Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

BỘ XÂY DỰNG
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1394/BXD-PC
V/v: hướng dẫn về tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình

Hà Nội, ngày 28 tháng 06 năm 2007 

 

Kính gửi:

- Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ
- Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
- Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước

 

Thực hiện Nghị định số 112/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 16/2005/NĐ-CP; ngày 14 tháng 02 năm 2007 Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số: 02/2007/TT-BXD hướng dẫn một số nội dung về lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình; giấy phép xây dựng và tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình. Trong quá trình thực hiện, Bộ Xây dựng nhận được ý kiến của một số cơ quan, đơn vị đề nghị được giải thích rõ hơn các nội dung xử lý chuyển tiếp về tổ chức quản lý dự án tại mục III phần IV của Thông tư số: 02/2007/TT-BXD. Bộ Xây dựng hướng dẫn, giải thích một số nội dung cụ thể như sau:

1. Về việc khắc phục một số tồn tại trong việc giao Chủ đầu tư và giao nhiệm vụ cho Ban quản lý dự án: Những năm vừa qua, một số bộ, ngành, địa phương chưa thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong việc giao Chủ đầu tư, giao nhiệm vụ và quyền hạn cho Ban quản lý dự án.

Một số trường hợp, các bộ, ngành, địa phương với tư cách là cấp quyết định đầu tư đã giao cho Ban quản lý dự án làm Chủ đầu tư là chưa thực hiện đúng các quy định của Luật Xây dựng và các Nghị định hướng dẫn của Chính phủ.

Một số trường hợp, các bộ, ngành, địa phương với tư cách là Chủ đầu tư nhưng đã giao lại cho Ban quản lý dự án làm đại diện Chủ đầu tư (có tính chất như khoán trắng), việc giao nhiệm vụ và quyền hạn cho Ban quản lý dự án chưa hợp lý, giao nhiệm vụ thì nhiều nhưng giao quyền hạn lại ít nên vẫn còn nhiều thủ tục hành chính qua lại giữa Chủ đầu tư và Ban quản lý dự án. Trách nhiệm giữa Chủ đầu tư và Ban quản lý dự án không được phân định rõ ràng. Chủ đầu tư không kiểm soát được quá trình quản lý thực hiện dự án...

Đối với các trường hợp nêu trên, đề nghị các bộ, ngành, địa phương rà soát, chấn chỉnh lại theo đúng các quy định của pháp luật và bảo đảm các yêu cầu sau:

- Việc giao Chủ đầu tư phải được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 16/2005/NĐ-CP, Nghị định số 112/2006/NĐ-CP của Chính phủ và hướng dẫn tại Thông tư số 02/2007/TT-BXD của Bộ Xây dựng; không giao cho Ban quản lý dự án làm Chủ đầu tư. Đối với trường hợp cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư cũng chính là đơn vị quản lý, sử dụng công trình, nhất là ở cấp xã, thì người quyết định đầu tư có thể đồng thời là Chủ đầu tư.

- Việc Chủ đầu tư giao nhiệm vụ, quyền hạn cho Ban quản lý dự án phải bảo đảm các nguyên tắc: Phân định rõ trách nhiệm của Chủ đầu tư và Ban quản lý dự án; phân cấp mạnh cho Ban quản lý dự án theo tinh thần nhiệm vụ phải đi đôi với quyền hạn để giảm tối đa các thủ tục hành chính giữa Chủ đầu tư và Ban quản lý dự án; đồng thời vẫn bảo đảm nguyên tắc Chủ đầu tư phải kiểm soát được và chịu trách nhiệm về quá trình quản lý thực hiện dự án.

Ban quản lý dự án là đơn vị trực thuộc Chủ đầu tư. Chủ đầu tư giao nhiệm vụ, quyền hạn cho Ban quản lý dự án phù hợp với điều kiện thực tế của Chủ đầu tư, yêu cầu của dự án và các nguyên tắc nêu trên, trừ một số nhiệm vụ, quyền hạn  Chủ đầu tư phải trực tiếp thực hiện như: Phê duyệt thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán; quyết định, phê duyệt điều chỉnh thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán; kiểm tra, chấp thuận một số hợp đồng quan trọng trước khi giao cho Ban quản lý dự án ký kết; tổ chức nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng để đưa vào sử dụng. Trường hợp đặc biệt, cần thiết phải uỷ quyền cho Ban quản lý dự án thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn nêu trên thì Chủ đầu tư phải báo cáo người có thẩm quyền quyết định đầu tư xem xét, quyết định.

Chủ đầu tư có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc Ban quản lý dự án thực hiện nhiệm vụ, đồng thời phải chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ của Ban quản lý dự án.

2. Về chuyển đổi, tổ chức lại các Ban quản lý dự án khu vực, Ban quản lý dự án chuyên ngành: Các bộ, cơ quan ngang bộ, Uỷ ban nhân dân các cấp căn cứ tình hình thực tế về số lượng các dự án đầu tư xây dựng công trình do mình đang làm Chủ đầu tư và chương trình, kế hoạch triển khai các dự án đầu tư xây dựng công trình của các năm sau để quyết định việc chuyển đổi hoặc tổ chức lại các Ban quản lý dự án chuyên ngành, Ban quản lý dự án khu vực (do mình lập ra và trực tiếp quản lý) cho phù hợp với điều kiện thực tế, các quy định của pháp luật và bảo đảm các yêu cầu nêu tại mục 1 của văn bản này. Việc xử lý có thể theo một trong các phương án sau đây:

a) Trường hợp các bộ, ngành, địa phương có số lượng dự án ít dẫn đến tình trạng có Ban quản lý dự án thiếu việc hoặc hết việc thì cần nghiên cứu sắp xếp, tổ chức lại các Ban quản lý dự án cho phù hợp với yêu cầu thực tế; chỉ giữ lại các Ban quản lý dự án đang quản lý các dự án dở dang hoặc các dự án đã được quyết định đầu tư trong trường hợp áp dụng mô hình "Chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án"; không để tình trạng các Ban quản lý phải chờ dự án. Việc sắp xếp, tổ chức lại các Ban quản lý dự án thực hiện theo hướng chuyển thành doanh nghiệp tư vấn quản lý dự án chuyên nghiệp, giúp Chủ đầu tư thực hiện quản lý dự án thông qua hợp đồng ký với từng Chủ đầu tư. Căn cứ điều kiện thực tế, các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo thành lập các doanh nghiệp tư vấn quản lý dự án trên cơ sở chuyển đổi từ một Ban quản lý dự án hoặc ghép nhiều Ban quản lý dự án, bảo đảm điều kiện năng lực để quản lý các dự án theo quy định.

Đối với các Ban quản lý dự án không thể sắp xếp, chuyển đổi theo các phương án nêu trên thì bộ, ngành, địa phương ra quyết định giải thể và có trách nhiệm giải quyết dứt điểm các tồn tại của các dự án cũ và quyền lợi của cán bộ, nhân viên của Ban quản lý dự án.

b) Trường hợp các bộ, ngành, địa phương có số lượng dự án nhiều, bảo đảm công việc liên tục cho các Ban quản lý dự án thì vẫn giữ lại các Ban quản lý dự án để quản lý các dự án theo mô hình "Chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án", nhưng phải bảo đảm các yêu cầu  nêu tại mục 1 của văn bản này. Một Ban quản lý dự án của Chủ đầu tư có thể được giao quản lý nhiều dự án nhưng phải được người quyết định đầu tư chấp thuận và phải bảo đảm nguyên tắc: Từng dự án phải được quản lý, theo dõi, ghi chép riêng và quyết toán kịp thời sau khi kết thúc dự án theo đúng quy định. Trường hợp cần thiết Chủ đầu tư có thể báo cáo người quyết định đầu tư cho phép thành lập Ban quản lý dự án mới để quản lý đối với các dự án có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp.

Trường hợp các Ban quản lý dự án có nguyện vọng được chuyển đổi thành tổ chức tư vấn nhằm khai thác, phát huy hết năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và kinh nghiệm sẵn có của Ban quản lý dự án thì bộ, ngành, địa phương quyết định và tạo điều kiện để các Ban quản lý dự án chuyển đổi thành tổ chức tư vấn quản lý dự án chuyên nghiệp, tuy nhiên phải bảo đảm không làm gián đoạn quá trình quản lý thực hiện các dự án.

3. Đối với những dự án quy mô nhỏ, đơn giản mà Chủ đầu tư có điều kiện về nhân lực và chuyên môn thì Chủ đầu tư có thể không thành lập Ban quản lý dự án mà sử dụng các đơn vị chuyên môn của mình để kiêm nhiệm việc quản lý dự án; trường hợp cần thiết có thể thuê người có chuyên môn, kinh nghiệm để giúp quản lý dự án. Trường hợp Chủ đầu tư đồng thời triển khai thực hiện nhiều dự án có quy mô nhỏ như trên thì Chủ đầu tư có thể thành lập Ban quản lý dự án để quản lý đồng thời nhiều dự án nhưng phải bảo đảm yêu cầu từng dự án phải được theo dõi, ghi chép riêng và quyết toán kịp thời.

4. Ban quản lý dự án của Chủ đầu tư có thể thuê tổ chức, cá nhân tư vấn để tham gia quản lý, giám sát một số phần việc khi không có đủ điều kiện, năng lực chuyên môn để tự thực hiện, nhưng phải được Chủ đầu tư chấp thuận. Nhà thầu tư vấn quản lý dự án được thuê tổ chức, cá nhân tư vấn tham gia một số phần việc quản lý dự án, nhưng phải được Chủ đầu tư chấp thuận và phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn trong hợp đồng đã ký với Chủ đầu tư.

5. Trách nhiệm của Chủ đầu tư trong việc quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình: Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm toàn diện về những công việc thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật, kể cả những công việc đã giao cho Ban quản lý dự án hoặc thuê nhà thầu tư vấn quản lý dự án thực hiện.

Trường hợp áp dụng hình thức Chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án thì Chủ đầu tư phải phân công ít nhất một cán bộ lãnh đạo cơ quan, đơn vị phụ trách việc quản lý thực hiện dự án và giao nhiệm vụ cho các đơn vị chuyên môn thuộc bộ máy của cơ quan, đơn vị mình để tham mưu, giúp việc cho lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ đầu tư và theo dõi, kiểm tra, đôn đốc Ban quản lý dự án thực hiện đúng các nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Trường hợp áp dụng hình thức thuê tư vấn quản lý dự án thì Chủ đầu tư cũng phải phân công ít nhất một cán bộ lãnh đạo cơ quan, đơn vị phụ trách việc quản lý thực hiện dự án và giao nhiệm vụ cho các đơn vị chuyên môn thuộc bộ máy của cơ quan, đơn vị mình để tham mưu, giúp việc cho lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ đầu tư và kiểm tra, theo dõi việc thực hiện hợp đồng của tư vấn quản lý dự án nhằm bảo đảm dự án được thực hiện đúng nội dung, tiến độ, chất lượng và hiệu quả.

6. Về yêu cầu năng lực của Ban quản lý dự án: Cơ cấu tổ chức của Ban quản lý dự án gồm có giám đốc, các phó giám đốc và các đơn vị chuyên môn, nghiệp vụ. Những người tham gia Ban quản lý dự án làm việc theo chế độ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm. Giám đốc, các phó giám đốc và những người phụ trách về kỹ thuật, kinh tế, tài chính phải có trình độ đại học thuộc chuyên ngành phù hợp với lĩnh vực phụ trách và có kinh nghiệm làm việc chuyên môn tối thiểu 3 năm. Riêng đối với các dự án nhóm C ở vùng sâu, vùng xa thì các chức danh nêu trên có thể giao cho những người có trình độ cao đẳng hoặc trung cấp thuộc các chuyên ngành phù hợp.

Đối với trường hợp Chủ đầu tư không phải là đơn vị quản lý, sử dụng công trình thì đơn vị quản lý, sử dụng công trình có trách nhiệm cử người tham gia với Chủ đầu tư để quản lý dự án. Người do đơn vị quản lý, sử dụng công trình cử tham gia vào Ban quản lý dự án được bổ nhiệm làm phó giám đốc Ban quản lý dự án và không nhất thiết phải bảo đảm những yêu cầu về chuyên môn và kinh nghiệm nêu trên.

Trên đây là một số hướng dẫn, giải thích về tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình. Trong quá trình thực hiện, các bộ, ngành, địa phương nếu có vướng mắc do phát sinh vấn đề mới hoặc do tính chất đặc thù của các dự án chuyên ngành thì phản ánh bằng văn bản về Bộ Xây dựng để được giải quyết.

 

Nơi nhận:
-Như trên;
- Văn phòng CP;
- Lưu VP, PC.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG


 
 
Nguyễn Văn Liên

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Công văn số 1394 /BXD-PC về hướng dẫn về tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình do Bộ Xây dựng ban hành.

Số hiệu: 1394/BXD-PC
Loại văn bản: Công văn
Nơi ban hành: Bộ Xây dựng
Người ký: Nguyễn Văn Liên
Ngày ban hành: 28/06/2007
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [3]
Văn bản được căn cứ - [0]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Công văn số 1394 /BXD-PC về hướng dẫn về tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình do Bộ Xây dựng ban hành.

Văn bản liên quan cùng nội dung - [1]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…