Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 10024/BTC-TCT
Về một số biện pháp tăng cường công tác quản lý thuế, hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu qua biên giới đất liền.

Hà Nội, ngày 22 tháng 07 năm 2014

 

Kính gửi:

- Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Cục Hải quan các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thời gian qua, Bộ Tài chính đã ban hành các văn bản chỉ đạo cơ quan thuế và cơ quan hải quan các cấp thực hiện đồng bộ các biện pháp để tăng cường công tác quản lý thuế, quản lý hải quan liên quan đến hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa xuất khẩu qua biên giới đất liền, như: Công văn số 8318/BTC-TCT ngày 27/6/2013 của Bộ Tài chính về việc kiểm tra hoàn thuế GTGT đối với các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế; Công văn số 8319/BTC-TCT ngày 27/6/2013 của Bộ Tài chính về việc tăng cường công tác quản lý đối với các doanh nghiệp xuất khẩu nông, lâm, thủy, hải sản; Công văn số 12485/BTC-TCT ngày 18/9/2013 của Bộ Tài chính về việc tăng cường công tác quản lý thuế, hải quan liên quan đến hoàn thuế GTGT hàng hóa xuất khẩu qua biên giới đất liền; Công văn số 16249/BTC-PC ngày 25/11/2013 của Bộ Tài chính về một số biện pháp tăng cường quản lý thuế GTGT, thuế TTĐB; Công văn số 875/BTC-TCT ngày 17/01/2014 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn hoàn thuế GTGT hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới đất liền.

Việc thực hiện các giải pháp này đã góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng gian lận hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa xuất khẩu qua biên giới đất liền; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật thuế, pháp luật hải quan; đồng thời góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng.

Để tiếp tục đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật về thuế, pháp luật về hải quan đối với hoạt động xuất khẩu hàng hóa qua biên giới đất liền, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi và đảm bảo quyền lợi đối với những doanh nghiệp chấp hành đúng pháp luật trong việc hoàn thuế GTGT. Bộ Tài chính yêu cầu Cục Thuế và Cục Hải quan các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

1. Về đối tượng thực hiện kiểm tra trước hoàn thuế sau:

- Doanh nghiệp giao dịch với thương nhân nước ngoài có mang tiền mặt qua cửa khẩu nộp vào tài khoản vãng lai mở tại ngân hàng thương mại Việt Nam để thanh toán hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.

- Doanh nghiệp được phân loại rủi ro cao về hải quan (thuộc luồng đỏ, thuộc loại phải giám sát), rủi ro cao về thuế (quy định tại khoản 2, Điều 11 Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính thuộc loại phải tăng cường thanh tra, kiểm tra và kiểm tra trước hoàn);

- Doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng thuộc loại có rủi ro như: điện thoại di động, thiết bị điện tử, phân bón, hóa chất, vải, vật liệu xây dựng, rượu, bia, thuốc lá, đường, gạo… (các mặt hàng nông, lâm, thủy, hải sản xuất khẩu từ năm 2013 trở về trước).

2. Về công tác kiểm tra hải quan phải thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, đầy đủ các nội dung quy định tại điểm 2.1, mục 2 Công văn số 12485/BTC-TCT ngày 18/9/2013 của Bộ Tài chính. Đồng thời tập trung thực hiện một số nội dung chủ yếu sau:

- Kiểm tra thực tế (100%) đối với hàng hóa xuất khẩu theo quy định tại mục 1 văn bản này. Công chức kiểm hóa phải ghi cụ thể, đầy đủ kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa và phương tiện vận chuyển hàng hóa xuất khẩu.

- Thực hiện xác nhận “thực xuất” trên tờ khai xuất khẩu: Công chức hải quan phải thực hiện ký tên, đóng dấu, ghi rõ ngày, tháng, năm vào ô số 30 (xác nhận thông quan) và ô số 31 (xác nhận của hải quan giám sát) trên tờ khai hải quan xuất khẩu mẫu HQ/2012-XK đối với cả thủ tục hải quan truyền thống và thủ tục hải quan điện tử.

- Kiểm tra, đối chiếu hồ sơ, thủ tục chứng thực hàng hóa xuất khẩu như: hợp đồng mua bán hàng hóa, giấy phép xuất khẩu hàng hóa (nếu có), hóa đơn xuất khẩu (hoặc hóa đơn GTGT), bản kê chi tiết hàng hóa xuất khẩu, chứng từ vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, chứng từ thuê kho bãi của hàng hóa xuất khẩu (nếu có).

- Đối với hàng hóa xuất khẩu: phải thực hiện theo quy định quản lý Nhà nước về giấy phép, hạn ngạch, điều kiện, tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu...Người khai hải quan phải nộp những chứng từ này theo quy định cho cơ quan Hải quan; cơ quan Hải quan phải kiểm tra chứng từ, hàng hóa đúng quy định trước khi quyết định thông quan.

3. Về công tác giám sát, kiểm tra đối với số lượng tiền mặt (là đồng Việt Nam, đồng tiền của nước láng giềng và ngoại tệ tự do chuyển đổi) được thương nhân nước ngoài nhập cảnh mang theo (để nộp vào tài khoản vãng lai của người nước ngoài mở tại Ngân hàng thương mại Việt Nam) dùng để thanh toán trong mua bán, trao đổi hàng hóa và dịch vụ thương mại tại khu vực biên giới.

3.1. Cơ quan Hải quan thực hiện đầy đủ và nghiêm túc nội dung quy định tại điểm 2.2, mục 2 Công văn số 12485/CV-BTC ngày 18/9/2013 của Bộ Tài chính. Đồng thời thực hiện:

- Lượng tiền mặt là đồng Việt Nam, đồng tiền nước láng giềng và ngoại tệ tự do chuyển đổi mà người nhập cảnh mang vào Việt Nam để thanh toán tiền hàng nhập khẩu từ Việt Nam chỉ được mang qua cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu quốc gia sau khi có xác nhận đến làm thủ tục nhập cảnh của Bộ đội Biên phòng theo quy định của pháp luật và xuất trình tờ khai nhập cảnh - xuất cảnh hoặc hộ chiếu hoặc giấy tờ tương đương hộ chiếu đã có xác nhận của Bộ đội biên phòng cho cơ quan Hải quan cửa khẩu biết.

- Người nhập cảnh kê khai rõ số tiền mang theo là tiền thanh toán cụ thể đối với từng hợp đồng mua bán hàng hóa và tờ khai xuất khẩu hàng hóa; đồng thời xuất trình hợp đồng mua bán hàng hóa, tờ khai xuất khẩu để công chức Hải quan kiểm tra, đối chiếu. Trường hợp người nhập cảnh không phải là đại diện doanh nghiệp nước ngoài trực tiếp ký hợp đồng mua bán với doanh nghiệp Việt Nam thì phải có giấy ủy quyền (bản dịch tiếng Việt hoặc tiếng Anh, cùng với bản chính bằng tiếng của nước có đường biên giới cửa khẩu tiếp giáp) của tổ chức, cá nhân nước ngoài đã ký hợp đồng mua bán nêu trên. Giấy ủy quyền này chỉ áp dụng cho một lần mang tiền vào Việt Nam và phải ghi rõ số lượng tiền mang vào theo hợp đồng mua bán cụ thể.

3.2. Hàng ngày, Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu quốc gia thực hiện cập nhật, lưu trữ vào sổ hoặc máy tính (theo dõi số lượng tiền mặt mang qua cửa khẩu vào Việt Nam) để báo cáo (khi có yêu cầu) của cơ quan chức năng liên quan tình hình tiền mặt mà thương nhân nước ngoài mang qua cửa khẩu biên giới theo các tiêu chí sau: Họ và tên người nhập cảnh, số hộ chiếu hoặc giấy tờ nhập cảnh hợp lệ, quốc tịch, đại diện doanh nghiệp, ngày nhập cảnh (có mang theo tiền mặt), số lượng tiền mặt, loại tiền (mệnh giá), lý do mang tiền (thanh toán cho hợp đồng - số, ngày tháng năm; cho tờ khai xuất khẩu - số, ngày tháng năm).

4. Về công tác kiểm tra hoàn thuế phải thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, đầy đủ các nội dung quy định tại mục 3 Công văn số 12485/CV-BTC ngày 18/9/2013 của Bộ Tài chính. Đồng thời thực hiện một số nội dung chủ yếu sau:

- Thực hiện kiểm tra trước hoàn thuế đối với những hồ sơ hoàn thuế thuộc danh sách các doanh nghiệp nêu tại mục 1 văn bản này.

- Thực hiện kiểm tra tính hợp pháp và hợp lý của hợp đồng xuất khẩu hàng hóa, của tờ khai hải quan, của nguồn tiền thanh toán qua tài khoản vãng lai từ thương nhân nước ngoài phải là số lượng tiền được người mang qua của khẩu có xác nhận của cơ quan Hải quan phù hợp với các chứng từ liên quan (hợp đồng, chứng từ thanh toán,...)

- Thực hiện kiểm tra tài khoản vãng lai mà thương nhân nước ngoài mở tại ngân hàng thương mại Việt Nam để thanh toán hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, có liên quan đến việc hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa xuất khẩu qua biên giới đất liền:

+ Tiền mặt thương nhân nước ngoài nộp vào tài khoản vãng lai mở tại ngân hàng thương mại Việt Nam để thanh toán hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam được xem là hợp pháp khi có xác nhận của cơ quan hải quan dành cho người nhập cảnh, hoặc là nguồn thu nhập hợp pháp của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.

+ Việc kiểm tra nguồn gốc tiền mặt nộp vào tài khoản vãng lai phải căn cứ vào báo cáo tình hình tiền mặt mà thương nhân nước ngoài mang qua cửa khẩu biên giới trong tháng và sổ phụ của tài khoản vãng lai mà thương nhân đã thực hiện giao dịch để kiểm tra, đối chiếu với các quy định cho phép thương nhân nước ngoài được thanh toán qua tài khoản vãng lai, điều kiện thanh toán qua tài khoản vãng lai (như: nguồn tiền, người nộp tiền, người thực hiện thanh toán,...) đảm bảo loại trừ số thuế GTGT đầu vào liên quan đến các chứng từ thanh toán không đủ điều kiện được thanh toán qua tài khoản vãng lai.

+ Việc kiểm tra tài khoản vãng lai của thương nhân nước ngoài mở tại ngân hàng thương mại Việt Nam để thanh toán hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam phải kết hợp với việc kiểm tra vòng luân chuyển của dòng tiền thanh toán từ tài khoản vãng lai như sau: dòng tiền (số tiền, người nộp tiền, ngày nộp tiền, lý do nộp tiền) nộp vào tài khoản vãng lai của thương nhân nước ngoài, dòng tiền từ tài khoản vãng lai này chuyển đến tài khoản của đơn vị xuất khẩu hàng hóa Việt Nam, sau đó chuyển đến tài khoản của đơn vị (gọi là doanh nghiệp F1) bán hàng cho đơn vị xuất khẩu, và tiếp tục luân chuyển đến tài khoản của đơn vị bán hàng (gọi là doanh nghiệp F2) cho đơn vị F1,… để phát hiện và ngăn chặn kịp thời hành vi cấu kết giữa thương nhân nước ngoài với doanh nghiệp xuất khẩu, với doanh nghiệp bán hàng cho doanh nghiệp xuất khẩu,... nhằm tạo hồ sơ, chứng từ xuất khẩu giả, thực hiện thanh toán lòng vòng qua tài khoản vãng lai tạo chứng từ thanh toán qua ngân hàng để chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT.

- Thực hiện kiểm tra việc xuất, nhập, tồn kho hàng hóa và các chứng từ liên quan đến xuất, nhập, tồn kho hàng hóa đối chiếu với những chứng từ, hồ sơ khai hải quan liên quan theo tháng, hoặc theo thời điểm hoàn thành thủ tục hải quan xuất khẩu hàng hóa để phát hiện các trường hợp chênh lệch giữa xuất kho với nhập kho và tồn kho, hàng hóa xuất khẩu vượt quá số lượng hàng hóa nhập kho và tồn kho, mặt hàng xuất khẩu không có trong danh mục hàng hóa nhập kho và tồn kho,... nhằm xử lý kịp thời và kiên quyết các trường hợp gian lận hoàn thuế GTGT.

Bộ Tài chính thông báo để các Cục Thuế, Cục Hải quan biết và thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng (để báo cáo);
- Các Vụ: PC, CST, TTr, TCHQ;
- Tổng cục Thuế (PC, CS, KK);
- Lưu: VT, TCT (VT, TTr).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Đỗ Hoàng Anh Tuấn

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Công văn 10024/BTC-TCT năm 2014 về biện pháp tăng cường công tác quản lý thuế, hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu qua biên giới đất liền do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu: 10024/BTC-TCT
Loại văn bản: Công văn
Nơi ban hành: Bộ Tài chính
Người ký: Đỗ Hoàng Anh Tuấn
Ngày ban hành: 22/07/2014
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [6]
Văn bản được căn cứ - [0]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Công văn 10024/BTC-TCT năm 2014 về biện pháp tăng cường công tác quản lý thuế, hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu qua biên giới đất liền do Bộ Tài chính ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [6]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…