BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2981/BVHTTDL-VP |
Hà Nội, ngày 10 tháng 08 năm 2022 |
Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Sơn La do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 487/BDN ngày 14/6/2022, nội dung kiến nghị như sau:
1. Đề nghị trình Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định số 21/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác; theo hướng nâng mức khung nhuận bút và bổ sung quy định các chức danh, thành phần được thụ hưởng nhuận bút, thù lao như người viết lời bình phim, đọc lời bình, cố vấn phim, biên dịch và thuyết minh phim bằng tiếng dân tộc.
2. Đề nghị trình Thủ tướng Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Quyết định số 14/2015/QĐ-TTg ngày 20/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp và chế độ bồi dưỡng đối với người làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Lý do: Chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp đối với diễn viên múa theo Quyết định số 14/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ giảm so Quyết định 180/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 09/8/2006 (hiện còn 15%, trước đây là 20%); mặt khác, chế độ bồi dưỡng luyện tập và biểu diễn chưa quy định rõ đối với từng diễn viên (diễn viên chính, diễn viên chính thứ, diễn viên phụ).
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xin trả lời như sau:
1. Về đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định số 21/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 theo hướng nâng nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác và bổ sung quy định một số chức danh, thành phần được thụ hưởng nhuận bút, thù lao
Quy định về việc chi trả nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác được thực hiện theo Nghị định số 21/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ. Theo đó, nguyên tắc trả nhuận bút, thù lao trên cơ sở thỏa thuận giữa bên sử dụng tác phẩm và tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; trường hợp tác phẩm do Nhà nước đặt hàng, đấu thầu thì nhuận bút, thù lao được trả theo hợp đồng đặt hàng, đấu thầu. Đối với lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, Nghị định số 21/2015/NĐ-CP đã cập nhật, bổ sung tên gọi của một số chức danh, thành phần sáng tạo cho phù hợp với thực tiễn; chỉnh sửa, bổ sung và cụ thể hoá một số thể loại, quy mô tác phẩm và khung nhuận bút, thù lao tính theo mức lương cơ sở hoặc theo tỷ lệ phần trăm (%) doanh thu cuộc biểu diễn nhằm tạo sự linh hoạt để bên sử dụng tác phẩm và bên sáng tạo tác phẩm có thể khuyến khích, tương hỗ, thúc đẩy lẫn nhau trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật. Nhuận bút được căn cứ vào quy mô, chất lượng tác phẩm nghệ thuật để trả cho các chức danh, thành phần sáng tạo tác phẩm trên cơ sở mức lương cơ sở. Từ năm 2015 đến nay, khi mức lương cơ sở được điều chỉnh tăng thì mức chi trả nhuận bút cũng tăng theo tương ứng.
Tuy nhiên, trải qua 07 năm thi hành Nghị định số 21/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 trên thực tế có nhiều nội dung hạn chế, bất cập. Ngày 05/4/2022, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã ban hành Công văn số 1136/BVHTTDL-BQTG về việc báo cáo Tổng kết thi hành Nghị định số 21/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác gửi các bộ, ngành, địa phương. Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tiến hành tổng hợp, nghiên cứu tham mưu, đề xuất trình Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định số 21/2015/NĐ-CP trong thời gian tới.
2. Về đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp và chế độ bồi dưỡng đối với người làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.
- Ngày 20/5/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 14/2015/QĐ-TTg quy định những đối tượng được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp, cụ thể như sau: Mức phụ cấp 20%, áp dụng đối với đối tượng: Người chỉ huy dàn nhạc giao hưởng nhạc vũ kịch, dàn nhạc giao hưởng; diễn viên tuồng, chèo, cải lương, xiếc, múa rối nước, nhạc kịch (Opera), vũ kịch (múa Ballet), kịch nói, kịch dân ca, kịch hình thể; người biểu diễn nhạc cụ hơi; Mức phụ cấp 15%, áp dụng đối với đối tượng: Người chỉ huy dàn hợp xướng, dàn nhạc sân khấu truyền thống; diễn viên kịch câm, hát dân ca, hát mới, múa rối cạn, múa đương đại, múa dân gian dân tộc, múa hát cung đình, múa tạp kỹ; Người biểu diễn nhạc cụ dây, nhạc cụ gõ, nhạc cụ bàn phím; kỹ thuật viên âm thanh, kỹ thuật viên ánh sáng. Mức ưu đãi nghề nghiệp trên được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu, cân đối giữa các bộ môn nghệ thuật, đồng thời căn cứ vào đặc thù chuyên môn, quá trình đào tạo và chức năng hoạt động của từng chức danh nghề nghiệp trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.
- Về chế độ bồi dưỡng luyện tập và biểu diễn: Tại Điều 4 Quyết định số 14/2015/QĐ-TTg ngày 20/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định cụ thể các mức hưởng chế độ bồi dưỡng trên cơ sở đóng góp của từng diễn viên (diễn viên chính, diễn viên chính thứ, diễn viên phụ) đối với sự thành công của vở diễn, chương trình, tiết mục nghệ thuật biểu diễn.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trân trọng gửi tới Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La để trả lời cử tri./.
|
BỘ TRƯỞNG |
Công văn 2981/BVHTTDL-VP năm 2022 về bổ sung chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp và chế độ bồi dưỡng đối với người làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành
Số hiệu: | 2981/BVHTTDL-VP |
---|---|
Loại văn bản: | Công văn |
Nơi ban hành: | Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch |
Người ký: | Nguyễn Văn Hùng |
Ngày ban hành: | 10/08/2022 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Công văn 2981/BVHTTDL-VP năm 2022 về bổ sung chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp và chế độ bồi dưỡng đối với người làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành
Chưa có Video