội dung về “gia công, lắp ráp đơn giản” trên cơ sở cam kết quốc tế. Trường hợp cần xác định thế nào là “gia công, lắp ráp đơn giản” đối với một mặt hàng, nhóm hàng cụ thể, các cơ quan chức năng tham vấn cơ quan, tổ chức chuyên ngành để có cơ sở kết luận.
3. Về định nghĩa CTC tại Thông tư 05/2018/TT-BCT và Nghị định 31/2018/NĐ-CP.
Khoản 9 Điều 3 Nghị định 31/2018/NĐ-CP quy định: “Chuyển đổi mã số hàng hóa là sự thay đổi về mã số HS (trong Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu) của hàng hóa được tạo ra ở một nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ trong quá trình sản xuất từ nguyên liệu không có xuất xứ của nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ này.”
Điểm a Khoản 2 Điều 6 Thông tư 05/2018/TT-BCT quy định: “Tiêu chí “Chuyển đổi mã số hàng hóa” (sau đây gọi tắt là CTC): là sự thay đổi về mã HS của hàng hóa ở cấp 2 (hai) số, 4 (bốn) số hoặc 6 (sáu) số so với mã HS của nguyên liệu đầu vào không có xuất xứ (bao gồm nguyên liệu nhập khẩu và nguyên liệu không xác định được xuất xứ) dùng để sản xuất ra hàng hóa đó.”
Thông tư 05/2018/TT-BCT được ban hành để hướng dẫn Nghị định 31/2018/NĐ-CP, do đó, quy định về tiêu chí CTC tại Thông tư này hướng dẫn cụ thể hơn và hoàn toàn đồng nhất với quy định tại Nghị định.
4. Về quy định ghi nhãn hàng hóa xuất khẩu
Việc ghi nhãn hàng hóa do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì. Nghị định số 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ về nhãn hàng hóa đã quy định việc ghi nhãn xuất xứ hàng hóa nhập khẩu, tuy nhiên không áp dụng ghi nhãn hàng hóa đối với hàng hóa xuất khẩu. Vì vậy, Bộ Công Thương đã trao đổi và đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ đưa hàng hóa xuất khẩu vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 43/2017/NĐ-CP.
Cục Xuất nhập khẩu xin trao đổi một số nội dung nêu trên để Cục Kiểm tra sau thông quan nắm thông tin và phối hợp. Trong quá trình thực hiện công tác kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa, trường hợp có vướng mắc liên quan đến quy định về xuất xứ hàng hóa, đề nghị Cục Kiểm tra sau thông quan trao đổi với Cục Xuất nhập khẩu để thống nhất và phối hợp thực hiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cục./.
|
KT. CỤC TRƯỞNG |
Công văn 309/XNK-XXHH năm 2021 quy định về xuất xứ hàng hóa do Cục Xuất nhập khẩu ban hành
Số hiệu: | 309/XNK-XXHH |
---|---|
Loại văn bản: | Công văn |
Nơi ban hành: | Cục Xuất nhập khẩu |
Người ký: | Nguyễn Cẩm Trang |
Ngày ban hành: | 14/05/2021 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Công văn 309/XNK-XXHH năm 2021 quy định về xuất xứ hàng hóa do Cục Xuất nhập khẩu ban hành
Chưa có Video